NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁNG TÁC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI ĐỂ CÓ ĐƯỢC CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC XUẤT SẮC VIẾT VỀ THỦ ĐÔ VÀ ĐẤT NƯỚC
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁNG TÁC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI ĐỂ CÓ ĐƯỢC CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC XUẤT SẮC VIẾT VỀ THỦ ĐÔ VÀ ĐẤT NƯỚC
Tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội)
PHẦN I-THÀNH TỰU VĂN HỌC VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG TÁC PHẨM 5 NĂM QUA
Từ trước tới nay, chất lượng về mặt nội dung-nghệ thuật từ tác phẩm của các nhà văn chính là thước đo tiêu biểu, đặc thù cho công việc sáng tạo văn chương muôn vàn khó khăn của mỗi người cầm bút. Chính vì vậy, hoạt động chủ yếu của các nhà văn là hoạt động sáng tạo và hoạt động chủ đạo của Hội Nhà văn là tạo mọi điều kiện, làm mọi cách để phục vụ cho công việc ấy và nâng cao chất lượng sáng tác của các hội viên. Nhìn lại hơn 6 năm hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội trong nhiệm kỳ qua, chúng ta có quyền tự hào về đội ngũ các nhà văn Hà Nội đã góp một phần không nhỏ vào các hoạt động văn học-nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Thứ nhất đánh giá thành tựu về mặt số lượng tác phẩm: Theo thống kê, trong hơn 5 năm qua, các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đã in gần 500 tác phẩm gồm các thể loại: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch. Trong đó, có 44 tác phẩm đã được trao: Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Hội Nhà văn HN; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô; Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải thưởng VHNT của Bộ Quốc phòng…Như vậy, trung bình mỗi hội viên của chúng ta trong hơn 5 năm vừa qua đã ra một đầu sách và không ít người đã in từ 2 tác phẩm trở lên. Điều ấy cho thấy sức sáng tạo văn học của nhà văn HN đang ở tốp dẫn đầu so với nhiều tỉnh, TP cả nước.
Thứ hai đánh giá thành tựu về chất lượng các tác phẩm: Điều quan trọng hơn nữa, trong gần 500 tác phẩm nói trên của các nhà văn hội viên Hội Nhà văn HN đã công bố trong nhiệm kỳ qua, có nhiều tác phẩm giành được giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội có tiếng vang trong cả nước như: Tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần; Tập thơ “Xem đêm” của Phùng Cung; Tiểu thuyết “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương; Tiểu thuyết “SBC là săn bắt chuột” của Hồ Anh Thái; Bản dịch tiểu thuyết “Lolita” của Nobakov-dịch giả Dương Tường; Tuyển tập thơ Dương Kiều Minh; Tuyển tập thơ Trúc Thông; Tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến; Tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung; Tập thơ “Buổi câu hờ hững” của Nguyễn Bình Phương; Tập thơ “Mỗi ngày sau một ngày” của Trần Nhật Lam; “Đường gió” của Giáng Vân; tập thơ “Phim đôi - tình tự chậm” của Vi Thùy Linh; “Những bông hoa đang thiền” của Bình Nguyên Trang; Tập thơ “Những vũ công Menphis của Đào Quốc Minh; Tập thơ” Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng” của Hoàng Việt Hằng; Tập thơ “Nhặt lời cho bóng lá” của Bùi Kim Anh; Tập thơ “ Tập thơ “Gom thu” của Nguyễn Thị Kim….Các tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, “Dằng dặc triền sông mưa” của Đỗ Phấn, “Cửa hiệu giặt là” của Đỗ Bích Thúy, “Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ, “Kỳ nhân làng Ngọc” của Trần Thanh Cảnh; Tập truyện ngắn “I am đàn bà” của Y Ban; tập truyện “Lãng du” của Tạ Duy Anh; Tập tản văn “Đi ngang Hà Nội, đi dọc Hà Nội” của Nguyễn Ngọc Tiến ...Các tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình như “Trên đường biên của lý luận văn học” của Trần Đình Sử, “Văn học cổ cận Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” của Nguyễn Huệ Chi; Tập bút ký “Các bạn tôi trên ấy” của Nguyên Ngọc, Tập khảo cứu “Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ sông Hương đến nhân văn” của Phan A Sa; “Bình thơ” của Vũ Quần Phương; Tuyển tập nghiên cứu văn hóa, tuyển tập nghiên cứu phê bình, Tuyển tập văn xuôi của Trương Tửu; “Đánh đường tìm hoa” của Nguyễn Thị Minh Thái, “Dĩ vãng phía trước” của Ngô Thảo; “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” Phạm Khải; “Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015” của Nguyễn Việt Chiến; “Mùi chữ” của Nguyễn Hoài Nam; “Văn học hiện đại và tiếp cận” của Nguyễn Bích Thu; “Không gian văn học” của Đoàn Ánh Dương; “Thánh thơ Cao Bá Quát” của Vũ Bình Lục. Các tác phẩm dịch thuật: “ Ôn-ga Béc- gôn của tôi” của Thụy Anh, “Hy vọng” của Lê Bá Thự, “Những đứa trẻ lúc nửa đêm” của Nham Hoa, “Kiên ngạnh như thủy” của Minh Thương v.v
PHẦN II- ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NHÀ VĂN ĐỂ NÂNG CAO MẶT BẰNG SÁNG TÁC VÀ HƯỚNG TỚI HỘI VIÊN
Có thể nói, với những thành tựu nêu trên, văn học Thủ đô những năm qua đã cho thấy những bước chuyển biến khá lớn về mặt chất lượng nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm được trao giải thưởng của các nhà văn hội viên. Tuy nhiên, các tác phẩm văn học này thường tập trung vào các nhà văn đã khẳng định được tài năng và tên tuổi của mình trong giới văn chương nhiều năm qua.
Do vậy, để đưa Văn học Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế đặc biệt là Thủ đô của cả nước và phát huy được các thành tựu đã đạt được, thiết nghĩ các hoạt động văn học của Hội Nhà văn HN thời gian tới phải tập trung nâng cao chất lượng mặt bằng sáng tác chung của các hội viên. Và tôi cho rằng, Ban chấp hành Hội nhà văn HN khóa tới cần phải đổi mới tích cực nội dung của các hoạt động nhằm hướng tới số đông hội viên của chúng ta để nâng cao chất lượng mặt bằng sáng tác chung và thực hiện tốt các chính sách đối với hội viên của chúng ta.
Tôi kiến nghị cụ thể 7 giải pháp như sau:
-Thứ nhất: Ban chấp hành HNV khóa tới cần phải mở rộng cơ chế Giải thưởng hàng năm, ngoài giải chính thức cho các thể loại (văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch…) theo chất lượng như đã làm các năm qua, Ban chấp hành HNV cần có thêm các giải thưởng hàng năm như: Giải thưởng cho Văn học Nữ; Ngoài Giải thưởng văn học cho tác giả trẻ cần có Giải thưởng cho Văn học Thiếu nhi; Giải thưởng Văn học cho Hội viên cao tuổi vẫn thường xuyên sáng tác (vì hơn quá nửa hội viên chúng ta là người cao tuổi); Giải thưởng cho các tác phẩm hay viết về đề tài Hà Nội…Mục đích của giải thưởng hàng năm của Hội là nhằm kịp thời động viên, khuyến khích, phát hiện và hỗ trợ cho những sáng tác tốt cho hội viên của chúng ta.
-Thứ hai: Chúng ta cần tham khảo cách làm của Hội Nhà văn TPHCM là hàng năm, các hội viên gửi bản thảo tác phẩm của mình về Ban chấp hành Hội để xét tài trợ việc in ấn, xuất bản trên cơ sở chất lượng tác phẩm do các hội đồng chuyên môn và Ban chấp hành Hội xem xét. Việc tài trợ sáng tác cho tác phẩm của các hội viên những năm qua Hội Nhà văn HN chưa làm được và khóa tới Hội cần triển khai ngay việc này để bảo vệ quyền lợi được chăm lo, hỗ trợ trong sáng tác của các hội viên.
-Thứ ba: Cần cải cách Giải thưởng văn học hàng năm với mục đích là tập trung vào các tác phẩm của các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn HN. Những năm vừa qua, có không ít tác phẩm không phải của hội viên Hội Nhà văn HN được trao giải thưởng, điều này đã gây ra nhiều dị nghị và thắc mắc của nhiều hội viên. Việc này, Hội nhà văn TPHCM cũng làm tốt hơn chúng ta, ngoài việc trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học hay viết con người, đời sống văn hóa- xã hội của TPHCM, họ chủ yếu chỉ trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học của hội viên, mặc dù kinh phí cho hoạt động của Hội nhà văn TPHCM còn nhiều hơn chúng ta.
-Thứ tư: Ban chấp hành HNV cần tiếp tục duy trì thường xuyên và có hiệu quả các buổi sinh hoạt hội thảo chuyên đề vào ngày 10 đầu tháng như đã làm, ngoài các vấn đề thời sự văn học-xã hội và các tác giả văn chương lớn, Hội cũng nên cải tiến theo hướng dành phần lớn thời lượng các buổi này cho việc tọa đàm, trao đổi về tác phẩm văn học của các hội viên HNV(như mới đây đã từng tọa đàm về 3 tác phẩm thơ của các nhà thơ: Vũ Từ Trang, Tô Thi Vân, Hoàng Xuân Tuyền của hội). Để triển khai việc này, các hội viên của chúng ta cũng cần chủ động gửi các tác phẩm mới in có chất lượng và đề nghị Ban chấp hành Hội cho tổ chức tọa đàm, trao đổi.
-Thứ năm: Để bổ sung các tri thức kiến văn và nâng cao mặt bằng sáng tác cho hội viên, Ban chấp hành HNV cần tổ chức các buổi bổ trợ, bổ cập các kỹ năng sáng tác thơ, văn, phê bình…cho đông đảo các hội viên, và mời các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, có thành tựu đến trao đổi kinh nghiệm sáng tác, trao đổi về học thuật và các vấn đề của văn chương Việt Nam và đương đại.
–Thứ sáu: Tăng cường hoạt động của các Hội đồng chuyên môn, các Ban công tác và Trung tâm bồi dưỡng viết văn của Hội, để vận động xã hội hóa các nguồn tài trợ cho hoạt động của hội, tích cực tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội; tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan chức năng, ban, ngành thành phố và các doanh nghiệp để vận động lập Quỹ Sáng tác văn học Hà Nội.
-Thứ bảy: Ban chấp hành HNV khóa tới cần duy trì cách làm tốt của khóa trước là tổ chức các chuyến đi dã ngoại và thực tế sáng tác cho đông đảo hội viên nhưng cũng cần đặt mục tiêu chủ đề sáng tác cho từng chuyến đi vì đây là cơ hội để các nhà văn giao lưu, tìm hiểu đời sống văn hóa-xã hội của các vùng miền để thu thập tư liệu và khơi dậy nguồn cảm hứng trong sáng tạo văn chương.
Trên đây là 7 kiến nghị của tôi nhằm mục đích nâng cao chất lượng sáng tác và hoạt động của Hội Nhà văn HN những để có những tác phẩm xuất sắc viết về Thủ đô và đất nước.
Trong những năm qua, có một số ý kiến cho rằng “Văn học chúng ta có nền mà chưa có đỉnh” – Nền ở đây là số lượng nhà văn hôm nay ngày một tăng, số lượng tác phẩm bây giờ in ra ngày một nhiều nhưng các tác phẩm đạt tới chất lượng văn học đỉnh cao ngày một hiếm hoi.
Vậy chúng ta hãy thử xem xét, khảo sát một vài vấn đề về nền văn học đương đại. Theo tôi, từ 1975 đến nay đã hơn 40 năm, mặt bằng chung của dân trí của chúng ta đã đựơc nâng lên nhiều và mặt bằng chung của văn học cũng xuất phát từ một cái nền khá cao. Ở đây, tôi muốn nói đến mặt bằng sáng tạo văn học (tầm tri thức của người viết) và mặt bằng thưởng thức văn học (tầm tri thức của người đọc) đều được nâng lên. Điều này cho thấy nền văn học của chúng ta ngày càng đòi hỏi một cách nhìn nhận nghiêm túc và khắt khe hơn.
Có thể nói những nhà văn hôm nay được chuẩn bị khá đầy đủ, thuận lợi cả về học vấn và môi trường sáng tác. Nhưng để vượt lên trên cái mặt bằng văn học khá cao ấy, để khẳng định một phong cách mới mang dấu ấn tài năng của một tác giả lớn, để trở thành những “đỉnh cao” văn chương thì đấy lại là chuyện không đơn giản chút nào. Vì thế, để có được một bước “đột phá” mới trong sáng tạo trên cái nền văn học khá cao ấy là một thử thách rất lớn đối với những người cầm bút hôm nay, nhất là thế hệ các nhà văn trẻ.