Văn học với đời sống

1/5
11:32 AM 2018

HAI NGƯỜI LÍNH TRONG KHÚC CA HÒA BÌNH

Chu Chí Thành-Đầu tháng 1/2018, nhà báo Võ Nguyên Thủy, Phó giám đốc Đài truyền hình Quảng Trị đến nhà tôi hỏi chuyện về bức ảnh Hai người lính, và cuộc sống của họ hiện nay để chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 45 năm ngày ký kết Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hai người lính(chiến sĩ Quân Giải phóng-bên trái, và anh lính Cộng hòa), tại chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Mùa xuân  1973 (Ảnh: Chu Chí Thành).

Thấy người đồng nghiệp trẻ say mê với đề tài này, tôi cho anh số điện thoại của Hai người lính và số điện thoại của nữ nhà báo Dương Phương Vinh, Báo Tiền Phong, người đã cất công từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm ra ông Bùi Trọng Nghĩa, anh lính Sài Gòn trong ảnh năm xưa.

Sau ít ngày, Bùi Trọng Nghĩa gọi điện cho tôi, ông băn khoăn không biết có ra Quảng Trị được không. Còn ông Nguyễn Huy Tạo thì đang bị hút vào mấy dự án sản xuất kinh doanh của bạn bè, mà ông được mời làm tư vấn, liệu có dứt ra được? Tôi rất mong có cuộc trùng phùng này để khớp nối lại mảnh đời của mỗi người, nên cứ ngóng tin ở Hai người lính. Mình đã ngoài 70 tuổi, các chú ấy cũng ngoài 60 tuổi cả rồi. Ngoảnh đi, nghoảnh lại từ lần tình cờ gặp nhau trên tuyến giáp ranh đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua...

Mấy hôm sau, Võ Nguyên Thủy gọi điện chính thức mời tôi, và cho biết, Hai người lính đã vui vẻ nhận lời của Ban tổ chức, và họ đã ấn định được ngày lên đường. Lòng tôi xốn xang không khác gì khi nhận được lệnh vào Quảng Trị 45 năm trước. Tối 24/1/2018, tôi lên tầu hỏa từ ga Hàng Cỏ. Đi cùng để hỏi chuyện tôi và ghi hình là anh Triệu Đô, phóng viên quay phim truyền hình VTV. Sáng hôm sau, Ông Bùi Trọng Nghĩa từ Thành phố Hồ Chí Minh đáp máy bay ra sân bay Phú Bài, Huế. Chúng tôi cũng kip đón ông tại sân bay.  Mãi đến hôm ấy,  Nghĩa và tôi mới gặp  nhau, ông xiết chặt tay tôi, cái xiết tay nồng ấm rất chặt nói lên tấm lòng của ông. Còn ông Tạo, giữa tháng 5/2015 chúng tôi đã gặp nhau sau bài báo của Quốc Nam, báo Tuổi Trẻ nói về Hai người lính trong ảnh. Nhân dịp mấy cựu chiến binh ở Thạch Thất, Hà Tây cũ vào thăm chiến trường xưa ở Quảng Trị có chuyện nhận diện nhầm, cho rằng anh lính Giải phóng trong ảnh là chiến sĩ Dương Minh Sắc, quê ở Thạch Thất Hà Tây đã mất cách vài năm. Rồi trên báo Tiền Phong, theo ông Tạo kể sau lần chụp ảnh mấy ngày, có buổi văn nghệ của Văn công Quân khu V, khi bài hát Tiếng đàn Ta lư của Huy Thục cất lên đến đoạn: Kia trông một hai ba bốn năm sáu, bẩy... tên lính Thủy đánh bộ Mỹ  kia, nó bị bắt trên rừng, bộ đội Giải phóng ơi, các anh đánh hay hung... thì phía Sài Gòn có báo động. Tất cả tốp lính đang nghe hát phải bỏ cuộc vui, chạy về. Nghe nói anh lính Sài Gòn bá vai Tạo chụp ảnh vấp phải “lựu đạn gài” của  phía  họ, “đã chết” tại tuyến giáp ranh từ độ ấy. Nhưng ngay trong bài viết, Dương Phương Vinh vẫn còn hồ nghi về cái chết của người lính Sài Gòn. (Tuy nhiên, nhờ sự khởi đầu của Báo Tuổi Trẻ, và cuộc gặp Người chiến sĩ Giải phóng năm xưa ở Hà Nội, mà sau đó Báo Tiền Phong đã tìm được đúng người lính thứ hai).

 Ngay chiều 25/1/2018, chúng tôi đến thăm O Chiến, người du kích có mặt tại buổi “Giao lưu” của hai phía trong ngày hòa binh đầu tiên vào mùa xuân năm 1973. Bà là người đội mũ tai bèo, hàng đầu, thứ hai từ phải  sang. Còn người nữ du kích bắt tay anh lính Cộng hòa trong ảnh là O Chính, năm ấy mới 20 tuổi là Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch. O lấy chồng ở Gio Linh, mất cách đây vài năm. Đến hôm nay tôi mới biết tên hai nữ du kích này. Nghe bà Chiến kể chuyện, gia đình ông bác có các con làm việc cho chính quyền Sài Gòn, nhưng bố bà theo cách mạng, rồi bị phía Sài Gòn giết. Các anh con ông bác cũng không cứu nổi chú mình. Ngôi nhà bà Chiến cũng rất đơn sơ, bà lại bệnh tật ốm yếu, cũng gần giống bà Xuân vợ ông Nghĩa, khiến ông Nghĩa đồng cảm mủi lòng. Chia tay bà Chiến, ông lặng lẽ lên xe không nói được nhiều. Nhưng đêm hôm đó ông Nghĩa lại ngủ được, không trơ trơ con mắt mất ngủ như ở nhà. Dường như những câu chuyện ban chiều đã làm vơi đi sự mặc cảm của ông về bản thân và gia cảnh nhà mình.

 Sáng 26/1/2018, Nguyễn Huy Tạo mới đến Quảng Trị, chậm một hôm so với chúng tôi, do ông có buổi lễ đưa chân linh mẹ lên chùa. Tối 25 ông cùng Đại tá Trần Long, thủ trưởng cũ của đơn vị thời chinh chiến ở Thành cổ, Quảng Trị lên tầu từ Hà Nội vào. Khoảng 4 giờ sáng ngày 26/1, ông Nghĩa và tôi ra ga  Đông Hà đón hai ông. Đây là giờ phút đầu tiên sau 45 năm Hai người lính gặp lại nhau.  Lúc đầu bắt tay nhau dưới ánh đèn nhà ga họ còn ngờ ngợ, sau khi lên xe về khách sạn, nói chuyện đôi câu thì nhận ra nhau ngay, bởi họ đều có chung kỷ niệm của những ngày hòa hợp đầu tiên. Ngay buổi sáng hôm đó, chúng tôi ba người của thuở xa xưa đã trở lại chốt Long Quang. Nơi mà máy bay B52 dội bom nhiều lần, pháo kích của hai phía chà đi sát lại phạt trụi cây cối, còn lại là cánh đồng hoang đầy cỏ dại lòa xòa mặt đất, thì nay là những vạt cây đước, cây dương, cây si nối tiếp nhau thành cánh rừng non tít tắp. Đi cùng chúng tôi có ông Phan Tư Kỳ xã đội trưởng du kích và ông  Lê Quốc Thạnh cũng là du kích những năm 1972, 1973. Nguyễn Huy Tạo đi trước, Tạo ngó nghiêng nhận diện khu vực, định vị  nơi đóng quân, chỉ cho những ngườ đi cùng chỗ phân chia ranh giới.  Rồi ông vui mừng reo lên “Đúng đây rồi!”.  

Các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh, quay phim đến tận nơi này đều muốn nghe và tận mắt thấy Hai người lính ôn lại cái không khí đặc biệt, cái tình huống hiếm hoi ngày hòa bình đầu tiên ấy mà họ đã hồn nhiên bá vai nhau. Dân truyền thông còn muốn có hình ảnh hôm nay tương tự như ngày trước của Hai người lính để câu chuyện khép tròn có hậu. Tôi thì hơi khác một chút, muốn một lần nữa kiểm  chứng, xem lại có đúng người, đúng cảnh hay không? Có gì giống xưa và có gì khác xưa?... Thấy hai ông Tạo và Nghĩa hào hứng nắm tay nhau, bá vai nhau hòa vui với những người đi cùng, thế là tôi bấm máy. Tiếng máy chờ đợi sau 45 năm của tôi đã vang lên rất nhẹ. Khuôn hình hai cựu binh ấy được thu vào ống kính tự nhiên, dung dị như chính họ. Đặc biệt độ mở giữa ngón tay cái và ngón liền kề bên trái của Nguyễn Huy Tạo đặt trên vai Bùi Trọng Nghĩa vẫn y hệt như trong ảnh cũ, nó mở ra một kẽ rộng, không trệu một ly. Tuy họ đã già đi, nhưng ánh mắt, nụ cười của Hai người lính ấy vẫn còn trong trẻo như ngày nào. Tôi rất thú vị với kết quả không ngờ này. Nhiếp ảnh, vâng! Nhiếp ảnh chuẩn xác tới từng chi tiết đã khiến tôi yên tâm. Tôi thầm cảm ơn Nhiếp ảnh người bạn trung thực đã giúp tôi xác định được Hai người lính  ngày nào.

Chiều tối hôm đó, cả ba chúng tôi được đến Đài tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh, liền sau đó tham dự chương trình kỷ niệm mang tên “Khúc ca Hòa bình” tại Quảng trường Giải Phóng. Ba người chúng tôi được mời lên sân khấu giao lưu để Truyền hình Quảng Trị và Truyền hình Khu vực  Miền Trung VTV8 phỏng vấn, phát sóng trực tiếp truyền qua 10 đài địa phương, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lúc giao lưu chúng tôi không giấu nổi niềm xúc động nhớ tới một thời máu lửa oanh liệt, nhớ tới đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường. Chúng tôi lòng nhủ lòng, sự hiện diện hôm nay, lời nói hôm nay là việc ủy thác của những người đã hy sinh. Tôi nhắc tới bạn tôi, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng đã buông tay máy tại Hải Lăng vào ngày giải phóng Quảng Trị 1/5/1972. Mười phút hiếm hoi trên làn sóng tối hôm ấy lại một lần nữa ngoài ước mong của chúng tôi. Không ngờ ba người trẻ tuổi hồn nhiên năm xưa từng bước ra từ ba tọa độ lửa khác nhau lại có chung một phúc phận như vậy.

 

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *