Tin tức

14/9
3:55 PM 2017

VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (14-9-2017)

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh trái phép

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch vừa có Công văn số 3754/BVHTTDL-TTr báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh trái quy định của pháp luật.

Văn bản nêu rõ: trong thời gian qua, nhiều tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã có nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa như: Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng chứng nhận “Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam”, Bằng chứng nhận, tôn vinh “Phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt”, công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, bằng chứng nhận “Tôn vinh nghệ nhân”; Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận “Cây di sản Việt Nam” và “Cây di sản”; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cấp bằng “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cấp bằng “Công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” và tôn vinh “Nghệ nhân” v.v...

Bộ VH-TT&DL khẳng định: Việc vinh danh và cấp bằng công nhận, bằng chứng nhận các danh hiệu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nêu trên đã vi phạm các quy định của pháp luật về thi đua - khen thưởng, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; gây hiểu nhầm và tạo dư luận không tốt trong xã hội.... Đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nêu trên chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh trái quy định của pháp luật.

Trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật "Huế - những góc nhìn mới" lần thứ 3

Chiều 13-9-2017, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tạo TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Huế - những góc nhìn mới” lần thứ 3 năm 2017. Cuộc thi do Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Với chủ đề "Huế - những góc nhìn mới", cuộc thi đã nhận được 2.179 tác phẩm (ảnh màu và đen trắng) của 196 tác giả ở 33 tỉnh, thành trên cả nước.

Kết quả, Ban giám khảo đã chọn 11 tác phẩm ảnh nghệ thuật xuất sắc nhất để trao các giải thưởng gồm: 01 giải Nhất thuộc về tác phẩm “Tỏa sáng” của tác giả Nguyễn Khoa Huy; 02 giải Nhì thuộc về tác phẩm “Thành phố nhỏ” của Nông Thanh Toàn và “Bến đò ngang” của Lê Tấn Thanh; 03 giải Ba thuộc về các tác phẩm “Đu tiên” của Vĩnh Hướng, “Múa lửa Hoàng Cung” của Lê Tấn Thanh và “Người thợ dệt hôm nay” của Lê Nhật Quang; 05 giải Khuyến khích gồm: “Nghề truyền thống” của Hồ Ngọc Sơn, “Hoa vàng trên phá Tam Giang” của Ngô Thanh Minh, “Vở kịch trong đêm” của Nông Thanh Toàn, “Sắc màu” của Huỳnh Văn Truyền, “Nhặt rác trên sông” của Nguyễn Xuân Hữu Tâm. 

Dịp này, Ban tổ chức cũng chọn 99 tác phẩm tiêu biểu tại cuộc thi để trưng bày, triển lãm giới thiệu đến công chúng.

Phim “Cha cõng con” đại diện điện ảnh Việt Nam dự giải Oscar 2018

Bộ phim "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng đã được hội đồng tuyển chọn phim dự Oscar của Việt Nam chọn làm đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar 2018.

 “Cha cõng con” do biên kịch Bùi Kim Quy và Lương Đình Dũng chuyển thể dựa trên truyện ngắn cùng tên “Cha cõng con” của chính đạo diễn Lương Đình Dũng viết từ năm 1995. Dự án điện ảnh đầu tay này được đạo diễn Lương Đình Dũng thai nghén suốt 10 năm trời. Phim có thời gian ghi hình thực tế 62 ngày, bao gồm cả ngày quay bổ sung. Tổng thời gian quay gần 80 ngày trong khi hầu hết các phim điện ảnh đều quay trong thời gian một tháng.

Kịch bản phim từng khiến nhà biên kịch nổi tiếng của Hollywood là Pilar Alessandra rơi nước mắt và quyết định biên tập miễn phí cho Lương Đình Dũng. Vị đạo diễn ấp ủ việc chuyển thể tác phẩm lên màn bạc từ lâu nhưng mãi đến năm 2013, anh mới có thể chính thức khởi quay. Song, dự án phim buộc phải trì hoãn bởi bối cảnh Hà Giang bị ngập lụt. Mãi đến 2015, quá trình ghi hình mới tiếp tục và tác phẩm chính thức hoàn thành trong cuối năm 2016.

“Cha cõng con” có bối cảnh chính là Bắc Mê (Hà Giang) và một vài cảnh tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Các diễn viên tham gia trong phim chủ yếu là nghiệp dư, ngoại trừ NSƯT Trần Hạnh trong vai ông mù và Ngô Thế Quân (nam diễn viên chính của “Thời xa vắng”) trong vai người cha. Riêng nhân vật Cá do cậu bé mồ côi Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em SOS Việt Trì, Phú Thọ đảm nhận. 

Tuy "Cha cõng con" không giành được giải thưởng cao trong nước nhưng bộ phim lại giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Tại Liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26 diễn ra ở Nhà hát Trung tâm thành phố Touson (Mỹ), "Cha cõng con" đoạt giải Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất (Best Foreine Feature) và giải Quay phim ấn tượng nhất (Special July Award For Outstanding Cinematography) do Ban giám khảo bình chọn dành cho nhà quay phim Lý Thái Dũng.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15, “Cha cõng con” được vinh danh giải Phim có cốt truyện hay nhất (Indie Spirit Best Story Line Award). “Cha cõng con” cũng đoạt giải Quay phim xuất sắc nhất (Best Cinematography) của Liên hoan phim Quốc tế Milano lần thứ 17 của Italy.

(Theo: dangcongsan.vn)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *