CÁC BẠN ẤY LÀ HỌC SINH MIỀN NAM
Các học sinh miền Nam ở Trường Học sinh miền Nam đóng ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc trước năm 1975.
Sau khi nghỉ hưu, từ tháng 8 năm 2019 đến nay, Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại học, Cao đẳng Việt Nam. Bài viết sau đây của ông về các thế hệ học sinh miền Nam từng học tập, trưởng thành dưới mái trường miền Bắc XHCN trong thời gian chiến tranh mà ông là một trong số các thành viên, để tham gia tập sách Còn lại với thời gian, nhân kỷ niệm 65 năm Trường Học sinh Miền Nam, như ông tâm sự: “… tôi không định nói về một thân cây, cho dù nó khỏe mạnh rắn chắc, đứng hiên ngang sừng sững trên đồi nhưng đơn côi một mình, chơi vơi giữa nắng gió, mà ngược lại, tôi muốn nói về một rừng cây, với nhiều loại đa dạng và phong phú, bắt rễ từ trong lòng đất mẹ, và cây lớn đã sinh ra cây con, cây cháu, nối tiếp nhau lớn dần lên trở thành trùng điệp để đóng góp cho cuộc đời và đất nước…”.
V
Tôi không định viết về một cá nhân, mà chỉ xin viết ít dòng về những người bạn của tôi là Học sinh miền Nam. Nhìn chung, đó là những người bạn tốt và trong đó, nhiều người rất tốt. Ai đó từng nói, một người bạn cũ bằng hai người bạn mới. Tôi hiểu câu ấy muốn nói đến những tình bạn đã được thử thách qua thời gian và sóng gió. Đúng ra, cũng chẳng phải tôi viết về họ mà là muốn suy nghĩ thử xem họ có những tính cách gì và quan trọng hơn nữa là cái gì đã góp phần sản sinh ra họ? Như thế, với một cách hiểu nào đó, cũng có nghĩa là tôi nói về họ bằng một cách khác.
Từ sau hiệp định Genève 1954 cho đến cuối cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ và thống nhất đất nước, có nhiều vạn con em của miền Nam được đưa ra miền Bắc để học tập văn hóa và chuyên môn. Chủ yếu là học tập trung tại các trường nội trú đối với chương trình phổ thông, sau đó tiếp tục vào các trường đại học trong và ngoài nước. Đó là tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm chuẩn bị một đội ngũ cán bộ để tham gia xây dựng miền Nam sau ngày thống nhất đất nước. Chúng tôi là những học sinh trong số đó. Ngày ấy, ngoài tên gọi riêng của từng học sinh, chúng tôi thường được mọi người gọi một cái tên chung là Học sinh miền Nam và tự chúng tôi cũng gọi nhau như thế. Cái tên ấy mãi cho đến nay, đã hơn nửa thế kỷ qua rồi, hầu hết học sinh ngày đó bây giờ đã già, đã về hưu, nhiều người đã ra đi, nhưng cứ mỗi lần nhắc đến Học sinh miền Nam chúng tôi đều cảm thấy quý mến, thân yêu, những kỷ niệm từ rất xa, tưởng đã quên rồi lại lần lượt hiện về trong ký ức. Tất cả đều mang vị ngọt của thời gian với nhiều kỷ niệm đẹp về tình người và những hình bóng cũ.
Sau này lớn lên ra trường về công tác nhiều nơi, có nhiều người cả đời hoặc từng một thời gian dài làm công việc giáo dục, nghiên cứu về giáo dục và các bộ môn khoa học xã hội khác, mỗi khi nhìn lại quá khứ chúng tôi đều nhận thấy mô hình các trường Học sinh miền Nam nội trú ngày đó là một sự thành công rất đáng nói, đáng nghiên cứu. Sau khi thống nhất đất nước, hầu hết số học sinh ấy đã về miền Nam công tác trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau ở tất cả các tỉnh thành và nhìn chung họ đều rất trưởng thành, tham gia nòng cốt trong thực hiện các chủ trương mang ý chí thống nhất dân tộc và phát triển đất nước. Kể cả những người làm cán bộ lãnh đạo (nhiều người là ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư và Chủ tịch các tỉnh thành, tướng lĩnh của Quân đội và Công an); là các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ, bác sĩ, phi công hay anh hùng, chiến sĩ thi đua và các nhân viên bình thường khác, họ đều có những nhân cách đáng quý trọng (tất nhiên không phải tất cả nhưng có thể nhìn thấy đa số, phổ biến là vậy). Thời kỳ học tại các trường nội trú Học sinh miền Nam ấy, về mặt kiến thức khoa học thì nói thật không phải nhiều lắm, cho dù chúng có ý nghĩa khai mở và đặt nền móng ban đầu rất quan trọng, nhưng cái lớn hơn, lớn nhất, đáng quý nhất là sự hình thành nhân cách sống.
Đó là những con người yêu đất nước quê hương, có trách nhiệm cao và lương tâm trong công việc, trong cuộc đời; kiên định nhưng không bảo thủ; trung thực, thẳng thắn, cầu thị và có chính kiến; có việc chung, việc nghĩa thì sẵn sàng ghé vai vào tham gia gánh vác, xong việc thì ra đi mà không cần kể công; có lúc nóng nảy và khí khái, bất cần nhưng dũng cảm, hào hiệp, hay bênh vực những người yếu thế; có tinh thần đồng đội và trách nhiệm với bạn bè, người thân, với cộng đồng và đất nước. Họ sống tự trọng, nghĩa tình và biết cảm thông chia sẻ. Bất kể người ở địa phương nào trong cả nước, hễ đã cùng là Học sinh miền Nam, dù học ở bất kỳ trường nào, khi ở trong trường thì có lúc đánh nhau nhưng ra xã hội gặp nhau, chỉ cần nghe giới thiệu là Học sinh miền Nam thì cũng đều cảm thấy thân quen và tin tưởng như bạn bè anh em thân thiết, sẵn sàng chia sẻ với nhau việc này việc khác. Nhưng không phải vì thế mà trong công việc họ bao che, châm chước thiên vị cho nhau, mà ngược lại rất thẳng thắn, tự trọng như vốn có và khách quan trong xử lý vấn đề… Kể cả những bạn ngày trước là học sinh cá biệt, đánh nhau, nghịch ngợm, đi bẻ mía hoặc hái trộm mít, hái trộm dưa của dân làng, các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp đã phải rất vất vả với các bạn ấy, sau này cũng đều rất trưởng thành, có ý thức trách nhiệm cao với xã hội, có thành tích xuất sắc và sự dũng cảm, sáng tạo trong công việc và trong cuộc sống.
Thực tế đã cho thấy mô hình giáo dục các trường nội trú Học sinh miền Nam ngày đó là thành công, nhất là đối với mục tiêu giáo dục nhân bản và dân tộc, với phương pháp dạy học dân chủ, yêu thương và tôn trọng học trò, không áp đặt. Ngày nay có thể tiếp thu những kinh nghiệm của sự nghiệp giáo dục đó và tất nhiên trong hoàn cảnh mới bây giờ có thể bổ sung thêm mặt giáo dục khai sáng (khai phóng và sáng tạo) và phát triển để xây dựng nền giáo dục mở của đất nước, cho đất nước. Điều quan trọng cần rút ra từ câu chuyện giáo dục này là cái gì đã dẫn đến thành công trong quá trình hình thành nhân cách?
Tất cả Học sinh miền Nam đều sinh ra và lớn lên trong các gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông bà, cha mẹ, anh chị và những người thân khác trong gia đình của họ là các anh hùng, liệt sĩ và những cán bộ trung kiên gan dạ trong cuộc chiến đấu sinh tử. Truyền thống văn hóa và dòng máu ấy đã thấm sâu, đọng lại trong họ, góp phần quan trọng để hình thành nhân cách. Số đông Học sinh Miền Nam đều có nếm trải sự gian khó và tang thương của chiến tranh, nhiều người đã từng là du kích, dũng sĩ, là liên lạc, tham gia công việc hiểm nguy, nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Cuộc sống ấy đã tôi luyện họ. Trường đời góp vào nhân cách họ.
Số Học sinh miền Nam về công tác ở Quảng Nam – Đà Nẵng khá đông, hàng trăm người đã tham gia cấp ủy và chính quyền địa phương. Trong đó có Trương Quang Được, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Đức Hạt, Lê Trí Tập, Nguyễn Hoàng Long, Bùi Công Minh, Huỳnh Năm, Võ Văn Tiên, Vũ Ngọc Hoàng, Nguyễn Bá Thanh, Hoàng Tuấn Anh, Lê Ngọc Nam, Hồ Thị Thanh Lâm, Bùi Quốc Đinh, Huỳnh Nghĩa, Diệp Thanh Phong, Ngô Binh, Võ Công Trí, Nguyễn Văn Lý, Võ Xuân Sơn, Nguyễn Văn Ngữ, Đinh Mướt, Nguyễn Bằng… Trong đó Phan Đức Nhạn là Học sinh miền Nam, sinh ra trên mảnh đất Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) bất diệt với 3 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu xã anh hùng, là con của liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng, là em ruột của 3 liệt sĩ nữa. Bản thân bạn ấy trước khi ra Bắc học đã từng là người cầm đầu đội thiếu sinh quân ở xã, dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ của Liên khu 5 năm 1969 và là du kích khi mới 14-15 tuổi, có lần đã tổ chức giải vây thành công cho 2 người nữ du kích đang bị địch vây ráp. Nhà văn liệt sĩ anh hùng Chu Cẩm Phong đã gặp Nhạn khi anh về vùng đất Bình Dương trong những ngày lửa đạn chiến tranh, đã kịp ghi lại trong nhật ký của mình trước khi hy sinh. Trong khói lửa chiến tranh ở vùng đất quyết liệt và gan góc này, Chu Cẩm Phong đã có một nhận xét: “Nhạn tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã tỏ ra là một người đàn ông”. Điều kiện và hoàn cảnh sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng ấy, ở vùng đất anh hùng Bình Dương ấy đã tác động đến nhân cách của một con người. Trong thời gian còn công tác ở Quảng Nam – Đà Nẵng và tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Đức Nhạn làm việc ở đâu đều để lại ấn tượng thành công, có sản phẩm cụ thể trong công việc. Anh Mai Thúc Lân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng là người mà chúng tôi rất quý trọng cũng nhận xét như thế về Phan Đức Nhạn. Từ công việc xây dựng ở Đà Nẵng và Quảng Nam, đến Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Quảng Nam và Phó giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh… ở đâu cũng có sản phẩm. Anh đã được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Công ty Xây dựng Quảng Nam từ con số không (trong tay chỉ có duy nhất một tờ giấy đó là quyết định thành lập Công ty, còn không có gì nữa cả, chưa có bộ máy, không được cấp đồng vốn nào dù mang danh công ty nhà nước, không có một căn nhà nhỏ để làm trụ sở). Vậy mà chỉ sau mấy năm đã làm nên sự nghiệp, có thương hiệu, của ăn của để, tạo được khá nhiều vốn tích lũy). Anh là người tham mưu chính về việc chọn nhiều địa điểm xây dựng trong đó có Tháp Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Nam, cũng như ý tưởng và chủ trương xây dựng cầu Cửa Đại và con đường ven biển nối Hội An với Tam Kỳ và Chu Lai để mở ra thế chiến lược mới về phát triển vùng đông Quảng Nam. Cán bộ thì nhiều, nhưng có được sản phẩm cụ thể rõ ràng thì không phải dễ. Cán bộ ngày nay, nhiều khi có chức còn dễ hơn có sản phẩm trong thực tế công tác.
Trong lúc đang có chiến tranh ác liệt, đời sống cả xã hội rất nhiều khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng Chính phủ và bà con miền Bắc đã đùm bọc, nuôi dưỡng và chăm lo việc học hành, giành sự quan tâm chăm sóc hết lòng với những ưu tiên về chính sách cho con em của cán bộ chiến sĩ và đồng bào miền Nam đang chiến đấu tại các chiến trường với tinh thần anh em ruột thịt trong một đại gia đình Tổ quốc Việt Nam. Tình cảm đó chân thật, tạo nên những xúc động đủ sức chinh phục con tim của những thanh thiếu niên sống xa quê, xa nhà và không gần cha mẹ.
Và điều quan trọng nhất chắc chắn thuộc về công lao của các thầy cô giáo, những người đã nuôi dạy Học sinh miền Nam. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các trường nội trú Học sinh miền Nam là nơi chuẩn bị cán bộ cho miền Nam, cần phải được quan tâm và ưu tiên nhiều mặt, trong đó, chọn các thầy cô giáo là những người tận tâm với công việc, là các giáo viên dạy giỏi từ nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được điều về đó công tác, cùng với các cô chú từ miền Nam ra tập kết đang nặng lòng với quê hương cũng được điều về đây tham gia nuôi dạy Học sinh miền Nam. Họ là những con người hết lòng tận tụy, yêu thương chăm sóc học trò như con ruột, ngày đêm không quản ngại khó khăn, suốt đời hết lòng vì Học sinh miền Nam thân yêu. Bằng những việc làm rất cụ thể, với kinh nghiệm, tình cảm và sự cao thượng của người thầy, đã kiên trì dìu dắt các học sinh tiến bộ, trưởng thành lên từng bước một. Có mấy câu thơ của một tác giả nào đó mà ngày ấy tôi đã được nghe:
Ngày mai con cỡi gió mây
Con bay vượt biển, con bay băng ngàn
Nhưng đường cũng chẳng gian nan
Bằng đi từ ghế tới bàn hôm nay
Nhân cách, hình ảnh những người thầy ở trường Học sinh miền Nam ngày đó đã để lại trong ký ức học trò nhiều thế hệ mãi về sau này những tình cảm thật đẹp, thật xúc động, sâu lắng và bền chắc. Chính những con người ấy đã nuôi dạy Học sinh miền Nam, chăm từng bữa ăn giấc ngủ, cùng vui buồn, sống và lo thay cho công việc của cha mẹ học sinh trong hoàn cảnh chúng xa nhà, không cha không mẹ, tổ chức các hoạt động xã hội phong phú dù trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn. Nhân cách là tính người, chất người, những giá trị Người được hình thành trong cuộc sống. Nó bắt đầu từ con tim được cảm hóa bởi những sự xúc động chân thành, rồi chọn lọc, chuyển dần lên để ghi khắc lại trong ký ức và trong vỏ não, biến thành máu thịt và sức mạnh bền lâu ở mỗi con người. Nhân cách chỉ có thể hình thành từ nhân cách NGƯỜI. Từ nhân cách của ông bà, cha mẹ, anh chị, của người thầy, người lãnh đạo đã cảm hóa và truyền nối sang người khác, sang thế hệ sau, và còn lại mãi với thời gian. Văn hóa là vậy đó, là cuộc sống thực. Chứ không phải những lời răn dạy ồn ào và bay bổng, cũng không phải từ những lý thuyết trừu tượng mông lung, xa vời.
Viết đến đây bỗng nhiên tôi nhớ lại một câu chuyện hình như của văn học Nga mà tôi đã đọc hồi còn ở trường Học sinh miền Nam (nếu nhớ không nhầm). Có một người anh hùng rất nổi tiếng, được nhân dân vô cùng mến mộ. Các nhà điêu khắc đề nghị được tạc tượng người anh hùng đó. Anh ấy thì ngược lại đề nghị không tạc tượng mình mà tạc tượng người thầy của mình. Nhóm nghệ sĩ nói rằng nhân dân rất ngưỡng mộ và biết tên tuổi nổi tiếng của người anh hùng, vì vậy mà họ muốn dựng tượng anh, còn thầy của anh thì rất ít người biết đến tên tuổi. Người anh hùng vẫn giữ quan điểm của mình. Anh nói rằng, nếu mọi người đã biết nhiều về tên anh và chưa biết nhiều về người thầy thì đề nghị cứ tạc tượng người thầy rồi ghi phía dưới một dòng chữ “Đây là thầy của người anh hùng…” và ghi tên anh vào đó.
Bài viết này để tham gia tập sách Còn lại với thời gian, trong đó có nhiều lưu dấu về nhiều người bạn của tôi, nhưng tôi không định nói về một thân cây, cho dù nó khỏe mạnh rắn chắc, đứng hiên ngang sừng sững trên đồi nhưng đơn côi một mình, chơi vơi giữa nắng gió, mà ngược lại, tôi muốn nói về một rừng cây, với nhiều loại đa dạng và phong phú, bắt rễ từ trong lòng đất mẹ, và cây lớn đã sinh ra cây con, cây cháu, nối tiếp nhau lớn dần lên trở thành trùng điệp để đóng góp cho cuộc đời và đất nước, như đồi dương bất tử trên mảnh đất anh hùng…
Tam Kỳ ngày 5/1/2020
Nguồn Văn nghệ số 22/2020