TRANG THƠ TỰ CHỌN CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRÁC
Nhà thơ Nguyễn Trác (nguồn: Internet)
THƠ NGUYỄN TRÁC
Đi xe ngựa ở Vinh
Tiếng vó ngựa lăn tròn
Mặt trời lên vàng gắt
Một cô gái áo phông đỏ rực
Ngồi trầm tư trên một chuyến xe đò
Vinh trần trụi những con đường cát bỏng
Những lời ca ví dặm trước mùa thu
Bông cẩn nở quê mùa trên phố mới
Và những pa-nen cần trục…xô bồ
Đất đào lên nơi nào cũng đỏ (*)
Câu thơ anh chợt đến lúc không ngờ
Con ngựa cũng bất ngờ hí vang giữa bộn bề nắng gió
Chiếc bờm dài dựng đứng cả trời trưa
Tôi đan chéo giữa Mặt trời và ngựa
Giữa xứ Nghệ ngàn năm và Vinh của bây giờ
Kìa cô gái áo phông khẽ thầm thì như hát
Sông Lam mùa này nước bắt đầu to.
______________
(*) Thơ Thạch Qùy
Bây giờ em đã về chưa
Bây giờ em đã về chưa
Anh ngồi Hà Nội lo mưa Sài Gòn
Cỏ hoa ướt đẫm bên cồn
Mênh mông những cuộc đời còn xa nhau
Bây giờ em đã tới đâu
Đường Nguyễn Huệ chợ Dakao hay là
Một người với chiếc ô hoa
Ngồi che cho một người xa cuối trời.
Bên tượng vũ nữ Trà Kiệu
Không thể có thực đâu
dáng uốn cong kia của đôi tay vũ nữ
không có thực
cả đôi chân kia nữa
cả tấm thân mang hình ngọn lửa
cũng mơ hồ phi lí đến ngây thơ...
Nhưng không thực
em làm sao sống nổi
giữa bao nhiêu thiện, ác trên đời
giữa bao nhiêu hão huyền lịch sử
bao thăng trầm được mất buồn vui
Thế kỷ Mười đã quá xa xôi (*)
thế kỷ Hai mươi sắp thành đồ cũ
nhưng dẫu thêm bao điều kì lạ nữa
em vẫn là điều kì lạ khôn nguôi
Em vẫn sống như nghìn năm đã sống
một đôi tay không thực tay người
một tấm thân ngỡ đầy siêu thoát
vẫn vô cùng gần gũi với nhân gian.
Buổi trưa,nhân bạn mời uống
rượu Minh Mạng
Rượu Minh Mạng mà không Minh Mạng
uống say nghìn nậm chẳng thành vua
uống một chén cũng là bằng hữu
uống đi em ngoài cửa gió lùa
Cô gái chạy bàn mới ra thành phố
aó quần gương mặt vẫn chân quê
thấy ghế khách cập kênh không vững
cố đi tìm một thứ để kê...
Rượu Minh Mạng mà không Minh Mạng
chỉ mùa đông về đỏ lá bàng
chỉ bông hoa trên quầy cô độc
và chiếc rèm cửa cuốn cao sang
Cô gái ơi thôi đừng tìm nữa
làm sao kê bằng được thác ghềnh
là thảo dân uống rượu hoàng đế
riêng chuyện này ta đã cập kênh
Rượu Minh Mạng mà không Minh Mạng
đời hư hư thực thực trên bàn
kìa một đám múa lân qua phố
múa từ mùa thu trước chưa tan.
Cà phê chiều
Muốn ngồi uống một ly đen
Xem hoàng hôn sẫm dần trên gót giày
Phố chiều gió vọng hàng cây
Những viên sỏi trắng trên tay đã mòn
Bốn mươi mấy tuổi ra đường
Có người mang nặng nỗi buồn trẻ thơ
Chim vẫn kêu sau vạt đồi sương muối
Để tưởng nhớ những người con gái xa quê
hy sinh ở chiến trường
Em đừng chết
Chim vẫn kêu sau vạt đồi sương muối
Những lá lang rừng vẫn ngộ nghĩnh to
Bướm trắng đưa người về tuổi ấu thơ
Em đừng chết
Viên đạn quân thù bắn lén sau lưng
Tuổi đôi mươi cơn sốt rừng chặn trước
Hoa phong lan rơi vào giữa bụi gừng
Ai đó bảo “hết đường ra Bắc” (*)
Đom đóm bay đặc phía cửa rừng
Nhưng Bắc Nam không thể nào chia cắt
Mai em về đom đóm sang sông
Kìa con suối em thường xuống tắm
Con suối ôm tròn cơ thể thanh tân
Em đừng chết cho suối đừng cạn nước
Rau thục rau môn đừng phải đắng lòng
Dù ai bảo “hết đường ra Bắc
Em đừng tin lời kẻ ngã lòng
Chim vẫn kêu vạt đồi hoa thắm
Em có còn nhớ tiếng chim không
Chữ nhẫn
Những lá cờ quốc tang đã gỡ
Xe tang đã về ga-ra
Người đưa tang đã về nhà
Lau nỗi buồn đi như “ lau khung cửa kính mờ sương” (*)
Hoa vẫn xếp cao từng lớp trong vườn (**)
Nhân dân lại bàn về cái chết của Ông
Sự trường tồn của tình yêu Tổ quốc
Và mảnh đất Ông chọn để yên nghỉ
Hưng Nhượng Đại vương xưa hiển thánh Hạ Long
Đền Cửa Ông con đã tới bao lần
Nay Vũng Chùa Đảo Yến
Ông lại về bên cạnh biển Đông
Tiếng gà neo giữ buổi trưa
Mùa thu nặng trĩu từng con sóng
Nhân dân lại bàn về chữ nhẫn
Chữ nhẫn Ông giữ cho mình suốt mấy chục năm
Chữ nhẫn được nuôi bằng tính kỉ luật của người lính và bằng âm nhạc
Nỗi khát khao yên bình sau bom đạn trầm luân
Nhưng vẫn còn chữ nhẫn của nhân dân
Chữ nhẫn của lịch sử …
Đã cạn thu rồi
Cây trong vườn mai mốt sẽ sang xuân
Long Biên 11.2013
_______________
(*) Thơ Nazim Hikmet (1902-1963) ,nhà thơ lớn Thổ Nhĩ Kỳ
(**) Trong những ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vườn nhà ông
luôn có rất nhiều hoa của những người tới viếng.
(***) Đền Cửa Ông (Quảng Ninh) thờ Trần Quốc Tảng, vị tướng có nhiều công lao trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Đất đền (Vườn nhãn ) tương truyền là nơi Ngài hiển thánh.
Chiều Chu Đậu
Ông già ngồi vẽ gốm
Ngồi bệt trên đất bằng
Lọ gốm dựng nghiêng nghiêng
Chiều nghiêng nghiêng tre trúc
Khúc tỳ bà kĩ nữ
Bay nghiêng trong lòng thuyền
Tóc bạc nghiêng nghiêng đổ
Xuống một thời hoa niên
Men ngọc chảy thành sen
Trăng mờ vờn trăng tỏ
Sau ngọn lửa hoàn nguyên
Là màu cô-ban cổ …
Ông già ngồi như lửa
Ngồi bệt trên đất bằng
Đất cho ông hơi ẩm
Trời cho thêm nét trăng
Tiếp nối với tiền nhân
Ông ngồi cùng con cháu
Mênh mang chiều Chu Đậu
Nghiêng nghiêng về phù vân
Đêm Nguyễn Du
(Năm 1813.Trên đường đi sứ)
Trên các đồi quan họ
gái trai giờ này vẫn còn ca hát
Họ biết hay không biết
sông Hương trong Kinh đang chảy về đâu
họ biết hay không biết
ước mơ một chiếc thuyền đêm
lênh đênh trên cửa La Phù
họ biết hay không biết
làm ngọn nến ngắn trên con đường dài
Những người đàn bà đi bán chổi rễ
dọc đê sông Hồng
những người mẹ bế con luồn qua bụng voi để lấy khước
những thầy đồ móng tay lá lan
những người nhể lẹo
những đứa trẻ chơi trồng nụ trồng hoa
những con đê và dòng sông
Họ biết hay không biết
thành mùa xuân mà cỏ xuân ngơ ngác
có ai dám làm một chiếc trống đăng văn
ai xõa đầu bạc ra trước gió
Những bụi cây trên rú Hồng quê ta
những bầy đom đóm
những nông phu vật lộn cùng ruộng đất
những nho sinh vật lộn với công hầu
những người đàn bà vật lộn với phấn son
những đỉnh núi và giếng nước…
Khí lạnh ban đêm dồn hết vào một người (*)
còn ai trong cõi sống
những cánh vạc hoàng hôn cứ xa dần nhạt dần
ánh đuốc đưa ai ra đồng vào cõi chết
đâu là người đâu ma
Thăng Long hào hoa
Thăng Long nghìn năm đất đế đô
đây là chỗ Quang Trung mang kiếm bạc
kia là điện cũ Vua Lê
những lâu đài nỉ non
những cung nhân tàn tạ
những phường Sở Khanh đang bàn tính âm mưu
những vầng trăng chạy trốn
Thăng Long của hoa đào hoa cúc
của tranh Đông Hồ
của tuổi thơ ta bên gốc đại trong Văn Miếu
ai sẽ nói tiếng nói những thành quách bị phạt thấp
ai sẽ nói nỗi đau của những giọt mưa
ai sẽ nói lời nặng nề bia đá
Khí lạnh ban đêm dồn hết vào một người (*)
tiếng xênh phách làm ta đau đớn
tiếng trống canh làm ta đau đớn
tiếng trẻ khóc trong mơ làm ta đau đớn
làm đau đớn ta cả vó ngựa ngày mai
khí lạnh rặng núi xa thấm vào giấc mộng người du tử (**)
_____________________
(*) (**) thơ Nguyễn Du
Huyền thoại về nhà thơ
Khi những con đà điểu rúc đầu trong cát
anh lang thang trên bờ biển đẫm xanh
Khi những bông hoa nở trong bóng tối
anh cô đơn cùng với mặt trời
Khi sư tử đực quần nhau trong mùa hôn phối
anh cùng sư tử bé ra khơi
Và khi sơn ca đã ngủ trên đồi
anh bắt đầu cất lên tiếng hát
Về cát trên sa mạc
bóng tối trước hừng đông
về tình yêu và lòng thù hận
cùng tiếng chim buổi sáng trên đồng
Gió lạnh
Tặng anh Phạm Thế Minh
Đã lâu không gặp nhau
Gọi điện thăm anh nói mình vừa lên Yên Bái
Sáng xem lúa chín vàng trên ruộng bậc thang
Chiều về lăng Nguyễn Thái Học thắp hương
Không thành công Nguyễn Thái Học thành nhân
Tôi nhắc ngày Lai Châu
Thăm trang trại cá hồi
Ôi loài cá yêu quê hương kì lạ
Đã lâu không gặp nhau
Đau đáu chuyện kinh thành
Tôi nói mùa ngày liễu chẳng còn xanh
Quanh Hồ Gươm toàn nghe nói chuyện tiền
Quanh Hồ Gươm không còn hầm trú ẩn
Báo rao như hát những hung tin (*)
Các em bé chơi game
Hồn nhiên như lá biếc
Đã lâu không gặp nhau
Mưa nắng cũng nhiều hơn
Văn chương như chiếc khăn không thấm nước
Ta như chim bay không hết được vườn
Nhưng chả lẽ không ngượng với cá hồi
Không thẹn với Nguyễn Thái Học
Không xấu hổ cùng lá biếc
Quanh Hồ Gươm đêm nay gió thổi lạnh bao người…
________________
(*) Ý thơ Đỗ Nam Cao
Đêm yên tĩnh lạ lùng
Nhớ T.L
Đêm yên tĩnh lạ lùng
Gió thiu thiu bên cửa
Những con chim ngủ trong bóng tối
Những con dơi bay trong vòm lá hồng xiêm
Người chủ quán đã trở về Hà Nội
Trăng lang thang trong các giấc mơ
Anh đứng đếm những vì sao rơi
Ngoài vô biên có hay không hạnh phúc
Tất cả các ngọn lửa trong anh đều đã cháy hồng
Chỉ còn em thiếu vắng
Ngoài Hồ Tây cơn mưa đã tạnh
Những vệt sáng lấp lánh của một đàn đom đóm vụt qua
Mọi ồn ào hình thức đã xa
Cuộc sống tìm về cội nguồn của nó
Và ếch nhái vẫn như muôn thuở
Gọi nhau mà không thấy mặt nhau.
Khúc tiêu sơn
Nhớ Trịnh Thanh Sơn
Bún
Mắm tôm
Đũa mộc. Quạt nan
Vài gương mặt có phần cổ quái
Quán tranh tre
Lều một mái
Câu vọng cổ xàng xê cuối bãi
Đàn ai tích tịch tình tang
Cô gái quê
Bưng
Những mẹt hàng
Như bưng mùa thu đậu phụ rán vàng
Quán tranh tre
Cúc tần diệp liễu ngâu lan
Đất rền búa máy
Trên tường cái kiến lang thang
Khúc
Tiêu sơn
Nửa cút rượu ngang
Gập ghềnh ngày gió hú
Quán tranh tre
Lòng chuyện cũ
Trăng như nét mực tàu vừa nhú
Chiều về
tiết hàn lộ
mang mang…
Ngày về
Anh trở về
Sông đã phù sa
Thành phố không còn tháng bảy
Thành phố muộn màng như một bàn tay
Dưới những vòm cây
Xao xác niềm cô đơn tuổi nhỏ
Gió
Những vì sao ban mai và những kí ức cũ
Ta từng xanh trong nhau
Không ai bắt đầu từ chỗ trống
Gió đầy vai
Em mang chiều đi tắm
Buổi chiều mềm và ấm
Sông Hồng như gương mặt người say
Anh đối diện thời gian uống rượu
Chàng Trương Chi gõ mạn thuyền đầy
Người bóc yến trên cù lao Chàm
Từng bước và từng bước
Sự dịu dàng thẳng căng
Anh như là con báo
Đang trèo từng bước lên
Với đôi chân chắc nịch
Anh đang ở giữa trời và đất
Giữa chim yến và biển xanh
Giữa cái sống và sự chết
Bên cô đơn bên nỗi nhọc nhằn
Những lối mòn ẩm ướt lặng câm
Những cái tên đe dọa
Hòn Trán Qủi hòn Mồ hòn Vả
Những hòn núi như cái cây bằng đá
Một cái cây không lá
Một cái cây không nụ không cành
Đưa anh vào xa thẳm mông mênh
Trên chót vót là vì sao buổi sớm
Chót vót là trời xanh
Trên chót vót vầng-trăng-tổ-yến
Bông hoa vàng kì diệu của đời anh
Trên chót vót miệt mài và lặng lẽ
Từng bước anh đi tới cuộc đời mình
Có thể mai kia trong yến tiệc linh đình
Người ta sẽ chẳng nghĩ gì về sự chênh vênh
Chẳng đoái hoài đến mặt trăng kia và ngôi sao buổi sớm
Chẳng biết và chẳng nhớ tới anh
Như luôn quên dưỡng khí sẵn bên mình
Nhưng lặng lẽ miệt mài và hạnh phúc
Thi gan cùng đá mốc rêu xanh
Người bóc yến vẫn bước lên từng bước
Trên cái thang không nụ không cành
Những con cá
Tặng Nguyễn Xuân Tiệp
Chiều chăn trâu
Những con cá giấc mơ trẻ nhỏ
Vầng trăng đêm lưng ngựa
Đồng quê-sương trắng-ao chuôm
Nhưng bạn ơi sao là cá chứ không phải ngựa
Sao là đêm không phải ban ngày
Sao gương mặt người họa sĩ
Lại hướng về cỏ cây
Và những chiếc bình cổ
Không phải để cắm hoa mà bình đẳng với hoa
Niềm tự do xác tín trẻ thơ
Niềm xác tín chúng ta đã mất
Chúng ta sống một phần trong tuổi
Phần trong những bé thơ
Chúng ta chết mỗi ngày trong đời thực
Phục sinh từ các giấc mơ.
Quán Trung Hoa
Chạy dọc bức tường lớn cạnh cầu thang
Những ảnh nấm như ảnh các minh tinh màn bạc
Trâm vàng, linh chi đỏ, thủy sâm
Những tên nấm vang danh Hoa hạ
Đất đai Người rộng lớn và kì vĩ
Cô gái bưng nồi lẩu đặt lên bàn
Đốt viên cồn dưới đáy
Cồn bật ra ngọn lửa màu cam
Lửa Đông Ngô hay lửa Hàm Đan
Lịch sử Người lửa đỏ từng trang
Và chàng trai Hán trang phục như trong một lễ nghi bí ẩn
Đỡ chiếc ấm vòi dài gần thước trên tay (*)
Nghiêng mình rót vào từng cốc dòng nước màu hổ phách
Tám vị trà bát bảo trung nguyên…
Quán Trung Hoa
Khách trung niên
Mùa thu Đại Việt
Mây trắng bay như những chiến thuyền
Thơ cho bạn
Một đĩa ốc nhồi
Cút rượu Thạch Sanh
Những nàng tiên múa quanh Đức Phật
Gương mặt em như hoa dại lúc sương mờ
Chúng ta ngồi trên phố Nguyễn Du
Nói những điều Nguyễn chưa từng viết
Ốc có từ ngày xưa
Rượu có từ ngày xưa
Những chức sắc không bao giờ với tới
Nhưng đắng cay hạnh phúc đã dư thừa
Những chùm hoa bí ẩn trong thơ
Mái ngói mũi hài những ngôi chùa cổ
Những điều thiêng liêng và những điều gàn dở
Chiếc xe đạp quèn và mùa thu
Gương mặt ai như hoa dại lúc sương mờ
Bóc hết mình ra như trẻ con bóc chuối
Đập vỡ nhân tìm một vị bùi
Chúng ta trẻ như những người trẻ nhất
Chúng ta già hơn các bậc tiền nhân
Trong tĩnh lặng Lào Cai
Có lẽ ít đâu như ỏ Lào Cai đêm yên tĩnh lạ lùng
Âm vang trong tĩnh lặng Lào Cai
Tiếng nước chảy rất sâu trong lòng đất cổ
Lời thầm thì nên xanh nên thác
Những dốc đèo ngây ngây
Đưa anh lên chất ngất
Nên mênh mông Trái Hút Bảo Hà
Âm vang trong tĩnh lặng Lào Cai
Mận Tam Hoa chuyển nhựa lên cây
Rượu Sán Lùng lên hương góc bếp người Dao đỏ
Gió lạnh về Cốc Lếu
Cam Đường người rượu say
Người đẹp trông như tuyết (*)
Trong tĩnh lặng Lào Cai
Sông Hồng vào Đại Việt
Lúa vàng ruộng bậc thang
Và tĩnh lặng
Bảo Yên trăng sáng
Những lão nông kể trận phố Ràng
__________________
(*) Thơ Lò Ngân Sủn
Vết đạn trên thành cổ
Những bông hoa ý tứ
Nở nghiêng bên tường thành
Nở xa nơi vết đạn (*)
Mầu hoa chừng bớt đanh
Những cơn mưa lớn mấy
Cũng trở nên dịu dàng
Khi mưa ngang vết đạn
Sấm ghìm lòng bớt vang
Cây sấu già lặng lẽ
Bớt miên man lá vàng
Lá bay ngoài vết đạn
Thân không ngoài thời gian
Một khí tiết Hoàng Diệu
Sao cứu nổi thành tan
Mấy trăm người lính Nguyễn
Đã trở thành hồn oan
Đặt tay lên vết đạn
Thấy tay còn nóng ran
Tôi biết mình mãi mãi
Không thể là vô can …
(*)Vết đại bác cổng thành Cửa Bắc Hà Nội do pháo thuyền Pháp bắn trong
cuộc đánh chiếm thành lần thứ 2 năm 1882
Người đàn bà dậy sớm
Sáng sáng
Người đàn bà dậy trước bình minh
Chạy cùng những cơn gió trẻ
Bên cạnh nàng là đêm của cỏ
Vầng trăng tươi ngà ngọc của trời
Sau lưng nàng thành phố
Và mùa xuân chỉ mới nàng thôi
Nàng chạy quanh công viên
Chạy với bao hăm hở
Qua mùi hôi của những con thú
Tới hương thơm của những đóa hồng
Với đôi chân khỏe mạnh
Nàng bay lên trên sỏi đá cằn
Bên cạnh nàng là hoa vừa nở
Cùng tiếng chuông chùa đã nghìn năm
Người đàn bà chạy đều và thở
Hít vào lồng ngực cả trời xanh
Cả non tơ của gió
Và tiếng chim trong vắt trên cành