TRONG THƠ CÓ HỌA VÀ TRONG THƠ CÓ NHẠC
Nguyễn Việt Chiến
MƯA PHỐ VÀO TRANH
Chiếc ô đỏ trong màu lam ướt
Một chiều mưa ngược phố em về
Trời sẫm tối vòm cây đẫm nước
Bóng đổ dài theo vệt ô kia
Những dáng nhà ướt chảy nhòe đi
Màu lam phố miết từng mảng tối
Như có mùi ẩm mốc bay ra
Từ ô cửa căn buồng rất tối
Mưa bay chéo mặt tranh mờ xoá
Cả vòm trời loang chảy màu sơn
Những ngôi nhà như đang trượt ngã
Gọi dìu nhau ở phía bên đường
Phố trong mưa khuấy động màu sơn
Giai điệu trắng cầm ca giữ nhịp
Đây bè trầm giọng ngói xô rung
Cùng tiếng gió bè cao xoáy rít
Rất có thể em là nhạc trưởng
Với chiếc ô màu đỏ trên tay
Cả thành phố trong mưa giao hưởng
Màu lam kia cuốn tít gót giày.
(Bài thơ đoạt giải nhì cuộc thi thơ toàn quốc của báo Văn Nghệ năm 1989-1990)
MƯA PHỐ VÀO TRANH: MỘT BÀI THƠ VỪA BUỒN VỪA ĐẸP
Hà Hương Sơn
Nguyễn Việt Chiến là một trong những nhà thơ đáng chú ý trong nền thơ ca đương đại Việt Nam. Trước đây, nhiều người biết đến ông qua bài thơ lục bát 'Cát đợi'; sau này, ông lại nổi lên với bài thơ 'Tổ quốc nhìn từ biển' như một hiện tượng trong đời sống văn chương nước nhà. Trong thơ của ông, yếu tố trực cảm gần như đóng vai trò chủ đạo. Đọc thơ ông, người đọc dễ bị mê hoặc bởi những ngôn từ đầy chất hội họa, những vần thơ đầy tính nhạc điệu. Và bài thơ 'Mưa phố vào tranh' là một tác phẩm mang đậm dấu ấn đó.
Chiếc ô đỏ trong màu lam ướt
Một chiều mưa ngược phố em về
Trời sắp tối vòm cây đẫm nước
Bóng đổ dài theo vệt ô kia
Mở đầu bài thơ là một khổ thơ đầy hình ảnh rất gợi, như “chiếc ô đỏ”, “màu lam ướt”, “vòm cây đẫm nước”, “bóng đổ dài”, “vệt ô”. Hàng loạt những ngôn từ gợi lên cho người đọc một hình dung vừa mơ vừa thực về một bức tranh một chiều mưa trên một khu phố. Ở đó, có cô gái, có chiếc ô, hòa vào gam màu đường phố, như nhà thơ cố vẽ lại cơn mưa bằng ngôn ngữ thơ. Sự phối màu có chủ ý giữa màu đỏ của chiếc ô và màu lam của cơn mưa như là nét chấm phá trong hội họa về hai chủ thể màu đối cực là tối và sáng.
Người xưa thường nói: “Thi trung hữu họa”, thì riêng ở khổ thơ đầu tiên của bài thơ này, nhà thơ đã cho ta thấy rõ điều đó. Sự vận dụng khéo léo thi pháp “trong thơ có họa”, nhà thơ đã đưa người đọc cùng chìm vào một cảnh tượng chiều mưa đầy sinh động.
Những dáng nhà ướt chảy nhòe đi
Màu lam phố miết từng mảng tối
Như có mùi ẩm mốc bay ra
Từ ô cửa căn buồng rất tối
Đến khổ thơ hai, người đọc bắt gặp một sự chuyển động về thời gian, từ “chiều mưa” bước sang “mảng tối”, nghĩa là bóng chiều đã ngã sang màu tối. Trong hội họa, phải là một họa sĩ rất tài hoa thì mới có thể vẽ lên được sự chuyển động về thời gian trong bức tranh. Ở đây, nhà thơ với góc nhìn của một người họa sĩ, đã khắc tạc vào tâm tưởng người đọc sự chuyển động về thời gian bằng những gam màu biến đổi, thì kể cũng là tài hoa vậy.
Câu thơ đầu tiên của khổ thơ gợi lên trong suy tưởng của người đọc một hình ảnh thật khó quên về những căn nhà trong lòng phố. Những dáng nhà ướt chảy nhòe đi, thực ra, đây là một bức tranh hoàn chỉnh về những căn nhà trong cơn mưa, dưới đôi mắt của nhà thơ. Những căn nhà đó chứa đầy khúc xạ!
Và điểm đặc biệt, là ở câu thơ trong cùng khổ thơ, nhà thơ lại để cho người đọc “ngửi” được cái vị của những căn nhà đó. Đó là mùi ẩm mốc. Sự xuất hiện của khứu giác làm cho ta có cảm tưởng khung cảnh một chiều tối mưa giữa lòng phố như cô đặc lại, quánh lại, tối càng thêm tối. Câu thơ tạo nên cảm giác bất ngờ đầy thi vị. Không thi vị sao được, khi ta vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức cái mùi toát ra từ khung cảnh ấy. Nhưng cái thi vị ấy là màu sắc của “tối” và mùi của “ấm mốc”, nên là cái thi vị của nỗi buồn. Có chăng, đây còn là cái thi vị của niềm đau nữa! Hay chăng, lúc này nhà thơ đang đứng ở một khu phố cổ? Mùi ẩm mốc là mùi của quá vãng, mùi của dĩ vãng xa xưa, mùa của những gì đã cũ. Từ “tối” được lặp lại ở cuối câu thơ thứ hai và thứ tư, như là một nỗi ám ảnh về bóng đêm, những điều “tăm tối”.
Mưa bay chéo mặt tranh mờ xóa
Cả vòm trời loang chảy màu sơm
Những ngôi nhà như đang trượt ngã
Gọi dìu nhau ở phía bên đường
Khổ thơ này là sự chuyển động trong thi ảnh, thi hình mang tính dự báo cao. Từng cơn mưa đang chéo vào nhau, như phận người đan chéo vào nhau, xối thẳng vào đôi mắt nhà thơ, làm cho nhà thơ không nhìn rõ được đâu là thực đâu là mơ, như tồn tại một dạng thức cảm mơ hồ về chính cái hiện thực, điều mà nhà thơ đang chứng kiến. Ở đó, nhà thơ nhìn thấy bức tranh đã mờ, màu sơn bị mưa làm trôi đi (loang ra ngoài khoảng không), những ngôi nhà như không đứng vững. Hay là những thân phận người không đứng vững? Có chăng, nhà thơ đang nhân cách hóa những ngôi nhà? Những ngôi nhà là đại diện những số phận đáng thương bị hoàn cảnh xã hội làm cho trượt ngã?
Và đột nhiên, trong cõi mơ hồ đó, nhà thơ lại nghe vọng lên một âm thanh quen thuộc, là tiếng gọi. Tiếng gọi cùng dìu nhau để cho khỏi ngã! Tiếng gọi chính là tiếng nói của con người! Tiếng gọi chính là âm thanh, là một dự báo về sự xuất hiện của âm thanh. Và trong mường tượng của tôi, có lẽ lúc này nhà thơ đang dần dần khép mắt lại, lặng nghe để lắng nghe một âm điệu nào đó đang tràn về. Đó có chăng là tín hiệu của niềm vui?
Phố trong mưa khuấy động màu sơn
Giai điệu trắng cầm ca giữ nhịp
Đây bè trầm giọng nói xô rung
Cùng tiếng gió bè cao xoáy tít
Rất có thể em là nhạc trưởng
Với chiếc ô màu đỏ trên tay
Cả thành phố trong mưa giao hưởng
Màu lam kia cuốn tít gót giày.
Khép lại một bức tranh đẫm màu sắc hội họa, thì ta bắt gặp những thanh âm. Hai khổ thơ còn lại, nhà thơ chuyên đặc tả âm thanh. Cái âm thanh được nhà thơ cố công khắc họa làm cho người đọc có cảm giác như chính những câu thơ chứa đầy âm nhạc. Những ngôn từ đủ đầy để ta hình dung về âm thanh tuyệt diệu của một cơn mưa, như “giai điệu trắng”, “bè trầm”, “bè cao”, “nhạc trưởng”, “giao hưởng”. Nhà thơ đã vận dụng những ngôn từ mang tính chuyên ngành trong âm nhạc để diễn tả một cơn mưa, làm cho người đọc như chìm vào từng tiếng mưa, đắm vào một bản nhạc giao hưởng. Mỗi giọt mưa rơi vào một vật khác nhau sẽ tạo nên những âm thanh khác nhau, như là bản nhạc giao hưởng được tạo nên từ những nhạc cụ khác nhau.
Đặc biệt, câu thơ đầu tiên của khổ thơ cuối, Rất có thể em là nhạc trưởng, nhà thơ đã đặt nhân vật “em” vào thế chủ động. Vậy là, “bức tranh mưa” hay là “bản giao hưởng” trong trí tưởng của nhà thơ là do “em” tạo ra? Chính “em” mới là đối tượng trực tiếp tạo nên những rung động trong tâm hồn nhà thơ? Hay cơn mưa là cái sắp đặt của số phận, còn “em” là người chủ động nắm lấy số phận? “Em” là đại diện cho sự hiện diện của con người trong bức tranh thiên nhiên mưa đó. “Em” là đại diện cho sức mạnh của con người, sức mạnh để chiến thắng sự buồn bã đến ẩm mốc, thối rửa, của thực tại?
Câu cuối trong khổ thơ cuối, “màu lam” được tác giả lặp lại. Nhưng cái “màu lam” ấy, cái màu chứa đầy nỗi buồn ấy, cái màu của sự u tối ấy (dù cái u tối đó có hoặc không hoàn toàn là bóng tối) đã không trở thành màu chủ đạo nữa. Chính cái bản nhạc tuyệt vời do cơn mưa tạo ra đã làm cho nhà thơ (hay người đọc) quên đi những gì u tối của một cơn mưa vào buổi chiều tối. Vậy là, dù không dùng ngôn ngữ hội họa nữa, nhưng nhà thơ đã vẽ lên một gam màu sáng trong tâm hồn mình. Khi người ta đắm chìm vào cái đẹp, thì những gì u buồn sẽ tự cuốn trôi đi cùng với điệu nhảy. Chính màu sắc làm ta cảm tưởng về nỗi buồn, nhưng những giai điệu lại cho ta tìm thấy những vẽ đẹp lấp lánh. Con người, trong hoàn cảnh bi cảm nhất, cũng sẽ tìm thấy được lẽ sống để vươn lên, nếu biết hướng đến cái đẹp. Như một câu nói rất nổi tiếng đại ý thế này, cái đẹp cứu rỗi thế giới. Và nhà thơ, với tâm hồn đẹp của mình, đã cứu vớt nỗi buồn tráng lệ do hoàn cảnh tạo nên!.