THƠ CHÂN CHẤT VÀ HIỆN ĐẠI
Nhà phê bình Đinh Quang Tốn
Có nhiều định nghĩa về thơ và nhà thơ. Nhưng nhìn chung thơ và nhà thơ đi liền với cái hay cái đẹp. Thơ thường đi liền với tuổi trẻ, mùa xuân, tình yêu. Phải vậy chăng mà có danh từ “nàng thơ”, và bây giờ ngày càng có nhiều người phấn đấu trở thành nhà thơ. Bởi trong lịch sử, “nhà thơ” là một danh hiệu, rất cao quý. Chỉ có điều, nhà thơ là do trời đất sinh ra, chứ không thể phấn đấu được. Những ai phấn đấu để trở thành nhà thơ thì thường là những người tự ngộ nhận. Thơ sinh ra nhà thơ hay nhà thơ sinh ra thơ, thật khó rạch ròi, bởi khi có thơ thì sẽ có nhà thơ và ngược lại, còn khi đã không có thì không có cách nào để có được. Càng phấn đấu để sinh ra thơ, thành nhà thơ thì càng xa thơ.
Trong các khái niệm về thơ và nhà thơ, tôi chú ý đến mấy câu của Chế Lan Viên:
Trái đất rộng thêm ra một phần vì
bởi các trang thơ
Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ
Họ chỉ trồng một hàng dương để
mở lối cho ta về bể...
Hai câu trên là một cách lí tưởng hóa thơ và nhà thơ, giống như Xuân Diệu từng lí tưởng hóa tình yêu của các chàng địa chất trong bài thơ Anh địa chất và những triệu năm là anh địa chất yêu ai, chắc hẳn yêu dài, yêu bền, yêu chặt... Nhưng câu dưới là một quan điểm về thơ và nhà thơ rõ ràng, riêng biệt. Chế Lan Viên không quan niệm thơ là bể như nhiều người, trong đó có các nhà thơ và nhà phê bình thơ. Ông chỉ quan niệm nhà thơ là người “mở lối” cho tâm hồn mọi người “về bể” mà thôi. Có thể thấy, đấy là một quan niệm hiện đại. Nó không “bao cấp” về tư tưởng, về tâm hồn. Nó “mở lối” cho tư tưởng và tâm hồn mọi người đi tới tự do. Quan điểm đó là sự phát triển tự nhiên quan niệm thơ phải hàm súc của phương Đông. Thơ là gợi, chứ không phải giãi bày, trình ra, phô ra hết. Đây là một sự kiến tạo lí luận thơ hiện đại trên cơ sở truyền thống. Tôi rất dị ứng với việc áp dụng các lí luận về thơ của phương Tây vào đánh giá, lí giải thơ phương Đông. Không thể dùng các loại chìa khóa cảm ứng từ hiện đại để mở những ổ khóa có lãy của phương Đông được, mà phải dùng các chìa khóa răng cưa đặc trưng. Cái kiểu hoắng lên các loại lí luận, làm như chỉ có phương Tây mới là hiện đại, rồi áp dụng một cách máy móc vào giải mã thơ phương Đông, thơ Việt Nam thật khó chấp nhận. Rồi từ các loại lí thuyết ấy lại sinh ra các loại thơ phương Tây trong đời sống xã hội phương Đông, xã hội Việt Nam thì theo tôi là đi ngược quy luật của sự phát triển, điều mà từ xưa ông cha ta đã giễu cợt trong bài ca dao Ngược đời.
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn trong bài Tự thú của một người viết phê bình tỏ ra tâm đắc với câu chuyện thi sĩ Xuân Diệu trao “chìa khóa” phê bình văn chương cho nhà thơ Phạm Tiến Duật bằng cách tặng quyển Mái Tây của Vương Thực Phủ, có lời bình của Kim Thánh Thán, do Nhượng Tống dịch. Điều đó chứng tỏ sự trăn trở của nhà phê bình này cũng như của Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật trong việc đi tìm lí thuyết cho phương pháp phê bình văn chương phương Đông. Theo tôi, đó là những trăn trở đáng quý, theo một phương hướng đúng, cần phải tiếp tục khơi mạch và phát triển.
Tôi lại nghe nói, có những nhóm người đang tìm cách vận động để tác giả này tác giả nọ của Việt Nam được trao giải Nobel văn chương. Tốt thôi, giao lưu văn hóa với thế giới thời mở cửa thì tham gia vào các cuộc chơi là điều cần thiết. Nhưng tôi tin, dù có bị thiên lệch như thế nào thì giải Nobel văn chương trao cho một nhà văn thuộc dân tộc nào tất phải mang tư tưởng, tâm hồn và phong cách của dân tộc đó trong các tác phẩm. Không thể trao giải cho một nhà văn Việt Nam mang phong cách Tây và ngược lại.
Xuân Diệu viết Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, còn Hồ Chí Minh viết Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Theo tôi, hai ý thơ này không đối lập nhau mà bổ sung cho nhau, là hai đặc trưng của thơ phương Đông khi đất nước thanh bình và khi có biến. Cũng như Chế Lan Viên viết Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc/ Thành một nhành hoa mát mắt cho đời... Đó là những quan niệm về thơ mang đặc trưng của một dân tộc “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Thơ tình Xuân Diệu, tại sao hay?
Ngoài những giá trị khác, thi sĩ Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”, có thể vì trước đấy ít người làm thơ tình và không ai làm nhiều thơ tình bằng ông, mà thơ tình của ông lại hay nữa. Ngai vàng thơ tình của Xuân Diệu quả là vững chắc. Thi sĩ trẻ mãi với tình yêu trong thơ và trong đời. Nhiều giai thoại kể thi sĩ không thích ai gọi mình bằng bác, mà chỉ thích gọi bằng anh hoặc bằng tên: Xuân Diệu. Nhiều câu thơ có tính chất tình yêu của Xuân Diệu thời trẻ, các thế hệ yêu thơ vẫn truyền nhau mãi: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần; Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!; Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em em ơi tình non sắp già rồi; Gần thêm nữa, thế hãy còn xa lắm!... Trần Đăng Khoa từng viết rất đúng về Xuân Diệu: Ngày xuân xanh suốt tuổi già/ Tiếng Hương rối rít, tiếng Hoa phập phồng...
Khi Xuân Diệu không còn trẻ nữa, và khi không còn tình yêu hiện thực trong đời, ông vẫn làm thơ tình và có nhiều bài hay. Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắngnhư còn vang vọng mãi cùng tình yêu và tuổi trẻ suốt gần nửa thế kỉ qua. Đến bãi biển Trà Cổ, thi sĩ có những câu thơ như cô đúc tất cả tình cảm của mình trong tình yêu bất diệt: Chia cho em nửa trời/ Chia nửa vời biển cả/ Còn một trái tim người/ Xin tặng em tất cả. Và bài thơ Giọng nói mới trẻ trung làm sao: Ước được ngàn năm nghe giọng ấy/ Đèo em đi mãi cuối không gian/ Và khi không nói em im lặng/ Anh vẫn nghe hay tựa tiếng đàn..
.
Yêu thơ tình Xuân Diệu, tôi đặc biệt chú ý đến sự cô đơn của ông, đây là nỗi niềm thẳm sâu mà ông cố giấu. Nhưng đã là sự thực thì không thể giấu. Trong một bài thơ viết ở nước ngoài, ông nói về tình yêu nồng nàn say đắm của mình với người đẹp và cảnh đẹp đầy thơ mộng, nhưng rồi ông đã thốt lên trong câu kết, buồn đến não nuột: Đấy là anh tưởng tượng thôi/ Nước ơi, chỉ một mình tôi ngắm hồ. Đấy là sự thực cuộc đời của Xuân Diệu, đến tận khi không còn trẻ, ông không có một mối tình thực tế và gia đình riêng. Và tôi thấy Xuân Diệu thật vĩ đại khi làm thơ tình yêu. Bây giờ nhiều người giàu làm từ thiện. Điều đó là rất quý. Nhưng người ta đem cho khi họ đã thừa thãi, giống như ông quan Bạch Cư Dị xưa bên Trung Quốc, khi mình đã ấm áp thì nghĩ đến người nghèo không có áo bông giữa trời lạnh buốt. Nhưng có những tình cảm ở cấp độ cao hơn, ấy là khi người ta quên mình để vì mọi người. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về Bác Hồ với nhiều câu thơ, nhiều bài thơ hay. Nhưng tôi thực sự xúc động khi đọc câu thơ nói được rất đúng một phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch: Lời Di chúc gửi, êm bên gối/ Quên nỗi mình đau để nhớ chung. Trong cuộc đời, những người quên mình để vì mọi người không thật nhiều, nên những người như thế thực sự mang phẩm chất của thánh hiền. Và tôi thấy, ngoài giá trị về nghệ thuật, thơ tình của Xuân Diệu mang được phẩm chất ấy.
Tôi vẫn quan niệm thơ phát ra từ hồn khác với thơ… “sáng tác”. Vậy thơ tình của Xuân Diệu được hình thành từ điều không có trong thực tế kia, có phải là những bài thơ “sáng tác” hay không? Ở đây có điều đặc biệt, tuy Xuân Diệu viết những bài thơ tình yêu không có thực, nhưng nó lại xuất phát từ cội nguồn thực trong tình cảm của ông. Xuân Diệu yêu đời và yêu người đến cháy lòng, tình yêu của ông với con người và cuộc đời đã trở thành máu thịt, đã trở thành điều thường trực của tâm hồn, nên những câu thơ, những bài thơ tình yêu của ông là phát ra từ tâm hồn yêu đó. Thơ Xuân Diệu hay, trước hết bởi cảm xúc chân thành.
Chân chất và hiện đại
Những năm gần đây, một số cây bút trẻ đã khuấy động văn đàn bằng những sáng tác lạ. Lạ cả về nội dung lẫn hình thức. Lạ về hình thức như thơ của Ly Hoàng Ly. Lạ về nội dung như truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu. Nhưng đây có phải là hiện đại? Tôi không tin hiện đại nghĩa là hoàn toàn xa lạ, đối lập với truyền thống. Bây giờ thì không còn ai đồng tình với thi sĩ Nguyễn BínhVan em, em hãy giữ nguyên quê mùa, nhưng người ta vẫn yêu cái “chân quê” của ông. “Quê mùa” với “chân quê” là vỏ và hồn vậy. “Vỏ” thì phải lột xác, phải thay đổi. Còn “hồn” thì phải giữ và phát triển lên.
Phải chăng có sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại? Giữa hai nàng Kiều e lệ nép vào dưới hoa ngày trước với những hoa hậu thời nay có gì khác nhau, ngoài mái tóc dài và mái tóc phide, ngoài “cầm, kì, thi, họa” với iPhone, iPad cầm tay?
Chế Lan Viên và Xuân Diệu đều là những nhà thơ hiện đại của thế kỉ XX. Nhưng khi nói về thơ, mỗi ông có một cách nói khác nhau. Xuân Diệu thì đòi hỏi thơ phải “chân chân chân, thật thật thật”, và “chân chất, đó là tinh chất của thơ”. Còn Chế Lan Viên thì không biết ông nói đùa hay viết thực:
Tạo ra một giống thơ như một
giống lợn nạc nhiều
Có đùi to, mông to, mười sáu
cặp sườn, lắm vú...
Hôn phối nhiều loại thơ để đẻ ra
loại thơ ưu tú
Những F.1 mượt lông, nhiều sữa
Có nên chăng...
(Thơ bình phương, đời lập phương)
Điều ấy thì còn phải bàn, và để thực tế kiểm nghiệm xem “hôn phối nhiều loại thơ” có “đẻ ra loại thơ ưu tú” không, hay lại giống như hôn phối giữa lừa và ngựa đẻ ra một loại la vô sinh. Ấy là nói vậy, chứ quy luật cuộc sống là cái mạnh sẽ thắng cái yếu; cái hợp thời thì tồn tại, cái không phù hợp thì sẽ bị loại bỏ.
Cuộc sống cũng như văn chương nghệ thuật sẽ phát triển theo đúng quy luật của nó. Thơ hiện đại vẫn cần sự chân chất, như những hoa hậu thời nay nếu có được núm đồng tiền thì càng thêm duyên. Và không có vẻ đẹp trơ lì nào lại được tôn vinh là hoa hậu. Bài thơ Người đẹp của Lò Ngân Sủn có thể coi là một trong những “hoa hậu” của thơ hiện đại, vẫn mang dáng vẻ chân chất truyền thống:
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát - nhìn thấy
người đẹp cũng khát
Người không đói - nhìn thấy
người đẹp cũng đói
Người muốn chết - nhìn thấy
người đẹp lại không chết nữa
Ơ!
Người đẹp là giấc mơ
Treo trước mắt mọi người
Tôi luôn cho rằng, con người phát triển đến ngày nay tự mình đã biết uốn lượn vượt qua mọi biến động vật chất và tinh thần của lịch sử. Nên chúng ta cũng không phải lo lắng gì cho văn chương nghệ thuật cả. Tự văn chương nghệ thuật sẽ tìm được hình thức phù hợp để tồn tại và phát triển
(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)