TRẦN NHUẬN MINH, LỊCH SỬ VÀ SỐ PHẬN
Nhà thơ Trần Nhuận Minh
Bài thơ Buổi chiếu bóng đã tan, viết năm 1983, trước hẳn thời kỳ được gọi là đổi mới, là một bước đi lạ như thế, và hình như ít được chú ý. Cái nhìn của anh gần gũi, thân mật đối với thế giới chúng ta đang sống.
“Màn đã cuộn đi. Điện đã tắt
Hàng rào xé vé cũng nhổ rồi
Lôi thôi trên bãi toàn gạch đá
Nơi những người xem đã đứng ngồi”
Giấc mơ đã rút đi. Khi điện tắt, bạn mới bắt đầu nhìn thấy. Trông ra, lôi thôi những gạch đá. Nhìn xa hơn:
“Thăm thẳm trời cao
Sao lác đác
Bãi mờ sương khói sáng mung lung”
Thơ Trần Nhuận Minh dày đặc chi tiết, ngôn ngữ mô tả khá sống động. Phương pháp của anh bắt rễ sâu trong phương pháp hiện thực mà anh học tập từ thời trẻ, phương pháp ấy nặng về quan sát, biểu hiện, mô tả chân phương, nhẹ hơn về tưởng tượng phóng túng; các hình ảnh và ngôn ngữ ít khi vượt khỏi quy ước. Nếu chỉ như thế, như ở nhiều người khác, Trần Nhuận Minh có lẽ đã không thể đi xa. Ở anh có một điều gì khác nữa, thẳm sâu, nửa như nguyên mẫu văn hóa, lề thói dân gian, nửa như không khí phóng khoáng bạo liệt của cuộc đời hôm nay; chúng cùng chọn ký gởi ở anh những ý nghĩa bí mật. Ít có nhà thơ nào mà tính đương đại và tính dân gian giao hòa thích hợp vậy.
“Đứa thì đêm lạy van người
Ngày ngày vênh váo coi trời bằng vung
Đứa làm đạo diễn văn công
Nỗi đau đời giấu vào trong tiếng cười
Đứa đi buôn ngược, bán xuôi
Vào Nam ra Bắc ăn chơi một mình
Đứa thì làm giám đốc ngành
Đi đâu cũng có nhân tình đi theo
Đứa thì áo túm, quần đeo
Tinh mơ vác gạo, xế chiều bơm xe
Đứa liều vượt biển trốn đi
Nổi chìm nào biết tin gì thực hư
Đứa thì làm trưởng trại tù
Gặp nhau, tay bắt lạnh như đồng tiền”
Một hồ sơ xã hội, mô tả những gương mặt, tố cáo những vấn nạn, không phải chỉ những nhân vật mà còn là, và chính yếu là, những thông điệp. Thơ thế sự là thông điệp. Khi văn chương nói vế chiến tranh, nói về đàn áp, nạn nhân bị cướp ruộng đất, không phải chỉ là những hiện tượng được mô tả, mà chính là câu chuyện được kể lại, của những số phận. Thơ Trần Nhuận Minh là những ám ảnh về số phận. Trong một cuộc họp:
“Cách ngồi đã hai bề
Bên là các ông chủ
Bên những người làm thuê “
Gần gũi với người dân, các nghệ sĩ, người bần cùng, giữa đám đông, anh dễ nhận ra kẻ bất hạnh. Khả năng cá nhân quý báu ấy, có lẽ đã giúp anh nhận ra khiếm khuyết của một hệ thống, những tổn thương trầm trọng hơn của một xã hội. Người đi giúp việc ở nước ngoài:
“Tập ăn thừa dưới bếp
Tập khóc chẳng ai hay
Bài học thời mất nước
Ai ngờ dùng hôm nay”
Như vậy, anh đi xa thêm một bước. Sự phân tích sắc bén của Trần Nhuận Minh phần nào được kiểm soát bởi lòng yêu thương, thái độ trầm tĩnh. Cũng cần chú ý đến hoàn cảnh xuất thân, xã hội mà anh sống và làm việc, những ràng buộc văn chương và trần thế, chúng chắc chắn đã tác động không nhiều thì ít đến đường lối sáng tạo của người viết. Anh hy vọng vào sự thay đổi, đánh cược với những hoàn cảnh mà con người hướng tới như một người vững tin vào lẽ phải. Anh không tránh khỏi sự thương cảm, không tránh khỏi nhu cầu quá lớn được chia sẻ, được tán thành (social approval). Anh đã bao giờ trải qua những chấn thương tâm lý; để lại vết thương sâu sắc trong lòng?
“Biết nhường đường cho một thằng ngu
Bạn sẽ chẳng bao giờ phải hối
Hãy về rừng Côn Sơn mà nghe gió thổi…”
Bi kịch Nguyễn Trãi. Hơi cay đắng. Thơ anh giàu đối thoại, nhiều kịch tính. Anh biết rõ những hoàn cảnh giàu nhân tính và phi nhân tính, các khuyết điểm của con người, mặt trái của thần tượng, sự tạm bợ của các chiến thắng, mau chóng vẽ ra chân dung thời đại mình và không dừng ở đó, mà đi xa hơn mức độ mô tả. Lương tri của văn học là sự phân biệt giữa kẻ giết người và người bị giết, giữa kẻ nói dối và người bị lừa dối, giữa kẻ tỉnh thức và giấc mơ lầm lỗi của họ. Một thứ văn chương như thế có thể đánh thức lương tri của mỗi chúng ta.
“Chó cũng sủa nhầm, anh hãy mở cửa ra
Người bạn tốt nhất của anh thường ít đến thăm nhà”
Một tuyên ngôn kín đáo, khéo léo, nhưng kiên nhẫn, tiếp tục hiện diện quanh chúng ta. Thơ của anh cố gắng đi xuyên qua giữa những mặt cắt khác nhau, cố gắng giữ sự nguyên vẹn của ngôn ngữ để không bị trầy xước và tổn thương bởi một hiện thực mà anh không chấp nhận. Trần Nhuận Minh chọn phương cách của anh, giành nhiều cơ hội nhất để nói lên những ước vọng và suy nghĩ của mình, một cách tinh tế, ở chỗ đông người. Đối với anh, không phải các xung đột là trung tâm của thơ ca, mà chính con đường đi qua và lối vượt ra khỏi các xung đột ấy.
“Kẻ khôn ngoan thường giấu điều mình biết…
Ý nghĩ ở đằng đông
Miệng nói ở đằng tây
Giấu mưu toan dưới những cốc rượu đầy…
Ta già rồi
Chẳng biết giấu vào đâu
Nỗi ngu dại
Học từ thời Tốt Đẹp… “
Thời Tốt Đẹp là thời nào? Sự ám ảnh về lịch sử trong thơ Trần Nhuận Minh thật dai dẳng. Đó là sự trở lại, thăm dò, chiếu ống kính vào cận cảnh, thay đổi chiều kích giữa người viết và sự thật, khi xa khi gần.
“Ai gọi tôi? Những năm chiến tranh
Bóng tường vênh âm âm đêm phòng thủ
Tôi có một phần đời trong mọi gian nhà đổ
Mọi cuộc chia ly người mất người còn”
Từ cái nhìn chất phác, đơn giản lúc mới viết, anh ngày càng tìm cách nhận thức lịch sử. Nhưng lịch sử chính là thời gian và phương cách đo lường thời gian ấy, là những hành động nhân nghĩa và tội ác được sắp xếp sao cho nguyên lý nhân quả có thể được giải thích, không thể bị nghi ngờ. Và như thế, lịch sử liên quan trực tiếp tới các số phận. Trần Nhuận Minh là người làm chứng của sự kiện. Mặc dù trong sáng tạo không phải bao giờ bạn cũng cần là người chứng, ví dụ đối với cách mạng văn hóa Trung Hoa, anh chỉ là người từ xa tới, nhưng chính nhờ khoảng cách ấy mà trí tưởng tượng của anh hoạt động, thơ anh bay bổng, mê đắm. Trong những nhà thơ có bài viết về quan hệ Việt Nam - Trung Hoa, Trần Nhuận Minh là người viết nhiều, bền bỉ, từ sớm. Hãy nghe anh nói về Lão Xá, nhà văn bị giết hại trong cuộc cách mạng văn hóa điên rồ của Mao Trạch Đông:
“Ông vốn là người mềm yếu, sẵn sàng đổ tội chết
cho bất cứ ai, miễn là cứu được mình
Nhưng rồi Ông có cứu được Ông đâu
Ông tự trẫm mình xuống đáy hồ Thái Bình
trong nỗi khiếp đảm
Lũ trẻ con từng lấy thắt lưng da có móc sắt
quất vào mặt Ông
Giờ lôi xác Ông lên phơi nắng…”
Kính trọng đối với người khác là thái độ chống lại một chế độ bạo tàn. Sự kính trọng chính là nhìn nhận giá trị, và khả năng nhận ra những cá thể trong một cộng đồng. Trong một xã hội mà cá nhân không được kính trọng, con người sẽ bị vùi lấp, trở thành phần tử không tên tuổi, chỉ là công cụ. Khi được một người kính trọng, nhân phẩm bạn lớn lên. Anh ít nói về cuộc chiến tranh Nam Bắc hai mươi năm của người Việt chúng ta, nhưng khi đã nói thì sâu sắc, từ góc nhìn độc đáo:
“Chiến tranh ở hai đầu
Ảnh thờ mờ sương khói
Vẫn không nhìn mặt nhau”
Bên cạnh sự kính trọng là đồng cảm. Những người có khả năng chia sẻ với người khác sống cuộc đời ý nghĩa hơn những người không có khả năng ấy. Con người chỉ có thể lớn lên trong vòng tay của gia đình, bè bạn, cộng đồng. Sự đồng cảm là điều kiện của hiểu biết và tương tác xã hội. Không có cảm xúc cá nhân cụ thể, sự hiểu biết chỉ là kiến thức khô khan và lòng tin chỉ là lòng tin mù quáng. Nhiều người đã đi qua trắng tay sau mấy mươi năm trong lòng tin như thế. Khả năng đồng cảm chỉ xảy ra ở những người có khả năng dẹp bỏ sự ích kỷ, cùng vui sướng với thành công của kẻ khác, ra khỏi sự ganh tỵ, âm mưu. Nhờ sự đồng cảm, thơ thế sự của Trần Nhuận Minh, trong nhiều bài, trở nên thơ trữ tình và thơ trữ tình lịch sử. Nếu một người đọc Trần Nhuận Minh như chính anh là, người ấy sẽ nghe được tiếng nói của người trí thức dân dã, đang sống giữa đám đông, một người dùng thơ ca để ghi chú lịch sử, như nhà sử học ghi chép những phong tục ở xóm quê, chỉ một xóm quê ấy thôi cũng nhìn thấy khuôn mặt cả nước.
“Cả xã hội diệt trừ cái ác
Cái ác vẫn ngang nhiên cười nói giữa đời”
Anh có bi quan không? Khi con người trở nên yếu đuối ích kỷ, tự do xã hội càng bị siết chặt, thì đám đông càng lớn lên, chứ không phải nhỏ lại. Thật ra chẳng có nhà thơ nào nói dùm cho người khác, người ấy chỉ có thể nói cho chính mình, có điều tiếng nói ấy là của một người đang sống và thở giữa những người khác. Thơ Trần Nhuận Minh tạo ra bức tranh lẫn lộn, phức hợp của những câu thơ xuất sắc bên cạnh những câu thơ dễ dãi, sự minh triết bên cạnh khôn ngoan tầm thường. Dù thế nào, cách nói của anh, ý tứ của anh, không lẫn lộn được.
“Những người không ai thay được
Đã nằm đầy ở các nghĩa trang…”
Như một người đến nói một điều nhẹ nhàng, không ai chú ý, nhưng bạn nghe được một lần, không quên. Anh đi tìm không những bộ mặt thật của xã hội mà còn sự giải thích đối với các bi kịch. Một nhà thơ có thể giải thích cách nào? Bằng cách tìm kiếm và chỉ ra ý nghĩa của sự việc. Anh ghi nhận tất cả, và đôi khi không cưỡng được, muốn khuyên nhủ tất cả.
“Không tài năng nào yên ổn ở quê hương
Trẻ con bây giờ cũng chẳng còn nói thật “
Vượt khỏi sức hút, ra khỏi quỹ đạo. Không có gì khó hơn là trở thành quen thuộc với những bí ẩn của đời sống.
“Cuồn cuộn mà im lặng
Mặt đỏ lừ trong ánh sao trôi
Sông Lô đi qua đêm như một kẻ giết người
.
Lặng lẽ bông lau rừng thả hồn vào mây trắng
.
Cây đại ngàn nhuốm màu thu lớp lớp
Đỉnh Tây Côn Lĩnh ngút cao
Núi như đàn ngựa đang gào thét
Giữa trời
Lao
.
Cỏ non Đồng Văn hương thơm gió bay…
.
Ta hỏi Lô giang: Chảy mãi mà làm gì?
Ta hỏi Tây Côn Lĩnh sơn: Cao thế có buồn không?
Chợt thấy bông lau rừng
Ta lặng nhìn
Bất lực
.
A ha! Trời xanh, nước xanh. núi xanh, ta xanh!
.
Ta đi một mình cuối mùa hoa rơi
Chán hết mọi sự đời
Hắt rượu lên mây trắng…”
Đặng Yên 8.1994
(toàn bài Hà Giang)
Ý thức lịch sử. Câu cuối có chút ngang tàng, nhưng không phải là không hợp cảnh. Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của những số phận cá nhân, hơn là của những tính cách cá nhân, đầy phân vân lưỡng lự, những nghi án, sự đe dọa, cảnh giác và những nỗi sợ hãi. Không được xem xét, không được đánh giá lại, từ những khoảng cách gần và từ độ lùi rất xa, một lịch sử như thế sẽ trôi qua không để lại dấu vết. Một lịch sử được viết bởi các niềm tin mê muội, đơn phương, bất cận nhân tình, sẽ bị lãng quên. Mặc dù có thể tìm ra dấu vết ảnh hưởng của người đi trước, ở giai đoạn đầu, trong lối tả chân mộc mạc của phương pháp hiện thực, thơ Trần Nhuận Minh ở những bài thế sự thành công gần như ít có tiền lệ. Về sau, cái tôi trữ tình nâng thơ anh lên, cái tôi lịch sử làm cho thơ anh có tính triết học.
“Anh còn lại gì cho mình chăng?
Mấy trận đòn oan vài thuyết giáo cũ mèm
Chút kiêu ngạo hão huyền nơi quán trọ
Nhân nghĩa và tự do”
Trong đời thực, có khi nào anh rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần không? Có thể có, nhưng điều ấy không thể hiện rõ trong thơ anh. Chỉ thấy bi kịch người khác, của một hệ thống trật tự xã hội lỗi thời, hơn là bi kịch cá nhân của tác giả. Anh đến sau thời kỳ lãng mạn, trong sự sụp đổ của chủ nghĩa hiện thực, và tìm kiếm những cách nói mới. Thơ anh không có phép lạ, không có lời cầu nguyện tôn giáo. Nhưng trong anh đầy rẫy niềm tin vào con người, lẽ công bằng của tạo hóa, tức là vào cái vượt qua giới hạn con người.
“Mặc ai yêu ta, mặc ai ghét ta
Vắt câu thơ Đường ngang vai, đi khắp nước Trung Hoa
Ối chao hồ rộng! Ối chao núi cao!
Xin đừng bao giờ nổi lên binh đao
.
Những người yêu nhau, mặt mũi sáng trưng
Những người ghét nhau, mặt mũi tím bầm”
Cảm thức lịch sử gắn liền với cảm thức về thời gian. Đó không phải là việc đi tìm thời gian đã mất, hoài niệm, đó là sự tìm kiếm dấu ấn của quá khứ lên đời sống hiện tại, ghi lại tác động làm thay đổi. Đối với anh có lẽ không có gì quý hơn nhìn ra sự thật ấy, sự mất mát. Những vết thương trong anh giữ gìn sự thăng bằng của các thế giới riêng, và anh cẩn thận để chúng không sụp đổ vào nhau.
“Không thấy tiếng ếch nhái quen thuộc uôm oam
vọng lên râm ran từ các ao hồ ngòi rãnh
Cánh đồng nước trải mênh mông cũng yên ắng lạ lùng
Sấm ngạc nhiên tự hỏi
Vô tích sự vậy sao?”
Có mưa và sấm sét, ếch nhái sẽ kêu vang. Nông thôn Việt Nam hiện nay. Sự vắng mặt của nông thôn ấy. Ngôn ngữ của Trần Nhuận Minh duyên dáng, khá dí dỏm, đôi khi tình tứ. Đó là sự châm biếm nhẹ nhàng, tuy đích đáng nhưng ít sâu cay, giận dữ; có lúc là nụ cười mỉm khi tự nhìn lại.
“Tôi sinh ra trong mưa bão Kinh Thầy
Tháng Tám nước dâng
trũng gương mặt đói
Mẹ tôi hai mươi bốn tuổi
Đôi mắt lặng thầm buồn mênh mônh
Bà đỡ đặt tôi vào giữa nong
Mong tôi lắm thóc nhiều tiền
Không phải ăn mày, ở đợ
Bà quấn cho tôi vạt áo cũ
Ngai ngái mồ hôi
Tôi khóc chào đời
Tiếng nghẹn trong cổ
Bà đỡ khẽ kêu "Thằng này rồi sẽ khổ!"”
Có một nỗi cảm hoài thế sự mênh mông trong bài thơ. Trần Nhuận Minh dường như trò chuyện với mình, tự tranh cãi với mình; khi nào anh muốn để câu chuyện ấy vang lên cho người khác cùng nghe, anh có loại thơ đậm chất thời sự, khi nào anh cô đơn, buồn, chỉ nói cho một mình mình nghe, thơ anh tâm tình, trữ tình. Nhưng thơ tình mới là trường hợp điển hình hơn cả của thơ trữ tình.
“Em đến bất ngờ trời rét dữ
Cây bàng rụng lá đứng run mưa
Ơ kìa, bên cửa bông hồng trắng
Lại nở thơm lừng một đoá xưa”
Trần Nhuận Minh dùng nhiều thể thơ truyền thống như tứ tuyệt, lục bát, tuy nhiên chúng không áp đảo khuynh hướng tự do, cách gieo vần rộng rãi, nhất là trong trường ca. Ngôn ngữ thơ tình của anh khá mới.
“Buông trên vai em mà đêm mượt
như nhung
Lọc qua áo em mà hương trời
thơm vậy
Những ngôi sao yêu nhau ríu rít
ở trên cành
Anh đứng chờ em
Bạc cả sắc thu xanh...”
Đọc bài này, tôi nghĩ: không có hiểu biết thì không có tình yêu. Con người là những sinh vật tồn tại với những lý do. Chúng ta hiểu biết về mình, về người khác, quá khứ. Chúng ta sống giữa những người thân, yêu thương và được yêu thương. Sự xa cách làm chúng ta đau đớn, sự vắng mặt làm chúng ta lo âu. Nhu cầu sâu xa nhất của một người là vượt qua vắng mặt, xa cách. Để được đoàn tụ với người thân yêu, bạn chỉ có thể hoặc sống mãi bên nhau hoặc sống trong tình yêu của người ấy. Tình yêu không phải chỉ là cảm xúc chủ quan và thụ động. Tình yêu là một hành động có thể quan sát, ghi nhận được. Là trao tặng. Sự lớn lên của mỗi cá nhân.
“Về thôi em...
Bốn phía đã thu vàng
Mây đã trắng đến từ ngàn năm cũ
Gió đã xanh thổi lên từ Hoa Cỏ
Nở bời bời những khát vọng muôn sau”
Con người là những đứa con của thiên nhiên, vì vậy tình yêu giữa người và người, trước sau cũng dẫn tới tình yêu của họ đối với thiên nhiên. Thơ anh ngày càng có tính trữ tình, nhưng đó là thơ trữ tình của một trái tim đã đi qua bi kịch của người khác, lấy chúng làm bi kịch của mình. Khi vui, anh cũng có câu thơ sắc bén.
“Cặp đùi em như hai lưỡi kéo
Khép lại dịu dàng
Có thể cắt đứt đời nhiều hảo hán”
Phép so sánh táo bạo. Trong khi thơ thế sự tìm cách sắp xếp các sự kiện, thơ tình chính là sự kiện. Thơ tình là ký ức được cắt rời khỏi quan hệ không thời gian, thơ thế sự là ký ức được đặt trong mối quan hệ không thời gian ấy.
“Hoàng hôn Hạ Long, đỏ sao mà gay gắt
Má em hồng tới tận canh khuya”
Âm vang của chữ tạo ra những xúc động và ý tưởng khác nhau. Chữ dùng của Trần Nhuận Minh khá đắt hoặc về hình ảnh hoặc về âm vang. Anh có bốn đề tài: công nhân, dân tộc, con người nhân loại, và các đấng siêu nhiên. Bắt đầu từ:
“Tâm hồn tôi tràn đầy âm thanh
Tiếng mìn nổ tầng than và tiếng sóng biển”
Anh ở gần biển, sống giữa công nhân lam lũ bụi bặm.
“Soi mặt xuống vịnh Hạ Long,
ta nhìn thấy ta mà ta không tự biết”
Chúng ta tập quen với sự lơ đãng, sự không cẩn trọng, sự phóng túng. Chỉ trong tình huống ấy chúng ta mới vươn tới những điểm ngoài giới hạn, vươn tới siêu nhiên. Sự chú ý là chú ý đến cái toàn thể, và cái toàn thể mang chúng ta trở lại với ngây thơ, sự trong sạch, không vụ lợi. Ý nghĩa không phải là thông điệp và vượt ra ngoài ý định chủ quan của tác giả. Trần Nhuận Minh viết dàn trải, các bài thơ dài, các trường ca và tiểu thuyết chứng tỏ điều ấy, tuy thế anh vẫn tiết kiệm chữ, rút ngắn câu thơ, mài dũa hình ảnh, tối thiểu hóa, để đạt đến tác dụng lớn của ngôn ngữ. Trong trường ca và các bài thơ dài, ngôn ngữ của anh di chuyển mau lẹ như nước chảy, tiến độ nhanh, nhưng không gây cảm giác gấp gáp vội vàng, nhờ khả năng xem xét sự vật tỉ mỉ, cách ngẫm nghĩ, lề lối suy nghĩ của người giàu kinh nghiệm sống, nhiều quan sát, thích mô tả, không phải của người nặng về lý thuyết, lý luận. Bài thơ anh viết về Nguyễn Du:
“Đến đâu con cũng gặp Người
Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa
Hạc Vàng một bóng lầu xa
Hồ Nam úa nắng chiều tà hanh heo
Tiệc to thường ở nơi nghèo
Đồng ngô khô xác, mái lều gió lay
Người xưa đi sứ qua đây
Bùn lưng bụng ngựa, sông đầy thuyền trôi
Cỏ cây, thành lũy khác rồi
Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu
Thời nào thì cũng như nhau
Nõi buồn ly biệt, nỗi đau dối lừa
Tiền Đường sầm sập đêm mưa
Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều”
Có những bài thơ đọc xong, bạn suy nghĩ khác đi, nhìn thấy khuôn mặt tác giả khác đi. Chúng ta nói về giao cảm, sự chuyển hóa. Khi bạn tìm cách đọc lại một bài thơ đã đọc một lần, cuốn tiểu thuyết mà bạn đặt xuống hai mươi năm về trước, khi ấy, bạn trở lại với chúng như một người đã thay đổi, và tìm đến chúng để được thay đổi một lần nữa. Đó là loại thơ giữ được vần điệu cổ điển mà vẫn có nhiều ngẫu hứng, bất ngờ, các ý tưởng được phát biểu tự nhiên, một số hình ảnh gần siêu thực, một ngôn ngữ tuy không tối tăm nhưng không phải bao giờ cũng dễ hiểu.
“Và tôi nhận ra, trên cõi đời này, chẳng có cái gì
cao hơn Sự Thật
Còn bao nhiêu thời gian để tôi nhớ em, ngay cả khi
em ngồi dửng dưng trước mặt”
Sự thật gắn liền với thái độ đối với nó, tức là sự trung thực. Sự trung thực xảy ra theo hai hướng: với người khác và với mình. Chúng ta không hoàn toàn tự biết về chúng ta, con người bộc lộ mình trước người khác. Mặt khác, con người cũng tập nhìn vào tấm gương của mình, đời sống nội tâm. Sự trung thực cần tới hành vi, tức là đi kèm hệ lụy. Trung thực với chính mình là khả năng cao nhất trong nhận thức những vấn nạn của con người; thay vì chối bỏ chúng.
“Này đây, dòng máu tôi trong suốt chảy ngoằn ngoèo
từ ghềnh đá suối Côn Sơn hoang lạnh tơi bời
Khách khứa hai ngàn núi xanh
Này đây, quả tim tôi treo ở ngoài lồng ngực
Số phận chúng sinh làm nó tự
“ binh bong” ”
Trong trường ca, đặc biệt "Bản Xô nát hoang dã", "Nhà thơ và hoa cỏ", tính chất tâm linh trong thơ Trần Nhuận Minh rất rõ. Đó là một loại thơ trí tuệ. Tác giả thường nhắc đến "Đấng Mê Tơi" của anh (2). Thế giới được mô tả trong các trường ca ấy là một thế giới thay đổi từng ngày, không ổn định, nhiều âm mưu và bội bạc, nhiều mất mát và cứu chuộc. Bên cạnh một ngôn ngữ vẫn còn giữ nét hiện thực, các hình ảnh của thơ anh mang lại không khí huyền thoại, thấp thoáng bóng tối bí ẩn, chúng được tìm thấy ở vùng ranh giới của tồn tại.
“Tay ta chạm màu mây xà cừ bay lang thang
.
Những thú rừng khổng lồ sổng từ thuở
hồng hoang
Lũ lượt đến bên ta rỡn đùa phô sắc lạ
Cây cổ sống mấy ngàn năm trên đá
Chỉ cao bằng đầu gối của ta thôi
.
Cứ tự nhiên mà vượt hết mọi thời
Dửng dưng với đói rét đau thương
vương triều đổ nát
Dửng dưng với cõi người quẩn quanh nhợt nhạt
Dửng dưng với trăng sao giả dối tầm thường
Trước thuyền ta, đá nổi như mây huyền ảo
trong sương ”
Anh viết về vịnh Hạ Long. Thời gian liên kết chúng ta. Thời gian xác lập vị trí của chúng ta, định nghĩa chúng ta. Con người chống lại cái chết, sự tiêu hủy, chống lại sự tạm bợ nơi trần thế. Thơ ca ao ước thay cho con người. Chúng ta ao ước điều gì? Hạnh phúc vĩnh viễn. Hay sự tái sinh của hạnh phúc ấy, sau cái chết, một nơi nào khác. Thời gian là một trong những chủ đề quan trọng của thơ trữ tình - tâm linh Trần Nhuận Minh: sự cháy bỏng của tình yêu, khao khát của thân xác và tâm hồn, sự phản bội hay hủy hoại của thời gian. Thời gian là cái chết, sự biến mất, kẻ thù của lời hứa hẹn. Nhưng thời gian cũng làm dịu vết thương: chẳng phải là phép ngắt câu, cách xuống dòng, các dấu phẩy dấu chấm, sự dừng lại giữa chừng một câu văn phạm, những quãng im lặng như trong âm nhạc, chính chúng là những liệu pháp mà thời gian mang tới cho người đọc đó sao?
“Cái khoảng cách cuối cùng này
Xuyên qua đời tôi như một cây xương rồng gai
Cơ thể tôi cảm biết sâu sắc
Tất cả sự chà xát của nó…
Cái khoảng cách cuối cùng này
Xuyên qua đời tôi
như một tia chớp giật
Tôi nhận ra mình hoàn toàn trong sạch…”
Cuộc đời có thể tuyệt vọng nhưng thơ ca không tuyệt vọng. Giọng điệu trong thơ anh ngày một dịu dàng và, đôi khi, buồn bã hơn. Mặc dù vẫn có những lỗi nhịp, anh ngày càng hướng tới một ngôn ngữ trầm mặc, gợi ý, thanh thản.
“Tôi sẽ đầu thai làm ánh trăng chiều
Để cùng bay với cánh buồm nâu”
Nhưng Trần Nhuận Minh không phải là người chủ trương phá vỡ và triệt để cách tân ngôn ngữ. Giai đoạn đầu, chữ của anh chất phác, giai đoạn sau, tài hoa hơn, đẹp hơn, nhưng vẫn nghiêng về cổ điển. Anh yêu thích việc gọi tên sự vật cụ thể, tên người, tên đất. Đề tài thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng thường là nhân vật có thật, hoàn cảnh có thật. Với các số phận. Đôi khi bạn có cảm giác đứng bên rìa mép, bất lực, nhưng đôi khi thấy mình ở trung tâm của bão táp. Anh hay nhấn mạnh đến bước ngoặt "đổi mới" những năm tám mươi thế kỷ trước và cho rằng quá trình đổi mới làm thay đổi thơ anh. Nhiều người viết trong nước cũng nói đến điều ấy, nhưng anh nói đến nó thường xuyên, nhấn mạnh. Càng đi xa, anh càng phải giải thích trước hết với chính mình. Tôi cho rằng việc đổi mới chỉ giải thích bề mặt một hiện tượng sâu hơn, cũng như cảm hứng trong sáng tác chỉ đến với người đã chuẩn bị, "đổi mới" chỉ thực sự có tác động mạnh ở người sẵn sàng cho nó. Trần Nhuận Minh là một người như thế, lùi sâu vào góc khuất và chờ đợi, giữa những tiếng thơ ồn ào. Đôi khi giọng anh mộc mạc kiểu văn nói:
“Chớ dại mà can chú
Chú nhất cả huyện rồi
Giặc nào chú cũng thắng
Có thua thua ông trời”
Thơ Trần Nhuận Minh có nhiều lúc như thế, đang bay cao vút lên bỗng rơi xuống, đang sắc bén, có thể gây sát thương, bỗng trở nên hiền lành, chất phác, chân thật. Chân thật khác với sự thật. Nó thường đẻ ra thơ dở. Nhưng vẫn có ngoại lệ.
“Bây giờ mặt người cũng lẫn
Bạn thù chẳng nhớ những ai
Cúc quần đôi khi không đóng
Cái trong thì để ra ngoài”
Đó là khi cái chân thật biến thành tự trào.
Thơ Trần Nhuận Minh không nổi loạn, nhưng tôi tin con đường làm mới của anh không êm ái, và những chông gai ấy chỉ có anh biết. Anh không quan tâm nhiều đến việc cách tân hình thức, có lẽ vì anh bận tâm hơn đến những vấn đề căn bản khác, xung đột, bi kịch, ý thức lịch sử. Thơ không chua cay mà triết lí thâm trầm, dễ chấp nhận. Có thể gọi đó là sự giảng hòa trong văn chương, không sắp đặt trước, có tính vô thức, phong cách cá nhân. Có lẽ anh tin vào tính phổ biến của các trường hợp đặc biệt, tin vào việc có một hệ thống chuẩn tắc để noi theo, tin rằng có một xã hội tốt đẹp hơn mà chúng ta hướng tới. Mặc dù sẽ có người không chia sẻ cái nhìn của anh đối với xã hội hôm nay, không chia sẻ một số quan điểm về các nhân vật trong thơ, tôi tin rằng, cũng sẽ có nhiều người đồng ý với anh về câu hỏi mà thơ anh đặt ra: thơ dùng để làm gì, có ích cho ai, tự do của nhà thơ là gì, tài năng ở đâu. Trong một số lượng lớn tác phẩm, một rừng nhân vật và tình tiết, giọng nói của Trần Nhuận Minh vừa như nhà thơ trữ tình vừa như người kể chuyện. Trong trường ca và thơ dài, anh còn như một nhà tiểu thuyết. Tiểu thuyết là các xung đột. Sự biến đổi, sự đảo lộn giá trị là những động lực của tiểu thuyết.
“Khi vương triều không còn hợp lòng dân
Thì thành đá cũng chỉ là bùn nhão
Ngai vàng đổ trong mùa không mưa bão
Mặt xâm lăng lố nhố khắp kinh thành”
Đọc thơ Trần Nhuận Minh cần đọc kỹ văn bản trên nền các tham chiếu. Đó là sự kết hợp cả hai: các điển tích, môi trường văn hoá, môi trường chính trị, hoàn cảnh cá nhân của tác giả, và tinh thần liên văn bản bắt đầu từ Julia Kristeva. Từ những năm chín mươi thế kỷ trước, mặc dù vẫn trung thành với các nguyên tắc chính yếu của phương pháp hiện thực, anh bắt đầu sử dụng phóng túng hơn hình ảnh và ngôn ngữ của mình. Anh tin rằng thơ ca bắt nguồn từ đời sống thực tế, thế giới vật thể, từ kiến thức, ký ức, các giai thoại. Ngôn ngữ ấy được mang tới bởi nắng gió, biển khơi, sóng biếc, bão tố, mồ hôi, máu, bụi bặm đường phố, hoa cỏ. Như tình yêu quê hương:
“Nhà lá ba gian
Kẽo kẹt tiếng võng
Ao hồ mờ mịt khói sương”
Chúng ta không những có một cuộc đời trong thế giới thực tiễn, mà chúng ta còn có một cuộc đời khác, của tâm hồn với những hy vọng nhiều khi khó nhận ra. Thơ Trần Nhuận Minh nói về các khuôn mặt khác nhau của một người, các số phận khác nhau của một xã hội, nhưng bao giờ cũng kêu gọi sự thật và tình yêu. Khuôn mặt khác của sự thật là khả năng nhìn nhận, phê phán, khuôn mặt khác của tình yêu là bao dung, là điên cuồng và kiên nhẫn.
“Thời nào thì cũng như nhau
Nỗi buồn ly biệt, nỗi đau dối lừa
Tiền Đường sầm sập đêm mưa
Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều “
Thơ vừa là bài hát vừa là câu chuyện. Sự phối hợp có phần mâu thuẫn ấy, giữa một bên là phân tích sắc bén và một bên là tình yêu mơ mộng có phần hoang dại, giữa một bên là triết học và một bên là triết lý dân gian, sự phối hợp ấy làm cho thơ anh xuyên qua được giữa tự sự và trữ tình, giữa chính trị và tình yêu. Ít có bài thơ nào của anh thuần túy trong một lĩnh vực.
“Trái vàng cho em chẳng chín
Thì thôi xanh đến bạc đầu”
Đó là giọng vang lên từ nhu cầu nội tại, chỉ nói điều cần nói. Ngay cả trong tình yêu cũng tỏ ra không quá sức buông thả, và những bài học lẩn khuất đâu đó giữa các câu thơ, chúng vừa làm tôn giá trị các câu ấy lên vừa làm hại chúng. Anh thiếu một ngôn ngữ trừu tượng có tính thể nghiệm, vượt ra ngoài nỗi ám ảnh về quan hệ với tha nhân. Thơ Trần Nhuận Minh không đều, giữa nhiều bài xuất sắc có những bài gần như ca dao, giữa những câu thơ tài hoa làm cho những nhà thơ tài năng nhất cũng phải ngẩn ngơ, là những bài thơ minh họa cho ý tưởng, những bài học luân lý vui vui, ngôn ngữ chất phác. Thơ chất phác thường có nhiều xúc cảm, gạt ra ngoài những yếu tố khác có thể làm ảnh hưởng đến chiều hướng xúc cảm của tác giả hay nhân vật. Ngược lại, thơ hài hước, châm biếm loại bỏ các yếu tố xúc cảm, vì vậy hàm chứa sự diễn dịch nhiều chiều. Hai loại thơ này thường không đi đôi với nhau, nhưng ở Trần Nhuận Minh chúng đều xuất hiện không những theo thứ tự trước và sau, lúc trẻ và lúc trưởng thành, mà có thể trong cùng một thời gian. Đó là điểm đặc biệt của Trần Nhuận Minh, xét về tâm lý học sáng tạo.
“Non sông dù đã thay
Mặt người thì vẫn cũ”
Anh muốn nói gì trong mấy câu giản dị kín đáo này? Non sông nào? Mặt người nào? Sự ngẫm nghĩ và ý thức trở lại với lịch sử trở nên mãnh liệt khi một tác giả đến gần với cái chết của lịch sử ấy, trước sự đau khổ của nó, trước lụi tàn. Chính vì vậy mà, tôi nghĩ, không có xúc động thì không có sự thật. Nếu có một ngày bạn trở về, đứng trên nền nhà cũ hoang phế, ngửi mùi chanh, mùi ổi chín trong đêm, bạn sẽ hình dung ánh sáng của sự thật, hồi quang của giấc mơ, và bạn bỗng tìm thấy gốc rễ của mình.
“Đi trắng tóc chưa qua miền thơ dại
Yên làm sao?
Thăm thẳm gió thu ơi!”
Một bài thơ thành công di chuyển từ phía đã biết tới bến bờ chưa biết. Thực ra hỗn loạn bao giờ cũng là tiền đề của sáng tạo, như khi vũ trụ khởi đầu trước lúc đi vào trật tự. Một bài thơ có thể mang chứa nhiều câu chuyện, một câu chuyện có thể được kể bởi những người khác nhau, với kết thúc khác nhau. Ý định của tác giả, niềm hy vọng của nhà thơ đối với sự bất hạnh của tình yêu hay bi kịch của đời cũng mơ hồ, không ổn định, biến đổi. Hiểu biết và không hiểu biết, sáng sủa rõ ràng và mờ ảo bí mật, lý tưởng tốt đẹp và hành vi đen tối, những mối quan hệ ấy phải tìm được tiếng nói của chúng trong một bài thơ thế sự. Có một chất suy tư, nửa minh triết nửa như bất phục tùng, chảy sâu bên dưới ngôn ngữ Trần Nhuận Minh. Thơ ca đối với anh vừa là biểu hiện của nỗi lòng, vừa là phép chữa lành những vết thương âm ỉ, những vết thương chung mà anh tự mang lấy cho mình như những vết thương riêng.
“Bây giờ thì chán cả mùa xuân
Những cơn mưa dầm dề sốt ruột
Mây chẳng ra mây âm âm màu lông chuột
Mùa hè ơi xin hãy đến mau!”
Tâm trạng. Con đường thơ Trần Nhuận Minh vốn sinh ra từ sự thay đổi nhận thức. Những vô hình, hữu hạn của kiếp người, ý nghĩa và vô nghĩa của tồn tại ám ảnh anh. Đó là một trường hợp ít gặp, giữa các nhà thơ cùng thời, cùng hoàn cảnh. Thời kỳ đầu anh chân phương, càng về sau càng hư ảo.
“Nhưng hàng triệu ngọn nến
Chỉ làm cho bóng tối co lại và bền vững hơn
.
Bóng tối hùng vĩ và bạo liệt
Tồn tại hiển nhiên
Đầy những bất ngờ
Đừng quên
Từ thủa mở trời
Trái đất đã quay nửa mình trong bóng tối
Và
Lịch sử
Cũng sinh ra từ bóng tối...”
Sự liên kết giữa ngôn ngữ và niềm tin, dù đó là niềm tin vào các đấng cứu chuộc, hay vào một thượng đế, hay vào một "Đấng Mê Tơi", sự liên kết ấy bao giờ cũng phức tạp.
“Ta tự tạo ra Trời và Đạo Trời để giữ gìn ta
giữa đời thường cám dỗ
Rồi lại tự lừa đảo ta trong cả cõi linh hồn
Xòe hết ngàn cánh tay, chẳng chạm vào bát ngát
Ta rùng mình rơi trong muôn thẳm cô đơn”
Có thể chủ đề của một bài thơ của anh không có tính luân lý hay triết học, nhưng các chất liệu nghệ thuật tạo ra bài thơ ấy có sức gợi mở, liên kết về các quan tâm xã hội hoặc siêu hình. Bất kỳ một tác phẩm văn chương nào cũng là sự chọn lựa không những về mặt thẩm mỹ mà cả về mặt luân lý của tác giả. Nhưng trong khi thơ thế sự đặt ra những câu hỏi cho những đối tượng có thể và cần phải lên tiếng, thì thơ trữ tình đặt ra những câu hỏi cho những đối tượng không thể trả lời.
“Thuở bé ta nằm dưới rừng sao dát bạc
Mơ con thuyền trăng vắt vẻo chở ta đi
Vượt hiểm nguy có khi nhờ Mộng Ảo”
Thơ ấy là chuyển hóa, vì nghệ thuật đối với Trần Nhuận Minh là phương pháp tự cứu rỗi. Từ vị trí khá khó khăn trong thời buổi này, anh nhìn thấy điều mà người khác khó nhìn thấy, hay thấy nhưng không thể nói. Lương tri của một người bắt đầu từ bao giờ? Nhiều nhà phân tâm học cho rằng, nó bắt đầu lúc bạn nhận ra sự dối trá lần đầu, không phải từ người lạ, mà từ người thân yêu hay thần tượng của bạn, nói thế có nghĩa là, lương tri là sự chống lại giả dối. Trong một xã hội mà dối trá dày đặc, người có lương tri sống thế nào?
Sống một cách đau buồn.
“Bạn ơi, nếu bạn có gì buồn đau
Hãy trút vào gồng gánh của tôi
.
Tôi gồng hết gánh này rồi gánh khác
Như thuế nộp vào kho
Những buồn đau là thuế của kiếp người”
Thơ Trần Nhuận Minh dung chứa sự phức tạp của cá nhân và lịch sử, sự ám ảnh của các số phận, bao gồm hy vọng và phản bội, lòng tốt và tội ác. Đó là tiếng nói của một phần của nhân dân, nhưng đôi khi hơn thế, có thể đi xuyên qua biên giới ngăn cách người Việt và người Việt. Và hơn thế, đi xuyên qua ngăn cách giữa hiện tại và thời gian, và trong một vài góc mở kỳ ảo, giữa tồn tại và sau tồn tại. Không phải bao giờ thơ anh cũng được vậy, tất nhiên, và mặc dù anh ở trong số các nhà thơ mà tác phẩm là tập hợp những cái hay và cái dở bất thần, giọng nói của anh, các hình ảnh, nghệ thuật tu từ, không ngớt vang lên như một sợi dây, xâu chuỗi những khúc đường tối sáng quanh co của một hoặc vài thế hệ.
“Em đi khăn ấm che ngang mặt
Nào biết em xinh đến thế nào”
Là anh nói về mùa xuân. Tính mờ ảo che lấp tính trong sáng, hay ngược lại? Thơ anh ít bí ẩn, nhưng khi bí ẩn chiến thắng, thì anh có một loại thơ lạ. Sức sống của cuộc đời thật, mùi đất cày vỡ dưới chân, tiếng nổ hầm than ở quanh, bụi bặm đường phố bao bọc anh, khiến cho người đọc không cần phải tưởng tượng nhiều khi vẽ ra các chân dung. Bài thơ của anh mời gọi tham dự, giàu có hiện tại, đầy rẫy xây dựng và phá hủy, người tử tế với người và người dẫm đạp lên người, trong một xã hội lúc nào cũng tự nhận là hướng về thiên đường. Trong ý nghĩa này, thơ Trần Nhuận Minh là thơ cảnh báo, thức tỉnh. Anh như người du ca trên đường, không muốn làm phiền ai mà vẫn có thể làm phiền nhiều người. Ngôn ngữ ấy thách thức các ranh giới giữa tả và hữu, đúng và sai, giữa chính thống và phi chính thống, Nam và Bắc, quá khứ và tương lai. Ngày nào người đọc thơ có thể chia sẻ lòng tin và bất hạnh của mình cho người khác, chia sẻ sự hiểu biết, trong khi vẫn giữ vững tình yêu đối với cuộc đời, người ta sẽ còn tìm đọc thơ anh.
“nhưng trong tim chúng ta cuồng nhiệt vẫn y nguyên
trong đêm tân hôn anh lại một phen
chảy nước mắt
nghẹn ngào
vì em cao giọng đọc đồi gió hú”
Sự cuồng nhiệt nào, hướng về điều gì? Nhớ lại là làm sống lại quá khứ. Nhớ là hành động sống. Nhớ một người là giữ cho người ấy sống lâu dài trong chúng ta, và do đó trong thời gian. Một người bị quên đi là một người đã chết. Nói cho cùng, tất cả thành công của bạn, danh tiếng, lòng tốt của bạn, những hy sinh của bạn, được đo lường bằng ký ức của người khác sau khi bạn đã ra đi. Ký ức tập thể và ký ức đối với lịch sử còn lớn hơn ký ức cá nhân. Nếu chúng ta rời bỏ quá khứ hoàn toàn, nếu chúng ta chỉ chọn lựa để biết một phần của quá khứ, nếu chúng ta chỉ chọn để thừa nhận một khuôn mặt trong nhiều khuôn mặt của lịch sử, tức là chúng ta không sống trọn vẹn kỳ vọng của đời mình.
Tìm thấy một cách dễ dàng các bi kịch cá nhân là điểm mạnh của Trần Nhuận Minh, nhưng mau chóng đi tìm lối thoát, kết cục tốt đẹp, sự hòa giải, những kết luận công lý tạm thời, thực ra không phải là sở trường của văn chương. Thơ ngày nay chuyển động theo hai hướng cực đoan: các nhà thơ nổi loạn, gần như không có mục đích, và những người xoay quanh các nghi thức truyền thống, ngày càng mê tín. Giữa hai khuynh hướng ấy, Trần Nhuận Minh vận động như một người tìm cách chống lại hoàn cảnh riêng, tìm kiếm không ngừng tiếng nói thích hợp. Thơ anh vì thế là một loại thơ hướng tới thay đổi, hướng tới đám đông, và trong nhiều trường hợp là một loại thơ trình diễn, có thể diễn đọc trên sân khấu. Anh nói về người khác trước khi nói về mình. Tính biểu tượng trong thơ Trần Nhuận Minh, chuỗi đa nghĩa của nó, làm hứng khởi người đọc, làm say đắm những kẻ còn quan tâm đến người khác. Tính dân tộc và tính dân gian giao hòa, ngôn ngữ giản dị, hơi chất phác nhưng hàm súc, nhạc điệu dịu dàng nhưng lôi cuốn, chúng làm lan tỏa sự thật mà anh phát hiện như một người đi tới trước, có thể làm kinh ngạc nhiều người. Người ấy tới trước nhờ vào quá trình nhận thức và nhờ vào tình yêu gần như nhẫn nhục, hay đôi khi, gần như can đảm, phát hiện và làm lan tỏa mau lẹ sự thật, và đến lượt nó, sự thật ấy- như trường hợp thơ Trần Nhuận Minh- chiếm lấy tâm hồn bạn, thuyết phục và lặng lẽ thay đổi bạn.
Nguyễn Đức Tùng
(Trong loạt bài Đọc Thơ, bài 12)
Chú thích:
(1) Lời trong kinh Phật.
(2) Đặng Văn Sinh: http://vanchuongplusvn.blogspot.ca/2012/04/oc-ban-sonate-hoang-da-cua-tran-nhuan.html.