HƯƠNG TỎA ÂM THẦM SAU ÁNH HOÀNG HÔN
Khi cầm tập thơ “Mắt chiều khép ánh hoàng hôn” trên tay, nghĩa là bạn sẽ được thêm một lần nữa bước vào thế giới khác với những điều mình đang trải nghiệm mỗi ngày, mỗi giờ. Nguyễn Việt Anh làm thơ như một bản năng, tất cả mọi nỗi yêu thương, buồn khổ, hi vọng, nghi ngờ, trăn trở... đều có thể vào thơ anh rất “ngọt”. Ngay cả những chiêm nghiệm thẳm sâu nhất cũng được diễn giải vô cùng giản dị, sự giản dị của một người hiểu được cõi Thiền.
Dường như tất cả những gì trong trẻo nhất, hồn hậu nhất và cũng sâu lắng nhất đều được thẩm thấu ngược từ trái tim người viết lên mỗi trang bản thảo. Mỗi trang thơ ấy là một nhành hoa bé nhỏ, khiêm nhường đang lặng lẽ lên hương, đến với người đọc một cách tự nhiên và bền bỉ. Tập thơ lần này có thể gọi là “lục bát toàn tòng”, 63 bài được viết theo thể thơ truyền thống, mỗi bài gói gọn trong 4 câu (chỉ có hai bài được viết thành 6 câu) nhưng chứa đựng ở đó rất nhiều tâm tư. Đặc biệt, tất cả các bài thơ đều không đặt tiêu đề mà chỉ đánh số thứ tự theo thời gian sáng tác. Bạn đọc có thể theo cái trình tự đó để tự tìm ra những “mật ngữ” mà tác giả gửi gắm qua từng câu thơ, từng hình ảnh tưởng như vô tình được xếp cạnh nhau trong tập sách.
Theo đúng cách đọc tuần tự, đến bài số 56 bỗng dưng bạn đọc phải ngỡ ngàng trước sự hé mở của người viết:
Chong đèn người thấy rõ đêm
Chong đêm tôi thấy ánh đèn rạng soi
Người bảo đèn sáng, còn tôi
Tin rằng đêm sáng, đâu lời đúng sai
Người ta thường chỉ thấy được bóng đêm lui đi khi thắp lên một ngọn đèn chứ ít ai nhìn ra được sự rạng ngời của ánh sáng trong tâm tưởng của mình. Trong số chúng ta, chắc hẳn không có ai biết cách “chong đêm” để nhìn thấy ánh đèn rạng soi, vì lâu nay người ta chỉ quen với khái niệm đèn sáng mà không biết rằng đêm cũng “sáng” lên trong tâm trí mình. Cái cách nhìn ánh sáng của Nguyễn Việt Anh khiến bạn đọc vừa thú vị vừa cảm phục.
Không nặng nề triết lý, mỗi bài thơ cứ như một lời nhắn nhủ thật nhẹ nhàng với nhân gian, với bè bạn, với tình yêu và với cả chính mình. Chẳng hạn khi nói về sự tàn lụi, anh viết:
Ngày vui giờ ở nơi đâu
Lòng đường tê tái thấm sâu mưa phùn
Mắt chiều khép ánh hoàng hôn
Lá khô xao xác tách hồn khỏi cây
(Bài 23)
Hay về sự thức tỉnh kì diệu khi con người được giác ngộ:
Gió lay ngàn nón xanh rung
Hồn ta là cả cánh rừng đổ chuông
(Bài 26)
Đọc thơ Nguyễn Việt Anh từ những tập trước cho đến “Mắt chiều khép ánh hoàng hôn”, đều thấy rằng trong anh có một tình cảm rất lớn dành cho thiên nhiên. Có cây, hoa lá, mây trời, sóng nước, trăng sao... không còn là thiên nhiên thuần túy mà đã trở thành bạn bè, thành tri kỉ của anh. Vạn vật như cùng một tiếng nói, cùng chung nhịp đập với nhau.
Sương bay như thể tần ngần
Lá rơi như thể phân vân, ngập ngừng
Mùa thu như thể nửa chừng
Vừa đi vừa sợ người dưng lỡ làng.
(Bài 33)
Mùa thu của trời đất hay phía dốc bên kia của đời người, để mà vừa qua đi vội vã, vừa dùng dằng níu kéo, sợ cả cho “người dưng” bị lỡ làng? Luôn đắn đo day dứt trước những nỗi niềm chưa kịp hoặc khó lòng bày tỏ, những câu thơ mang nặng điều nghi vấn:
Bao giờ lột xác tình ơi
Cho ta trở lại kiếp người hỡi ve
(Bài 35)
Tác giả bỏ qua biện pháp nhân hóa thông thường, mà sử dụng thủ pháp “vật hóa” để nhấn mạnh nỗi đau đớn trong tình yêu. Giá như sau mỗi lần tình yêu đi ngang đời mình, những người từng yêu nhau đều được “lột xác” trái tim để trở lại thuở tươi xanh ngày trước, để không còn phải hóa thân thành kiếp ve sầu mà ca lên khúc đau tình bi thương... Nhưng không phải vì chịu đựng những vết thương lòng mà con người đóng sập cánh cửa vị tha, bởi vượt lên tình cảm đôi lứa chính là tình yêu thương nhân loại.
Không em lòng vẫn Hồ Tây
Càng yêu mới lạ, càng say cũ thường
(Bài 37)
Ở đời mọi lẽ hợp - tan, mọi điều còn - mất đều vô thường, yêu thương tất cả, khoan dung với người, với mình thì sẽ sống thanh thản và bình yên hơn. Thấu đạt tới nhận thức đó nên Nguyễn Việt Anh dẫu viết về nỗi buồn hay niềm đau thương thì vẫn luôn chọn ra được ngôn từ và cách diễn đạt nhẹ nhàng nhất.
Bài thơ kết thúc toàn tập khiến bạn đọc phải hơn một đọc lại và lặng yên suy ngẫm:
Nhặt lên chiếc lá héo khô
Thấy ta trong cõi hư vô thay hình
Gió đưa chiếc lá tái sinh
Về đây rơi lại chỗ mình đã rơi
(Bài 63)
Con người đến với cõi tạm này chỉ là thoáng chốc trong vô tận thời gian. Vòng luân hồi sẽ đưa ta trở lại để chịu đựng những trầm luân bể khổ hay cho ta được hưởng thụ phúc phần đều là sự nằm ngoài mọi ước muốn, tham vọng của vạn vật. Được sinh ra làm người ở kiếp này, có thể kiếp sau sẽ chỉ là chiếc lá, và ngược lại, biết đâu kiếp trước ta từng là chiếc lá bé nhỏ kia...
Nguyễn Việt Anh luôn có ý thức duy trì ngọn lửa đam mê với thi ca, anh đọc thơ mỗi ngày và viết rất đều đặn, hầu như năm nào cũng có ấn phẩm góp mặt trên thi đàn. Mặc dù việc đọc và viết của anh không hề đơn giản như những người khác, nhưng không phải vì thế mà anh gồng mình lên để tạo sự “ồn ào” không đáng có. Mỗi ngày, mỗi tháng anh cứ lặng lẽ với tình yêu bền bỉ đó để dành tặng cho bạn đọc lớn tuổi và nhỏ tuổi những vần thơ trong sáng nhất của mình.
Như một loài hoa mãnh liệt sống và âm thầm tỏa hương sau ánh hoàng hôn...
Ngày 07-3-2018
Phạm Thị Phong Lan