Tin tức

21/3
12:13 AM 2016

Như “mùa con ong đi lấy mật”…

Hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ thường được ví như loài ong cần mẫn tìm hút hương vị muôn hoa để dâng mật ngọt cho đời. Và đúng như lời một câu hát nổi tiếng: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật…”, trong hơn nửa đầu tháng 3 vừa qua, văn nghệ sĩ trên khắp mọi miền của đất nước đã sôi nổi triển khai nhiều hoạt động thiết thực, mở đầu một năm sáng tạo mới với nhiều hứa hẹn. Vanvn.net xin giới thiệu một số hoạt động tiêu biểu:

Tuyên Quang phát động cuộc thi bút ký về du lịch     

Đây là hoạt động văn nghệ trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020, do UBND tỉnh Tuyên Quang chủ trì. Cuộc thi nhằm giới thiệu Đất và Người, truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng của Tuyên Quang và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh với mọi người trong và ngoài nước. Từ đó tạo ra sự hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến Tuyên Quang. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Tuyên Quang thêm tình yêu và trách nhiệm với quê hương mình.      

Cuộc thi dành cho đối tượng là hội viên Hội VHNT Tuyên Quang, cộng tác viên báo Tân Trào và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nội dung các tác phẩm tập trung khai thác mảng đề tài phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, cách mạng, các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang; Những thành tựu trên các lĩnh vực KT-XH của tỉnh trên con đường đổi mới và hội nhập.     

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ 01-3-2016 đến hết ngày 15-11-2016; tổng kết, trao giải trong tháng 11-2016. Tác phẩm dự thi cần ghi rõ: Tham dự Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài phát triển du lịch Tuyên Quang; gửi về một trong các địa chỉ sau:

+ Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang - Số 215, đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

+ Báo Tân Trào

+ Hoặc Email: baotantraotq@gmail.com                                         

(Nguồn: vanhocnghethuattuyenquang.gov.vn)

            

Hội thảo “Công tác lý luận, phê bình VHNT Thái Nguyên".        

Hội thảo xoay quanh thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác lý luận, phê bình VHNT Thái Nguyên hiên nay. Theo đó, đội ngũ nghiên cứu, phê bình VHNT của Thái Nguyên hiên nay bao gồm nhiều thế hệ, đa phần là các nhà giáo đã và đang giảng dạy trong nhà trường. Hầu hết các cây bút nghiên cứu, phê bình đều được đào tạo khá bài bản, trưởng thành từ các trường đại học, có trình độ học vấn và được trang bị cơ bản về tri thức văn hóa. Trong số những người viết nghiên cứu phê bình của Thái Nguyên đã xuất hiện những cây bút sung sức, nhiều công trình nghiên cứu đã được ghi nhận trong các sách, báo, tạp chí khoa học chuyên ngành cấp quốc gia và có giá trị ứng dụng trong thực tiễn.    

Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ sự đa dạng và phong phú trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học của các tác giả người dân tộc thiểu số như Nông Quốc Chấn, Vi Hồng, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, Ma Trường Nguyên, Pờ Sảo Mìn v.v… Đồng thời, bên cạnh khuynh hướng phê bình truyền thống, những năm gần đây, một số cây bút viết phê bình văn học ở Thái Nguyên như Hồ Thủy Giang, Nguyễn Đức Hạnh, Cao Thị Hồng, Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy… đã chú trọng tiếp nhận và ứng dụng lý thuyết văn học hiện đại trong nghiên cứu, phê bình văn học;  góp phần phát hiện và khẳng định những giá trị của nhiều tác phẩm văn học từ những điểm nhìn lý thuyết mới.     

Hội thảo cũng chỉ ra thực trạng hiện nay ở Thái Nguyên còn khá ít những cây bút lý luận, phê bình chuyên nghiệp và gắn bó lâu dài với nghề, mặc dù

Thái Nguyên là trung tâm văn hóa của khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, tập trung nhiều trí thức có học hàm, học vị cao ở các trường đại học, cao đẳng. Tình hình trên đòi hỏi các trường đại học có giảng dạy về VHNT cần có chiến lược, chính sách trọng dụng những người có thực tài và có năng khiếu văn học nghệ thuật, tạo điều kiện và cơ hội cho họ được học hành bài bản về lý luận, phê bình VHNT và ứng dụng những kiến thức về lý thuyết ấy trong cảm thụ và bình giá các hiện tượng văn học; tờ báo của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phải là diễn đàn để chuyển tải những nghiên cứu của họ.

Để nghiên cứu, phê bình VHNT của Thái Nguyên có thể phát triển hơn, cũng cần phải vượt thoát khỏi quan niệm chỉ “tắm ao ta” hiện nay đang tồn tại đây đó trong tư duy giới cầm bút viết nghiên cứu, phê bình văn học ở Thái Nguyên.                                                              

(Nguồn: vannghethainguyen.vn)

 

Hội Nhà văn Hải Phòng tay vào việc đầu năm    

Sáng 18-3-2016 tại số 22 Lý Tự Trọng-TPHải Phòng, Hội Nhà văn Hải Phòng đã tổ chức buổi gặp mặt đầu Xuân Bính Thân 2016 nhằm tổng kết công tác năm 2015 và triển khai công tác năm 2016. Tới dự có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy; NSƯT Đăng Toàn-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng; các nhà văn, nhà thơ trong Ban chấp hành cùng toàn thể hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng.    

Năm 2015, Hội Nhà văn Hải Phòng có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả nổi bật: Trao giải cuộc thi thơ Hải Phòng 2014; Đẩy mạnh hoạt động của CLB những người viết văn trẻ Hải Phòng; Duy trì hoạt động của trang Web vanhaiphong.com; Mở lớp bồi dưỡng viết văn ngắn hạn tại Hải Phòng… Đây cũng là năm có số lượng hội viên đoạt giải và xuất bản sách cao, với17 tác giả đoạt giải và gần 30 đầu sách của 25 tác giả.     

Phát huy thành tích đã đạt được, năm 2016 Hội Nhà văn Hải Phòng xác định tập trung củng cố tổ chức, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn; đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, quảng bá… góp phần xây dựng hình ảnh đặc trưng về VHNT của thành phố Cảng. Trước mắt, Hội khẩn trương xúc tiến đề án viết truyện, ký về các doanh nhân tiêu biểu góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của TP trong tình hình mới.

(Nguồn: vanhaiphong.com)

      

“Minh Sư” và “Ngày linh hương nở sáng” lại… tỏa sáng!    

Lễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III (2010 - 2015) đã được tổ chức ngày 15-3-2016 tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh-TP Đà Nẵng. Đến dự lễ có ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố - Chủ tịch Hội đồng Xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III và đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Liên hiệp các Hội VHNT thành phố; các sở, ban, ngành, quận, huyện của TP...   

Báo cáo tổng kết của Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Phó Chủ tịch Hội đồng Xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III  nêu rõ trong quá trình chấm giải chủ yếu căn cứ vào chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm, đánh giá và khẳng định chất lượng nghệ thuật của một số tác phẩm đoạt giải cao; đồng thời biểu dương các văn nghệ sĩ bằng thành quả lao động nghệ thuật của mình, đã tạo thêm một dấu mốc đáng kể trong tiến trình phát triển của văn học nghệ thuật TP trong 5 năm qua.      

Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III  trược trao cho 59 tác phẩm và tiết mục của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, gồm: 06 giải Nhất, 16 giải Nhì, 21 giải Ba và 16 giải Khuyến khích. Trong đó, tiểu thuyết  “Minh Sư” của nhà văn Thái Bá Lợi đoạt giải Nhất. Tiểu thuyết “Thế kỷ bị mất” của tác giả Phạm Ngọc Cảnh Nam và tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” của tác giả Đinh Thị Như Thúy đoạt giải Nhì. Trước đó, tiểu thuyết Minh Sư” đã được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2013; tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.                                                             

(Nguồn: vannghedanang.org.vn)

          

Lâm Đồng mở trại sáng tác về “Biển đảo quê hương”   

Trại viết được mở tại TP Vũng Tàu. Trong 15 ngày (từ ngày 1 đến 15-3), 15 văn nghệ sĩ (8 nhà văn và nhà thơ, 3 nghệ sĩ nhiếp ảnh, 4 nhạc sĩ) tham gia trại viết đã nắm bắt nhịp đập của thành phố biển; thâm nhập đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của cư dân biển; miệt mài lao động sáng tạo và cho ra đời 86 tác phẩm, gồm: 34 bài thơ, 9 tác phẩm văn (truyện ngắn, tản văn, bút ký), 13 ca khúc, 30 ảnh nghệ thuật. Đặc biệt, trong số 86 tác phẩm trên đây, có 55 tác phẩm viết về biển, đảo. Đó là những tác phẩm thấm đẫm tình yêu, niềm tự hào, khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là những phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, bất khả xâm phạm của Tổ quốc.                                                                            

(Theo báo Lâm Đồng)

    

Trưng bày Châu bản triều Nguyễn nhân Festival Huế 2016    

Trung tâm Lưu trữ quốc gia ITrung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hợp tác tổ chức triển lãm tài liệu Châu bản triều Nguyễn về Di sản và Văn hoá triều Nguyễn nhân dịp Festival Huế 2016.   

Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính được hình thành trong quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945) do hoàng đế ban hành. Đây là khối tài liệu lưu trữ quý hiếm, nội dung phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện về các hoạt động chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội dưới triều Nguyễn. Tháng 5-2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.      

Đây là lần thứ ba Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm về Châu bản triều Nguyễn. Trước đó, năm 2013 và năm 2014, hai Trung tâm đã hợp tác tổ chức trưng bày giới thiệu về châu bản triều Nguyễn với với chủ đề "Bút phê của các Hoàng đế trên châu bản triều Nguyễn” và “Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương”. Triển lãm lần này nhằm góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và di sản của Huế, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về khối di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn của nền văn hóa Việt Nam.                                                             

(Nguồn: tapchisonghuong.com.vn)

 

    

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *