Kết quả làm việc giữa Hội Nhà văn Việt Nam với đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc
Ngày 17-3-2016 vừa qua, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), đoàn cán bộ Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội, phụ trách Đối ngoại làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc do nhà LLPB Yan Jingminh làm trưởng đoàn.
Trong đoàn nhà văn Trung Quốc còn có ông Đàm Dực - Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cùng tham dự.
Hai bên đã nghe ý kiến đề xuất của Hội Nhà văn Trung Quốc về việc tiếp tục phát huy sự phát triển của Giải Văn học sông Mê Kông do Việt Nam đề xướng và tổ chức luân phiên từ 2007 đến nay. Hội Nhà văn Trung Quốc nhận thấy sự tham gia của Hội Nhà văn Vân Nam với tư cách là người đại diện của Hội Nhà văn Trung Quốc chưa thực sự có kết quả. Vì lý do đó, Hội Nhà văn Trung Quốc muốn được tham dự với tư cách Hội Nhà văn quốc gia. Chính vì thế, Hội Nhà văn Trung Quốc đề xuất tổ chức Diễn đàn Văn học sông Mê Kông với đầy đủ 6 nước tham gia: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma.
Trưởng đoàn Nhà văn Trung Quốc đã thay mặt Ban Lãnh đạo Hội Nhà văn Trung Quốc trình bày các vấn đề liên quan đến diễn đàn này và rất cần có ý kiến góp ý cũng như ủng hộ của Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là người sáng lập Hội nghị Văn học sông Mekong.
Sau khi nghe ý kiến của Hội Nhà văn Trung Quốc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trưởng đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam đã có những ý kiến cụ thể về từng vấn đề mà Hội Nhà văn Trung Quốc nêu ra và những vấn đề cơ bản mà Hội Nhà văn Trung Quốc cần phải thực hiện để tiến hành tổ chức diễn đàn.
Qua thảo luận giữa hai trưởng đoàn và các thành viên tham dự, Hội nghị đi đến thống nhất những điểm cơ bản như sau:
- Đồng ý theo sáng kiến của Hội Nhà văn Trung Quốc, tổ chức Diễn đàn Văn học sông Mê Kông.
- Diễn đàn sẽ tổ chức 1 năm một lần, luân phiên qua các quốc gia tham gia.
- Với tư cách là người sáng lập Hội nghị Văn học sông Mekong, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có thông báo tới các nước thành viên đã tham dự Hội nghị Văn học sông Mekong trong những năm qua về việc quyết định tổ chức Diễn đàn.
- Hội Nhà văn Việt Nam ủng hộ đề nghị của Hội Nhà văn Trung Quốc được tổ chức Diễn đàn lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2016, hoặc 2017 do phía Trung Quốc quyết định.
- Chủ đề của Diễn đàn đều hướng tới những vấn đề của văn học, văn hóa, xây dựng tình Hữu nghị và hợp tác về văn học, văn hóa giữa các quốc gia tham gia.
- Chủ đề cụ thể của Diễn đàn từng năm do nước đăng cai đề xuất và được các nước thành viên góp ý, thông qua.
- Mọi chủ đề không đúng với tôn chỉ, mục đích của Hội nghị Văn học sông Mekong và Diễn đàn văn học sông Mekong đều không được chấp nhận.
- Ngôn ngữ dùng trong Diễn đàn là tiếng của nước đăng cai tổ chức và tiếng Anh.
- Kinh phí tổ chức đi lại cho các đoàn của các nước tự lo, quốc gia đăng cai lo kinh phí ăn, ở và tổ chức Hội nghị.
- Mỗi đoàn nhà văn dự Diễn đàn không quá 6 người, riêng nước đăng cai có thể có số lượng nhiều hơn.
- Thời gian diễn ra Diễn đàn từ 2 đến 3 ngày.
- Các tham luận cho Diễn đàn hằng năm đều được lưu giữ, in thành sách và thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
- Đề nghị Hội Nhà văn Trung Quốc sớm dự thảo "Quy chế tổ chức Diễn đàn Văn học sông Mê Kông" để các nước tham gia góp ý và đi đến thống nhất.
- Riêng Giải Văn học sông Mê Kông lần thứ 9 dự kiến tổ chức tại Vân Nam (Trung Quốc) năm 2016, Hội Nhà văn Trung Quốc có thể tổ chức Diễn đàn trùng với thời gian tiến hành Hội nghị Văn học sông Mekong lần thứ 9. Nếu do điều kiện chưa chuẩn bị kịp, Hội Nhà văn Trung Quốc có thể tổ chức Diễn đàn vào năm sau (2017).
Hội Nhà văn 2 nước tin tưởng rằng Hội Nhà văn các nước tham gia Hội nghị Văn học sông Mê Kông sẽ ủng hộ sự thống nhất giữa 2 Hội về việc tổ chức Diễn đàn Văn học sông Mê Kông hàng năm. Hội Nhà văn 2 nước sẽ làm tốt nhất tất cả những gì liên quan để tổ chức Diễn đàn lần đầu tiên ở Trung Quốc thành công; đồng thời cũng tích cực nhất để Diễn đàn được tổ chức ở các nước tiếp theo thành công. Sau hội nghị, hai đoàn đàm phán sẽ có báo cáo Chủ tịch của hai Hội Nhà văn về kết quả đàm phán là nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Thiết Ngưng để có quyết định chính thức.
Cuộc làm việc diễn ra trong không khí đầm ấm, hữu nghị và xây dựng cùng hướng tới sự bền vững và phát triển.