Chân dung văn

26/8
5:39 PM 2016

NHÀ THƠ-HỌA SĨ BÀNG SĨ NGUYÊN: “LÒNG VẪN TRÔI THEO NƯỚC NHỊ HÀ”

HUY TUẤN - Con hẻm nhỏ trên đường Hoà Hưng, phường 13, quận 10, TP Hồ Chí Minh, lánh xa những ồn ã và năng động, nay đã vắng một người, nhà thơ - hoạ sĩ Bàng Sĩ Nguyên, người đàn ông cô đơn, một mình đã mấy chục năm có lẻ trong căn nhà ngập tràn tranh, sách.

                                                                                          Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên (ảnh: Internet)

Sáng ngày 06.5.2016, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên trút hơi thở cuối cùng. Nhà thơ, họa sĩ tài hoa dường như biết trước định mệnh của cuộc đời mình, nên vài ngày trước khi ra đi, ông gọi điện thoại cho con gái, nhà thơ Bàng Ái Thơ ở Hà Nội: “Con ơi, bố đã đến thời điểm phải ra đi rồi…”. Chị Thơ không quá ngạc nhiên, bởi xưa nay, cụ là người biết xem lá số tử vi và biết vận mệnh của đời mình. Cụ ra đi thanh thản, như một giấc ngủ sâu thẳm vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 92 tuổi.

 

Sinh thời, Bàng Sĩ Nguyên từng tự bạch: “Gia đình tôi gốc Nho học. Cha tôi là Bàng Nguyên Dũng, từng theo học trường Đông Kinh nghĩa thục, sau mở hiệu thuốc Bắc ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Nhà thơ Bàng Bá Lân là anh ruột, một người anh khác là Bàng Thúc Long cũng theo nghiệp văn và vẽ... Tuy nhiên, theo cha tôi, mỗi người đều phải lo lấy “nghiệp” riêng của mình. Sớm đã được ảnh hưởng thi ca, lý học và y học từ truyền thống gia đình, năm 1947, tôi cùng công tác hoặc quen biết với các anh Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh.. và đọc nhiều tác phẩm của họ. Tôi viết từ những năm ở Việt Bắc, khát vọng quy chiếu bản thân, cảm nhận, thâu nạp những điều gì nên viết thì viết. Cũng chẳng nhớ sự việc ấy trong trí nhớ, ký ức, thời gian nào, chỉ biết đó là những phút thăng hoa tâm thái mà viết như kiểu các thiền sư Ấn Độ vậy... Khó nhất là làm sao có cảm hứng, nghĩa là những yếu tố hào hứng nhập trong trạng thái sáng tạo, với tâm thái hồn nhiên. Chỉ lúc ấy tôi mới cảm thấy hình thành một nội lực bên trong, cứ như là từ trạng thái chân không, với nhân cách chân không mà Huy Cận cho là ở dạng tinh vân vũ trụ vậy...”.

 

Năm 1956, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên được nhiều nhà thơ, nhà phê bình cùng thời chú ý với bài thơ Vợ chồng đi chợ xuân: “Núi rừng mờ xa mờ xanh với xanh/ Đường non như lưu rồng uốn khúc/ Vợ ngồi lưng ngựa vợ đi trước/ Chồng nắm đuôi ngựa chân theo nhanh/ Vợ chồng xuống núi đi chợ xuân/ Sương sớm còn che như lấp lối/ Vợ ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân/ Vợ thường ghìm cương dừng ngựa lại/ Một dãy rừng mai hoa ướt sương/ Đường xuân đưa vợ chồng xuống núi/ Váy vợ phồng căng đầy gió đồng/ Đuổi theo vó ngựa mỏi chân chồng/ Vào chợ đổi hàng, mua vải muối/ Mắt đưa nhìn quanh thấy rượu nồng/ Chồng ghé vào hàng, say mấy chén/ Vợ bán mua xong, dắt ngựa đến/ Thấy chồng dim mắt cười nắng xuân...”. Nhận định về thơ Bàng Sĩ Nguyên, nhà thơ Ngô Văn Phú viết: “Những năm năm mươi, Bàng Sĩ Nguyên đã nổi tiếng với bài thơ “Vợ chồng đi chợ xuân” và những bài thơ thiên nhiên, đặc biệt là cảnh sắc phong vị ở Việt Bắc, Tây Bắc. Có thể nói, ông là một nhà thơ người Việt viết thành công về đời sống phong tục của các dân tộc anh em. Thơ ông bản năng, hồn nhiên, lắm lúc như ở trạng thái vô thường. Chính lúc đó, thơ ông mới hay, mới gây được tứ lạ, cảm xúc lạ mà nhiều người không có”.

 

Nữ sĩ Bàng Ái Thơ, nhà thơ, họa sĩ, con gái của ông chia sẻ rằng: Trong suốt cả những năm tháng ấu thơ, ký ức của chị về cha mình là những tháng ngày ông miệt mài đọc sách, vẽ tranh, viết văn. Chưa bao giờ ông ngừng làm việc, ngay cả khi ốm. Trong gia đình, cha chị là người toàn tay quán xuyến. Hồi còn nhà ở 96 Phố Huế, khi tiếng tàu điện chạy leng keng vào lúc 4 giờ 15 phút sáng, ông đã khua các con dậy, cho dù mùa hè nóng ran hay mùa đông buốt giá. Dạy học Tam Tự kinh, nhân chi sơ, 7 người con xếp hàng dài như học sinh. Tuy là có những quy tắc trong gia đình, nhưng đặc biệt, ông không bao giờ quát mắng hay đánh đập con, ông để cho các con theo thiên hướng tự nhiên của mình. Cũng trong quá trình dạy học, ông phát hiện được năng khiếu của các con để sau này các con có những lựa chọn của riêng mình trong công việc cũng như cuộc sống. Điều đặc biệt nhất, theo chị Bàng Ái Thơ, đó là vì ông am hiểu tử vi, nên khi các con chào đời, đều được ông gieo quẻ, xem lá số để đặt tên theo vận mạng của mình. Chẳng hạn, Bàng Ái Thơ trong lá số là một người yêu thơ ca nghệ thuật, nên ông đặt là Ái Thơ. Bàng Phương Chính, người con trai tính thẳng thắn, cứng cỏi, là nghệ sĩ thích bôn ba mới sống được. Bàng Sĩ Trực cũng là người thẳng thắn, nhưng có tính nghệ sĩ, cũng chỉ làm nghệ thuật là sống được với tính cách của mình...

 

Những tháng năm sau này, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên dường như tạm dừng con đường thơ ca để theo đuổi nghiệp vẽ của mình. Ông là một hoạ sĩ tài hoa. Ông từng được mời đi nghỉ và tham gia trại sáng tác thuộc vùng Hắc Hải (Liên Xô). Ở Hắc Hải, một người bạn Do Thái (nhà triết học, họa sĩ RifTruz) có nói với Bàng Sĩ Nguyên: “Ông làm thơ để làm gì, trong lúc tranh ông lại đẹp như thế”. Sau lời động viên đó, ông đã liên tục vẽ tranh và mở phòng tranh cá nhân đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1973. Ông vẽ tranh chỉ là một sự rẽ ngang mà hiện tại ông có 5 bức tranh trong cung điện Hoàng Gia của Nhật. Ông cũng là người vẽ tranh kỳ lạ bởi chỉ chấm tay vào mực và vẽ chứ không cần đến cọ. Ông cho rằng vẽ bằng tay cảm xúc sẽ thật hơn, tay sẽ biết nhấn vào điểm nào, để thổi hồn vào tác phẩm. Lần cuối cùng gặp ông chỉ cách trước ngày ông ra đi chừng một tháng, tôi đến thăm căn nhà nhỏ của ông. Ông đang ngồi vẽ, ông bảo: “Ngày nào tôi cũng vẽ, không vẽ là không sống nổi, trong nhà tôi hiện có hơn 3000 bức tranh đủ các đề tài, quý lắm đấy, đầy ở tầng 1, tầng 2, ngóc ngách nào cũng có.”. Rồi ông đặc cách cho tôi được phép lên gác hai, nơi có hàng trăm bức tranh ông đã vẽ và để làm “của để dành”. Ông vẽ trên mọi chất liệu, bằng tất cả những gì có thể gọi là màu sắc, hình khối để tạo nên một bức tranh, có bức tranh rõ hình hài, có những bức chỉ là những nét phác họa giản đơn... Mà rất lạ nhất, bàn tay của ông chính là cái bút vẽ, chỉ cần vài cái xoa xoa, miết miết, đã thành hình một bức tranh. Với ông, dù nhỏ to, dù là nhanh hay chậm, dù là kỳ công hay đơn giản, thì những bức tranh đều là những khoảnh khắc của đời người và ông giữ lại hết tất cả như là nhân chứng, vật chứng của những giây phút lên đồng, xuất thần hoặc gọi một cách đúng hơn là “lên cơn vẽ” của ông.

 

Có một câu chuyện buồn mà nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên cứ nhắc đi nhắc lại là câu chuyện về người em trai đã mất của ông. Ông bảo: “Cuộc đời là thế đấy. Bây giờ, tôi chỉ thương em trai tôi, chú ấy mất đã mấy chục năm rồi, nhưng không có ngày nào ăn cơm mà tôi không nghĩ đến chú ấy. Chú ấy ra đi quá oan ức, chết đói mà không ai biết. Tôi đi cấp cứu thì đã muộn. Bây giờ tôi ăn một miếng lại nghĩ đến em mình, thương lắm. Lỗi một phần do tôi. Ngày chú ấy mất, tôi khóc ròng cả tháng trời mà mù cả mắt đấy. Rồi tôi tự chữa khỏi mắt cho mình, vì tôi có hàng trăm cuốn sách thuốc, 30 năm qua tôi chưa phải đến bệnh viện một lần nào, tôi sống khỏe mạnh và minh mẫn, tôi tự chữa bệnh cho mình. Tôi vẽ tranh, làm thơ là dành cho chú ấy. Rồi ông đưa cho tôi tuyển tập thơ được Hội Nhà văn Việt Nam in cho ông, giở đúng bài thơ Đưa em tôi đi: “Gợi nhớ nỗi buồn trần ai/ Khi tôi theo vòng bánh xe quay/ Vào buổi hoàng hôn lá rụng/ Khi bừng lên sao thất tinh trên nắp hòm quan/ Hừng sáng những lời thơ/ Tôi nghe từng nỗi sầu vương/ Từng lời em gọi/ Trong tĩnh lặng thâm sâu/ Có những ngày trôi thầm lặng/ Có hơi thở của em tôi/ Có nhịp đập của con tim/ Tiếng động của bước chân/ Vào lúc người em đi mãi mãi/ Em tôi bỏ lại những ngày trông đợi...”. Rồi ông lại khóc, những giọt nước mắt già nua đọng lại trên gương mặt xương xẩu gầy gò của ông. Bởi nỗi buồn trĩu nặng, vì thế mà ông không trở lại Hà Nội. Nơi đã gắn bó với một thời tuổi trẻ đầy mê say của cuộc đời ông. Ông bảo: “Hà Nội chỉ gợi cho tôi những ký ức buồn, những điều mà tôi muốn quên đi. Dù lúc mới đi xa tôi nhớ khủng khiếp. Ở đó tôi có tất cả, có các con, có bạn bầu một thuở. Nhưng sống ở đâu thì quen đó. Giờ tôi quen với Sài Gòn, đúng hơn là quen với cái góc nhỏ này của tôi. Tôi cũng chẳng cần gì, chỉ cần có một chỗ để vẽ, để thiền. Tôi không thiền thì tôi không khỏe được như hôm nay. Tôi chả bệnh tật gì dù người tôi gầy”. Và rồi như là định mệnh, nhà thơ, hoạ sĩ Bàng Sĩ Nguyên đã ở lại mảnh đất Sài Gòn trong niềm tiếc nuối khôn nguôi của những người con và toàn thể gia đình. Tôi nhớ đã đọc được bài thơ ông viết về mảnh đất Hà Thành: “Ngày tháng/ Chỉ có hai mùa mưa và nắng/ Xa sắc hoa đào/ Có sắc mai ẩm iu hơi lạnh/ Tình duyên tắt/ Lòng vẫn trôi theo nước Nhị Hà/ Nghe tiếng còi tàu nhớ Hà Nội/ Một thân thầm gọi cái con xa/ Hỡi ơi xoay xỏa gì đây chứ?/ Vẫn hồn ngây dại cái thân ta/ Cùng bao nỗi riêng còn ôm mãi/ Thương anh, thương em ở quê xa/ Còn gì mất gì ôi cách biệt/ Mỗi khi Tết đến lại khóc òa” (Vào Nam)... Không ai có thể tránh khỏi lẽ tự nhiên của đất trời tạo hoá, sinh, lão, bệnh, tử. Tôi thì tin rằng, dù ông đã ra đi, nhưng những gì ông để lại cho nền thơ ca, hội hoạ nước nhà sẽ như câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. 

Nguồn: VĂN NGHỆ

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *