Hội thảo khoa học “Xuân Diệu với văn hóa dân tộc”
Ngày 15-3-2016 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Xuân Diệu với văn hóa dân tộc”. NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; Ông Nguyễn Tuấn Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; cùng đại diện lãnh đạo các sở VH-TT-DL và Hội VHNT 2 tỉnh Bình Định (quê ngoại nhà thơ Xuân Diệu) và Hà Tĩnh (quê nội nhà thơ Xuân Diệu) và đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà lý luận phê bình VHNT, văn nghệ sĩ… đã đến dự.
Diễn văn khai mạc hội thảo của GS Hoàng Chương-GĐ Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam-khẳng định: Bình Định nói chung, huyện Tuy Phước nói riêng, là “Đất võ trời văn” nên Xuân Diệu đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần văn hóa dân tộc của quê hương và đất nước. Từ thủa lọt lòng Xuân Diệu đã được nghe bà ngoại hát ru, được nghe những nghệ nhân nổi tiếng hát dân ca và biểu diễn nghệ thuật hát bội, bài chòi… Cái cốt nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống trên mảnh đất này đã ảnh hưởng ngày một sâu sắc trong tâm hồn thơ một tài năng trẻ. Bởi vậy mặc dù học trường Tây, giỏi tiếng Pháp, am hiểu văn hóa Âu châu từ rất sớm, nhưng hồn thơ Xuân Diệu vẫn đậm đà tính dân tộc, tính nhân dân và giàu bản sắc Việt Nam…
Nhận định trên đây được thể hiện sinh động và thuyết phục qua 17 bản tham luận được trình bày tại hội thảo, như: Xuân Diệu với quê mẹ của Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa; Xuân Diệu với âm nhạc dân tộc của nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa; Thơ Xuân Diệu viết về Bác Hồ của TS Nguyễn Minh San; Mấy kỷ niệm nhỏ về một nhà thơ lớn của nhà thơ Đặng Vương Hưng; Nhân cách nhà thơ qua một buổi nói chuyện thơ của nhà thơ Vũ Từ Trang; Dấu ấn truyền thống qua “Thơ Thơ” và “Gửi hương cho gió” của PGS-TS Lý Hoài Thu; Tiếp nhận ảnh hưởng thơ truyền thống của GS-TS Thái Kim Lan (Đại học Muy-ních, LB Đức) v.v…