BÀI TOÁN NÀO CHO BẢO TỒN NGÔN NGỮ CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ?
Trong lịch sử, đã bao phen sống dưới ách đô hộ của giặc ngoại xâm, nhưng tinh thần bất khuất của người Việt trong đấu tranh để bảo tồn ngôn ngữ dân tộc luôn được ghi nhận là biểu hiện xuất sắc của việc chống đồng hóa, giữ bản sắc riêng... Xét theo khía cạnh này thì ông cha ta qua hình thức bảo tồn, giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc văn hóa đã âm thầm khẳng định và bảo vệ chủ quyền dân tộc ngay cả khi đất nước mất quyền tự chủ.
Thiểu số mà không hề nhỏ
Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu gần đây sự hình thành các dân tộc Việt Nam thì có thể nói rằng tất cả các dân tộc Việt Nam đều có cùng một nguồn gốc, đó là chủng Cổ Mã Lai. Quá trình hình thành được chia thành ba giai đoạn là thời kỳ đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm trước), cuối thời kỳ đồ đá mới, đầu thời kỳ đồ đồng (khoảng 5.000 năm trước) và thời kỳ sau này (khoảng 1000 năm trở lại đây). Các dân tộc thiểu số chính là chủ nhân đã khai phá những vùng đất cam khó vào bậc nhất của nước ta và đã có những đóng góp xứng đáng trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.
Trong suốt chiều dài lịch sử, có thể nói dân tộc Việt Nam đều phải gồng mình chống đồng hóa bởi các triều đại phương Bắc. Các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Tày, Nùng… thuộc các ngữ hệ Môn-Khmer, Việt-Mường, Tày-Thái, Mèo-Dao đã nỗ lực rất lớn trong việc bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc mình cũng như ngôn ngữ, bản sắc của nước Nam. Đặc biệt là với ngôn ngữ thì suốt ngàn năm Bắc thuộc, các triều đại Trung Hoa vẫn không thể biến cả dân tộc ta thành người Hán, nói tiếng Hán. Chỉ có một bộ phận nhỏ trí thức và quan lại ở kinh kỳ, phố thị mới học nói tiếng Hán, viết chữ Hán. Còn ở làng xã thì vẫn tồn tại với tiếng Việt. Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã khẳng định rằng: Tiếng tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt hơn 1000 năm trước đây so với hiện nay vẫn giữ được nguyên gốc cơ bản dù có đôi chút biến đổi theo thời đại. Tất nhiên, người Việt cũng đã rất khôn ngoan khi tiếp thu chọn lọc những tinh hoa văn hóa của người Hoa Hạ với một số lượng lớn từ Hán - Việt được tiếp thu và Việt hóa về y nghĩa cũng như âm vận, làm giàu thêm ngôn ngữ dân tộc.
Nhận định về vấn đề này, Giáo sư sử học Trần Văn Giàu sinh thời nói rằng: "Bị đô hộ hàng mười thế kỷ bởi một nước có văn hóa cao hơn, số dân đông hơn gấp bội mà sau mấy ngàn năm - Ta vẫn là ta - hẳn không phải vì mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng hơn mà chủ yếu là nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng mình, chứ văn hóa lấy sức đọ sức, lấy số đọ số thì dân Việt Nam, nước Việt Nam chỉ còn là đối tượng khảo cổ học”.
Ở thời kì cận đại, chúng ta thấy rằng người sau khi hoàn toàn đô hộ nước ta đã bắt đầu quan tâm đến khu vực biên giới. Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam là khu vực nhạy cảm nhất. Vì thế ngay từ đầu thế kỷ Pháp đã bắt đầu cho người đi nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa nơi đây để tìm cách bình định và lôi kéo các dân tộc thiểu số. Linh mục F.M Savina là người được giao nhiệm vụ đi truyền giáo ở vùng phía Bắc Đông Dương và đã từng có 4 năm đi khắp núi rừng miền Bắc để ghi chép tiếng nói và phong tục thờ cúng tín ngưỡng của vùng này song việc truyền giáo đã không thành công.
Tiếp sau đó, đã có nhiều nhà văn hóa, sĩ quan quân đội Pháp được cử đến khu vực miền núi phía Bắc cũng với nhiệm vụ như linh mục F.M Savina. Họ đã ghi chép, văn bản hóa được nhiều tài liệu ngôn ngữ có giá trị về một số dân tộc ít người trên địa bàn mà họ tiếp xúc. Ngay cả khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, họ vẫn tiếp tục các dự án nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ dân tộc vùng biên giới phía Nam và Tây Nguyên với nhiều mục đích. Các tài liệu nghiên cứu rất giá trị đó hiện lưu giữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp và có những ảnh hưởng quan trọng đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam hiện nay. Có thể thấy rằng, những bản sắc dân tộc mạnh mẽ của vùng dân tộc phía Bắc hay Tây Nguyên đã cản trở Pháp thực hiện mưu đồ đồng hóa các dân tộc ở đây. Chính sự phong phú bản sắc dân tộc đã góp phần giành độc lập bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kết nối các dân tộc thiểu số cũng như đa số cùng đứng lên giành lại độc lập tự do.
Sự “cáo chung” của ngôn ngữ thiểu số?...
Theo số liệu thống kê dân số năm 2009, dân tộc Kinh chiếm 86,2%. Con số 13,8% được chia cho 53 dân tộc ít người còn lại. Không những ít về dân số, những dân tộc này còn có địa bàn phân bố cư trú tại các vùng biên giới, vùng núi, bờ biển vốn đã rất khắc nghiệt và nhiều khó khăn khiến cho mọi mặt trong đời sống của họ phải chịu những thiệt thòi đáng kể. Sự giao lưu văn hóa, thông thương đã giúp họ dần hòa nhập với cộng đồng chung nhưng cũng có nhiều tác động khiến cho văn hóa truyền thống của dân tộc này dần mai một và dẫn đến sự thất truyền. Những người dân tộc thiểu số đang ở độ tuổi thành niên hiện nay có thể nói và viết thông thạo ngôn ngữ của dân tộc mình cũng chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn. Nhất là với những người đã và đang sống hòa nhập cùng người Kinh thì việc hòa nhập nhanh chóng với ngôn ngữ chung còn là cách nhanh nhất để đẩy lùi lạc hậu, tiệm cận với các giá trị mới. Đơn cử như việc dịch sử thi Tây Nguyên chẳng hạn, cho đến nay số người có thể hiểu được ngôn ngữ cổ trong các Khan, Hơ mon của các dân tộc Ba Na, Ê đê, Gia rai, Xơ đăng còn rất ít, trong khi đội ngũ kế cận thì hoàn toàn trống vắng.
Trên thực tế, câu chuyện này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà còn là vấn đề chung của thế giới. Nhiều vùng lãnh thổ khi sáp nhập vào các nước lớn đã chỉ sử dụng ngôn ngữ phổ thông của quốc gia đó, dẫn đến việc thúc đẩy nhanh hơn sự biến mất của các ngôn ngữ đại diện cho vùng miền hay dân tộc. Nhà ngôn ngữ học Claude Hagéne ước tính là mỗi năm trên thế giới có khoảng 25 ngôn ngữ bị chôn theo cùng với sự qua đời của người sử dụng cuối cùng ngôn ngữ ấy. Tại Việt Nam, nhiều dân tộc không còn chữ viết riêng, tiếng nói riêng… một phần là bởi họ quá nghèo khổ, khó khăn nên không có điều kiện văn bản hóa ngôn ngữ của dân tộc mình, phần khác là do ngôn ngữ ấy bị cô lập, không cần thiết với những cộng đồng xung quanh. Bản thân những người của dân tộc ấy muốn giao thương, làm ăn buôn bán với dân tộc khác thì phải học tiếng phổ thông. Điều đó đần trở thành thói quen và ngày càng ít người dùng tiếng của dân tộc mình để trao đổi trong sinh hoạt thường ngày. Khi một ngôn ngữ biến mất, thế giới sẽ mất đi một phương pháp tư duy, một cách nhìn nhận thế giới quanh ta
Nhiều người quan niệm rằng, cùng với quy luật sinh tồn, tự đào thải ngàn đời nay, thì mạnh tất thắng, yếu tất thua và tự diệt vong nên việc bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số là vấn đề của chính dân tộc ấy, Nhà nước không nhất thiết phải đổ tâm sức, tiền của vào việc này. Trong suy nghĩ của người viết bài này, y kiến trên có phần hơi hẹp lượng bởi nếu suy rộng ra, với tình trạng thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay thuộc sử nước ngoài hơn sử ta, nói tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hoa đúng ngữ pháp hơn nói tiếng Việt thì một ngày nào đó, để phù hợp với xu hướng chung của thế giới, chúng ta một nước nhỏ bé, phải tự bỏ ngôn ngữ tiếng Việt mà ông cha bao năm gìn giữ trước sức mạnh kinh tế, khoa học của các cường quốc hay sao? Lâu nay chúng ta vẫn luôn kêu gọi bảo tồn những loài động thực vật quý hiếm hay những di sản vật thể. Vậy thì việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc ít người cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng bởi đó chính là bảo vệ tính đa dạng văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến các dân tộc ít người, cũng là để khẳng định chủ quyền đất nước mình.
Bài toán nào cho sự song tồn?
Trong một bài viết của mình, Tiến sĩ Trần Thu Dung hiện sống và làm việc tại Pháp đã cho rằng “Bảo vệ ngôn ngữ văn hóa dân tộc ít người là bảo vệ một tài nguyên thiên nhiên, một bảo tàng sống, một nguồn du lịch để giúp phát triển kinh tế đất nước và đánh dấu chủ quyền của đất nước. Khi chúng ta chưa đủ mạnh về quân sự thì ta nên dùng văn hóa để bảo vệ chủ quyền.”
Nếu nhìn lại lịch sử cùng những câu chuyện chống đồng hóa, quyết liệt giữ gìn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số đã nói ở phần trên, thì nhận định này là hết sức đúng đắn. Không chỉ thế, ngôn ngữ dân tộc ít với lối diễn đạt trong sáng, biết đâu đó chính là cội nguồn xa xưa của ông cha chúng ta. Biết đâu, cùng với quá trình các bộ tộc xưa lưu lạc khai khẩn mở mang bờ cõi, ngôn ngữ phát triển dần và du nhập thêm cái mới, còn các nhóm ở lại đất cũ, ít giáo tiếp với các nền văn hóa khác nên vẫn giữ được cái cổ xưa. Bảo tồn tiếng nói không những là bảo tồn văn hóa, sắc thái đa phong phú của một đất nước, do nhiều bộ lạc hợp lại, đồng thời bảo tồn được ngôn ngữ cổ của ông cha. Đó cũng là một vũ khí để chứng minh nguồn gốc dân tộc và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thiết nghĩ đã đến lúc các nhà ngôn ngữ Việt Nam phải thống kê xem có bao nhiêu ngôn ngữ dân tộc thiểu số đang suy vong và tìm ra một phương pháp để bảo tồn hữu hiệu, sinh động trực quan hơn là chỉ đơn giản ghi chép, thu âm rồi bảo quản cẩn thận trong các kho lưu trữ?
Giải pháp được nhắc đến nhiều hiện nay là việc tổ chức học song đồng ngôn ngữ Kinh và ngôn ngữ dân tộc ít người. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã hết sức chú trọng đến việc bảo tồn và giữ gìn tiếng nói các dân tộc với các dự án khảo sát và xây dựng các chiến lược lâu dài cho vấn đề này. Nhiều ngôn ngữ Ban a, Gia Rai, Cơ Tu… được đầu tư xây dựng chữ viết, xây dựng các bộ từ điển, các bộ giáo trình học tiếng… Bên cạnh đó, các phong tục truyền thống mang đậm văn hóa dân tộc cũng được đề cao cùng với sự phục hồi các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng, văn hóa, thể thao… Nhiều bộ chữ, nhiều sách giáo khoa, nhiều trường học dạy song song chữ dân tộc và chữ Quốc ngữ, học sinh theo học các trường này được hỗ trợ học bổng. Các công chức nhà nước, sỹ quan thuộc lực lượng vũ trang công tác tại vùng dân tộc thiểu số được khuyến khích học tiếng dân tộc thiểu số như một sinh ngữ căn bản. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là để đạt được những mục đích này, căn bản vẫn cần đến ý thức, thái độ chủ động của các dân tộc. Chính họ phải giữ vai trò chủ thể trong việc nâng cao vị thế của chính dân tộc mình. Có như vậy mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mới có cơ hội phát huy rộng rãi và có hiệu quả cao.
Dẫu nhỏ bé, nhưng những dân tộc thiểu số trên đất nước ta đã có nhiều đóng góp quan trọng trong giữ gìn chủ quyền và độc lập dân tộc. Những giá trị ngôn ngữ, văn hoá bao đời được lưu giữ và phục dựng của họ đã dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá đa sắc màu của đất nước. Bảo vệ ngôn ngữ văn hóa dân tộc ít người là bảo vệ một tài nguyên thiên nhiên, một bảo tàng sống, một nguồn du lịch để giúp phát triển kinh tế đất nước và đánh dấu chủ quyền của đất nước. Ngôn ngữ và văn hóa dân tộc ít người cũng là một di sản phi vật thể sống động cần được bảo tồn.
Nguồn: Văn Nghệ