Tin tức

10/9
9:03 AM 2020

TIẾC THƯƠNG MỘT NGHỆ SĨ TÀI HOA

Đại tá, nhà báo PHAN TÙNG SƠN

(Báo Quân đội nhân dân)

Đạo diễn, nhà biên kịch, Nghệ sĩ Ưu tú, nhà thơ, nhà văn Văn Lê vừa trút hơi thở cuối cùng vào tối 6-9-2020 sau một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột tại nhà riêng (số 28 Văn Chung, phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Người nghệ sĩ tài năng, anh Bộ đội Cụ Hồ dạn dày chiến trận, người anh đáng kính và đáng yêu của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ mặc áo lính đã khép trang cuối cùng của đời người ở tuổi 72. 

Với những người cầm bút thế hệ hậu sinh như chúng tôi, Văn Lê là một thần tượng, cả về tài năng, đạo đức, phong cách sáng tác và sự dấn thân. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cứ đều đặn dăm bữa nửa tháng, ông lại đến tòa nhà của các cơ quan báo chí, xuất bản Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh uống trà, đàm đạo văn chương nghệ thuật. Ông có nhiều cuốn sách về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang được Đại tá Phạm Văn Trường, Phó giám đốc kiêm Trưởng cơ quan đại diện Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh biên tập. Mỗi khi chuẩn bị cho một "đứa con tinh thần" ra đời, ông cùng các biên tập viên của nhà xuất bản chăm chút đến những chi tiết nhỏ nhất cho từng trang bản thảo. Với tác phẩm, Văn Lê là người cầu toàn. Ông thường tâm sự với chúng tôi, sách thời nay in ra đừng lạc quan sẽ có nhiều người đọc, nhưng nếu nó được ai đó cầm đọc thì đó là món quà quý giá cho tác giả và những người làm sách. Bởi thế, phải tôn trọng độc giả, cần tránh tuyệt đối sai sót phải đính chính. 

Đời cầm bút của ông đã cống hiến cho độc giả gần 30 cuốn sách, với các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trường ca... Ông đã được trao 7 giải thưởng văn học trong nước, trong đó có 4 lần vinh dự được nhận giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng. Tác phẩm mới nhất của Văn Lê là cuốn tiểu thuyết “Cống nhân”, vừa ra mắt tháng 6-2020. Ngay khi sách vừa in xong, ông đem theo mấy cuốn trong chiếc túi xách căng phồng ghé thăm chúng tôi. Ông định sẽ làm bữa tiệc nho nhỏ gặp gỡ mấy anh em bạn viết thân thiết để mừng sự kiện này, thế nhưng phải tạm hoãn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Cũng từ hôm ấy, chúng tôi chưa gặp lại ông. Chẳng ngờ ông đi xa mãi...

Bàng hoàng trước tin đau buồn, các thế hệ đồng nghiệp lại nhớ đến những dấu ấn, kỷ niệm thân tình, tươi nguyên với ông. Cũng nhờ cái duyên cầm bút nên tôi may mắn được đồng hành với ông ở nhiều sự kiện văn học những năm gần đây. Trong các diễn đàn ấy, chúng tôi hiểu thêm ở ông, ngoài tài năng sáng tác, ông còn là một nhà phê bình uyên thâm. Khi bình luận tác phẩm của đồng nghiệp, Văn Lê thường phân tích sâu ở khía cạnh nhân bản, nhân văn và tính dân tộc. Ông quan niệm, đổi mới thủ pháp nghệ thuật không phải là từ bỏ phong cách truyền thống để vay mượn cái mới từ bên ngoài mà ngược lại, càng phải bám thật chắc, thật sâu vào dân tộc, dân gian. Cũng chính vì thế, trong các sáng tác của Văn Lê, nhất là về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, ta không thấy sự uốn éo câu từ, đánh bóng con chữ, mà cảm thấu được chất đời, chất lính, chất nhân văn... bật lên từ tầng sâu cảm thức. 

Một trong những đóng góp lớn của Văn Lê cho văn học đương đại là những tác phẩm ông viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Ông có nhiều năm lăn lộn vào sinh ra tử ở Mặt trận 479, từ biên giới Tây Nam đến đất bạn Campuchia. Nhà thơ Phạm Thanh Long, một người đồng đội của Văn Lê từ những ngày đầu tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, rưng rưng khóe mắt khi nhắc đến người bạn thân thiết của mình: “Lần anh bị bạo bệnh cách đây vài năm, đạo diễn Lê Hoàng cùng làm với anh ở Hãng phim Giải phóng báo với tôi. Chúng tôi đến nhà thăm anh và gửi anh ít tiền đồng đội đóng góp để anh chữa bệnh. Anh nằng nặc không nhận và nói để nhường cho đồng chí khác khó khăn hơn. Tôi phải năn nỉ mãi anh mới chịu nhận”.

Văn Lê là thế, phong cách lúc nào cũng rổn rảng, hào hiệp, sẵn sàng vét túi đến đồng nhuận bút cuối cùng để lo cho đồng đội trên giường bệnh. Ngay cả khi bản thân lâm bệnh nặng, ông vẫn luôn nghĩ cho những đồng đội khó khăn hơn mình. Thế hệ những người cầm bút mặc quân phục như chúng tôi hôm nay được ông quý mến, bởi trong trái tim ông, tình đồng đội và ký ức đời quân ngũ vô cùng thiêng liêng. 

Hành trình chiến đấu và sáng tạo của ông không thể không nói đến những đóng góp to lớn cho điện ảnh. Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú chính là phần thưởng xứng đáng dành cho ông. Văn Lê đã 3 lần đoạt giải thưởng kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Bông sen Vàng, 5 giải Bông sen Bạc, 2 giải Cánh diều Vàng và 1 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản, cùng nhiều giải thưởng về phim tài liệu của Hội Điện ảnh Việt Nam. 

Giờ thì ông đã yên nghỉ thật rồi! Vĩnh biệt một người anh đáng kính, một nghệ sĩ tài hoa!

Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh năm 1949 ở Gia Viễn, Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, về Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng năm 1974. Sau năm 1975, ông công tác ở Tuần báo Văn nghệ Giải phóng rồi Tuần báo Văn Nghệ-Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ, chiến đấu ở Mặt trận 479, Campuchia; đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải phóng và nghỉ hưu năm 2010.

(Theo: qdnd.vn)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *