Văn học với đời sống

30/12
8:37 AM 2019

KÝ ỨC ÁM ẢNH

Hải Đường -Đọc Trường ca Chiến tranh trên gương mặt đàn bà (NXB Văn học, 2019) của Phạm Hồ Thu. Tập Trường ca “Chiến tranh trên gương mặt đàn bà” của nhà thơ Phạm Hồ Thu là một trong hai trường ca và một trong mười tác phẩm văn học được Bộ Quốc phòng đầu tư xuất bản trong năm 2019.

                            

Trước đó, khi là bản thảo, tác phẩm đã giành giải Ba (không có giải Nhất) trong cuộc thi viết nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ – giải thưởng của Hội Nhà văn và Bộ Thương binh - xã hội (năm 2017). Sách vừa được tạp chí Văn nghệ Quân đội kết hợp NXB Văn học cho ra mắt bạn đọc. Vnn.net xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Hải Đường về tập Trường ca này.

 

Những người đàn bà đi qua chiến tranh với những kí ức thật ám ảnh. Chiến tranh, nếu tính từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi tuyển thanh niên xung phong đợt đầu vào năm 1965, đến nay đã hơn nửa thế kỷ rồi. Vậy mà đọc tập trường ca Chiến tranh trên gương mặt đàn bà của nhà thơ Phạm Hồ Thu vẫn vang vọng đâu đây tiếng bom, tiếng mìn phá đá mở đường. Và con đường Trường Sơn, con đường chiến lược vẫn hiện lên uy nghi, lẫm liệt với khói bom, rừng già, vực sâu, mây núi, lá nguỵ trang reo, mái tóc dài của nữ thanh niên xung phong rười rượi buổi hoàng hôn đỏ.

Ám ảnh! Sống lại một miền kí ức. Kí ức Trường Sơn. Kí ức chiến tranh. Kí ức làng quê. Đó là tâm trạng của tôi khi đọc tập sách này, một trường ca không dài về số trang nhưng lại mang chiều dài của lịch sử. Những kỉ niệm tưởng đâu ngủ quên trong mộ binh trạm, một cung đường, một cánh rừng nào đó, bỗng thức dậy cồn cào, mãnh liệt. Những nữ thanh niên xung phong, những cô gái của châu thổ sông Hồng vừa bước ra từ đồng quê, từ những chiếu chèo, giờ trở thành những người lính mở đường “Chọc thủng Trường Sơn/Nối Đông trường Sơn sang Tây Trường Sơn”. Hành trang của các chị, các anh không chỉ có súng, cuốc, choòng, xẻng mà còn có: “Ống coóng ruốc pha thuốc tê phù sốt rét/ Chưa gặp địch đã có thể chết vì kiệt sức”. Nhưng kí ức như một vệt sáng xuyên ngày xuyên đêm, xuyên năm xuyên tháng là Gương-mặt- đàn-bà nơi hòn tên mũi đạn. Những kí ức bén bùng như lửa, nặng đầy yêu thương và nước mắt: Những con đường rung bom tọa độ; những cung đường sốt rét; bầy tiên nữ ra mặt đường; chiếc hôn vội giữa đại ngàn hoang dại; xe chở thương binh chở cả quan tài; có trung đội chuyên đào huyệt; bầu vú em trắng ngần bị viên 20 li xé toác… Gian khổ, hi sinh nhưng những nàng tiên nữ của Trường Sơn vẫn đứng lên làm cọc tiêu dẫn đường, vẫn đứng trên cao điểm đếm loạt bom chưa nổ. Thật là một bức tranh lẫm liệt của đức hi sinh và lòng quả cảm vì khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Nếu không phải là người trong cuộc- nữ phóng viên mặt trận- Phạm Hồ Thu khó có thể khắc họa được những hình ảnh như những nét chạm khắc ấn tượng về bức tượng đài lịch sử Trường Sơn, mà trung tâm là những người đàn bà vô cùng đáng yêu, đáng kính.

Bấy lâu có quan niệm nữ nhi thường chỉ viết thơ tình đắm đuối. Với trường ca này Phạm Hồ Thu đã xác định một “căn cước công dân đích thực” khi nói đến một vấn đề lớn là lòng yêu Tổ quốc, lẽ sống-những vấn đề  “phái mày râu” thường quan tâm và có thế mạnh hơn.  Đây cũng là cái làm nên sự khác biệt so với nhiều cây bút nữ khác.

Đã có những trường ca viết về chiến tranh, viết về trường Sơn huyền thoại. Nhưng viết riêng về những nữ thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn thì đây là trường ca đầu tiên. Thủ thỉ kể chuyện với những người cùng mắc võng, ngủ hầm một thưở. Lắng lòng với những “cổ tích” làng quê, những năm “Thị Màu”, “Anh Nô”, “Thị Kính” cũng rời chiếu chèo ra mặt trận. Bùi ngùi nhớ về những người mẹ đồng chiêm Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… đêm đêm đếm từng chiếc lá rơi cho vơi nỗi nhớ, người con ngoài mặt trận chỉ khát khao “con trở về trước hết là ôm mẹ”. Da diết nhớ thương những mối tình chôn chặt đáy lòng, những nữ chiến binh không thể yêu ai khác, ngoài anh – người đã gọi bước chân các chị, các em ra mặt trận.

Kí ức sẽ chẳng là gì nếu không muốn làm một việc hết sức bình thường và lương thiện rằng: Hãy đừng bao giờ quên quá khứ. Đừng bao giờ quên những người đàn bà ra mặt trận! Thông điệp mà nhà thơ gửi đến không đọc thấy trong một tuyên ngôn to tát, thậm chí trong câu, trong chữ, mà nó lấp lánh, xuyên thấm phía sau mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ. Những câu chuyện, những chi tiết, những cảm nhận tinh tế, đọc mà ứa nước mắt, bởi đâu đó, lúc nào đó ta dễ vô tình đi qua, bỏ qua. Trong tập sách, tác giả nhiều lần dùng ngôn ngữ phản tư, nêu những câu hỏi, như một day dứt, một nỗi xa xót, và câu trả lời dành cho người đọc: “Ai còn nhớ chăng?”, “Có nơi đâu như dải đất này?”, “Đất nước sẽ thế nào nếu không có dãy Trường Sơn?”, “Anh ở đâu rồi-người tình duy nhất của em?”... Lòng không khỏi vân vi nhưng khi bom thù trút xuống, thì các chị lại sẵn sàng ra nơi lửa đạn ngút trời, bởi sự sống con đường cao hơn hết thảy. “Chiến trường cần quân/Chiến trường cần đạn/Chiến trường cần những đoàn xe lăn bánh/Chúng tôi quên chúng tôi cho sự sống con đường”. Khi những người dũng sĩ quên mình thì không ai được phép quên họ!

Có một câu hỏi mà sau chiến tranh “phía bên kia” đã mất nhiều công sức để tìm câu trả lời: Vì sao Việt Nam thắng Mỹ?  Lời đáp của chính các học giả từng là người lính ngoài mặt trận: Việt Nam đã chiến thắng bằng đường lối chiến tranh nhân dân, bằng sức mạnh văn hóa. Đọc Chiến tranh trên gương mặt đàn bà, chúng ta sẽ có  thêm những  minh chứng xác thực cho điều này. Những người con gái xứ Bắc vào Trường Sơn họ mang theo cả văn hóa làng quê ra trận. Cái sức mạnh của văn hóa ấy đã được Phạm Hồ Thu khắc họa một cách tinh tế và thuyết phục. Trong chương II “Khúc từ biệt mái đình”, chị đã cho sống lại những hình ảnh vô cùng đặc sắc của những vùng quê văn hóa Việt, trong đó có văn hóa hội hè mà những người đàn bà là những nhân vật trung tâm: “Này đây xiêm áo/ Mớ bảy mớ ba/ Hồng, xanh, đỏ, tím/ Ta cởi ra bỏ lại sân đình/ Sân đình có nhớ ta chăng/ Ta mang mùa xuân trong tiếng hát xoan/ Mắt cười lúng liếng/ Ta nhún một nhịp xuân cho đu bay lên trời/ Cho mọi ánh mắt nhìn theo/ Cho mùa xuân tưng bừng lễ hội/ Cho rạo rực nào trai nào gái/ Nếu vắng ta, sao gọi hội làng?... Trong không gian văn hóa linh thiêng và xúc động ấy, những người con gái đã lớn lên, yêu đương, làm nên vẻ đẹp vĩnh cửu của văn hóa làng quê, nhưng chiến tranh đã tới. Chiến tranh làm tan nát một không gian văn hóa đã được gìn giữ bao đời. Những người con gái cũng ra trận là một hình ảnh đẹp nhưng cũng là một hình ảnh lên án chiến tranh sâu sắc nhất: “Xin góc sân đình hãy tha thứ cho em/ Trúc xinh ra đi sân đình vắng lặng/ Chùa cổ kính giơ bàn tay vẫy/ Những Thị Mầu ra đi, Thị Kính cũng ra đi/ Trước đó thằng Nô lên đường nhập ngũ…/ Tiếng mõ sân chùa nào ai đứng khóc/ Sân chùa đầy khế rụng/ Lá xả, lá chanh thơm ngát/ Thơm cô đơn như câu hát/ Nào ai bứt lá gội đầu/… Những cánh đồng rơm rạ cũng cô đơn/ Trai làng đi/ Gái làng đi/Nào ai còn ai đêm trăng đập lúa/ Gầu sòng, gầu giai để mốc/ Ai đủ đôi tát nước đầu đình/… Đêm sen tàn thơm ngát cả vầng trăng/ Trăng, trăng ơi, gặp ai mà trả áo/ Người gửi áo đêm nào đã ra mặt trận/ Hương sen đầm theo gió cũng bay đi…

Mạch trữ tình truyền thống của trường ca xuyên suốt năm chương, nhưng đậm đà nhất là ở chương hai “Khúc từ biệt mái đình”.Một khung cảnh làng quê thuần hậu, sống động trong buổi chia li:“Hội hè chưa tan/Chiến tranh đã tới/người người đi vội/ Bỏ mặc trúc xinh đứng ở đầu đình”.Văn hóa làng quê như một dòng chảy âm thầm trong mạch sống, trong tâm hồn những cô gái, chàng trai là sức mạnh tinh thần quý giá đã biến thành sức mạnh vật chất to lớn trước những cuộc đọ sức, trước những thử thách nghiệt ngã của văn hóa Việt. Làm sao có thể quên, trước khi trận đánh mở màn, các chị da diết nhớ về mẹ, về chàng trai chưa lời hẹn ước, về mảnh trăng treo đầu lũy tre, về bến sông quê nước đỏ như son, về điệu hát chèo luyến láy, về những cánh đồng bát ngát màu vàng mùa gặt…

Trong chiến tranh có những mối tình thật đẹp, đẹp như thơ, đẹp như huyền thoại. Và chính điều này cũng góp vào chiến thắng, làm cho chiến thắng trọn vẹn hơn, nhân văn hơn. Người chiến sĩ ra đi mang theo mối tình của riêng mình, có thể là một ao ước giản dị: vào chiến trường để tìm anh, như trong câu ca dao xưa “Đời người được mấy giấc mơ/Chàng mơ chính chiến em mơ bóng chàng”. Có thể là trong bom đạn mù trời “anh” của riêng mình bất ngờ xuất hiện. Họ yêu nhau “làn môi thắm dâng lời âu yếm” và một đám cưới trong chiến hào giữa hai mùa chiến dịch.  Tình yêu, cuộc hò hẹn thật dài, chờ nhé đến ngày chiến thắng. Sức mạnh tình yêu là dâng hiến, đợi chờ: “Chiếc hôn vội giữa đại ngàn hoang dại/Dâng trong tôi nhịp sống không ngờ/Sẽ không thể nào quên vòng tay em bé bỏng dại khờ/Em cho tôi niềm tin: Phải sống”.

Rồi chiến tranh đi qua. Rồi tình yêu kết trái. Những nữ thanh niên xung phong năm xưa “trở lại mái đình”.  Một cuộc chiến mới trong thời hậu chiến. Những người em mãi mãi không lấy chồng vì ngoài người mình yêu trong chiến tranh đã hi sinh, giờ không thể nào quên, “có những trái tim yêu chỉ yêu đượcmột lần”! Có người đã  nương bóng cửa chùa để “đợi anh về”, để được sống trọn vẹn với tình yêu. Giờ là lúc có những người mẹ đêm đêm lặng nghe sinh linh bé nhỏ quẫy đạp trong lòng mà thầm lo lắng, liệu đứa con sinh ra có đủ đầy những ngón tay, ngón chân nhỏ xíu, bởi mẹ đã từng lặn lội trong những khu rừng địch rải chất độc da cam/điôxin lá cây héo rũ. Mẹ dằn lòng: “Để nghe mưa thở bên thềm/Để nghe sông chảy ấm êm nỗi người”

“Chiến tranh dù đã xa rồi…” là câu kết của trường ca. Một cái kết mở.Gấp tập sách lại, một nỗi buồn se thắt. Nhưng tôi nghĩ, đó là một nỗi buồn lay thức, nỗi buồn nâng bước chân đứng dậy và đi tới, tin cậy và mong chờ!

 

Hà Nội 12-2019

 

Chiến tranh trên gương mặt đàn bà

(Trích Trường ca của PHẠM HỒ THU)

 

Chương hai

 

Khúc từ biệt mái đình

Này cây trúc xinh

Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc

Trúc xinh đứng ở đầu đình

Em xinh em đứng một mình vẫn xinh[1] 

 

Câu hát vút lên

Em đã tự hào là cây trúc xinh

Cây trúc xinh đứng ở đầu đình

Đứng ở đầu đình chờ người đi hội…

 

Hội hè chưa tan

Chiến tranh đã tới

Người người đi vội

Bỏ mặc trúc xinh đứng ở đầu đình.

 

Đứng ở đầu đình

Nào ai ngó tới

Xin người đừng nói

Em đứng nơi nào cũng xinh…

 

Tiếng hú chiến tranh

Rúc vào hồn ta thúc giục

“ Nước có giặc phải đi đánh giặc”

Dẫu là phận gái…

 

Này đây xiêm áo

Mớ bảy mớ ba

Hồng, xanh, đỏ, tím

Ta cởi ra bỏ lại sân đình…

 

Sân đình có nhớ ta không ?

Ta mang mùa xuân trong tiếng hát xoan

Mắt cười lúng liếng

Ta nhún một nhịp xuân

               cho đu bay lên trời

Cho mọi ánh mắt nhìn theo

Cho mùa xuân tưng bừng lễ hội

Cho rạo rực nào trai nào gái

Nếu vắng ta, sao gọi hội làng…?

 

Xin góc sân đình hãy tha thứ cho em

Trúc xinh ra đi, sân đình vắng lặng

Chùa cổ kính giơ bàn tay vẫy

Những Thị Mầu[2] ­ra đi

Thị Kính[3] cũng ra đi

Trước đó Thằng Nô[4]

                  lên đường nhập ngũ…

Tiếng mõ sân chùa nào ai đứng khóc

Sân chùa đầy khế rụng

 

Lá sả, lá chanh thơm ngát

Thơm cô đơn như câu hát

Nào ai bứt lá gội đầu…

 

Những cánh đồng rơm rạ cũng cô đơn

Trai làng đi

Gái làng đi

Nào ai còn ai đêm trăng đập lúa

Gầu sòng, gầu giai để mốc

Ai đủ đôi tát nước đầu đình…

 

Đêm sen tàn thơm ngát cả vầng trăng

Trăng, trăng ơi,

           gặp ai mà trả áo[5]  ?

Người gửi áo đêm nào đã ra mặt trận

Hương sen đầm theo gió cũng bay đi…

 

Trúc xinh thì trúc cứ xinh

Tạm biệt nhé – lửa chiến tranh

                                   đang tràn

 

Xa kia là những con đường

Những con đường vẫy gọi…

Chương năm

Khúc trở lại mái đình

I

Con trở về, trước hết là ôm mẹ

Ôi mái tóc người đã bạc nhiều thêm

Mẹ còng lưng đang quét lá bên thềm

Mẹ đếm lá hẳn là để vơi nỗi nhớ

Mẹ đếm lá chờ bước chân con trở lại

Những mùa lá rụng vàng sân vắng

Đợi con về, mẹ đợi, đêm đêm...

 

Không có gì sánh được lòng mẹ đâu

Mẹ ơi mẹ, con thương mẹ nhất

Bao đêm vắng mẹ chờ con trước cửa

Mẹ ngóng phương Nam, mẹ tìm phương Bắc

Mẹ lạy Trời, khấn Phật

Xin phương con tìm được yên bình

 

Xin đừng nói to về những hy sinh

Những hy sinh nhìn thấy và không bao giờ nhìn thấy

Lặng lẽ nhất là những hy sinh của mẹ

Trái tim mẹ mang những vết chém chìm...

 

Ca ngợi những chiến công, xin hãy nói nhỏ thôi

Kẻo lại động vết thương chìm của mẹ

Những đứa con không về mãi mãi là bé bỏng

Những cánh tay con mẹ vẫy bên trời.

 

II

Chiến tranh tàn rồi nhưng mẹ đâu được bình yên

Mẹ khóc những người con không trở lại

Và mẹ khóc cho những người con gái

Sau chiến tranh trở về...

Vòng tay mẹ ôm con, vòng tay ấy lỏng dần

Con biết đêm nay mẹ lại khóc thầm

Mẹ nhớ đứa con gái phổng phao ngày trước

Đôi mắt to tròn, nụ cười tươi rói

Mái tóc dày như sóng...

Đâu rồi con, làn da trắng bóc

Đâu rồi con, cặp vú bánh dày thơm ngát

Đau rồi con đôi má lựng ngày xưa..

 

Chiến tranh đã tàn nhưng mẹ không thể bình yên

Mẹ lại khóc cho những người con gái

Sau bao năm, mãi chẳng lấy chồng

Sau bao năm, chẳng  có trẻ bế  bồng

 

Con ơi, con ơi

Làm đàn bà được làm mẹ là ước mơ lớn nhất

 

III

Ôi , có đất nước nào như đất nước chúng tôi

Những người xuất sắc nhất đều ra mặt trận

Đất nước yêu hòa bình nhưng người người cầm súng

Đất nước dàn quân trên số phận bao người...

 

Yêu hòa bình nhưng không thể mất tự do

Không thể mất biển trời Tổ quốc

Không thể mất cánh cò cánh vạc

Bay ngang trời chở khát vọng bình yên...

 

Có đất nước nào như đất nước chúng tôi

Đất nước của những người đàn bà dịu hiền, bé bỏng

Đất nước của những người đàn bà hát ru.

Đất nước của những người đàn bà chờ đợi

Chờ đợi bao đời cũng chẳng bình yên

Họ thành người cầm súng

Họ cầm cuốc, cầm choòng và cầm Tình yêu

ra trận...

 

IV

Chúng tôi trở về khi đất nước đã bình yên

Người trở lại mái trường, người trở về với đồng quê lam lũ

Chúng tôi giống nhau khát khao tìm về hạnh phúc

Khát khao tình yêu, khát khao làm mẹ

Khát khao nắm bàn tay con trẻ

Trong đêm trăng ngồi hát diệu ru hời...

 

Nhiều người trong chúng tôi đã thành mẹ, thành bà

Họ tiếp nối con đường nghìn đời của mẹ

Lại bồng bế, hát ru, cầy cấy lam lũ

Lại sinh ra biết bao đứa trẻ

Những đứa trẻ lớn dần, hòa biển lớn Nhân dân

 

Các con lớn lên rồi có biết đã bao đêm

Mẹ ngồi ru những đứa con trong bụng

Mẹ lạy trời

Những cánh rừng da cam mẹ vượt

Chất độc chết người đừng thấm thịt da con

Đêm trở dạ một mình

Việc thứ nhất là nắm bàn tay tí hon

Nắm bàn chân bé xíu

Ước làm sao không thiếu, không thừa

Có những đứa trẻ sinh ra chưa kịp làm người

Có những đứa trẻ sinh ra suốt đời không lớn

Suốt cuộc đời mẹ làm bảo mẫu

Suốt cuộc đời lam lũ

Suốt cuộc đời mang dấu ấn chiến tranh...

 

 

 

 

V

Mẹ tôi hát rằng:

Đời người được mấy giấc mơ

Chàng mơ chinh chiến, em mơ bóng chàng[6]

 

Câu hát xưa mẹ hát ru em

Người đàn bà bé bỏng

Những người trai ra trận

Em đi theo tiếng hát của người

Bàn chân em in lên dấu chân người

Đợi một ngày sum họp...

 

Chiến tranh! Chiến tranh

Chiến tranh không chừa ai

Chiến tranh xé ngang những ước mơ bé bỏng

Hai đứa chúng mình cùng ra mặt trận

Kẻ thù đến là ta nổ súng

Em đợi anh

Nghe tiếng súng là em nghe anh gọi

Em đợi anh về...

 

Tắt lửa chiến tranh

Nhiều người trai không trở lại

Anh ở đâu rồi - người trai yêu dấu

Anh ở đâu rồi - người tình duy nhất của em!...

 

 

 

 

Nào ai biết chăng

Có những trái tim yêu chỉ yêu được một lần

 

Người trai ấy hy sinh

Chị trở thành góa bụa

Không tìm được người trai nào giống người trai ấy

Chị vào chùa - thành sư...

 

Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe

Lắng nghe một tiếng chuông chùa

Là nghe một tiếng người xưa vọng về...

 

Cô Thị Màu ngày xưa

Vào chùa không nhặt khế chua

Bạn tôi niệm một câu thơ tặng đời

Thả tình lại chốn chơi vơi

Thả mình vào tiếng chuông rơi lặng chiều...

 

Nỗi người thật lắm bể dâu

Đã đau nỗi bạn lại đau nỗi mình

Trúc xinh vẫn đứng đầu đình

Nhưng người trai của chúng mình đã xa...

Những người trai chẳng về nhà

Nhìn trời - một giải ngân hà về đâu...

Đã xa, xa lắm nhịp cầu

Mõ kêu tiếng trái tim đau ngóng tìm...

 

 

 

 

 

 

 

 

—

Áo khăn ngày ấy lặng rồi

Trúc xinh vẫn đứng bên trời lặng im

Trúc xinh thì trúc vẫn xinh

Lặng im nghe tiếng mái đình trở rêu

 

Thôi về nép dưới trăng sao

Để nghe gió thổi rì rào mỗi đêm

Để nghe mưa thở bên thềm

Để nghe sông chảy ấm êm nỗi người

 

***

Đất nước tôi

Những người đàn bà

Mỗi sợi tóc đều mang câu thơ chinh phụ[7]

Trong cổ tích

Người đàn bà chờ chồng hóa đá

Sau những cuộc chiến tranh

Đá không đủ để tạc thành những nàng chinh phụ

Đá lại trở thành người

Những buổi sáng tinh khôi

Những nàng chinh phụ đi qua trước cửa nhà tôi

Đi qua trước cửa nhà bạn

Mang theo những vết thương không lời...

 

—

Chiến tranh dù đã xa rồi...

 

2001-2017

P.H.T

 

 

 

 

 

[1] Ý những câu trong bài dân ca

                        “ Cây trúc xinh”

 

[2]23Những nhân vật chính trong vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính” thường diễn ở các

      Sân đình mỗi dịp hội làng

 

 

[5] Ý từ câu ca dao:

“Đêm qua tát nước đầu đình

  Bỏ quên chiếc áo bên cành hoa sen

  Em  có bắt được thì cho anh xin…”

 

[6] Ca dao mẹ hát ru tôi

[7] Ý thơ Hoàng Quý

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *