Văn học với đời sống

4/5
8:15 PM 2018

VỀ BÀI BÁO:"ĐỀN CẶP TIÊN-DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT"

TRẦN NHUẬN MINH


 

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: VỀ BÀI BÁO “ĐỀN CẶP TIÊN - DI TÍCH LỊCH SỬ
QUỐC GIA ĐẶC BIỆT”
 
                                                                      TRẦN NHUẬN MINH
 
        Báo Quân khu Ba , số 1518 ( Bộ Mới) ra kì IV tháng 4 năm 2018, tại trang 9 có đăng bài “ Đền Cặp Tiên – Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt” của tác giả Đỗ Phương, trong đó có đoạn: “ Cũng theo ông Tuấn ( Hồ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng VH&TT huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), đền Cặp Tiên được xây dựng từ thời nhà Trần, thần chủ thờ tiểu thư con gái Trần Quốc Tảng đã theo cha ra chấn ải ( đúng ngữ pháp phải viết là  trấn ải ) vùng Cửa Đông, An Bang”. Tôi chỉ xin bàn lại về điều này.
     Tôi rất muốn ông Tuấn và tác giả Đỗ Phương cho biết từ căn cứ lịch sử nào mà nói và viết như vậy. Điều đó hoàn toàn là bịa tạc. Đền Cặp Tiên là tên gọi dân gian, còn tên chính thức của đền là “ Đền quan Chánh” thờ một ông chánh nào đó có công với dân ở địa phương.
      Theo tôi được biết, thì Cửa Ông hiện nay trước gọi là Cửa Suốt. Cửa Suốt là tên gọi chệch Cửa Xuất, mà trong sử nhà Nguyễn gọi là Suất ti tuần. Đây là trạm hải quan của triều nhà Nguyễn xây dựng khoảng sau năm 1884, để thu thuế của Pháp khi chủ mỏ Pháp xuất những tấn than đầu tiên của vùng mỏ Cẩm Phả xuống tàu vận tải chở than về nước Pháp. Nên nhớ ngày 24/4/1884, triều đình nhà Nguyễn mới bán vùng than Cẩm Phả cho người Pháp, để lấy 10 vạn đồng tiền Đông Dương.
      Cũng theo các bia đá hiện còn tại Đền Cửa Ông và bộ sách địa chí thời Nguyễn là Đại Nam thực lục, bộ sách khoa học nghiêm túc này biên soạn từ năm 1875, hoàn thành năm 1883, thống kê tất cả mọi chi tiết về đất đai, làng xã, chợ búa, tôm cá, đền chùa…, thì tỉnh Quảng Yên ( Quảng Ninh ngày nay) duy nhất ( đến năm 1883) chỉ có một đền là đền Cửa Suốt – không có chữ Cửa Ông - thờ duy nhất một người là Hoàng Cần, người châu Tiên Yên. Đến khoảng năm 1910, đền ở dưới thấp được vợ quan chủ mỏ Pháp đưa lên vị trí hiện nay xây lại ( trong một triển lãm ngành than nhân 40 năm ngày truyền thống công nhân mỏ 1936 – 1976, tôi nhớ có trưng bày ảnh ông chủ mỏ bỏ tiền cho vợ xây đền Cửa Ông và ghi ông này là quan ba mật thám Pháp). Năm 1916, đền Cửa Ông mới đưa Trần Quốc Tảng vào thờ vọng và ngày 18/3 năm Khải Định thứ 2 ( 1917) đền Xã Tắc ở Móng Cái mới đưa Trần Quốc Tảng vào  phối thờ vọng. Lí do theo tôi nghiên cứu, thì tháng 10 âm lịch năm 1913, ông chủ hội thuyền người Bắc Ninh tu sửa cái miếu thờ Đông Hải Đại vương ( tước vua Gia Long phong cho cá Voi) ở Bến Đoan Hòn Gai, nay ở trung tâm TP Hạ Long, sau năm 1802, theo sắc chỉ của vua Gia Long nhà Nguyễn. Vì cá Voi đã cứu Nguyễn Ánh thoát chết trong cuộc tử chiến với thủy quân Tây Sơn tại vùng biển Bà Rịa – Vũng Tầu, rồi lập nên triều Nguyễn năm 1802. Hiện trước cửa đến Trần Quốc Nghiễn vẫn còn lá cờ rất lớn có 4 chữ Đông Hải Đại vương đó thôi. Chính ông chủ hội thuyền người Bắc Ninh đã đưa Trần Quốc Nghiễn con trưởng của Trần Quốc Tuần, người đóng quân ở Bắc Ninh vào đây thờ, để cầu mong Ngài che chở giông bão trong các chuyến thuyền buôn qua vùng ven biển này. Lúc đó, cái miếu này còn ở giữa biển trời nước hoang vu ( bốn chữ này do ông chủ hội thuyền khắc vào bia đá, hiện vẫn còn trước cửa đền Trần Quốc Nghiễn). Lại nên nhớ, tước được phong của Trần Quốc Nghiễn không có tên Đông Hải Đại vương). Vì Hòn Gai thờ anh, nên Cẩm Phả mới đưa em là Trần Quốc Tảng vào thờ 3 năm sau ( 1916), rồi  27 năm sau, năm 1943, ông Quản Mai xây đền và chùa Long Tiên ở Hòn Gai mới đưa Trần Quốc Tuấn, cha của hai anh em vào thờ. Tất cả đều rõ ràng hiển nhiên như vậy, tại sao ta cứ bịa tạc ra là các ông ấy sống chết ở đây đóng quân ở đây và đền thờ lập ra từ thời Trần để thờ các vị anh hùng này. Xin thưa, theo Đại Việt sử kí toàn thư của thời Lê ( 1497), Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng không hề có bất cứ một liên can gì, chưa từng đến vùng đất từ Đông Triều - Uông Bí ra đến vùng Hòn Gai Cẩm Phả hiện nay. Không có một nhà khoa học nào có khả năng  tìm thấy, dù chỉ 1 chữ thôi, trong các thư tịch khoa học lịch sử có liên can đến các vấn đề nêu trên. Vậy ta cứ bịa ra mà làm gì. Làm thế vô hình chung, chúng ta đã xúc phạm đến nhân cách và danh dự của các danh thần mà chúng ta không tự biết hay sao?
    Trở lại Đền Cặp Tiên. Do đó hoàn toàn không có chuyện Trần Quốc Tảng ra “trấn ải Cửa Đông, An Bang”, càng không có chuyện tiểu thư con gái Ngài ra đây. Nên nhớ Ngài  đã được phong Đại vương, tước cao nhất của triều đình, vì Ngài  là  anh ruột vợ Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông, bố vợ vua đương triều Trần Anh Tông. Một năm nào đó trước đây,  trong bài đọc oang oang qua loa phóng thanh trong Lễ diễu hành, còn nói con gái Trần Quốc Tảng thấy cha chết uất ức ở đây, đã nhảy xuống giếng này tự tử và nhân dân đã tranh nhau lấy nước giếng này về nhà thờ, bịa tạc đến thế thì không còn biết sợ trời đất quỉ thần gì nữa.
  Các Ngài đã đủ sự vĩ đại và linh ứng để chúng ta thờ phụng, Xin từ nay đừng bịa tạc thêm nữa, chỉ làm mất đi sự trung thực lịch sử là cái chúng ta đang cần để dạy cho con cháu có nhân cách mà làm một CON NGƯỜI.
 

 
VỀ “HAI CÂY LIM GIẾNG RỪNG” 
 
                                                                             TRẦN NHUẬN MINH
 
        Báo Sức khỏe & đời sống, một tờ báo được rất nhiều người ở nhiều tầng lớp khác nhau đón đọc, vì ngoài việc chữa bệnh cứu người, với những tư liệu phong phú về sự nghiệp cao cả của ngành y tế, của các thầy thuốc, nhiều bài thuốc rất có hiệu quả chữa bệnh, còn cung cấp cho bạn đọc nhiều giá trị văn hóa rất sâu sắc, mới mẻ và bổ ích.
       Trong số báo ra ngày chủ nhật  17/12/ 2017 vừa qua, có bài “ Về thăm chiến địa Bạch Đằng”. Đây là một bài báo tốt, nhiều tư liệu mới, cập nhật được những vấn đề theo quan điểm nhận thức của ngày hôm nay. Ví như nhà thơ Hồ Xuân Hương mà ta từng biết, đã từng ở đây, là vợ quan tham hiệp trấn An Quảng ( nay là Quảng Yên) đã làm thơ chữ Hán và chữ Nôm về vịnh Hạ Long và sông Bạch Đằng, lời thơ rất  quí tộc, hào hoa phong nhã. Đây là Hồ Xuân Hương bằng xương bằng thịt, một Hồ Xuân Hương có thật, khác với Hồ Xuân Hương tác giả những bài thơ Nôm truyền tụng có nhiều bài gợi những “cái ấy” và “ chuyện ấy”, vẫn được truyền tụng trong dân gian, là nhân vật hư cấu của văn học dân gian và thơ cũng là thơ khuyết danh của văn học dân gian, rồi gán cho bà. Chỉ tiếc trong bài báo đáng biểu dương trên, có một đoạn dài viết về “hai cây lim giếng rừng”, đây là một cái sai, mà đến nay rất không nên có. Qua bài báo trên, càng thấy cái sai ấy có sức sống lâu bền, vì nó gắn liền với một sự thực lịch sử vĩ đại  ở thời Trần, và chắc chắn với động cơ rất tốt, người ta bịa ra cho nó cũng đã  nửa thế kỉ rồi, do đó không dễ mà xóa bỏ ngay được. Vì vậy, tôi chỉ xin nói về một điều này mà thôi.
          Bài báo dài 1 trang, có 3 cái ảnh, thì 2 cái ảnh về “ Hai cây lim giếng rừng” với dòng chú thích: “ Hai cây lim giếng rừng, chiến tích của chiến thắng Bạch Đằng, giữa rừng Quảng Yên, Quảng Ninh”. Trong bài, tác giả viết: “ Trong thị xã Quảng Yên, có hai cây lim cổ thụ mọc bên cạnh giếng Rừng. Theo các nhà khoa học, hai cây lim đã gần ngàn năm tuổi, trùng khớp với thời gian chiến thắng Bạch Đằng năm 1288” …   Một đoạn khác, sau đó: “ Hai cây lim trải qua bao khắc nghiệt của thời  gian… hai chứng nhân sống của lịch sử đã hồi sinh tươi tốt, tỏa bóng xuống hai cái giếng cổ, nước lúc nào cũng mát lạnh và trong vắt” .
        Đọc đến đây, tôi tin là các thầy thuốc và đông đảo bạn đọc sẽ nhận ra ngay một điều, không ai lại đào giếng dưới bóng lim, không phải một mà đến 2 cái giếng, để “lim tỏa bóng xuống” như thế mà lấy nước uống. Bởi vì lá lim rất độc, khi lá lim rụng xuống nước đã “ gần một ngàn năm” thì những người uống nước đó cũng “gần một ngàn năm”… nếu đúng như thế, thì … người chết cũng phải đến vài vạn người… Vì nước lá lim, chưa kể rễ lim, rất độc, uống vào là chết người luôn. Nhưng điều đó đâu có. Và theo tôi được biết  thì không có “nhà khoa học” nào xác nhận hai cây đó là 2 cây lim còn lại từ thời cụ Trần Hưng Đạo, mà chỉ có các nhà “sử thổ phỉ” bịa ra mà thôi.
       Vậy đó là cây gì? Xin thưa, đó là cây muỗm. Ai trồng? Người Pháp (có thể là viên công sứ Pháp ). Trồng từ bao giờ? Từ sau năm 1883, khi người Pháp lần đầu đánh chiếm vùng này. Rồi không biết vào năm nào, sau năm 1883, người Pháp mang nó sang trồng, rồi sau đó cho đào giếng  bên cạnh cây, dưới bóng mát của cây để lấy nước uống. Vì thế, nước giếng mới “ mát lạnh và trong suốt” được chứ. Vậy thời gian nó sống đến nay tối đa là  134 năm ( 1883 – 2017), đâu phải “ gần một ngàn tuổi” như bài báo đã viết. Lại nữa, cứ tối đến là nỏ “ ngủ”, lá rủ xuống, tương tự như cây xấu hổ vậy. Đấy là chi tiết sinh học bộc lộ nó không phải là lim, vì cây lim không ngủ đêm. Trong đêm lá lim vẫn “ tươi tốt”, “ tỏa bóng xuống”  rậm rạp như ban ngày. Như vậy, người bịa ra là cây lim, không quan sát nó trong đêm, càng không phải là một nhà “lâm học”. 
     Nhân đây xin nói thêm. Ở thị xã Quảng Yên, TP Hạ Long và Móng Cái, có 2 loại cây do người Pháp mang sang trồng, đã thành “ phong cảnh nên thơ” cho du lịch nơi đây. Đó là cây muỗm trồng quanh các dinh thự Pháp và cây long não người Pháp trồng trong sân bệnh viện và quanh bệnh viện.  Tôi từng có câu thơ : “ Mùa hè hàng cây nong não / Tỏa một mùi hương làm nhớ một người” là viết về “ nó ” đấy. Rất tiếc là ở  Móng Cái  năm 1979, ta đã triệt hạ vài chục cây nong não thời Pháp, thân cây phải 2 người ôm…          
 
       Sự nhầm lẫn như đã nói trên là rất dễ hiểu và theo tôi, tác giả bài báo  và bản báo không có lỗi. Có lỗi là các nhà “ sử thổ phỉ” và bây giờ, là những người đã thấy sai, nhưng không có một ai chính thức đứng ra “tuyên bố sửa sai” cả, dù “ hai cây lim giếng rừng” cũng đã lặng lẽ rút ra khỏi sách giáo khoa, các tuyến du lịch quốc tế và trong nước đến Quảng Yên, thăm Di tích đánh giặc Nguyên của cụ Trần Hưng Đạo, đặc biệt là bãi cọc Bạch Đằng, cũng không đưa khách đến thăm “ di tích lịch sử thời Trần” này… Điều đó có thể tác giả bài báo chưa biết.

 
 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *