TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: NHỐT QUYỀN LỰC ĐỂ CHỐNG THAM NHŨNG
Nhà văn Bùi Hoàng Tám (ảnh: Internet)
Quyền lực luôn là khát vọng với không ít người. Tham vọng quyền lực cũng là tham vọng chính đáng bởi chỉ một khi có quyền lực, mới có thể thực thi được những ý tưởng của mình một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cao hơn nữa là cho sự phát triển của nhân loại.
Tuy nhiên, quyền lực rất dễ mê hoặc và có khả năng biến một cá nhân (hoặc một nhóm người) trở thành chuyên quyền, độc đoán, độc tài...
Cách đây hơn 4 năm (11/2012), trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnam Net, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH cho rằng, sự lạm dụng quyền lực nhà nước, sự tha hóa quyền lực bởi người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước “là một "căn bệnh cố hữu" của mọi nhà nước, bất kể thuộc thể chế chính trị nào”.
Để chứng minh cho quan điểm của mình, ĐB Lê Thị Nga đã dẫn lời của nhà luật học Lord Acton: “Quyền lực nếu không được kiểm soát sẽ trở thành tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn tới sự tha hóa tuyệt đối”. Chính vì tính hai mặt của quyền lực, nhân loại tiến bộ đã đề ra nhiều phương pháp để kiểm soát quyền lực mà nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhốt quyền lực vào trong cơ chế, thể chế”.
Phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Ninh ngày 14/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói nguyên văn: "Chủ trương đã có, đã rõ, nhưng thực hiện sao cho đúng, cho hiệu quả, không chủ quan được... Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được. Đúng hướng, đúng chủ trương, nhưng làm thế nào cho hiệu quả, không phát sinh tiêu cực, không để xảy ra hệ quả không mong muốn. Bởi vậy, bước đi phải chặt chẽ, bài bản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm". Làm thế nào để “nhốt” quyền lực, tránh không cho quyền lực bị tha hóa (tham nhũng, tiêu cực chính là sự tha hóa của quyền lực)?
Câu hỏi này đã có câu trả lời ngay trong Hiến pháp hiện hành của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đó là tại Điều 1, Chương 1, Hiến pháp 2013 qui định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Hiểu cụ thể ở đây, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ và khi quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân thì khi đó, quyền lực của cá nhân hay một nhóm người nào đó sẽ bị “nhốt” vào trong cơ chế, thể chế. Để quyền lực thuộc về nhân dân chính là xây dựng một xã hội dân chủ theo tinh thần “công bằng, dân chủ, văn minh”.
Trong truyện Tây du ký có một chi tiết rất hay. Đó là nhân vật Tôn Ngộ Không sau khi tu luyện thành công tất cả các phép thuật đã trở nên chuyên quyền, làm náo loạn cả thiên đình khiến Ngọc Hoàng thượng đế phải “nhốt” vào trong Ngũ Hành Sơn. Khi thoát ra ngoài, nhằm khống chế quyền lực của Tề thiên Đại Thánh, Phật Bà đã gắn lên đầu Ngộ Không chiếc vòng kim cô để hạn chế quyền lực.
Hiểu theo “ngôn ngữ” hiện đại, người nắm giữ “câu thần chú” để kiểm soát sự tha hóa, lộng hành, “nhốt” quyền lực chính là quyền làm chủ của nhân dân. Cụ thể về tham nhũng, tiêu cực, đây chính là biểu hiện “tha hóa” của quyền lực nên cần phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực, tức là “nhốt quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được” như lời của TBT Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ khi nào quyền lực được kiểm soát chặt chẽ như chiếc “vòng kim cô” trên đầu Tôn Ngộ Không và người nắm câu “thần chú” chính là nhân dân thì khi đó, quyền lực mới không bị tha hóa, tệ nạn tiêu cực, tham nhũng mới bị khống chế phải không các bạn?
BÙI HOÀNG TÁM (Nguồn: Vanhaiphong.com)