ĐÈN THƯƠNG NHỚ AI…
Nhà thơ Chính Hữu- ảnh tư liệu
Lịch sử thi ca Việt Nam nếu gọi thế kỷ thứ 18 như là thời kỳ biến đổi rực rỡ của văn chương Hán Nôm về thân phận con người với tên tuổi của Truyện Kiều Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc Nguyễn Gia Thiều thì có thể gọi thi ca thế kỷ 20 như là thời kỳ biển đổi thứ hai với cuộc cách mạng mang tên gọi phong trào Thơ Mới 1930 – 1945 có ý nghĩa mở ra một thời đại mới của thi ca chữ quốc ngữ, cùng với hành trình cách tân của phong trào thơ kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954 và phong trào thơ kháng chiến chống Mỹ 1955 – 1975 … Một thế kỷ không đứt đoạn để làm nên diện mạo của tâm hồn Việt Nam đầy bản sắc trong thi ca hiện đại. Phong trào thơ kháng chiến chống Pháp có 3 gương mặt trong nhiều gương mặt thi nhân tiêu biểu góp phần đổi mới thi ca ngay sau khi phong trào Thơ Mới vừa mới im tiếng nhạc. Họ là Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm và Chính Hữu[i]. Cái mà họ đưa đến sự đổi mới là việc đưa ra và xác lập những sáng tác thơ tự do không vần, không theo kiểu truyền thống bằng cách riêng của mỗi người. Trong số họ, Chính Hữu là người ít lên tiếng nhất và đã lặng lẽ làm thơ tự do theo con đường của ông.
Tại biên bản hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc diễn ra các ngày 25, 26, 27, 28 tháng 9/1949, các phiên tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi, những nhân vật nổi tiếng nhất, đang có ảnh hưởng lớn trên văn đàn đều dùng lời lẽ phản đối quyết liệt thơ tự do không vần. Từ Thế Lữ, Ngô Tất Tố, Thanh Tịnh đến Tố Hữu, Xuân Thủy, Xuân Trường v.v.. Số bênh vực thơ tự do không nhiều. Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng[ii] … Nhưng điều ngạc nhiên nhất, người phản đối mạnh mẽ nhất lại là Xuân Diệu, vốn được mệnh danh là nhà thơ số 1, nhà thơ mới nhất của phong trào Thơ Mới. Xuân Diệu bảo Hồn thơ anh Thi chưa ổn. Nên câu thơ có chỗ lệch lạc. Khôn văn tế dại văn bia. Xuân Diệu không ngại điều đó. Ông viết thêm một bài văn bia dài mang tên Tiếng Thơ ngày 15-12-1949 đăng trên tạp chí Văn Nghệ số 19 tháng giêng 1950 khẳng định ước lệ thơ Việt Nam là vần và điệu. Nhưng dường như ông lại không phân biệt vần và điệu mà diễn giải nó có vẻ là một: Quần chúng Việt Nam đã có điệu lục bát thần tình, điệu bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, bắt vần ở phần lưng, rất dễ đọc, dễ nghe, dễ làm thì quần chúng nhất định không chịu nghe những cái trò trí thức[iii]. Mấy chữ này được phép hiểu là thơ tự do không vần. Rằng không đếm xỉa đến tinh thần âm nhạc của tiếng Việt Nam. Chàng Chính Hữu của chúng ta lúc ấy, tính cả tuổi mụ mới 24. Còn như Trần Quốc Toản cầm quả cam đứng ngoài hội nghị. Nhưng cuộc giáp mặt giữa họ không phải chờ đợi lâu. Trên tạp chí Văn Nghệ số xuân 1950 – Chính Hữu không một lời phát biểu tranh luận đã cho đăng bài thơ Sáng hôm nay theo thể thơ tự do không theo vần điệu truyền thống. Xuân Diệu khai trương một bài mới toanh viết 1- 1950 có tiêu đề Xe đạp. Phần bất lợi trong thế so sánh thuộc về Xuân Diệu. Xe đạp của Xuân Diệu tỏ ra cũ kỹ không ngờ được cả trong cảm xúc và ngôn ngữ thơ. Đọc lên thật ngồ ngộ và tự dưng tôi thấy thương cho Xuân Diệu vô cùng. Nào là sỏi đá lộn vòng lăn chúm chím. Nào là trong lúc giặc điên cuồng hết thở, quân chính quy sắp sửa đội sao vàng. Chưa nói chuyện người ta bảo Xe đạp có vấn đề tư tưởng, sao lại gọi An toàn khu là U Tì Quốc ? Sáng hôm nay của Chính Hữu theo thể thơ tự do, nhịp trầm tĩnh mà không kém phần tha thiết. Ngôn ngữ thơ bình dị. Với cách mở đầu quê hương nhận tin thắng trận. Bình thản quá.
Quê ta lên khói cơm mùa
Ai hát tin về thắng trận
Bâng khuâng nắng nghiêng mái nhà.
Từ sự mở đầu thanh thản như vô tư ấy, nhịp thơ bỗng chuyển tiếp sự phơi phới của tâm trạng, tràn đầy tin yêu và tự hào. Bọn chúng ta đi ồn ào lứa tuổi. Lớn lên trong nước Cộng hòa. Phấp phới trong lòng bao tiếng nói. Đồng xanh cỏ núi. Chân người thiết tha. Sáng hôm nay tạo ra nhịp thơ rõ ràng không theo truyền thống vần điệu như Xuân Diệu phân tích. Trước đó, Chính Hữu đã công bố Ngày về, Đồng chí và Đêm sầu Hà Nội. Đồng chí đã quá nổi tiếng từ 1948 như là một ví dụ của thơ tự do, trước một năm khi có tranh luận ở Việt Bắc năm 1949. Trước đó nữa, vào hồi 1946 đã có Tình sông núi, Nhớ máu củaTrần Mai Ninh, Đèo cả của Hữu Loan… Năm 1948 như là một dấu mốc đặc biệt của thơ tự do. Đồng chí -Chính Hữu. Nhớ - Hồng Nguyên. Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm. Bài ca vỡ đất - Hoàng Trung Thông… Cả hai phía ủng hộ và phê phán thơ tự do đều không để ý đến năm 1948 đã bắt đầu một cái gì đó khác trước, khác với phong trào Thơ Mới 1930 – 1945, với sự linh động về khẩu độ câu thơ làm nên một tiếng nói mới mẻ về nhịp thơ cùng với cảm xúc và ngôn ngữ thơ. Bài Đêm sầu Hà nội ra đời tháng chạp năm 1948 dường như là một thể nghiệm cho sự lựa chọn viết thơ theo những thể và nhịp truyền thống hay là thơ tự do. Ban đầu được in trên tạp chí Văn nghệ số 11-12 tháng 4, tháng 5 – 1949 là thể thơ truyền thống 5 chữ với 9 khổ thơ và 36 dòng thơ, thuộc loại trung bình. Không có ấn tượng gì đặc biệt. Sau đó được Chính Hữu sửa đổi sang thơ tự do với 3 lần thay đổi đầu đề. Đêm sầu Hà Nội.Đêm Hà Nội 1950 và cuối cùng là Đêm Hà Nội. Vào năm 1966, sau 27 năm, bài thơ có diện mạo thơ tự do đưa đến hiệu quả thẩm mỹ hoàn toàn khác, như một biểu hiện cho sự kiên trì của một khuynh hướng sáng tác. Đêm Hà Nội thoát khỏi lốt cũ đến nỗi không còn dấu tích của bài thơ xưa. Nó là một bài thơ mới với những câu thơ được gạn lọc bởi một cảm xúc tinh tế và nhịp thơ trầm tĩnh, một nhịp tâm trạng đặc trưng Chính Hữu. Đêm Hà Nội buốt tê. Mái buồn nghe sấu rụng. Nhìn ra cửa ô bóng những con đê. Ầm ì tiếng súng …
Việc xác lập thơ tự do không theo vần truyền thống như là một hướng cách tân của phong trào thơ chống Pháp lúc đầu ồn ã như thế rồi tất cả lặng im cho thực tiễn trả lời. Chính Hữu đã kiên định phong cách sáng tác của ông. Hầu như đời thơ Chính Hữu đều viết theo thể thơ tự do, không bắt nhịp vần điệu theo kiểu 6/8, thơ 8 chữ, 7 chữ, 5 chữ mà Thơ Mới 1930 – 1945 đã rất thành công. Cái tinh tế và sức sống nội tại của những bài thơ thường ngắn mà xúc tích của Chính Hữu là ở chỗ bắt lấy nhịp đập của hiện thực làm thành sự đa dạng cho nhịp của thơ. Nhịp thơ Chính Hữu là nhịp sống của thời cuộc được ẩn mình trong nhịp tâm trạng của thi sỹ. Cái nhịp tâm trạng ấy thường điềm đạm, trầm tĩnh và có sức ngân vang. Đó là một thi pháp ám ảnh lâu dài và tạo ra sự khác biệt lý thú với thơ tự do của Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm…
Nhịp thênh thênh của người lính hiền như đất tháng năm ra trận.
Tháng năm trong làng đã mùa gặt
Lòng dân sung sướng thóc mênh mông
Có người đi lính, hiền như đất
Mùa hạ tưng bừng vui núi sông.
Nhịp giãi bày nhỏ nhẹ của người chiến binh càng xa xôi cách trở càng ấm áp lòng thương của mẹ hiền lặng lẽ như những chiều thôn dã. Nhịp thơ như được chắt ra từ tâm trạng thi nhân.
Con mang tấm lòng thương mẹ
Đi qua nghìn dặm quê hương,
Này đây núi, này đây sông
Này đây buổi chiều khói thổi cơm lặng lẽ
Nơi nào cũng hiền như đời của mẹ.
Nhịp đi của đoàn dân công hỏa tuyến hiện lên trong thư của vợ gửi chồng.
Thư người hậu phương gánh gạo đưa chồng
Hai vai khó nhọc,
Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét.
Như gồng như gánh dân công
Ánh mực lập lòe đường xa lửa đuốc.
Nhịp gấp gáp của cuộc hành quân. Đi nhanh đi nhanh. Chiến trường đã giục. Đầy núi đầy sông. Đèn ta đã mọc.
Từ một tú tài triết học, đọc viết nói thông thạo tiếng Pháp, xung phong làm lính trung đoàn thủ đô ngay từ những ngày đầu cách mạng để trở thành thi sỹ sớm bắt nhịp vào trào lưu thơ tự do và cả đời thơ đi theo hướng đó cho phép Chính Hữu dù chỉ có 54 bài đã hội đủ một phong cách thơ độc đáo, tạo ra một nhịp tâm trạng trong thơ như những gì tiếp nối và cách tân vần điệu thi ca, vốn là dấu hiệu đặc trưng của thơ khác với văn xuôi, góp một tiếng nói có bản sắc vào tiến trình đổi mới thi ca hiện đại. Vấn đề quyết định của tiến trình ấy không phải ở thể thơ mà ở tài năng của người thi sỹ.
Suốt đời Chính Hữu là người lính. Thơ ông là bài ca người lính. Đọc Chính Hữu như được soi vào thế giới tâm hồn đẹp vô ngần của người chiến binh trong khói lửa của cuộc trường chinh gần như đi trọn nửa sau thế kỷ 20. Điều này không mới. Nhưng vì sao lại như vậy cần được cắt nghĩa những hiện tượng thơ ở giai đoạn này không chỉ xuất phát từ sự thôi thúc của lịch sử đương thời mà còn từ cảm quan lịch sử bắt rễ từ những gì sâu xa nhất của đời sống tinh thần dân tộc, những tháng năm đau thương mà bi phẫn của quá khứ. Của thế kỷ trước.
Cuốn sử liệu Việt Nam – Cuộc chiến 1858 – 1975 bằng tiếng Anh và tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in năm 2000 đã nói về sự thua trận của chiến binh Đại Việt trước giặc xâm lược. Súng đại bác bằng gang, bắn ít khi nổ. Nhà vua sắc phong cho súng. Trước khi bắn phải cúng. Súng không nổ cho là ốm phải uống thuốc… Trong 4 ngày từ 20 đến 24/6/1867 giặc Pháp chiếm xong 3 tỉnh miền tây Nam Bộ… Ngày 20 -11-1873 sau một giờ tấn công giặc chiếm được thành Hà Nội. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và bị bắt. Ông nhịn ăn mà chết… Trong 21 ngày từ 20 – 11 đến 12-12-1873 giặc chiếm được Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương và Nam Định. Ở Ninh Bình chỉ có một viên đội và 7 lính đến chiếm được thành. Ở Hưng Yên nghe tin có 10 lính Pháp theo sông Hồng đến, quan quân đã bỏ thành chạy thoát thân… Ngày 3-4-1882 Pháp tấn công vào cửa đông và cửa tây đến 11 giờ, thành Hà Nội thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu tự sát[iv] v.v.. Chưa đợi đến 100 năm sau, những người lính vệ quốc đoàn của trung đoàn Thủ đô anh dũng và quả cảm trên từng dãy nhà, góc phố Hà Nội trước một kẻ thù đông và mạnh gấp nhiều lần với tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Từ cảm quan lịch sử như thế thì Ngày về của Chính Hữu thật hào hoa, phong nhã và oanh liệt biết chừng nào. Người lính hiện thân của dân tộc Việt Nam vùng đứng dậy.
Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa,
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
… Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm,
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
… Nguy nga sao cái buổi lên đường,
Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc,
… Ôi bài chiến thắng reo vang.
Sảng khoái cái chất lính đầy niềm tin như thế chắc là điều mà các vị tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã chờ đợi từ lâu. Vậy mà trong một thời gian dài Ngày về bị phê bình, nhẹ thì chất liệu thơ cách bức với đời thật, đay nghiến thì khẩu khí tráng sỹ hề, phù phiếm, lãng mạn tiểu tư sản[v] v.v.. Những thành kiến ấy dẫn đến thơ Chính Hữu qua nhiều lần xuất bản từ 1966, 1972, 1997, 2000 … bài Ngày về vẫn không in. Năm 1998, Tuyển tập Chính Hữu đầy đủ nhất trong các lần in. Nhưng thay vì 20.100 bản năm 1972, Tuyển 1998 chỉ có 800 bản. Như để bù đắp lại, Ngày về được xuất hiện dưới hai diện mạo khác nhau. Bản Chính Hữu tự sửa và chỉ trích in với lời chú dẫn của tác giả như để làm một cái lẫy an toàn rằng nó là lời viết cho bài hát của Lương Ngọc Trác. Tiếc thay, bản sửa sau 51 năm tái sinh trở lại đã vơi cạn đi khá nhiều cái chất hào hoa nguyên thủy của nó. Chắc là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu và các binh sỹ canh giữ Hà Thành năm ấy cũng như nghĩa sỹ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu không đồng ý với việc sửa chữa ấy. Và thêm một lần dè dặt nữa, cũng có thể nói là cẩn trọng cũng được, người làm tuyển tập đã in nguyên bản Ngày về ở phần chú dẫn như một lần chờ đợi sự đồng thuận vô hình thêm một thời gian nữa chăng?
Trong 48 bài thơ Chính Hữu in 1997 có tới 35 lần nhân vật người lính xuất hiện. Dường như trên mọi trang thơ. Vẻ đẹp của người lính trong thơ Chính Hữu thật trọn vẹn. Họ là những người hiền như đất và còn rất trẻbởi ồn ào lứa tuổi với những đầu say bát ngát đi giữa nắng mùa ngân nga. Họ là những đứa con hiếu thảo của mẹ hiền Việt Nam lặng lẽ như khói thổi cơm chiều.
Có thể nói trong thơ thế kỷ 20, Chính Hữu có nhiều câu thơ để đời về tình đồng đội. Bài thơ Giá từng thước đất như bổ sung cho Ngày về, Đồng chí vốn nhiều biểu tượng lãng mạn hào hoa bằng những hình ảnh đời thường của lính chia nhau nắm cơm hớp nước, chia nhau một mẩu thư nhà, chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp để đi đến một nghĩa cử cao hơn. Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết. Không phải trước tiên Lê Anh Xuân, mà là Chính Hữu dựng tượng đài người lính Việt Nam trong thơ. Họ ngã trên dây thép 3 tầng. Một bàn tay vẫn chưa rời báng súng. Chân lưng chừng nửa bước xung phong. Ôi, những con người mỗi khi nằm xuống, vẫn nằm trong tư thế tiến công. Họ là những người thương binh trên đôi nạng gỗ để lại một phần thân thể cho hoa lá cỏ cây xanh tươi, cho những ngôi sao xa long lanh nước mắt để hiểu được tâm hồn tiếng trống hôm nay. Nỗi ám ảnh suốt đời của Chính Hữu là những người lính vô danh. Họ vô danh cả khi chết và khi sống. Bài thơ Vô danh về mộ người chiến sỹ trên sườn núi khuất vô danh xanh như Tổ quốc. Những người lính trong Đồng chí, Tháng năm ra trận, Sáng hôm nay, Gửi mẹ, Giá từng thước đất, Thư nhà, Lá ngụy trang, Duyệt binh, Nhật ký biên giới, Vô danh, Một nửa, Bắc cầu, Đường ra mặt trận, Trận địa Hà Nội, Ngọn đèn đứng gác, Truy kích, Bài hát, Kỷ niệm trung đoàn, Nghĩa trang liệt sỹ… Những người lính hầu như là chiến sỹ vô danh, làm nên cái đau đáu khôn nguôi khi đọc thơ và khi gập lại cả đời thơ Chính Hữu. Nghe như thiêng liêng của tiếng chiêng đồng kể về sự bất tử. Ngày về, Đồng chí như là hai điểm sáng của một đời thơ. Trầm tĩnh và suy tưởng hơn cả; sức nén của ngôn từ, cấu tứ và hình tượng thơ đặc trưng của Chính Hữu phải kể đến bài thơ Trinh sát chỉ có 9 dòng 31 từ. Thơ Chính Hữu đẹp tựa cây đào thế như Hữu Thỉnh nói có lẽ dùng ở đây chăng? Không gì xanh, bằng đỉnh núi vô danh. Không gì đẹp bằng người trinh sát. Anh ra đi. Trước mặt, Là núi là sông. Là mênh mông, Những điều chưa biết.
Triết lý nhân sinh trong thơ Chính Hữu không phải ghi lại những điều đã mất mà là những điều để lại. Nó xáo động lòng người. Và Chính Hữu đã phát hiện ra một chân lý đánh thức ta dậy sau mấy chục năm hòa bình, rằng tôi chưa bị ai phê bình dữ dội, bằng người đang lặng im không nói – người lính vô danh cả khi sống và khi chết.
Thi ca hiện đại là nơi lưu giữ tâm tình của người Việt Nam. Thế giới tinh thần ấy được các thi sỹ đương thời lựa chọn bằng những hình ảnh tượng trưng thật đẹp. Với Chính Hữu, đó là Ngọn đèn. Đọc Chính Hữu, tôi hiểu vì sao danh họa Bùi Xuân Phái vẽ chiếc đèn dầu nhiều và đẹp đến thế. Câu đầu tiên nhật ký của ông Phái năm 1970 ghi: Viết dưới ánh đèn dầu. Trong 48 bài thơ của một đời khiêm nhường và có lúc tí nữa bị hàm oan, Chính Hữu dường như đã hiểu thấu cuộc bể dâu để 16 lần thắp lên ánh lửa ngọn đèn là mỗi lần thắp lên tâm trạng của người Việt Nam trong ầm ào chiến tranh cũng như lặng lẽ hòa bình. Loáng đèn trên đường nhựa dài đêm Hà Nội rét tê mái buồn nghe sấu rụng mà người Hà Nội quên buồn quên rét rầm rì đứng lên từ gạch ngói đổ vỡ bởi đạn bom. Đó là ánh đèn tỏa ra từ mái trường dưới bom đạn giặc, khi chúng đem bom nghìn cân dội lên trang giấy, mỏng như một ánh trăng ngần, hiền như lá mọc mùa xuân. Vì thế ánh đèn ấy là lời kêu gọi, là mệnh lệnh hành quân. Đó là những con tàu đi lên vùng đất mới mang theo những ngọn đèn soi trong đêm vội như con người thao thức suốt năm canh. Đó là ngọn hải đăng bồi hồi nhấp nháy chỉ đường cho tàu đến tàu đi nơi đầu sóng ngọn gió ngoài biển khơi. Đó là nơi xa xôi trên trái đất lạnh giá cuộc sống đã trồng cây đã thắp đèn để lòng thi nhân cũng lên đèn theo thành phố mới. Nhà thơ trẻ tài năng Phạm Tiến Duật phải đến năm 1969 mới thắp được Lửa đèn. Chính Hữu đã làm việc đó sớm hơn. Năm 1965. Bài thơ Ngọn đèn đứng gác ra đời như là hình tượng tập trung về đất nước, con người Việt Nam, về những gì sâu nặng của Bắc Nam liền một dải, sự tin yêu và lòng dũng cảm của người Việt Nam đi qua cuộc trường chinh máu lửa hy sinh đến tận cùng chiến thắng, vẻ đẹp tâm hồn và khí phách Việt Nam. Một hình ảnh quá đỗi quen thuộc, giản dị đến mức khiêm nhường mà đầy suy tưởng và triết lý. Bởi những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu. Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt. Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt. Đó là biểu tượng của miền Nam 20 năm không đêm nào ngủ được, biểu tượng của đất nước đêm nào cũng thức vì miền Nam. Ngọn đèn đứng gác nằm trong số ít những bài thơ hay nhất về chiến tranh Việt Nam thế kỷ 20. Sức khái quát và tầm cao tư tưởng, vẻ độc đáo của hình tượng ngọn đèn làm bài thơ có sức lan tỏa và hiệu triệu mạnh mẽ. Đèn ta thắp những lời kêu gọi … Đầy núi, đầy sông, đèn ta đã mọc.
Ngọn đèn ấy không phải là lửa cháy của chiến tranh. Nó là cái đích đến của hòa bình. Ngọn đèn của Chính Hữu không chỉ đẹp trong tâm thế hào hùng mà còn lay động bởi ánh lửa của tâm thức, của suy tư trầm lắng nào dễ được nguôi ngoai, như những nốt trầm xao xuyến. Kỷ niệm trung đoàn là kỷ niệm những con đường như những khúc ruột bị chặt đứt, quặn đau mà sinh ra, khi những ngọn đèn hồi hộp giữa sương bay trong thành phố tháng chạp đêm 19 cả đất nước chỉ có 2 bàn tay không đi vào cuộc chiến. Thơ Chính Hữu lấy lửa từ nghìn năm ca dao dân tộc mà viết thành lời như một lời hứa và nhiều hơn là một câu hỏi biết bao giờ nguôi.
Ai đó khuya rồi, một ngọn chong
Đèn thương nhớ ai đèn không nhắm mắt.
Có thể nói toàn bộ thơ cuối đời của Chính Hữu, khi ông cởi áo chiến binh để về với ngôi nhà của mình đều viết theo tinh thần của hai câu thơ ấy. Tất cả như muốn lưu luyến lại, muốn giữ lại, muốn sự hiện diện siêu hình của những gì đã trải qua. Muốn nhắn gửi. Quá khứ hiện hình như tiếng gọi cuối rừng. Một thành phố tuổi thơ giờ xa xôi như tiếng thở dài. Người bộ hành tận hưởng niềm vui cô lẻ trong lặng lẽ, sau lưng là một suối hương dài,ngơ ngẩn còn bay trên phố trên cây. Đứa trẻ đang đồng hành với ta để nay mai không còn dáng hình ta nữa…
Khi biết tôi trở về với thơ Chính Hữu, nhiều thi sỹ và bạn văn đã thân tình trao cho tài liệu. Đọc 3 tập tùy bút Tản mạn trước đèn, Chén rượu gạn đáy vò, Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu có bài kỷ niệm về Chính Hữu. Nhà văn Đỗ Chu tự bạch Con sông Thương chảy vào đời tôi, dòng sông Cầu chảy qua đời tôi với bộ râu oai vệ mà thật là hiền. Có lẽ vì hai con sông ân tình kia mà đôi mắt của ông ấy lúc nào cũng ngân ngấn và dường như đầm đậm nước chúng sinh. Đỗ Chu đưa tôi đến nhà anh Trần Vinh Bắc, con trai Chính Hữu. Khi dâng 5 bông cúc vàng và thắp 3 nén nhang trước bàn thờ Chính Hữu, Đỗ Chu khấn to. Nghe rõ từng tiếng một. Đọc Nhật ký Chính Hữu các năm 1954, 1955, 1956, 1960, 1961, 1962, 1963, càng rõ đời Chính Hữu với thi ca là một. Nhật ký có nhiều câu chuyện về các bài thơ. Đáng chú ý là những tâm sự về nghề nghiệp.
- 30/11/1961. Thơ là sự thơ ấu của loài người. Ở đầu mỗi thời đại, bao giờ thơ cũng cất tiếng nói đầu tiên. Đôi khi là một tiếng nói dại dột.
- 20/7/1962 Rimbaud, Pautopski, Chế Lan Viên đối với mình có tác dụng (kích thích sáng tác).
- 17/11/1962 Trong một bài thơ nào đó, mình phải đề cập đến cái định nghĩa về đất nước … Những cái gì bỗng dưng làm mình chảy nước mắt.
- 20/11/1962. Mỗi chữ trong thơ phải gợi cái lối gợi rất ngắn mà rất sâu của mùi hoa hồi.
- 9/9/1963 “Sau cái chết của Khuất Nguyên, con sông Mịch La ba nghìn năm vẫn có tiếng reo buồn bã” v.v..
Chính Hữu đã góp vào làng thơ Việt Nam một phong cách thơ tự do độc đáo, với nhịp tâm trạng liên kết thơ thật trầm tĩnh. Cấu tứ thơ bao giờ cũng thể hiện tầm cao trí tuệ với sự tiết chế về ngôn từ đặc biệt chắt lọc, ngắn gọn. Ngắn gọn đến mức như là một sự thách thức với dòng thơ văn xuôi. Ông để lại nhiều viên ngọc sáng ở biên độ câu thơ cũng như bài thơ.
Bùi Xuân Phái có 4 bức họa cho tập Đầu súng trăng treo in năm 1972. Trong đó có 3 lần trăng non xuất hiện và một lần là ngọn đèn dầu dưới dạng đèn treo. Tôi biết ông Phái họa ngọn đèn dầu nhiều lần. Xin được chọn một bức của nhà danh họa có khuôn mặt đức cha thật đẹp và buồn về ngọn đèn dầu làm bìa cho cả đời thơ Chính Hữu. Ngọn đèn dầu nhỏ bé tỏa sáng trên khám thờ văn chương. Bởi vì thi ca mọi thời đại còn nợ cuộc đời một câu hỏi chưa bao giờ dứt: Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt.
5 tháng 12 năm 2018
[i] Chính Hữu – tên khai sinh Trần Đình Đắc (1926 – 2007) Quê Can Lộc – Hà Tĩnh. Tác phẩm chính: Đầu súng trăng treo – 1966. Thơ Chính Hữu – 1997. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 1957.
[ii] Tạp chí Văn nghệ số tranh luận – 17 – 18 Tháng 12.1949 – NXB Hội Nhà văn – 1999 – Từ trang 633 đến trang 646.
[iii] Tạp chí Văn nghệ số 19 – Tháng giêng – 1950 – NXB Hội Nhà văn – 1999 – trang 64.
[iv] Việt Nam Cuộc chiến 1858 – 1975 – The War 1858 – 1975 in Vietnam – NXB Văn hóa Dân tộc – 2000. Mục 106, 123, 131.
[v] Tuyển tập Chính Hữu. Nhà xuất bản Văn học – 1998 – Trang 148, 168.