Thời sự văn học nghệ thuật

8/10
8:55 PM 2020

CÂU LẠC BỘ THƠ NAMKAU RA ĐỜI VÀ HY VỌNG VỀ LOẠI HÌNH THƠ MỚI

NGÔ ĐỨC HÀNH

 

Sáng 8/10/2020, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Thơ Namkau (thơ năm câu) ra mắt. Đến dự có các nhà văn, nhà thơ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Phạm Đức, Nguyễn Văn Thọ, Mai Nam Thắng, Đỗ Ngọc Yên, Bùi Việt Mỹ, Trịnh Quốc Thắng, Lương Ngọc An, Nguyễn Thị Ngọc Hà và đông đảo nhà thơ, nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội văn học nghệ thuật một số địa phương như Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An, Hưng Yên..., bạn đọc yêu thơ.

 

Nhà thơ Trần Quang Quý, Phó chủ tịch thưởng trực Hội Nhà văn Hà Nội - Giải thưởng Nhà nước về VHNT, là người “khai sinh” ra thể thơ Namkau. Bắt đầu là những bản nháp, ghi chép. Năm 2016, nhà thơ hoàn chỉnh dần thành nguyên tắc, cấu trúc, thể thức... loại hình thơ cho đến bản thảo để trình làng tập thơ Namkau đầu tiên. Cũng xin nói thêm, nhà thơ Trần Quang Quý là người luôn trăn trở về đổi mới thi ca. Thơ anh là một giọng điệu riêng, không lẫn với người khác. Namkau có thể coi là một cuộc “dấn thân” mới của anh trong nỗ lực sáng tạo thi ca.

Nhà thơ Trần Quang Quý (cầm micrro) và Ban chủ nhiệm CLB tại Lễ ra mắt

Namkau là gì? Đó là bài thơ có 5 câu, không hạn dài, ngắn của từng câu thơ. Về cấu trúc có 2 đoạn. 3 câu đầu có tính “trình diễn” cảm xúc về vấn đề gì đó của tác giả. 2 câu cuối là “kết” và “nghiệm”. Nhà thơ quá cố Nguyễn Trọng Tạo khi đọc Namkau của Trần Quang Quý nhận xét: “Đọc thơ năm câu của Trần Quang Quý, người đọc hẳn bất ngờ đi từ thú vị này đến thú vị khác. Khi thì gặp bài thơ được kết theo lối “chân đế” nâng bổng cả ý tứ lên tầm khái quát mới lạ”.

Nhà thơ Du Tử Lê, một trong những nhà thơ hàng đầu của miền Nam trước 1975 cũng nhận định: “Tôi luôn chú ý và cảm phục những cây bút đã thành danh, đã có một vị trí nhất định nào đó, trong lãnh vực văn chương mà, còn bận tâm, thao thức đi tìm một khoảng trời sáng tạo khác, cho dòng chảy của VHNT đất nước. Đó là trường hợp của nhà thơ Trần Quang Quý - Người mà tài năng đã sớm được khẳng định với nhiều giải thưởng thi ca đáng kể, đạt được trong 3 thập niên qua… Theo tôi, dù người khai sáng trường phái thơ namkau có phải chờ đợi “sự phán xét của Ông già Thời Gian” bao lâu nữa thì, chí ít hôm nay, qua thi phẩm “namkau”, Trần Quang Quý, cũng đã để lại được cho cõi-giới thơ Việt Nam, hôm nay, những câu thơ chúng ta hiếm thấy trước đây, nếu không muốn nói là chưa từng có” (Trần Quang Quý với trường phái thơ “Namkau” - báo Văn nghệ năm 2017).

Các CLB thơ bạn chúc mừng CLB thơ Namkau

Phát biểu tại Lễ ra mắt Câu lạc bộ thơ Namkau, nhà thơ Trần Quang Quý cho biết, nhiều nhà thơ đã động viên, khích lệ ông tiếp tục dấn thân, sáng tạo, làm phong phú thêm thi đàn Việt Nam. Đến nay nhà thơ Trần Quang Quý đã xuất bản 02 tập thơ namkau, mỗi tập có 99 bài, để lại nhiều ấn tượng.

Sau cảm hứng từ nhà thơ Trần Quang Quý lan tỏa, một số hội viên Câu lạc bộ Namkau cũng đã xuất bản các tập thơ Namkau của riêng mình. Đó là Dương Văn Lượng (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) với “Tự thức”, NXB Hội nhà văn 2020, Nguyễn Xuân Đạt (Phú Thọ) với “Thức giấc cùng thơ Namkau”, NXB Hội Nhà văn năm 2020

Nhằm tạo ra một “sân chơi” mới dành cho những người làm thơ, bạn đọc yêu thơ nói chung và thơ namkau nói riêng, tôi và các cộng sự, những nhà thơ thành danh và chưa thành danh xúc tiến thành lập “Câu lạc bộ thơ Namkau”. Ý định ban đầu được trình bày trên online, thông qua “Group Thơ Namkau” trên mạng xã hội. Điều bất ngờ là sau một thời gian ngắn đã có hàng trăm người khắp mọi miền đất nước làm thơ namkau và muốn tham gia CLB”, nhà thơ Trần Quang Quý chia sẻ.

Nhà lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, cho biết, thông qua giao lưu giữa các nền văn hóa, các thể loại thơ được tăng dần, phức hợp dần và phát triển. Đặc biệt, sự thay đổi về hình thức, thi pháp... do yếu tố rất quan trọng là sự vận động của xã hội, tạo nên sự đa dạng trong thơ Việt Nam hiện đại. Ông đã từng viết “Thơ Namkau” của Trần Quang Quý (in báo và trong tập sách về các tác giả được Giải thưởng Nhà nước về VHNT của ông) là một sáng tạo, đã định vị một thể thức thơ mới với hy vọng sự sáng tạo này ngày càng định hình rõ nét, dần trở thành một thể loại thơ riêng.

Thơ Việt Nam đã và đang cách tân mạnh mẽ, cả về đề tài, về thi pháp, kết cấu không gian trong mạch thơ, bài thơ. Nhà thơ và bạn đọc đều bình đẳng và đồng sáng tạo. Người đọc được nhà thơ dẫn dụ, khơi mở vào không gian thơ. Họ có cảm giác được vận động trong những không gian tự do và bình đẳng với những kết cấu “lỏng”, nhiều hướng mở, trường liên tưởng rộng lớn, mới lạ. Người đọc đã và đang đọc thơ bằng kiến thức, kinh nghiệm, ẩn ức và những khao khát của chính họ. Thậm chí cả những hiện tượng lạ kỳ, bí ẩn bất ngờ xuất hiện trong lòng người đọc, điều mà ngay chính tác giả của bài thơ cũng không định đoán được. Cũng không thể không nhắc đến việc cách tân ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu trong thơ bắt nguồn từ tính đa chiều, đa tuyến tính trong kiến tạo không gian thơ.

Các thành viên CLB chụp ảnh kỷ niệm

Nhà thơ Mai Nam Thắng chia vui cùng Ban Chủ nhiệm, cá nhân nhà thơ Trần Quang Quý cũng như hơn 60 hội viên Câu lạc bộ thơ Namkau; và, hy vọng Thơ Namkau mang đến nhiều điều thú vị trong đời sống thơ ca. “Tôi rất kính trọng trách nhiệm mà nhà thơ Trần Quang Quý dành cho thơ. Khai sinh ra thơ namkau cũng là một sự đóng góp thể hiện tình yêu dành cho thơ ca”, nhà thơ Mai Nam Thắng chân thành.

“Hôm nay tôi được chứng kiến bầu không khí ra mắt câu lạc bộ. Tôi thấy kính trọng, không phải chỉ là sự vui vẻ, hội hè, hào hứng rất oách ở đây, mà chính là sự nỗ lực sáng tạo. Nếu thơ Namkau trở thành một thể loại thơ Việt thì là một đóng góp rất lớn”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét.

Cuộc sống đã và đang vận động, thay đổi và phát triển. Chính vì vậy, văn học nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng cũng không ngừng vận động. Đổi mới, cách tân thi pháp là cách các nhà thơ lấy lại lòng tin, vị thế trong lòng bạn đọc hiện nay của thơ Việt Nam. Điều đó cũng giúp những người sáng tác tự tin hơn khi văn học Việt Nam hòa nhập với văn học các nước trong khu vực và thế giới.

Tại Lễ ra mắt, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Namkau đã thông qua Điều lệ tạm thời, chương trình hoạt động sắp tới, hướng vào vào thực chất, cổ vũ sáng tạo và lan tỏa nhân văn.

Thơ Namkau, một hình thức có thể”, chính là nhận định và hy vọng lạc quan của nhà thơ, nhạc sỹ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo, lúc ông còn sống. Câu lạc bộ thơ Namkau ra đời không chỉ là sân chơi lành mạnh cho những người yêu và sáng tác thể thơ này mà cũng chính là những bước đi ban đầu mang tính cộng đồng, cộng hưởng để Namkau có thể trở thành một hình thức như mong muốn của những người yêu nó.

Bài:  NGÔ ĐỨC HÀNH

Ảnh: HOÀNG THAO

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *