Từ đời vào văn

25/11
5:13 PM 2017

JAKE ADELSTEIN NHÀ VĂN MỸ VÀO HANG BẮT CỌP

Công Mỹ Hoài-Jake Adelstein sinh năm 1969 ở Columbia, bang Missouri, Hoa Kỳ. Do hay cáu kỉnh, ông được một người thầy cấp một khuyên học võ phương đông, đặc biệt là các loại võ Nhật Bản. Thế là, ông bắt đầu chăm chỉ theo các lớp karate. Một giáo viên karate lớn lên ở Okinawa, thường trầm trồ khen ngợi Đất nước này. Đối với thầy, xứ sở hoa anh đào là đáng sống nhất thế giới, vì luôn luôn thanh bình và yên ả.

Cậu bé đâm tò mò rồi ước mơ được tới nơi mà gần chín mươi phần trăm dân số theo đạo Phật, “Thiên đường của hòa bình và yên tĩnh”. Cậu mày mò học tiếng Nhật. Đến New York học đại học tổng hợp, dù biết cha mẹ có thể phật ý, năm 19 tuổi, ông vẫn tự mình sang Nhật bằng được. Ông biên thư báo cho cha mẹ là mình có thể ở đất nước mặt trời mọc chừng một năm, để tu luyện võ Nhật.

Đến nơi, ông xin vào ở một ngôi chùa. Các vị sư  rồi cũng chấp nhận, nhưng với điều kiện: Mỗi ngày một lần tụng kinh niệm Phật. Và không được mang gái vào theo. Chẳng mấy chốc, ông hiểu mình không thể đi tu. Hơn nữa, ở đây mọi chuyện đều có nề nếp, trật tự chung thì đâu vào đấy. Tự sâu kín trong lòng, bản năng lương thiện mách bảo rằng ông nên sống hẳn ở xứ sở thần tiên này. Ông bèn xin vào học văn học so sánh ở đại học Sophia danh tiếng ngay tại thủ đô Tokyo. Để có đủ chi dùng thường ngày, ông dạy tiếng Anh, chủ yếu cho trẻ em bản địa, ghi phụ đề cho các phim kung-fu, và nếu tiện, mát xa tại nhà cho các cô và bà lớn. Ông vẫn thường xuyên lui tới cửa Phật, miệt mài học tập, và biết việc học của mình sẽ thành công mỹ mãn. Song mục đích sống là gì? Nghề nào giúp thực hiện tối ưu mục đích ấy? Ông chợt nhớ tới ngôi trường báo chí gần quê ông mà đôi lần cha ông dẫn ông vào. Không khí làm việc, gương mặt đáng yêu của cả thầy lẫn trò, rồi tiếng tăm của những nhà báo xuất thân từ trường…, tất cả khiến ông chọn nghề báo. Ông tranh thủ viết bài hay vẽ minh họa cho báo tường của lớp, của khoa. Cứ thế, ông tốt nghiệp vào loại giỏi.

Thật may, năm 1992, ông vừa ra trường, tờ nhật báo Yomiuri Shunbun tuyển người. Đây là ấn phẩm báo chí có lượng phát hành lớn nhất thế giới, mỗi ngày, ra buổi sáng và buổi chiều, tổng cộng suýt soát 15 triệu bản. Bên cạnh những thông tin quảng cáo cần thiết cho người dân, chủ bút lấy việc thông tin mau lẹ nhất những vấn đề thời sự nóng bỏng, những sự kiện văn hóa thể thao, nhất là những tâm tư nguyện vọng của quảng đại dân thường… làm tiêu chí phục vụ. Jake Adelstein tự biết mình khá hợp với tờ báo ấy. Ông xin dự tuyển và ở tuổi 24, tức năm 1993, ông không tin mình được nhận vào làm. Đơn giản, báo này gần như kín cửa hẳn với người ngoại quốc. Nền tảng đạo lý của báo: Hiệu quả công việc là thước đo giá trị, khen chê dựa vào hiệu quả này. Ông là người nước ngoài đầu tiên được chọn. Dĩ nhiên, ông làm việc bằng tiếng Nhật. Là phóng viên của Yomiuri Shunbun nghĩa là có việc làm trọn đời, nhưng nghiệt ngã sao: Chí có chết hay quên hẳn mình cho công việc. Về sau, ông được phân công mảng điều tra tội phạm và hình sự. Mảng này không dễ “nhằn”. Một phần động lực giúp ông vượt lên chính mình là việc ông, trong mấy năm kiếm tiền ăn học, manh nha phát hiện mặt trái của “Thiên đường Nhật Bản”. Nhiệm vụ được giao tạo điều kiện cho ông đi sâu và nhận rõ mặt trái thoạt đầu khiến ông sửng sốt, sau dần trở thành tâm huyết nhân văn. Yomiuri Shunbun đòi hỏi rất cao ở nhân viên của mình. Thậm chí, có lẽ quá cao, đến mức nghiệt ngã. Jake Adelstein phải làm việc mỗi tuần 80 tiếng. Không say nghề, chắc không trụ lại được. Thế nhưng, năm 2005, ông buộc lòng phải nói lời giã biệt. Số là, một đồng nghiệp nữ của ông, dù làm việc hết mình và rất hiệu quả, bỗng bị chuyển việc, chỉ vì một bài nhiều kỳ của cô không được lãnh đạo báo hài lòng. Cô uất ức tự tử. Jake Adelstein không chịu nổi sự tàn nhẫn và cũng lo sợ cho chính bản thân !

Nhờ uy tín vững vàng về đạo đức và nghề nghiệp, ông có nhiều việc làm. Ông cộng tác với nhiều báo và tạp chí, ở đất nước mặt trời mọc và ở nước Mỹ quê hương. Ông được mời vào ban lãnh đạo Tổ chức chống buôn người quốc tế. Ông được mời làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạ tầng văn hóa xứ sở hoa anh đào. Trung tâm này chuyên nghiên cứu bộ mặt bị che giấu của Nhật Bản, hoạt động kinh tế ngầm, nạn mại dâm, tệ nạn buôn người và những trò vui hoặc hấp dẫn hoặc đáng ghê tởm của nó. Bận bịu tối ngày, ông vẫn giành thời gian tiếp tục công việc ông làm đã từ lâu một cách kiên gan và bền bỉ. Ấy là phơi bày những điều không đẹp, lý ra không thể có ở xứ sở của Phật giáo từ bi, của những thần kỳ mang đến biết bao niềm vui bất tận cho toàn nhân loại. Do tôn thờ đất nước mặt trời mọc từ thuở ấu thơ, ông không sao không lên tiếng cho được. Từng chút một, từng chút một, ông “khui ra” nhiều chuyện đau lòng, nhơ nhớp, vô lương, đáng tiếc lại được nảy sinh chủ yếu từ các băng đảng tội phạm, mafia là chủ lực. Những phát hiện choáng người ấy, cộng với vô vàn trải nghiệm trong mười mấy năm ở đất nước mặt trời mọc, và lương tâm một con người lương thiện biết xử sự chí nghĩa chí tình đã thôi thúc ông cặm cụi viết nên một bộ sách rất dày. Ấy là Tokyo vice (tạm dịch: Tồi tệ Tokyo). Bộ sách có thể được coi là một hồi ký, một tự truyện, một tiểu thuyết, một thể loại tổng hợp trên cơ sở người thật việc thật. Bộ sách được đánh giá là một thành tựu của sự kết hợp văn học phi hư cấu và tân thông tấn tự sự, vốn thịnh hành ở Mỹ đã nhiều thập kỷ. Ông đề nghị công bố tại Nhật. Song nhà xuất bản Nhật nào cũng từ chối, hoặc tế nghị, hoặc thẳng thừng. Cuối cùng, nhà xuất bản Hoa Kỳ Pantheon Books ấn hành bộ sách năm 2009.   

Bộ sách lập tức gây tiếng vang lớn và hiện nay vẫn được tìm đọc không chỉ ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Nhiều độc giả khắp thế giới đã tìm đọc nó. Số bình luận về nó xuất hiện ngày càng nhiều, qua nhiều ngôn ngữ. Chê cũng có, song rất ít. “Khen thì cứ mãi tuôn trào”. Vài ví dụ: “Truyện của ông (Jake Adelstein) tràn đầy những  suy tư về xã hội Nhật Bản, về những truyền thống của nó, về tôn ti trật tự của nó, về sự phân biệt giới tính, coi thường phụ nữ của nó”. “Cái nhìn duy nhất về văn hóa Nhật Bản, khởi từ thế giới bất lương kinh hồn ! Ông - Jake Adelstein - đã phám phá được mảng đời ảm đạm nhất của đất nước mặt trời mọc, mảng đời trong đó tống tiền, ám sát, buôn người và tham nhũng đã là chuyện cơm bữa, khác nào mì ăn liền và rượu sa kê”. “Tồi tệ Tokyo là một truyện trinh thám thót tim về một nhà báo, một mình chống lại tất cả, một mình nổi dậy chống các yakuza (mafia Nhật Bản) trong thế giới dưới đáy của Tokyo ghê rợn”. “Bộ sách trưng ra những chuyện tức cười của xứ sở hoa anh đào. Nó mở cho ta nhìn thấy nước Nhật được miêu tả từ bên trong”. “Bộ tiểu thuyết lạ, nhiều phen khiến độc giả nín thở, lắm lúc khiến độc giả mỉm cười hay gật gù khoái trá”. “Đây là một bộ truyền kỳ khiến ta hồi hộp từ đầu chí cuối, với những nhân vật vừa hút hồn vừa ghê rợn, với một sự thật không thể chối cãi, rằng cộng đồng yakuza… [86.000 thành viên]… (dần dần) vứt bỏ danh dự và truyền thống, vì những món lời vớ được chớp nhoáng và những trò buôn gian bán lận bẩn thỉu”. Nhân vật chính của bộ tiểu thuyết là Jake Adelstein (Nhân vật này sẽ được Radcliff, người đóng vai Harry Potter trước đây, thể hiện trong chuỗi phim truyền hình dài tập của Hoa Kỳ, đang được chuẩn bị).       

Tồi tệ Tokyo kể lại quá trình ông, như một người ngoại quốc, hòa nhập vào xã hội Nhật Bản, và những điều tra của ông về tội ác có tổ chức và nạn buôn người ở xứ sở này. Ba mốc quan trọng của bộ sách là việc ông thực tập nghề nhà báo điều tra, những điều tra đầu tiên của ông về nạn mại dâm ở khu Kabukicho, tức khu đèn đỏ, ở Tokyo, và cuộc giáp mặt cuối cùng của ông với bố già của Goto - gumi, một phân nhánh của Yamaguchi - gumi, tập đoàn mafia lớn nhất ở Nhật. Mới đầu, Jake Adelstein được lãnh đạo Yomiuri Shunbun phái tới Saitama, khu rộng lớn toàn những nhà ngủ ở ngoại vi Tokyo. Muốn viết gì tùy, nhưng phải có bài. Hầu như suốt ngày và gần hết đêm, ông cần mẫn đến từng nhà, có gì thấy đáng đưa tin, đều viết cẩn thận, cốt sao có ích cho người đọc. Đấy ví như một em bé chào đời. Ông đưa tin ngắn gọn, nhưng trang trọng, về niềm vui mừng của cha mẹ và gia đình bé. Bao giờ cũng ẩn ý vượt khó hay lo lắng tương lai… Câu chữ dể hiểu, không khoa trương, cũng không khô cứng hay hờ hững. Rồi những trận bóng chày trong khu vào ngày nghỉ. Những bài tường thuật súc tích, nhưng chan chứa sự hết mình thi đấu vì đồng đội, vì bè bạn vì lối chơi đẹp… của các “bóng thủ”. Đó là những bữa tiệc tinh thần “ngon lành” mà cả người đấu lẫn người xem đều hả hê như sau khi xưng tội tại nhà thờ. Thi thoảng lắm mới có một vụ giật gân câu khách. Chẳng hạn, một tình nhân nữ do ghen tuông đã sát hại “bạn trai”, một người đàn ông có vợ và hai con. Jake Adelstein khéo léo gợi chuyện, nữ phạm nhân đã thú nhận, cô có hận người tình, chính anh không biết kìm chế, đẩy cả hai vào dối trá và phá hoại hạnh phúc đồng loại. Cô muốn trừng phạt anh! Vậy là thử thách đầu tiên, ông đã vượt được.

Ông liền được điều vào đội đặc nhiệm hình sự, bộ phận gay go nhất của báo. Ở đây, hầu không có nghỉ ngơi hay về nhà. Ông mau chóng tìm hiểu “thực địa”, sao có thể đạt hiệu quả công việc cao nhất. Muốn có thông tin nhanh nhất và đáng tin nhất, nhà báo phải biết khai thác từ gái làm tiền. Thế nên, hay hơn cả là khôn khéo “xông vào” các nhà chứa và quán massage. Các loại tội phạm, nhất là yakuza, thường lui tới những nơi này và để lại những chuyện đôi khi động trời mà chúng không ngờ tới. Quà chỉ là phần nhỏ, thái độ cảm thông và trân trọng chân thành mới khiến các gái bán hoa dốc bầu tâm sự. Thảng hoặc một cô thích ông và muốn được “giao hòa”. Ông vui vẻ chiều lòng, rồi nói lại với vợ. Quan trọng hơn là phải bảo vệ được các cô sau khi các cô “tố giác”. Điều này cần có cảnh sát giúp vào. Cảnh sát còn rất cần cho thu thập thông tin. Ông chơi được với nhiều cảnh sát. Do biết giao lưu thân tình, thật bụng, luôn luôn kèm theo những món quà giàu ý nghĩa. Chả hạn, quà nhân đi Mỹ về, quà mừng cưới con, đồ phúng viếng nhân cha mẹ qua đời. Đặc biệt, không nên khiến cảnh sát không vừa ý. Ví như khi họ muốn lơ một vụ, ông coi không biết nó trong một thời gian, rồi tùy cơ ứng biến cho hiệu quả. Nguyên tắc làm việc của ông khi cần, dám vào hang bắt cọp. Ông cùng giải trí, cùng trượt băng, cùng “nhậu” với các yakuza. Biết chống trả khi có tên định hại mình. Được biết một chuyện mờ ám của ông trùm mafia Tadamasa Goto, ông về Mỹ ngay, và phát hiện rằng tên này, để được sang Mỹ chữa gan, đã hối lộ FBI một món tiền lớn và một số bí mật nội bộ. Goto yêu cầu ông không công bố bài báo (và sau này là bộ Tồi tệ Tokyo). Nếu không, ông và gia đình sẽ bị “xoa sổ”. Ông không sợ. Thậm chí còn tìm cách công bố sớm nhất, trước khi mình có thể mất mạng ! Rồi ông cho vợ con về Mỹ, sống trong sự bảo vệ của cảnh sát. Mặt khác, ông nhờ cảnh sát Nhật bảo vệ mình. Khi bộ sách ra đời, yakuza càng tức tối. Ông vẫn điềm nhiên đi lại, làm việc. Ông vững tin rằng ông được nhân dân xứ sở hoa anh đào yêu thương và  bảo vệ. Ông biết mình đã thành một người dân Nhật đích thực. Không có tình yêu sâu nặng với đất nước mặt trời mọc, ông làm sao có thể đủ dũng khí để sống và làm việc đến mức đó. Bộ Tồi tệ Tokyo là minh chứng hùng hồn cho tình yêu và tấm lòng của ông đối với quê hương thứ hai của mình…

 

Nguồn Văn nghệ số 47/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *