Tin tức

3/12
10:03 PM 2019

NHIỀU HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA ĐẶC SẮC CHÀO ĐÓN NĂM MỚI 2020

Chào đón năm mới 2020, Ban Quản lý Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động với chủ đề “Sắc hoa”, từ ngày 1/12/2019 đến ngày 2/1/2020. Các hoạt động với sự tham gia của khoảng 150 đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên gồm: 15 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Khơ Mú (Nghệ An), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tày, dân tộc Nùng (Thái Nguyên), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Ơ Đu (Nghệ An), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), dân tộc Tà Ôi, dân tộc Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglai (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Ba Na (Gia Lai), dân tộc Khmer (Sóc Trăng). Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng huy động thêm các đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên...

Chợ phiên đậm sắc màu vùng cao sẽ tạo ấn tượng cho du khách đi chợ, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian do cộng đồng dân tộc Mông, Cống, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú giới thiệu. Không gian “Trà Thái Nguyên” có sự hội tụ sắc màu văn hóa của tỉnh Thái Nguyên với sự kết nối giữa văn hóa trà, thưởng trà, không cầu kỳ mà là đơn giản, tình cảm và giao lưu văn hóa độc đáo, kết hợp với giới thiệu nghệ thuật đàn Tính, hát Then. Trong không gian này, du khách sẽ được trải nghiệm quy trình thực hành nghề thủ công của đồng bào Mông, Cống tỉnh Điện Biên. Phụ nữ dân tộc Cống không thạo nghề canh cửi nhưng họ lại rất giỏi kỹ thuật đan lát đồ mây, tre đan. Sản phẩm nổi tiếng của người Cống gồm chiếu mây nhuộm màu, bung, bem, khạp... 

Còn đồng bào dân tộc Mông mang lại cho du khách trải nghiệm với kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải - một nghề thủ công truyền thống đã gắn với đồng bào tự ngàn xưa. Trong không gian chợ phiên lần này, đồng bào Mông giới thiệu tới du khách các công đoạn trong quy trình tạo nên một sản phẩm dệt vải từ kỹ thuật se lanh, dệt vải, vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong, trưng bày sản phẩm nhiều màu sắc.

Đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên sẽ tái hiện “Tết hoa” – một loại hình Tết của đồng bào diễn ra khi đã xong công việc mùa vụ. Đây là dịp để đồng bào Cống hướng về cội nguồn tổ tiên, tôn vinh bản sắc, nét đẹp truyền thống văn hóa tín ngưỡng, đánh dấu một năm cũ khép lại mùa màng bội thu, chuẩn bị năm mới an lành, nhiều may mắn. Đây cũng là lần đầu tiên đồng bào Cống về với Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam để làm lễ nhận nhà theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc, đa dạng thêm sắc màu văn hóa của 54 cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại ngôi làng đặc biệt này.

Bên cạnh đó là chương trình dân ca - dân vũ “Vui chợ phiên chào đón năm mới” với các các tiết mục văn nghệ,  trò chơi dân gian, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm, độc đáo của văn hóa vùng miền cùng chào đón năm mới.

Tại khu vực thung lũng hoa tam giác mạch gắn với không gian văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội); làng dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú gắn với cụm cánh đồng Tổ quốc gấm hoa… sẽ diễn ra nhiều hoạt động dân ca - dân vũ, tương tác với du khách như kéo co, ném còn, đi cà kheo, bập bênh, trò chơi địu nước - một trong những trò chơi rất đặc sắc trên cao nguyên đá.

Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn độc đáo theo truyền thống của các dân tộc, được chế biến công phu từ các nguyên liệu tự nhiên như xôi màu, thịt lợn hấp, gà nướng, thịt trâu hun khói, măng chua...

Bên cạnh đó, là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của 15 đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam.

(Theo: dangcongsan.vn)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *