Chân dung văn

10/9
8:02 AM 2016

HÀ XUÂN TRƯỜNG: NGƯỜI THỔI KÈN BÈ LẢNH LÓT

Đỗ Ngọc Yên- Kỷ niệm 92 năm ngày sinh nhà văn Hà Xuân Trường (13/9/1924-13/9/2016

 

Nhà văn Hà Xuân Trường sinh ngày 13/9/1924, tại xã Đức Vịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, mất ngày 12/6/2006 tại Hà Nội. Ngoài tên Hà Xuân Trường, ông còn có bút danh Xuân Trường, nhưng tên thật của ông lại là Hà Nghệ. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, hồi nhỏ học chữ Hán ở trường làng, sau theo học tiểu học và trung học ở Vinh. Năm 1943, học Tú tài ở Hà Nội. Năm sau đấy, ông tham gia phong trào Việt Minh trong một tổ chức Cứu quốc tại Thủ đô Hà Nội.

*

Cách mạng tháng Tám thành công, Hà Xuân Trường giữ chức vụ Bí thư Thanh niên Cứu quốc Hà Tĩnh, Ủy viên thường vụ Việt Minh tỉnh Hà Tĩnh, phụ trách tuyên huấn tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh. Từ tháng 5/1947, ông tham gia công tác ở báo Sự thật và trong tiểu ban tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản. Năm 1951, ông tham gia Ủy viên Bộ Biên tập báo Nhân dân. Từ năm 1957 đến 1960, ông học lý luận Chính trị cao cấp ở Liên Xô. Năm 1962, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong thời gian này, ông cho xuất bản cuốn sách lý luận phê bình Mấy vấn đề văn nghệ. Năm 1963- 1964, ông làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Từ năm 1965- 1982, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nghệ thuật và làm Chủ nhiệm Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật. Từ năm 1982- 1986, Hà Xuân Trường là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V, Trưởng ban Văn hóa- Văn nghệ Trung ương. Từ năm 1986- 1991, ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI và là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Từ sau năm 1991 cho đến khi mất, ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học- Nghệ thuật Việt Nam (nay là Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam).

Trong cuộc đời hoạt động văn hóa, văn nghệ, Hà Xuân Trường đã cho xuất bản tổng cộng 13 cuốn, trong đấy cuốn đầu tiên và duy nhất xuất bản 1955 là truyện ký Thửa ruộng vỡ hoang, còn lại đều là nghiên cứu, lý luận, phê bình văn nghệ, gồm:  Mấy vấn đề văn nghệ (lý luận, 1966); Tìm hiểu văn nghệ (nghiên cứu, 1966); Vì một nền văn nghệ mới Việt Nam (1971); Đường lối văn nghệ của Đảng - vũ khí, trí tuệ, ánh sáng (1975); Dưới ánh sáng Đại hội IV của Đảng (1978); Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân mới  (1979); Trên một chặng đường (1980); Sự nghiệp văn hóa văn nghệ dưới ánh sáng đại hội V; Văn học- cuộc sống- Thời đại (1986); Văn hóa, khái niệm và thực tiễn (1994); Hữu nghị Việt- Nhật (1995); Tuyển tập Hà Xuân Trường (tuyển tập nghiên cứu, lý luận, phê bình (1994).

Để ghi nhận những đóng góp của ông trên mặt trận Văn hóa- Văn nghệ, Nhà nước đã phong tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 2001 và Huân chương Hồ Chí Minh, năm 2007.

Với một người như Hà Xuân Trường, dám nói thẳng về công việc mình đã làm trong suốt hơn 50 năm, trước lúc về với tiên tổ văn học với tôi là hoạt động cách mạng là điều rất đáng để ghi nhận. Vì trong quãng thời gian sống trên cõi đời này, dường như ông chỉ làm mỗi một việc duy nhất là thổi kèn bè cho phong trào văn hóa văn nghệ Cách mạng. Đối với ông, ngoài cái sự đúng đã được định vị sẵn trong đường lối văn nghệ của Đảng, Hà Xuân Trường chỉ còn mỗi việc tán dương hoặc minh họa cho cái sự đúng ấy mà thôi. Vả lại đã là đường lối văn nghệ của Đảng bao giờ cũng đúng, dù có tán thêm đến mấy cũng chẳng thể nào làm cho nó đúng hơn. Điều đáng nói là ông chưa bao giờ đi nhầm đường, lạc bước. Ngặt nỗi dân ta trước đây, chữ nghĩa chưa nhiều, việc lĩnh hội chủ trương đường lối nhiều lúc cũng khó khăn đối với không ít người, nên cần có những người như Hà Xuân Trường, cốt để phổ biến những chủ trương, đường lối văn nghệ của Đảng đến người dân nói chung và đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, trong đó một bộ phận được coi là những kẻ lắm điều, nhiều chuyện. Hà Xuân Trường là người tiếp bước một cách bài bản và có nghề hơn so với bậc đàn anh, nhà lý luận mác- xit Hải Triều, xét trên khía cạnh khuynh hướng tư tưởng, vì ông đã được đi đào tạo lý luận chính trị cao cấp ở Liên Xô (cũ) từ 1957- 1960.

*

Ông đã chọn và tự đặt cho mình phải đi trên con đường duy nhất đúng ấy, nên chẳng bao giờ phải lo lắng nghĩ suy gì nhiều. Điều ấy có cái lợi là khỏi mang vạ vào thân. Nhưng cũng có cái không lợi vì như thế ông chẳng phải làm gì và những điều ông viết ra đã có sẵn trong các văn kiện của Đảng. Với một người như ông chỉ cần thêm vài từ đưa đẩy, vài trích dẫn cụ thể, mà chỉ toàn là những trích dẫn đúng, cho có vẻ sinh động, thế là xong một bài viết mang tính chỉ đạo văn nghệ. Đọc các bài viết ký tên ông, người ta thấy dường như đã được học tập, chỉnh huấn về một văn kiện nào đấy của Đảng, mà chẳng thấy một Hà Xuân Trường, trong tư cách nhà lý luận, phê bình văn học đâu cả.

Có lẽ một bài mang dấu ấn cá nhân Hà Xuân Trường khá rõ là bài Chân tướng của bọn đế quốc và tay sai (chung quanh vụ Xôn-giê-nít-xưn). Chỉ tiếc đây không phải là bài lý luận phê bình văn học trực tiếp viết về những vấn đề của đời sống văn chương Việt, mà lại viết về sự kiện nhà văn Nga Aleksandr. I. Solzhenitsyn qua đời ngày 03/8/2008. Ông viết: Báo chí, các cơ quan xuất bản, thông tấn phản động phương Tây đang làm rùm beng chung quanh quyển sách Quần đảo Gu- lắc của Xôn-giê-nít-xưn, chẳng khác gì bầy nhặng ngửi thấy miếng thịt bò chết. Chúng được dịp tăng cường chiến dịch vu khống và xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, đả kích vào các đảng cộng sản. Việc làm này không mới lạ, nó cũ rích như bản thân chủ nghĩa tư bản. Từ ngày chủ nghĩa cộng sản còn là một bóng ma, giai cấp tư sản đã trút mọi căm hờn vào nó. Ngày nay một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh đang là nhân tố quyết định sự phát triển của nhân loại. Không tiêu diệt được chủ nghĩa xã hội bằng quân sự, bằng đàn áp, giai cấp tư sản sử dụng cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ nhằm xuyên tạc, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng thời tìm cách ve vãn, thực hành chính sách diễn biến hòa bình, hy vọng gây được sự nổi loạn từ bên trong. Vụ Xôn-giê-nít-xưn là một trong bao nhiêu vụ chúng đã nhúng tay vào hoặc dựng lên (1). Còn bài Văn học, nghệ thuật trong đổi mới tư duy đăng trên báo Văn nghệ số 1/1987, chỉ mang tính chất chỉ đạo chung chung, chẳng có gì mới.

*

Trước đấy, vào năm cuối cùng của thập niên 70 (1979), việc chuẩn bị Đề cương hoạt động và nhân sự cho Đại hội Nhà văn khóa IV được giao cho hai nhà văn là Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải chuẩn bị. Khi ấy nhà văn Nguyễn Đình Thi đương nhiệm chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và Hà Xuân Trường là Ủy viên Ban chấp hành khóa III. Đây có thể xem là thời kỳ sôi động nhất về nhu cầu đổi mới văn chương nói chung và hàng ngũ lãnh đạo Hội Nhà văn VN nói riêng. Phe đổi mới gồm Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến,...Phe bảo thủ có Tổng Thư ký đương nhiệm Nguyễn Đình Thi, Hà Xuân Trường, Chế Lan Viên,... Và thế là cuộc chiến giữa hai phe nổ ra kéo dài nhiều tháng trời.

Oái oăm thay, giữa lúc này, nhà lý luận, phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến có bài viết nhan đề: Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua đăng trên báo Văn nghệ số 23, ngày 9/6/1979, như là sự dọn đường về mặt lý luận văn nghệ cho một tương lai đổi mới văn chương nước nhà đang cận kề. Bài của ông Hiến đã gây xôn xa dư luận khắp cả trong và ngoài nước. Đúng vào thời điểm này nhà văn Nguyên Ngọc đương nhiệm chức Tổng biên tập báo Văn nghệ. Vậy là phe bảo thủ như ngầm dò được tín hiệu phát đi từ phe đổi mới, nên cuộc chiến càng cam go và quyết liệt hơn.  

Trong Ghi chép từ Hội nghị nhà văn đảng viên 6-1979 (2) của nhà nghiên cứu, lý luận Vương Trí Nhàn còn ghi rõ: Trước buổi họp, Hoàng Ngọc Hiến viết một bài đang làm dư luận xôn xao. Nhân chuyện Nguyễn Minh Châu cho rằng ta thích tả đời sống như ta mong muốn, ta thích hiện thực phải đạo, ông Hiến nêu một công thức- ở ta đang có xu hướng cái cao cả lấn cái bình thường. Và cái thói phải đạo kia là nội dung chủ nghĩa hiện thực ta hay nói. Vậy nên gọi nó là chủ nghĩa hiện thực phải đạo.

Mọi cuộc cách mạng xã hội và văn hóa diễn ra đều là cuộc chiến giữa hai phe đổi mới và bảo thủ. Nguy cơ chiếc ghế quyền lực văn nghệ rơi vào tay phe đổi mới đã nằm gần sát tầm tay với của phe bảo thủ. Để phản kháng lại nguy cơ đổi mới nền văn nghệ nước nhà, phe bảo thủ do Hà Xuân Trường cầm đầu mở cuộc họp các báo, đài gợi ý phê phán bản đề dẫn của Nguyên Ngọc và bài viết của Hoàng Ngọc Hiến. Trước sự kiện này có hai luồng ý kiến cho rằng, có thể Hà Xuân Trường làm theo lệnh của Tố Hữu, lúc này là người lãnh đạo văn nghệ tối cao. Nhưng cũng có người bảo ông Trường thích cầm đèn chạy trước ô tô để ghi điểm lập công trong việc trấn áp phe đổi mới, giữ yên cho đời văn nghệ khỏi bị xáo trộn, nhất là vào lúc nền kinh tế nước nhà còn quá nhiều khó khăn như lúc bấy giờ. 

Vậy là chẳng biết do cơ sự nào mà người được Hà Xuân Trường phân công đánh Hoàng Ngọc Hiến không phải là ai khác, mà chính là tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký, lão nhà văn Tô Hoài. Cũng trong tài liệu ghi chép trên của Vương Trí Nhàn, ngày 4/11/1979, ông cho hay: Báo Văn nghệ đăng bài của ông Tô Hoài phê phán ông Hiến. Ông Tô Hoài cho rằng: Xã hội ta mọi việc đều tốt. Mọi mối quan hệ đều hoà hợp. Không có những hiện tượng cái cao cả lấn át cái bình thường. Hoàng Ngọc Hiến như vậy, chỉ là thấy cái cá biệt.

Cái ông Tô Hoài này xưa nay viết cái gì cũng giả. Nay, do phân công mà làm, do bắt buộc phải làm, tức viết giả, thì cũng chẳng kém gì cái thật ông vẫn viết. Nghĩa là cũng rối như canh hẹ, chả ra lý luận gì, kể cũng buồn cười (3).

 Nhiều người phản đối, cho là ông Tô Hoài dại. Nguyễn Văn Hoàn, khi ấy là Phó Viện trưởng Viện Văn học bảo: Trong văn học, ông Tô Hoài to, chứ trong lý luận đâu có to. Trong bài này, ông ta lại lấy cái tôi của mình ra để bàn lý luận. Tôi = lý luận, như thế không ổn (4).

Vậy là cơ hội đổi mới nền văn nghệ nước nhà đã tuột khỏi tầm tay. Bởi lẽ, khi ấy chưa có Nghị quyết đổi mới kinh tế- xã hội đất nước của Đảng, thì dứt khoát văn hóa- văn nghệ không thể nào đổi mới được. Cách lập luận của những người bảo thủ lúc ấy là như vậy. Vả lại, phe bảo thủ khi ấy còn nhiều quyền lực cả trong chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa văn nghệ, làm sao họ lại có thể từ bỏ ngai vàng của mình cho những người chủ trương đổi mới. Ít ra là phải chờ tới 7- 8 năm nữa, tức là vào năm 1986-1987, khi Nghị quyết đổi mới nền kinh tế của Đảng ra đời, thì cơ hội đổi mới văn nghệ mới có thể bắt đầu. 

*

Có lẽ đáng kể nhất đối với nhà lý luận, phê bình văn học Hà Xuân Trường là bài viết về Trần Đức Thảo với nhan đề Người tư duy không biết mệt, đăng trên Báo Văn nghệ, Thứ bảy, 24/7/1993. Ở bài viết này cái được của ông Trường là nhìn nhận một người lắm tài, nhiều tật như Trần Đức Thảo một cách mềm mỏng, có lý có tình. Ở đoạn kết bài viết, Hà Xuân Trường cho rằng: Anh (Trần Đức Thảo) đấu tranh cho tự do, dân chủ, đề cao cá nhân, cá tính, nhưng anh đặt cá nhân trong quan hệ của cộng đồng, coi cá tính xuất hiện từ tập đoàn. Anh khẳng định có con người chung, nhưng lại coi trọng tính giai cấp, tính dân tộc, những thể hiện xã hội của con người mà anh xếp vào biểu hiện ở hàng một.

Với tuổi 75, bệnh nặng, nhưng với một trí lực lớn lao, một say mê triết học đến khôn cùng, Trần Đức Thảo lao vào công việc như bao năm nay anh vẫn làm. Mấy bài viết cuối cùng của anh (1992-1993) là sự tiếp tục của một tư duy luôn tìm cái mới cho phương pháp biện chứng duy vật dưới một đầu đề chung La logique du Présent vivant (Lôgích của cái hiện tại hiện hữu). Nguyễn Đình Thi đã gọi Trần Đức Thảo là Người lữ hành vất vả, Trần Văn Giàu gọi Trần Đức Thảo- nhà triết học. Viết bài này, tôi góp thêm một tiếng gọi Trần Đức Thảo - người tư duy không biết mệt.

Tất nhiên là cách nhìn nhận của Hà Xuân Trường về Trần Đức Thảo ở vào thời điểm này có thể nói là thuận hơn, vì đường lối đổi mới đã diễn ra ở nước ta được 5-6 năm rồi, nên không khí dân chủ trong đời sống chính trị- xã hội của đất nước nói chung, của văn nghệ sĩ, trí thức khoa học nói riêng đã được cởi mở hơn rất nhiều, so với thời kỳ cuối những năm 70.

Dù vậy, chúng ta có thể ghi nhận trong dàn kèn bè của văn nghệ cách mạng, tiếng kèn của Hà Xuân Trường trong một vài thời điểm tỏ ra lảnh lót hơn, nhất là thời kỷ cuối thập niên 70 đầu 80 của thế kỷ trước. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật được nhà nước trao tặng cho Hà Xuân Trường là sự ghi nhận công lao đóng góp của ông ở khía cạnh phong trào xã hội của văn chương, chứ không phải ở giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của các tác phẩm văn chương. Điều này cần thiết phải được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, tránh sự nhầm lẫn giữa hai khía cạnh khác nhau của văn chương./.  

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *