Thời sự văn học nghệ thuật

25/9
11:03 AM 2017

NHÀ VĂN BỊ XÂM PHẠM BẢN QUYỀN: ĐỪNG MỦI LÒNG!

Vanvn.net - Trong hai tuần vừa qua, làng văn lại “nóng” lên với câu chuyện nhà văn Trần Đức Tiến bị “cướp trắng” tác phẩm “Hoa Cúc Áo” để in thành tập sách thiếu nhi phát hành với số lượng lớn và đã tái bản đến lần thứ 8. Điều khiến nhà văn bất bình là tác phẩm của mình đã bị người khác ngang nhiên đứng tên trong suốt một thời gian dài. Vụ việc được nhà văn ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam làm việc với Công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông – nơi tổ chức bản thảo, phát hành cuốn sách này. Trong khi chờ đợi kết quả, Vanvn.net đã có cuộc trao đổi với nhà văn Trần Đức Tiến.

 

Nhà văn Trần Đức Tiến

PV: Thưa nhà văn Trần Đức Tiến, vụ việc Công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tự ý dùng tác phẩm của ông để in sách dưới tên người khác (và đã tái bản đến lần thứ 8) khiến các nhà văn cũng như những người quan tâm đến đời sống văn học vô cùng bức xúc. Bản thân ông cảm thấy thế nào khi phát hiện ra việc làm sai trái của công ty này?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cũng đủ bình tĩnh để tìm hiểu thêm. Chỉ “hơi” ngạc nhiên thôi, vì đây không phải lần đầu tôi phát hiện ra kiểu làm ăn “không giống ai” này của một số nhà xuất bản. Còn bình tĩnh thì rất cần, nếu không chưa biết chừng mình lại vô tình làm hại uy tín của họ. Chẳng hạn như ngay trong buổi sáng nay, một nhà văn cũng kêu lên trên facebook (FB) của mình là bị “đạo” văn. Sách của anh ấy đã được xuất bản ở nhà xuất bản X. cách đây nhiều năm, giờ lại thấy một trang web bán sách giới thiệu, vẫn nhà xuất bản ấy, nhưng với tên tác giả khác. Hóa ra là trang web kia làm ăn tùy tiện. Lẽ ra nhà văn bình tĩnh thì có thể phát hiện ra mấy chỗ vô lý, hoặc hỏi lại nhà xuất bản thì sẽ được giải thích. Vội vàng đưa lên FB, rồi nhiều người chẳng biết đấy là đâu, ùa vào comment… Báo hại nhà xuất bản phải mất công đính chính.

PV: Sau khi ông đưa ý kiến của mình về việc làm sai trái của Công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông lên trang facebook, đại diện của Công ty đã liên hệ với ông để đưa ra một số điều thương lượng nhưng ông không đồng ý với cách giải quyết của họ. Hiện nay về phía công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông có những động thái gì? Về phía mình, ông muốn có phương án giải quyết như thế nào?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Tôi làm sao biết những động thái của họ? Còn tôi, tôi cũng đã nói rõ trên FB của mình: tôi nhờ Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam – nơi tôi ký hợp đồng bảo hộ quyền tác giả - đứng ra giải quyết giúp.

Tập sách có in truyện ngắn "Hoa Cúc Áo" của nhà văn Trần Đức Tiến do Nxb Kim Đồng phát hành

PV: Nhìn lại khoảng 15 năm trở lại đây, trên thị trường sách Việt Nam không phải chỉ có một mình ông bị xâm phạm tác quyền trắng trợn như thế này, ông có nghĩ rằng dường như luật pháp của chúng ta còn quá nhiều kẽ hở trong lĩnh vực xuất bản và các cơ quan bảo hộ quyền tác giả văn học chưa thực sự hoạt động có hiệu quả?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Nói thật, tôi không hiểu rõ chuyện này lắm đâu. Tôi chỉ thấy trong thực tế lắm chuyện lộn xộn lắm. Bên trên tôi đã nói: bản thân tôi phát hiện ra sự lộn xộn đó không phải một lần này. Ở một số nhà xuất bản, một số tờ báo, có dạo người ta đua nhau in những tập truyện ngắn chọn lọc, truyện ngắn tinh tuyển, truyện ngắn hay… Mua về xem mới biết: người “sưu tầm, biên soạn” nhặt nhạnh báo này một truyện, sách kia một truyện, rồi gộp lại thành tuyển. Truyện của mình cũng nhiều phen có vinh dự được nhặt. Nhưng tệ ở chỗ: không ai nói gì với mình, sách biếu không có, nhuận bút cũng không, tiền bán sách âm thầm chảy vào túi ai đó. Một lần tôi còn tình cờ phát hiện ra một tuyển tập truyện thiếu nhi của một nhà xuất bản danh tiếng, trong đó có truyện của mình, tái bản đến lần thứ 6, mà mình chẳng nhận được đồng nhuận bút nào (trừ lần in đầu tiên). Tôi gọi điện, báo cho nhà xuất bản ấy biết. Sau đó họ phải trả toàn bộ nhuận bút 6 lần tái bản cho tất cả các tác giả.

Cuốn sách vi phạm bản quyền do Công ty Cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông in ấn, phát hành

PV: Vụ việc đã được ông ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (trực thuộc Hội Nhà văn VN) giải quyết, ông có tin tưởng chắc chắn rằng họ sẽ đòi lại được sự công bằng cho mình cũng như các nhà văn đã từng bị xâm phạm bản quyền không? Ông đã tập hợp được nhiều bằng chứng để chứng minh tác phẩm đó thuộc quyền sở hữu của mình chưa?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Tôi tin Trung tâm quyền tác giả văn học làm được. Họ đã làm được vụ bản quyền của các tác giả sách giáo khoa với chính nhà xuất bản này rồi mà? Còn bằng chứng thì tôi có tập truyện của tôi, Nhà xuất bản Kim Đồng in năm 2006, trong đó có cái truyện bị vi phạm.

PV: Qua vụ việc này, ông muốn gửi đến những đồng nghiệp, bạn văn của mình những kinh nghiệm gì để nâng cao tinh thần “chiến đấu” với những việc làm chụp giật của một số công ty sách hiện nay?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Đừng mủi lòng. Các bạn nhà văn là những người chúa hay mủi lòng. Mủi lòng nhiều khi không thích hợp với lối sống trong thời đại văn minh. Không hiểu các bạn thế nào, chứ tôi có nhiều năm phải sống bằng nghề viết lách, vất vả, cơ cực lắm. Đồng tiền được làm ra bằng chính mồ hôi nước mắt của mình, tôi quý vô cùng. Mỗi khi phát hiện ra “lộn xộn” như trên đã nói, trước khi cần đến những cơ quan có chức năng bảo vệ mình, tôi gọi điện, gửi thẳng email cho biên tập viên, tổng biên tập, giám đốc… để nhắc nhở. Họ buộc phải thực hiện nghĩa vụ đối với tôi.

Chắc bạn nghĩ sau những lần như thế tôi “hả dạ” lắm? Không. Trái lại. Mình “thắng” họ mà có cảm giác như kẻ chiến bại. Buồn quá. Lẽ ra nếu có lòng với nhau một chút, nghĩ đến nhau một chút, thì làm gì có chuyện cực chẳng đã như vậy? Vì cái sự “thẳng thừng” của tôi mà một ông giám đốc nhà xuất bản, một chị tổng biên tập tờ báo tỉnh đã cạch mặt tôi. Nhưng không thẳng thừng, chả lẽ cứ chịu sống mãi trong môi trường ô nhiễm?

 

Phong Lan (thực hiện)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *