Văn học với đời sống

10/8
6:50 AM 2017

TRỞ LẠI VỚI THẠCH LAM

Khuất Bình Nguyên - "Mưa trên sông phơi phới, cỏ trên sông thắm tươi/ Sáu triều vua như giấc mộng, chim bâng khuâng hót/ Chỉ vô tình bậc nhất là liễu ở Đài Thành/ Vẫn y nguyên trong bóng khói của dải đê mười dặm", Đường thi- Vi Trang (836-910)

Có ba con người kiệt xuất trong số ít người kiệt xuất của văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỉ 20. Họ ghi dấu ấn lên trí nhớ của thời đại không chỉ và trước hết bằng các văn phẩm của mình mà bằng cả cái cách họ làm ra chúng. Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết Giông tố theo lối đăng từng kì trên báo. Vũ Bằng bảo: Phụng đến toà báo ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết Giông tố kì trước đã viết đến đoạn nào rồi không? Chẳng ai trả lời cả. Phụng đành tự mình đi tìm rồi phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, lưỡi thè ra... Thời còn trẻ, Nguyễn Tuân chỉ khi nào thích chí thì viết theo lề thói của một công chức cuối tháng lĩnh tiền. Lúc về già ông tự mình nêu khẩu hiệu đi, đọc và rồi viết. Khi đêm nơi đất khách, cảm thấy mình như hết chữ, bèn mang Kiều ra đọc. Tớp một ly rượu quê mang theo. Thấy bút lại chạy đều đều trên trang giấy mang nhãn hiệu khách sạn. Thạch Lam khác hẳn. Con người nhẹ nhàng, lặng lẽ, khiêm nhường mà bao dung ấy không bao giờ sai hẹn với báo. Có lẽ chỉ trừ một lần với ông anh ruột Nhất Linh. Thế Lữ nói: Thạch Lam là người trầm lặng. Nguyễn Tuân thì bảo ở Thạch Lam hầu hết là độc thoại nội tâm. Đêm dài một bóng một đèn. Một nhân vật nào đó và một mình ông thanh thản buông ra một lối viết hàm dưỡng mà kín đáo. Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại gọi là một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng. Bởi thế chăng văn Vũ Trọng Phụng gào thét và đau đớn. Nguyễn Tuân kiêu bạc mà sang trọng. Thạch Lam tinh tế, thanh đạm, nhẹ nhàng như bước chuyển của tâm hồn Việt Nam trong sáng, giản dị trên những trang văn tuyệt bích của ông. Nhất Linh và nhiều người khác đều cho rằng Thạch Lam viết hay hơn cả trong Tự lực văn đoàn. Lý do chẳng phải gì cao siêu mà chỉ đơn giản như Khái Hưng, đàn anh trong Tự lực văn đoàn, khi viết tựa tập truyện Gió lạnh đầu mùa đã chỉ ra: ở Thạch Lam sự thành thực trở nên sự can đảm. Giai đoạn văn học 1930-1945 như một mùa quả chín. Đồng loạt có những thành tựu trong thơ và văn xuôi. Nếu thơ là phong trào thơ mới thì văn xuôi có Tự lực văn đoàn và một số nhóm văn chương khác. Họ đã đưa nền văn học nước nhà bước vào một cung bậc mới của thế giới hiện đại, khác hẳn với những thế kỷ đã qua.

Sự nghiệp văn chương Thạch Lam rải chiếu trên nhiều thể loại. Nhưng với truyện ngắn trong các tập Gió lạnh đầu mùa. 1937.  Nắng trong vườn. 1938. Sợi Tóc. 1939... là thành công hơn cả. Nó thể hiện rõ rệt nhất đặc trưng của phong cách văn chương Thạch Lam. Đọc những truyện ngắn hay nhất của ông như Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan, Cô hàng xén, Tình xưa... ta thường bắt gặp những cuộc đời bình dị và an lành như đời những cậu học trò trên tỉnh, người bán tạp hoá nơi phố huyện... hiện lên bằng một bút pháp trữ tình sâu lắng. Thời ấy, Vũ Ngọc Phan gọi là Tiểu thuyết tình cảm. Tất cả như một khúc tâm tình nhẹ nhàng về vẻ đẹp dịu hiền của tâm hồn Việt Nam. Nghệ thuật truyện ngắn của Thạch Lam vô cùng tinh tế ở chỗ cốt truyện thường giản dị và cảnh sắc thiên nhiên không phải là cái phông bên ngoài câu chuyện như những đoạn trữ tình ngoại đề mà nó mềm mại và ý nhị tham gia tâm tình nhỏ to với thân phận con người. Sự tham gia ấy nhẹ nhàng đến mức đôi lúc tôi hình dung như được đọc văn của Pautopxki. Cô hàng xén gánh hàng trở về sau phiên chợ chiều khi đường làng đã bao phủ sương mù hòa với tiếng lá tre lào rào và thân tre cót két kêu, cạnh những cổng gạch cũ càng rêu phong. Những ngõ tối mấp mô vì lỗ chân trâu. Mùi bèo ở dưới ao. Mùi rạ quen thuộc và ẩm ướt. Rồi sáng sớm hôm sau, vẫn cô Tâm ấy lại gánh hàng lên chợ khi sương trắng còn đầy các ngõ. Rồi một hôm, cô Tâm hàng xén đi lấy chồng làng bên là anh giáo Bài nghèo khó. Gánh hàng xén như nặng thêm lên vì lo việc nhà chồng vẫn phải lo tiền cho cậu em trai trọ học trên tỉnh. Cuộc đời cô hàng xén như tấm vải thô dệt đều nhau bằng sương khói sớm chiều trong văn chương Thạch Lam.

Với Thạch Lam, Dưới bóng cây hoàng lan như có linh hồn nối quá khứ tuổi thơ êm đềm với ngày trở về của cậu Thanh đã lên tỉnh học. Khu vườn và ngôi nhà xưa yên tĩnh quá. Trên trường kỷ vẫn ngọn đèn con và chú mèo già tròn mình nằm bên cạnh mắt lim dim. Bình yên và nhàn nhã. Mùi thơm hoa hoàng lan làm chứng cho những gì đẹp nhất của tình yêu quê hương. Có cái gì vừa thầm kín vừa dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây trong vườn để người đi xa trở về vương phải. Một hoài niệm? Một hy vọng? Mỗi mùa cô hàng xóm, bạn thuở thiếu thời lại giắt búp hoàng lan trên tóc cho sự tưởng nhớ một mùi hương không biết nói nên lời.

Người ta hay nói về phố huyện tuyệt đối thanh bình trong truyện ngắn Thạch Lam. Ông đã lưu giữ cho ta một cảnh đời quen thuộc đã đi vào hoặc dường như đã đi vào dĩ vãng hơn nửa thế kỉ trước trên những nẻo đường gió bụi vùng châu thổ sông Hồng. Cái phố huyện nguyên bản ấy giờ đây đã thưa thớt đi quá nhiều bởi mức độ đô thị hoá của người nhà quê. Hãy tìm lại nó trong truyện ngắn Hai đứa trẻ. Nghe nói nó được lấy từ nguyên mẫu phố huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, nơi Thạch Lam cùng chị Thế sống ở đây từ năm ông lên 6 đến năm 13 tuổi (1916-1923). Phố huyện trần trụi ban ngày thường chỉ thấy dãy nhà gạch một tầng nhiều bụi đỏ. Ban đêm là thế giới lung linh của đèn hoa kỳ. Một gánh phở đêm - thức quà xa xỉ ở nơi đây. Đôi ba cửa hàng tạp hoá nhỏ và thức uống thường là nước chè và nước vối bày trên chõng tre... Vậy mà Thạch Lam đã huyền thoại hoá để nó tham gia vào thân phận con người. Đêm mùa hạ êm đềm như nhung. Thoảng qua làn gió mát. Các ngõ đã chứa đầy bóng tối. Một vài cửa hàng còn thức hé ra một khe ánh sáng. Trẻ con tụ họp nhau ở thềm hè cười nói vui vẻ khiến cậu An, hiện thân của Thạch Lam thời nhỏ muốn nhập bọn. Trên vòm trời phố huyện vũ trụ thăm thẳm bao la. Ngàn sao lấp lánh. Nhưng cũng đầy bí mật với hai chị em Liên và An. Bởi thế cho nên cái quãng sáng chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng tre trở nên thân mật mà vô cùng dễ hiểu với chúng. Tất cả ngọn đèn vặn nhỏ thưa thớt từng hột sáng như sự an bình của con người nơi đây hằng đêm chờ đợi tiếng đập mạnh mẽ của đoàn tàu hoả với các toa sáng trưng rầm rập chạy qua như đem tới một chút gì của thế giới khác để phố huyện yên tâm mà trở lại cái yên lặng giữa đồng ruộng mênh mông. Bởi thế, nhà văn Thế Uyên đã nói rất đúng rằng: Chất liệu văn chương Thạch Lam chỉ gồm có cuộc sống dĩ vãng và sự rung động tâm hồn của tác giả. Đó cũng là kết cấu phổ biến của truyện ngắn Thạch Lam mà điển hình là ở những truyện ngắn hay nhất như vừa kể của ông.

Có người nói văn chương Thạch Lam như là một sự điều hòa giai cấp, điều hoà xã hội. Tôi không nghĩ như thế. Mặc dù nó rất phù hợp, cách đây mấy chục năm. Bây giờ sau những thăng trầm dâu bể của thế kỷ 20, thời đại đã cho phép chúng ta nhìn nhận lại trên một nhãn quan phù hợp hơn của chủ nghĩa nhân văn. Truyện ngắn Đứa conThạch Lam kể về sự thay đổi của bà Cả độc ác, cay nghiệt và giàu có, khi bà ta được bế đứa bé, con người ở mà bà đã từng nhiều lần hắt hủi đày đoạ. Nhờ đứa bé ấy, bản năng hướng thiện của bà thức dậy. Thạch Lam miêu tả người đàn bà trở nên tội nghiệp. Ôm ghì lấy đứa trẻ vào cái sườn cằn cỗi với bộ ngực lép và đôi vú héo hon. Người đàn bà giàu có mà vô sinh vốn độc ác bừng tỉnh một tia sáng thèm muốn và ao ước. Mắt bà ta đờ ra, mờ đi như ướt lệ, như được nâng niu ấp ủ một mầm sống của chính mình trong lòng. Người đàn bà ấy đã lấy hai đồng bạc làm quà mua quần áo mới cho đứa trẻ. Cử chỉ ấy mà bảo Thạch Lam điều hoà xã hội thì thật oan cho ông. Ông xuất phát từ một điều rất nhân bản về con người, về sự lương thiện của con người đã trỗi dậy để chiến thắng cái ác, cái thấp hèn. Do đó tầm vóc và ý nghĩa câu chuyện phù hợp với diễn tả tâm lý nhân vật ở đây. Trên quan điểm đó, nhiều truyện ngắn khác của Thạch Lam, như Bóng tối buổi chiều chẳng hạn, cũng cần được nhìn nhận theo nhãn quan đổi mới. Thạch Lam thấu hiểu nỗi đau đớn của anh Diên, bạn trai của cô Mai, một người thợ con gái lẫn trong đội thợ thuyền đầy bụi bặm và những bộ quần áo bẩn thỉu giữa những con phố đen đầy bụi than. Một ngày kia, cô Mai được ông chủ nhà máy để mắt tới. Cô nàng bắt đầu thoa son môi và có cái nhẫn vàng mặt nhỏ. Câu chuyện này hiện thực đến mức như không phải nói về ngày hôm qua mà tôi mới nghe đâu được ở một vùng mỏ than gần bể. Và Thạch Lam đâu phải người điều hoà xã hội. Vũ Bằng thật có lí khi nói: Thạch Lam là một người tôn thờ nhân bản thực sự.

Trong văn chương Việt Nam hiện đại, Thạch Lam không phải là người đầu tiên viết về văn hoá ẩm thực. Khoảng sau năm 1929 một ít, thi sĩ Tản Đà có Thú ăn chơi mở đầu thật nghẹn ngào: Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không. Một bài thơ lục bát vài chục dòng mà có tới 14 chú thích do chính ông soạn ra. Càng đọc càng thấy thương cảm cho nhà thơ danh tiếng của chúng ta nghèo túng. Còn những người viết sau Thạch Lam thì Vũ Bằng chỉ là ẩm thực trong hoài niệm. Nguyễn Tuân ẩm thực tỉa tót cao ngạo như cố tình gieo vần thật lạ cho cặp lục bát 6/8 quê mùa. Ăn, uống... được như ông có mà... còn lâu! Còn Tô Hoài là ẩm thực ... ngoại giao. Ăn không quan trọng bằng ăn với ai. Đôi khi còn do ai làm nữa. Chao ôi! Cái ông nhà văn tài năng lỗi lạc mà cũng nổi tiếng là người... khôn ngoan. Ngay cả từ miếng ăn, ngụm uống. Thạch Lam viết trước và khác cả mấy người ấy. Với ông, Hà Nội băm sáu phố phường xứng đáng được mang danh văn hoá ẩm thực- xuất phát từ chính cái quan niệm của ông: quà là...người. Cái thi thư văn hoá của Hà Nội nghìn năm qua các trang kí sự vừa thanh lịch vừa ý nhị- từ cốm, bún chả đến bánh cuốn Thanh Trì... Thạch Lam là người Hà Nội nhất. Với ông, tôi yêu mến người Hà Nội thanh tao nhân hậu hơn là sự tỉa tót về đồ ăn thức uống. Một vài thiếu nữ khuê các thướt tha bên trong những khu vườn nhỏ quanh nhà. Những hàng nước cô Dần đâu chỉ có ở chợ Đồng Xuân mà đó là nhân vật biểu hiện nhất của sinh hoạt Việt Nam dù dưới bóng đa đình cũ hay dưới mái hiên phố cổ thị thành. Những người bán bánh cuốn Thanh Trì đội mẹt và rổ trên đầu từng tụm 5, 7 người từ phố Lò Lợn đi vào uyển chuyển và nhanh nhẹn. Họ cứ đi như thế cho đến tận bây giờ cũng nên. Những cô hàng cơm nắm lẳng lơ với hai quang thúng bỏ chùng, tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm với những nắm cơm sạch sẽ. Thạch Lam thật công tâm khi nói rằng ai là người đầu tiên nghĩ ra bún chả đáng được nhớ ơn và kính trọng như những tài tử ngang và hơn các nhà văn. Bà cụ già và hai cháu nhỏ trong quán bánh cuốn Hai mươi bốn gian ở xóm bình khang mà như trong cổ tích. Cả những tiếng rao khi thì lảnh lót kéo dài như luồng gió mát ai cháo đậu xạnh, chè đậu đen ra, khi thì lạ lẫm: Sa cốc mày là gồm những viên bột nhỏ tròn nấu với nước đường và phán sì thoòng cho món chè khoai... Những tiếng rao ấy tưởng như còn vang ở đâu đây của những phố nghèo cổ xưa Hà Nội nhưng đôi khi đưa cho ta một cảm giác buồn khó tả khi bây giờ bốn mùa xuân hạ thu đông, nhất là vào ban đêm rét mướt, chợt nghe đâu đây: tôi là bánh khúc đây, Bánh khúc đây thì biết ngay là thứ bánh bên ngoài có một lớp vỏ bằng xôi dính, bên trong màu xanh nhuyễn của lá xu hào hay rau muống vì đâu còn rau khúc vào những thời gian của thứ rau không nở tứ  mùa... Thế Lữ nói: Không có sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó. Tôi muốn thêm: Không có dòng văn nào trong Hà Nội băm sáu phố phường mà không có rất nhiều Thạch Lam, rất nhiều Hà Nội ở bên trong.

Không hiểu sao các thi sĩ đời Đường lại đồng thanh tương ứng nói về cây liễu thướt tha mà lại thật vô tình. Mạch đầu dương liễu sắc của Vương Xương Linh chẳng hề hay biết nỗi đau buồn của người thiếu phụ xa chồng. Sắc liễu xanh rờn nơi quán trọ chẳng biết Vương Duy mời người uống cạn thêm chén rượu vì ngày mai ra khỏi đất Dương Quan sẽ không còn ai là bạn thân nữa. Hàng liễu xanh bên thành Cô Tô đổ nát của Lý Bạch chẳng hay cái gì đã xảy ra trong hoang phế cổ thành, nơi vầng trăng xưa đã từng soi những người đẹp của Ngô Vương. Dặng liễu dài mười dặm vô tình bậc nhất ở thành Kim Lăng lại dửng dưng trước sự hưng vong những sáu triều vua của quan lại bộ thị lang bình chương sự Vi Trang... Tâm sự của người xưa làm tôi nhớ không quên nhà -cây- liễu của Thạch Lam ở đầu làng Yên Phụ. Trong khoảng thời gian sáng tác văn chương xung mãn nhất từ 1933 đến 1942. Theo bà Song Kim, đó là ngôi nhà lá hai gian nằm bên bờ hồ Tây. Phía trước nhà Thạch Lam có trồng cây liễu, khi đó đã thành cổ thụ. Sát phía sau nhà là hồ Ao Vả. Vào mùa đông, anh em Tự lực văn đoàn thường nhóm lửa sưởi ở giữa nhà để mà đàm đạo và ngắm nhìn tơ liễu trên mặt nước xanh. Năm 1942, khi Thạch Lam sắp mất, ông chỉ muốn người nhà cho nằm quay mặt ra cây liễu bên hồ để ngắm. Năm 1947, khi người nhà Thạch Lam tản cư trở về mới hay ngôi nhà vẫn còn. Nhưng cây liễu không còn thấy nữa. Phần đất trồng cây liễu đã sụp xuống mặt nước hồ Tây giữa một vùng hoang phế bởi chiến tranh. Thấm thoát thế mà đã 75 năm rồi, Thạch Lam đã rời nhà- cây -liễu để đi vào chốn ngàn năm. Bao nhiêu đổi thay ở xứ sở này!

Sau ngày hạ chí độ khoảng 2 tuần năm nay, tôi cùng nhà thơ Ngô Thế Oanh, lần theo lời kể mấy chục năm qua của gia đình Thạch Lam, chúng tôi trở lại tìm nhà-cây-liễu của ông. Đi theo con đường Yên Hoa, bắt đầu từ cuối đường Cổ Ngư xưa, men theo bờ hồ Tây, đến cây đa cổ thụ đứng giữa đường trước cổng làng Yên Phụ đã có từ khi nhà văn còn sống. Cây đa thời Thạch Lam ngả bóng xuống hồ Ao Vả nay không còn nữa. Sau 1975 nó đã chết. Vào khoảng năm 1983, người ta trồng lại cây đa mới vào chính chỗ cũ. Bây giờ, sau 30 năm, đa lại đã trở thành cổ thụ. Dưới gốc cây ấy người ta treo một cái bảng lớn vừa phải hình chữ nhật màu trắng. Ở giữa có ghi 3 chữ màu xanh: Làng Yên Phụ. Tiếp theo sau cây đa đoạn đường mà ngày xưa Hồ Dzếnh bảo vốn là đường làng lát gạch nay đã giải nhựa ấy bên tay phải là hồ Ao Vả nước xanh màu lục như nước Hồ Gươm. Bên tay trái là đình làng Yên Phụ nhìn chính diện ra hồ Ao Vả. Chúng tôi vào đình thắp hương lễ tạ. Đình kiến trúc theo hình chữ đinh. Mặt chính diện của đình như một cái đốc nhà là cái nét nằm ngang của chữ đinh ấy. Phía sau đình là hồ Tây. Bà cụ thủ từ đã 84 tuổi mà minh mẫn lạ thường cho biết: Trước năm 1945 còn có 1 con đường đất nối sang chùa Trấn Quốc. Có lần người ta định phá đình làm khu nghỉ dưỡng. Dân làng Yên Phụ xin giữ lại nên việc phá không xảy ra. Một phần nhờ ý kiến của ông Huy Cận. Ông ấy đã lên đây và chỉ cho mọi người biết nhà-cây-liễu của Thạch Lam. Thẳng từ đình vào, chỉ cách chừng 3,4 chục bước chân. Bây giờ chỗ đó là một biệt thự nằm ngay chính giữ 2 nhánh đường nhỏ chạy vòng quanh rẻo đất nằm giữa hồ Tây và hồ Ao Vả. Lại nhớ Đinh Hùng viết Hoài Niệm gửi Thạch Lam: Bốn phương lỡ gót đăng trình... những phố trường sầu đi mất về đâu... Con đường vòng đó vẫn chưa được đặt tên. Biệt thự mang biển số 29 của làng Yên Phụ. Đương nhiên là cây liễu đã sụp xuống hồ trước 1947, giờ thì là dưới con đường nhựa ấy. Chỉ còn lại một cây thị cổ thụ hàng trăm năm tuổi đứng bên ngoài tường của ngôi nhà số 29 ấy. Sau 1947 đến trước 1954, mảnh đất nhà-cây-liễu được một người Pháp làm nghề mật thám dựng nhà để ở. Một quãng sau hoà bình 1955, không rõ là bao nhiêu năm, mảnh đất nhà-cây-liễu được trao cho ông Trịnh Đình Cửu, một trong số ít người tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở số 5D Hàm Long và sau đấy là đại biểu dự hội nghị thành lập Đảng ở một sân bóng bên Hồng Kông năm 1930. Vào trước năm 1990, khi ông Cửu còn sống, các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan... thường đến thăm và thường ngồi dưới cây thị cổ thụ ấy. Phảng phất đâu đây nhà-cây-liễu lại hiện về phủ cái ánh sáng kỳ ảo của dĩ vãng lên toà biệt thự 3 tầng, kiểu trúc theo kiểu Anh-cát-lợi rất quen thuộc thường gặp ở phía sau đường Ken-xinh-ton bên Luân Đôn. Ở phía chính diện của biệt thự xây hình vòng cung có 4 khung cửa chớp hình vòm cao gần hết tường nhà tầng 2. Phía ngoài tường ngang cổng vào, số 29 nhỏ được ghi ở bên trái. Nó giản dị và khiêm nhường đứng giữa lối rẽ của 2 con đường như muốn chẳng nói điều gì với ai.

Mảnh đất nhà-cây-liễu mà người làng Yên Phụ đã chỉ cho chúng tôi có bao nhiêu đổi thay thì cây liễu còn chi nữa để mà trách nó vô tình như các thi sĩ đời Đường thời xưa, dù chỉ là những vần thơ thất ngôn tứ tuyệt man mát nỗi buồn nhân thế. Điều quan trọng là văn chương Thạch Lam vẫn còn sống. Sự nghiệp của ông góp phần vào tiếng nói chung của văn học thế kỉ 20 một điều thật giản dị. Vấn đề quyết định không phải ở bản thân các đề tài văn chương mà là ở rung cảm thẩm mĩ sâu xa được thôi thúc và ràng buộc bởi chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn trước những vấn đề của cuộc sống, dù đó là thử thách quyết liệt của người lính Việt Nam nhỏ bé áo rách tả tơi cả một thế kỉ chiến tranh phải chiến đấu chống lại kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội hay của những người nông dân vật vã biết chừng nào để bắt sỏi đá phải thành sắn gạo cũng như những cảnh sắc và cuộc sống êm đềm nơi phố huyện làng quê, nơi những cuộc đời thường chỉ biết làm việc thiện... Như thế trong văn học các đề tài là ngang bằng nhau... Tự dưng tôi chỉ mong ước nếu có thể sẽ dùng tên Thạch Lam để đặt cho con đường hiện vẫn không tên chạy quanh doi đất giữa hồ Tây và hồ Ao Vả của làng Yên Phụ và ngôi biệt thự ở ngã ba ấy sẽ được ghi Nhà 29- Thạch Lam. Như là sự nhắc nhở tên gọi của một người đã viết ra Hà Nội băm sáu phố phường.

Dòng họ Nguyễn Tường vốn gốc họ Nguyễn Văn quê ở huyện Tống Sơn- Thanh Hoá. Đã di cư vào Gia Định từ thời chúa Nguyễn. Năm Đinh Tỵ (1797) tổ phụ của Thạch Lam theo Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam. Đương khi hành quân, Nguyễn Anh trỏ vào một ngọn núi hỏi tên gì? Ông ấy thưa là núi Phước Tường. Nguyễn Ánh bảo: Nguyễn Phước là họ của ta. Ta ban cho ngươi họ Nguyễn Tường. Từ đấy dòng họ Nguyễn Tường của Thạch Lam chọn làng Cẩm Phô huyện Diên Phước (nay thuộc thị xã cổ Hội An) làm nơi phát tường địa. Người cưỡi ngựa đi cùng Nguyễn Ánh năm ấy, sau này là Nguyễn Tường Vân, giữ nhiều chức vụ cao trong triều Nguyễn như tham tri bộ hộ, thượng thư bộ binh. Năm 1819 làm Hộ tào ở Bắc thành- Hà Nội. Sau 1820, khi Gia Long Nguyễn Ánh chết, Nguyễn Tường Vân được cử làm phó tổng trấn Bắc Thành. Cổng của ngôi thành ấy dường như cách nhà-cây-liễu, hậu duệ của ông có thời cư ngụ chỉ đôi ba dặm đường mà thôi.

Kẻ hậu duệ ấy, dáng người cao mảnh. Mũ Fléchet đội đầu. Khuôn mặt thanh tú mà hiền hậu. Mỗi buổi sáng vẫn thường thong thả đi trong sương mù hồ Tây từ nhà - cây-liễu qua đường Cổ Ngư đến số 80 phố Quán Thánh. Trụ sở một thời của Phong hóa và Ngày Nay. Ở ngay dưới chân tường thành Hà Nội. Mặc ai khanh tướng công hầu. Người ấy tự nguyện làm cái nghề xưa nay được cho là bạc tình nhất mà cũng ân tình nhất thiên hạ - nghề viết văn – để ngợi ca vẻ đẹp tươi thắm của văn hóa Việt Nam. 

 

Nguồn Văn nghệ số 31/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *