NHÀ THƠ LIỆT SĨ-LIỆT SĨ NHÀ THƠ
Ở một đất nước như đất nước chúng ta, cả dân tộc luôn phải gồng mình lên trong những cuộc chiến đấu giữ nước triền miên, sự hy sinh xương máu và tính mạng của nhân dân ta nhiều không kể xiết. Vì thơ sinh ra là để bày tỏ cảm xúc buồn vui mãnh liệt nhất của con người, nên dễ hiểu ở nước ta, thơ viết về đề tài thương binh, liệt sĩ thật nhiều khôn xiết, hình thành cả một dòng thơ về chủ đề này.
Bởi thế, mỗi lần định nói hay viết về đề tài này, người nói hay người viết phải tìm một tiêu chí riêng để có thể chỉ chọn một số bài thơ đề cập tới mà thôi. Chẳng hạn, để có bài viết nhỏ sau đây, tôi đã chọn một lý do rất hy hữu: Nhà thơ liệt sĩ - liệt sĩ nhà thơ.
Đêm hoa đăng tưởng niệm trên dòng Thạch Hãn 27-7-2017 (Ảnh: TUYÊN HÓA)
Vâng, tôi xin bắt đầu bằng bài thơ viết về chủ đề “liệt sĩ” ra đời vào hàng sớm nhất, ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ấy là bài “Viếng bạn” của nhà thơ Hoàng Lộc. Bài thơ này đã quá quen thuộc, có mặt trong sách giáo khoa của các em học sinh phổ thông, nên chỉ dẫn vài đoạn đã đủ giúp bạn đọc nhớ lại:
Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ…
Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như cắt
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt…
Điều gì đã khiến bài thơ nhỏ này được đón nhận và tồn tại mãi với thời gian? Đó chính là sự giản dị tột cùng. Không phải tác giả đang làm thơ, ông chỉ kể một câu chuyện, một câu chuyện cũng tột cùng đơn giản là cái chết trong chiến tranh, đột ngột và đau xót. Trên hết, người đọc cảm nhận rõ ràng đây là tiếng lòng của một đồng đội khóc một đồng đội, từ mà ta hay dùng là “chiến hữu”, cho nên rất ít lời mà tràn ngập tình cảm, thứ tình cảm nén vào trong lòng, vì cuộc chiến đấu vẫn còn ở ngay phía trước, nên cách khóc và cách tưởng niệm người đã khuất cũng chỉ có ở những người lính cùng chiến hào mới có:
Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung
Bài thơ này đã quá quen thuộc, mọi lời nói thêm đều không cần nữa, sở dĩ tôi chọn nói về bài thơ duy nhất của tác giả này, vì đến lượt, chính người làm thơ về liệt sĩ lại trở thành liệt sĩ. Tác giả Hoàng Lộc cũng đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Pháp, ở ông đúng là gồm “hai trong một”: Một nhà thơ viết về liệt sĩ và một liệt sĩ nhà thơ!
Cũng như vậy, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Trọng Định, từ năm 1966 đã viết bài thơ về người liệt sĩ trẻ tiêu biểu của cách mạng-Lý Tự Trọng. Anh Định viết bài này nhằm lúc Hà Nội dựng tượng Lý Tự Trọng trong công viên cạnh Hồ Tây, bên đường Thanh Niên:
Anh Lý Tự Trọng ơi
Hôm nay dựng tượng anh đứng dưới mặt trời
Hoa lá ngắm nhìn anh cùng cất lên tiếng hát
Thế hệ chúng tôi
Có bao giờ quên anh được
Tên anh đi vào cả giấc mơ
Lời anh vang vọng đến bây giờ
Đường thanh niên là đường cách mạng…
Hà Nội cuối Xuân
Hồ Tây xanh tràn mặt sóng
Ngày mai chúng tôi lên đường chiến thắng
Vẫn thấy anh trên đường Thanh Niên đầy nắng
Trong nhịp sống cuộc đời rộn rã đi lên
Bài thơ giản dị như một bài báo ghi nhanh này có thể ít người nhớ đến, nhưng với tôi, nó có một cảm xúc đặc biệt. Số là, anh Nguyễn Trọng Định vốn là bạn học cùng lớp với tôi ở Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tình bạn của chúng tôi rất ấm áp và tôi đã viết khá nhiều về bạn mình. Điều cần nói ở đây là cũng như với nhà thơ Hoàng Lộc, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Định chỉ sau khi làm bài thơ nói trên không lâu, đã vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ và cũng đã ngã xuống năm 1968 ở Mặt trận Quảng Đà, khi mới 26 tuổi đời! Ngoài bài thơ nói trên, Nguyễn Trọng Định còn làm một số bài thơ ngay khi còn là sinh viên và sau khi ra trường về công tác ở Báo Nhân Dân ít lâu, trong đó có bài thơ “Nước vối quê hương” rất hay mà tôi đã bình nhiều lần trên các báo.
Thế đấy, lại một trường hợp “hai trong một” như tôi đã nói trên kia.
Xin được kể thêm trường hợp thứ ba-một cặp đôi tác giả và tác phẩm đều rất nổi tiếng, tôi muốn nói tới nhà thơ Lê Anh Xuân với bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”.
Nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, là sinh viên Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, học trên tôi hai khóa. Hai khoa Văn, Sử chúng tôi dạo đó sống và học cùng một khu trường ở gần chùa Láng. Tôi vẫn nhớ như in cái dáng vóc cao, đẹp, với mái tóc xoăn xoăn rất nghệ sĩ của anh Hiến, với giọng nói Nam Bộ rất ấm áp… Dạo đó, anh Ca Lê Hiến đã nổi tiếng với những bài thơ được giải thưởng của Báo Văn Nghệ, trong đó có bài “Nhớ mưa quê hương” rất hay. Tốt nghiệp đại học, anh Ca Lê Hiến xung phong về Nam chiến đấu và đã viết một số tác phẩm rất thành công, như bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và trường ca “Nguyễn Văn Trỗi”. Riêng bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”, đặc biệt là từ khi được phổ nhạc, đã trở thành một bài thơ-bài hát tiêu biểu cho thơ-nhạc Việt Nam hiện đại, với những câu thơ đã thành biểu tượng:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng...
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân...
Và, cũng như với hai nhà thơ trên đây, Lê Anh Xuân-Ca Lê Hiến đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống Mỹ trên mảnh đất quê hương mình.
Thêm một lần nữa hai hình ảnh của nhà thơ và nhân vật của thơ lại trùng lên nhau, những nhà thơ mang trong mình cả dòng máu anh hùng và nghệ sĩ-một tình huống rất tiêu biểu cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta trong thế kỷ 20.
Xin được mượn mấy câu thơ nói trên của các nhà thơ, đồng thời là các liệt sĩ để thay một nén tâm nhang, thắp lên tưởng niệm các chiến sĩ-liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay!
Cầu chúc các anh yên nghỉ trong tình yêu thương của toàn dân tộc!
7-2017
A.N
(Nguồn: qdnd.vn)