Chân dung văn

25/9
3:04 PM 2017

VIẾT CHO AI? VIẾT ĐỂ LÀM GÌ? VIẾT CÁI GÌ HAY LÀ BÀI HỌC GẦN DÂN

NGÔ VĨNH BÌNH - Những tác phẩm hay của văn học được ví như những vầng sáng của trí tuệ, của tài năng đồng thời cũng là sự gắn bó của niềm tin, nhân cách của những người viết. Gọn lại, tức là tài năng và lí tưởng của người cầm bút.Theo tài liệu tôi có cả nước ta hiện nay có chừng 1.000 nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và khoảng 19.000 nhà báo được cấp thẻ.

Tuy nhiên, con số người làm báo, viết văn có thể lên tới cả chục triệu người, bao gồm những người viết nghiệp dư, những người sử dụng mạng xã hội. Có người nói mỗi tài khoản mạng xã hội là một “nhà xuất bản”, một “tòa soạn” và mỗi người dùng đều trở thành một “nhà báo”, “nhà văn”. Họ có thể tự do viết đủ các thể loại và “công bố” tác phẩm của mình bất cứ lúc nào. Thời viết văn, viết báo “bàn phím”, làm báo, làm văn “trong phòng lạnh” có thể đã và đang làm “suy thoái” văn chương đích thực, văn chương chân chính chăng?! Tôi nghĩ rằng không hẳn thế bởi máy móc không thay thế con người được. Con người vẫn là “khâu” quyết định để văn học có “những tác phẩm lớn, xứng đáng với dân tộc và thời đại” như chúng ta hằng ao ước.

Những năm chiến tranh, bom đạn bời bời; thiếu thốn trăm bề, không có bàn phím, không có phòng lạnh nhưng lại xuất hiện nhiều tài năng văn học, nhiều tác phẩm xuất sắc mà cho đến nay chúng ta còn nhớ. Thế là thế nào? Phải chăng ngày ấy những người cầm bút, bên cạnh tài năng còn rất gắn bó với thực tiễn, với đời sống như câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu:

Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi, 
 Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu, 
 Tôi sống với cuộc đời chiến đấu 
 Của triệu người yêu dấu, gian lao

               (Những đêm hành quân) 

Phát biểu tại buổi giao ban báo chí nhân kỉ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017) mới đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã biểu dương những thành tựu mà báo chí đã đạt được, đồng thời đã chỉ ra những quan ngại như tình trạng trục lợi trong việc đưa tin, bài, hay việc “rút bài bất thường” trong hoạt động báo chí thời gian qua. Ông cho rằng, tình trạng báo chí bị mạng xã hội “dẫn dắt” là có, là khá phổ biến. Liên quan công tác quản lí báo chí, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nhiều cơ quan chủ quản còn chưa quan tâm xây dựng cơ quan báo chí, cả về cơ sở vật chất và đội ngũ, từ đó dẫn đến tình trạng nhiều tờ báo (và nhà xuất bản) phải tự trang trải kinh phí hoạt động, tìm cách tăng nguồn thu, kể cả bằng những cách thức không được khuyến khích, ảnh hưởng đến việc thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Báo chí là vậy, văn chương xuất bản cũng tương tự. Bên cạnh những người gắn bó với thực tiễn cuộc sống, những nhà văn viết về nhân dân, viết vì nhân dân cũng còn có những nhà văn “bàn phím”, nhà văn “phòng lạnh”. Báo chí có hiện tượng “sáng đăng bài, trưa gặp gỡ, tối rút bài” thì văn chương không phải không có hiện tượng “hôm nay họp báo giới thiệu tác phẩm đông đúc tưng bừng, ngày mai đã gặp tác phẩm trong… gánh đồng nát!” Tôi có lần gặp một người bạn viết vong niên hỏi: “Bác đi đâu vây?”. Trả lời: “Đi rải truyền đơn”. Hóa ra là anh ấy đi “tặng thơ”!

Ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi đã “mục sở thị” hai trường hợp. Nhà văn A chưa một lần ra Cồn Cỏ, nhưng viết cuốn Chúng tôi ở Cồn Cỏ hừng hực tính thời sự ở vùng chiến sự đầy đủ các nhân vật, sự kiện thật trong khi nhà văn B ra tận đảo, “ba cùng” với bộ đội hàng tháng trời và viết cuốn Họ sống và chiến đấu rất “chân thực và sinh động”.  Lí giải hiện tượng này, tôi cho rằng ngoài tài năng còn là sự “gắn bó máu thịt” với cuộc sống của nhà văn! Ông A “nghe kể”, ông B “ba cùng” rất khác nhau, nhưng đều là viết về đồng đội, vì đồng đội mà viết!

Bây giờ, người viết có thể không cần “ba cùng”, cũng chẳng cần “nghe kể” như thế vì mọi thông tin cập nhật đến độ từng giờ từng phút. Chỉ một hiện tượng xảy ra ở đâu đó trên mảnh đất Việt Nam này đặc biệt là những sự kiện, vụ việc nóng (hot), “nhạy cảm” như một vụ rơi máy bay hay nổ kho đạn, một vụ nhảy lầu... thì chỉ vài chục giây sau, cộng đồng mạng đã chia sẻ ầm ầm. Có lần tôi vô tình đọc được một bài trên báo mạng (tháng 9-2016) có cái “tít” rất giật gân: “Cái nhìn của Trung Quốc về Đặc công Việt Nam - Những chú tắc kè hoa trong rừng rậm”, trong đó công khai ngang nhiên khẳng định đặc công Việt Nam “đánh chiếm cảng Xihanúc trong chiến tranh xâm lược Campuchia”(?). Theo báo điện tử này thì Việt Nam xâm lược Campuchia? Đây không chỉ là xuyên tạc lịch sử mà còn là sự báng bổ, xúc phạm những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã sống, chiến đấu và hi sinh dũng cảm bảo vệ quê hương, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt. Cho đến tận hôm nay, Nhà nước và nhân dân Campuchia hàng năm vẫn tổ chức trọng thể lễ kỉ niệm và tri ân các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã giúp họ được giải phóng khỏi bàn tay diệt chủng tàn bạo vào ngày 7-1-1979. Chúng ta có hàng vạn liệt sĩ đã hi sinh, hàng vạn thương binh đã để lại xương máu trên đất bạn, hàng vạn gia đình mất mát người thân… để ngày nay tờ báo này lại ngang nhiên đăng bài công khai cho rằng đây là cuộc “chiến tranh xâm lược”(?). Nếu nhà văn trẻ cứ ngồi bàn phím, phòng lạnh và sáng tác dựa vào những thông tin mạng như thế này thì tác hại thật khôn lường!

Gần đây, còn xuất hiện khá nhiều biểu hiện rất không bình thường xảy ra với một vài người đứng đầu cơ quan báo chí xuất bản. Điều đó thực sự nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lâu dài trên mặt trận tư tưởng. Một trong những dẫn chứng rõ nét nhất là một bài báo “khác thường” của một nhà thơ có khá đông “fan”. Nhà thơ - người đứng đầu cơ quan báo chí nọ cho rằng, ông ta muốn “cùng tập thể chung tay góp sức để làm ra một tờ báo cánh tả nhưng bán chạy, thực hiện đúng nhiệm vụ... nhưng không bỏ rơi ai cả...”. Thật ngạc nhiên khi một người đứng đầu một tờ báo “lề phải” lại có tư tưởng “làm báo cánh tả”. Hiện tượng này có khác gì một nhà văn tài năng và tên tuổi nọ đang “vận động” thành lập một Hội Nhà văn khác bên cạnh Hội Nhà văn Việt Nam!

Còn nhớ cách nay hơn 60 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn đang trong giai đoạn khó khăn ác liệt nhất, Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc lớp báo chí kháng chiến mang tên Huỳnh Thúc Kháng tại ấp Bờ Rạ (xã Tân Thành, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Ngay trong buổi khai giảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, đã đọc diễn văn, nói rõ: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên, một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một kí giả” (Theo xã luận báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các học viên. Thư có đoạn viết:

Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây:
Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều.
Không biết giữ bí mật.
Đôi khi đăng tin vịt.
Hay dùng chữ Tàu quá, và nhiều khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì “mĩ thuật” mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc.
Tin tức chậm.
Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ. Muốn viết bài báo khá thì cần:
1. Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người.
3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu.
4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ.

(Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5. tr.625, 626)

Mục tiêu của lớp học mang tên một nhà yêu nước, một trí thức lớn năm ấy được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ nêu ra thật giản dị. Ấy theo tôi là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, là câu chuyện “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” – một vấn đề thời sự mà hôm nay chúng ta vẫn thường ngày nhắc tới. Ấy là “những đức tính căn bản cho một kí giả”: “gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ”; “gần gụi dân chúng”, “ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài” và “nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát”...

Rồi cũng chỉ sau khi lớp báo chí mang tên cụ Huỳnh - lớp học về báo chí đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam khai mạc được ít tháng, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa - Thái Nguyên) diễn ra một sự kiện trọng đại đối với giới báo chí Việt Nam (ngày 21/4/1950). Đó là Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam), mở ra một trang sử mới cho giới thông tin, báo chí Việt Nam. Mục đích tôn chỉ của Hội những người viết báo Việt Nam ngay từ khi mới ra đời là nhằm góp phần đưa kháng chiến đến thành công, đồng thời đề ra nhiệm vụ lâu dài: phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng ấy quán xuyến mọi hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam hơn 60 năm qua.

Thực tiễn hoạt động báo chí cách mạng nước ta từ ngày lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng khai giảng (tháng 6 năm 1949) đến nay đã khẳng định vai trò quan trọng và những đóng góp tích cực của báo chí trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Đúng như lời khẳng định của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa...” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr.616)

Nhớ về những năm tháng khai mở lớp báo chí mang tên nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, những người làm báo, viết báo hôm nay không khỏi bồi hồi nhớ về những lời dạy bảo chân tình của Bác Hồ cùng những kinh nghiệm được rút ra từ cuộc đời làm báo trong bão lửa chiến tranh và đói nghèo một thuở của các bậc làm báo lão thành.

Trong cuộc chạy đua thông tin hiện nay, văn chương, báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Bạn đọc là sống còn đối với báo chí, văn chương. Bạn đọc và công chúng quyết định sự tồn tại của nhà văn, nhà báo. Hiện chúng ta đang mất dần công chúng, đó là một thực tế. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo; một người viết mà không gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Đó là lời dặn ân cần của Bác Hồ với giới báo chí cũng là với giới văn bút, đồng thời cũng là một thông điệp từ lớp báo chí đầu tiên của nước Việt Nam mới mang tên Huỳnh Thúc Kháng gửi đến hôm nay.

Đó là bài học gần dân!
Thế đấy, để có một nền văn học cách mạng, một tủ sách về nghề văn đồ sộ và sáng đẹp viết về đất nước, nhân dân trong những năm nửa sau thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, những người cầm bút chân chính thế hệ nối tiếp thế hệ đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, trăn trở, thăng trầm; nhiều khi không chỉ có “lao tâm khổ tứ” mà còn phải đánh đổi bằng chính tuổi trẻ và xương máu của mình. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của họ là sản phẩm của một lịch sử tất yếu và khắc nghiệt. Họ chỉ là một mảnh nhỏ, một góc hẹp, một giọt nước mong manh, nhưng qua đó cũng có thể thấy hiện lên sâu thẳm cả cuộc chiến tranh anh hùng và đau đớn cùng những tháng năm bắt đầu đổi mới với biết “bao nhiêu là bỡ ngỡ, dằn vặt, khó khăn giống như một cuộc lột vỏ da non mới mọc chưa lành, một cái gì chạm phải cũng nhỏ máu” (nói theo cách nói của nhà văn Nguyễn Đình Thi) mà dân tộc ta đã phải cắn răng đi qua để có được hôm nay.
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *