Tin tức

27/8
10:00 AM 2017

VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (27-8-2017)

Chương trình “Mùa thu vàng” chào mừng Quốc khánh 2-9

Chương trình “Mùa thu vàng” kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945/19-8-2017) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945/2-9-2017) khai mạc vào ngày 25-8, tại Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội). Đây là hoạt động do Trung tâm phối hợp với tổ chức nghệ thuật độc lập Real Art thực hiện nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Chương trình khai mạc chuỗi hoạt động “Mùa thu vàng” là triển lãm “Mascara” giới thiệu, trưng bày các tác phẩm tranh vẽ chủ đề chân dung phụ nữ qua góc nhìn của các nghệ sĩ trẻ đương đại của Việt Nam như: Nguyễn Nghĩa Cương, Nguyễn Văn Cường, Vũ Đình Tuấn, Bùi Thanh Tâm, Ngô Văn Sắc, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Tuấn Tú và nghệ sĩ điêu khắc Lương Đức Hùng. Các tác phẩm trong triển lãm không chỉ là chân dung phụ nữ đơn thuần, mà đó chính là những khuôn mặt của thời đại, đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Triển lãm thể hiện tinh thần không ngừng sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ đương đại Việt Nam luôn tìm kiếm sự biến đổi, thoát khỏi những mô típ, hình tượng cũ.

Màn biểu diễn múa đương đại do nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành thể hiện vào 20 giờ ngày 2-9, tại sảnh tầng 1 Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza hứa hẹn sẽ lan tỏa nguồn năng lượng mạnh mẽ của ngôn ngữ cơ thể đến đông đảo công chúng. Sự kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng và chuyển động cơ thể sẽ mang lại cảm xúc khó quên cho khán giả. Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành là một trong những nghệ sĩ múa đương đại xuất sắc của Việt Nam. Anh đã tham gia nhiều chương trình múa đương đại trong và ngoài nước, đồng thời có những đóng góp lớn trong việc phát triển múa đương đại tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình còn có hoạt động biểu diễn thời trang nghệ thuật “Thu’colors” do các người mẫu không chuyên biểu diễn. Sự kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng và màn trình diễn ấn tượng của những người mẫu có số đo chưa chuẩn về hình thể nhưng sẽ chinh phục người xem bằng thần thái, sự biểu cảm và tự tin khi đứng trên sân khấu. Hoạt động này do họa sĩ Trần Thu và nhà thiết kế Phạm Thu Hồng tổ chức thực hiện.

Chương trình “Mùa thu vàng” sẽ kết thúc vào ngày 3-9.

(Theo: qdnd.vn)

Người lính viết về chiến tranh – Nói về văn học chiến tranh

Sáng 25/8, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học và Khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức buổi giao lưu với chủ đề “Người lính viết về chiến tranh – Nói về văn học chiến tranh”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam 2017 của NXB Văn học. Buổi giao lưu xoay quanh hai cuốn sách là tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến và “Quảng Trị 1972 - Hồi ức của một người lính” - tác giả Nguyễn Quang Vinh.

“Tàn đen đốm đỏ” và “Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính” đều là những cuốn sách được chính những người lính cầm bút viết về chiến tranh, rồi hòa vào dòng văn học chiến tranh không chỉ là những nguồn cảm hứng, đem những giá trị lịch sử đến với độc giả mà còn góp phần khẳng định một khuynh hướng mới có nhiều triển vọng trong đời sống văn học hiện nay.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến được độc giả biết đến với cuốn tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ” được in lần đầu năm 1994 và tái bản nhiều lần, ấn bản mới nhất vừa được NXB Văn học phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tiểu thuyết từng đạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 5 năm (1991 - 1996).

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho biết, tiểu thuyết là câu chuyện của chính bản thân tác giả, bạn bè thế hệ ông, những hồi ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người lính đi tìm lại đồng đội của mình… Qua tiểu thuyết, ông mong muốn chia sẻ với bạn đọc một vấn đề tồn tại nhức nhối, hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu không thể khắc phục.

“Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính” của tác giả Nguyễn Quang Vinh là ký ức của một người lính Hà Nội về một trong những chiến trường khốc liệt, nơi đã lưu giữ bao kỷ niệm, lưu giữ những khát vọng, mơ ước của những người trai Hà Nội khi xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ. Đã hơn 40 năm kể từ ngày non sông nối liền một dải, ký ức về chiến tranh vẫn còn tươi nguyên với những chiến sĩ đã trực tiếp cầm súng. Nguyễn Quang Vinh tâm sự, ông khắc họa lại những ngày tháng ở Quảng Trị không vì mục đích văn chương mà như một nén hương lòng tưởng niệm và tri ân những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.

Qua “Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính”, mọi góc cạnh của chiến tranh được phơi bày, và tại đó, trên tất cả vẫn là bản anh hùng ca của tuổi trẻ, từ bộ đội chủ lực đến giao liên, du kích…

P.V

Ra mắt các tác phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt

Ngày 25-8-2017, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội phối hợp với Quỹ “Hỗ trợ quảng bá văn học Nga-Văn học Việt Nam” đã tổ chức Lễ ra mắt các tác phẩm văn học kinh điển Nga được dịch sang tiếng Việt.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án xuất bản thực hiện dưới sự bảo trợ của Tổng thống Nga.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vasilievich Vnukov cho biết, kể từ năm 2012, dự án tủ sách của Tổng thống Liên bang Nga tặng bạn đọc Việt Nam và bạn đọc Nga bắt đầu được thực hiện, là một trong những phần cấu thành quan trọng trong hợp tác nhân văn giữa Nga và Việt Nam. 4 tác phẩm ra mắt đợt này gồm: Tác phẩm văn xuôi Nga hiện đại "Đôi cánh" của Christina Stark, tiểu thuyết "Đầu xanh tuổi trẻ" của Fiodor Dostoevskyi, vở kịch bằng thơ "Khổ vì trí tuệ" của Alexandr Griboedov và tập truyện ngắn Nga đương đại “Kinh nghiệm tình ái".

Theo dịch giả Hoàng Thúy Toàn, đại diện Quỹ “Hỗ trợ quảng bá văn học Nga - Văn học Việt Nam”, trong 4 tác phẩm trên, tập sách “Đầu xanh tuổi trẻ” của F.Dostoevski ra lần này kết thúc bộ tuyển tập tác phẩm 10 tập bằng tiếng Việt của văn hào Nga vĩ đại, mà từ những năm đầu thế kỷ 20 một số bạn đọc trí thức Việt Nam đã được tiếp xúc qua bản dịch tiếng Pháp và không ít nhà văn Việt Nam đã chịu ảnh hưởng từ những tiếp xúc ấy, để rồi rút ra những bài học đóng góp vào công cuộc xây dựng nền văn xuôi Việt Nam đương đại…

Tại Lễ ra mắt sách, nhấn mạnh văn hoá Nga luôn có sức sống lâu bền trong trái tim nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của bạn đọc, nhân dân Việt Nam tới nhân dân và các nhà văn Nga; đồng thời cho rằng, lịch sử đã chứng minh, văn học Nga là một trong những di sản quý báu nhất của nhân loại. Hoạt động dịch các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Nga sang tiếng Việt là việc làm cao cả góp phần tiếp nối dòng chảy giao lưu văn hoá giữa Việt Nam – Liên bang Nga và tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

(Theo: dangcongsan.vn)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *