HÀNH TRÌNH RA ĐỜI BỘ SÁCH “NỖI ĐAU SAU CHIẾN TRANH”
Đến nay, Ban Tổ chức cuộc vận động đã nhận được trên 20.000 trang bản thảo gồm các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học, thơ ca, trường ca... Các tác phẩm được tập hợp in trong 10 tập sách mang tựa đề Nỗi đau sau chiến tranh do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tài trợ một phần xuất bản từ tập 1 đến tập 9.
Nội dung mô tả xuyên suốt trong các tác phẩm là hình tượng người chiến sỹ quân đội, những anh hùng liệt sỹ dấn thân trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Cuộc kháng chiến thành công đã đem lại cho nhân dân ta cuộc sống hòa bình yên vui, nhưng hậu họa để lại cho người Việt Nam trong đó có các chiến sỹ tham gia cuộc kháng chiến nỗi đau thương tang tóc khôn cùng. Một nỗi đau hàng triệu người phải gánh chịu, đau cả thể xác lẫn tâm hồn suốt gần nửa thế kỷ qua. Khủng khiếp nhất là hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ rải thảm chất độc Da cam-Dioxin xuống chiến trường miền Nam Việt Nam thời kỳ 1961-1972. Gần 5 triệu người bị di nhiễm đã phải sống khắc khoải chết dần, chết mòn, chết thảm.
Các văn nghệ sỹ với lương tri của người cầm bút đã nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động, dùng văn chương của mình để làm việc nghĩa với cuộc đời, tri ân những người có công đang phải gánh chịu hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh. Các tác phẩm không chỉ ghi nhận, ngợi ca lòng quả cảm hy sinh của anh hùng liệt sỹ, mà qua ngòi bút còn kịch liệt lên án cuộc chiến tranh tàn sát con người. Nhiều tác phẩm với phương pháp thể hiện rất sâu sắc, nội dung phong phú ẩn chứa ý tưởng mới lạ, văn phong trong sáng, cốt truyện nhân văn, thấu động trái tim người đọc.
Từ tập 1 đến tập 6 chủ yếu là sự tập hợp các văn bản, bản thảo. Từ tập 7 đến tập 9 được xuất bản theo tiêu chí: chọn lọc tinh tế, cô đọng. Tập 10 tuyển chọn, hội tụ phần lớn các gương mặt tác giả, tác phẩm tiêu biểu hưởng ứng cuộc vận động. Với trên dưới 1.000 trang có thể coi là sự lựa chọn tổng hợp của vòng sơ khảo để làm cơ sở cho các hội đồng xem xét, các tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng trong dịp tổng kết cuộc vận động viết về đề tài Hậu chiến tranh Việt Nam.
Phát biểu về bộ sách Nỗi đau sau chiến tranh, Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư đánh giá: “Bộ sách của các văn nghệ sỹ đây, có thể coi như bức thông điệp lịch sử về hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam gửi cho người Việt Nam mai sau. Những người được hưởng cuộc sống hòa bình, xin đừng quên quá khứ, đừng quên sự hy sinh anh hùng của thế hệ cha ông trong sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân”.
Nội dung 10 tập Nỗi đau sau chiến tranh cùng chung một âm hưởng vừa bi tráng, vừa kiên cường, cùng cất lên tiếng nói đồng cảm, chia sẻ sự mất mát, đau thương và tỏ lòng biết ơn, tri ân những con người vì dân vì nước, những người đang từng ngày nén chịu nỗi đau sau cuộc chiến tranh. Ngoài tác phẩm tuyển chọn của tác giả qua 9 tập đã xuất bản và giới thiệu tập 10 xuất hiện thêm những tác giả nổi tiếng tiếp sức cho bộ sách, gửi tặng những tác phẩm rất ấn tượng về vẻ đẹp tâm hồn, ấn tượng cả về phương pháp nghệ thuật thể hiện.
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ là Tổng Giám đốc VOV tuy áp lực công việc rất bận, anh vẫn tham gia cuộc vận động với tác phẩm kịch hát Ngàn năm mây trắng. Đây là kịch bản đầy tính nhân văn miên tả thân phận nàng Tô Thị đau thương và thủy chung khi người chồng nơi biên ải bị chiến tranh cướp mất. Nàng Tô Thị của Nguyễn Thế Kỷ không hóa sông, hóa đá, mà hóa thành mây trắng của ngàn năm. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến gửi đến hai truyện ngắn đặc sắc: Dốc đầu lâu và Âm bản chiến tranh. Tên truyện ngắn Dốc Đầu lâu khá độc đáo, mới nghe đã muốn tìm đọc. Nhà văn Trần Văn Thước gửi đến truyện ngắn Sinh vào đêm trăng sáng. Truyện hay, viết có nghề, văn phong hấp dẫn, càng đọc càng cuốn hút. Nhà văn Đắc Trung với truyện ngắn Những người bị lãng quên. Nhân vật trong truyện cả đời dâng hiến hy sinh, bị chìm khuất, được tác giả “dựng lên” bằng ngôn ngữ gợi tưởng đọc rất cảm động. Nhà thơ Trần Nhương với trường ca hơn ba ngàn câu Người làm ra cổ tích đã dựng lên các mẫu nhân vật hóa thân trong lửa đạn nơi Trường Sơn huyền thoại đẹp như nhân vật trong truyện cổ tích, đọc khó cầm được lệ rơi. Nhà thơ Bùi Hoàng Tám góp mặt bài thơ Lời thề mùa đông với những câu thơ da diết, xao động lòng người: Núi còn hòn vợ, hòn chồng/ Cô tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu… Nhà thơ Kim Quốc Hoa tham gia cuộc vận động với trường ca Cánh thép Trường Sơn. Trong bản hùng ca này, Kim Quốc Hoa thể hiện thành công thủ pháp dựng tượng bằng thơ về người chiến sĩ hậu cần anh hùng nơi tuyến lửa… Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gửi tới trường ca Những người lính của làng người cảm thơ không ai không động lòng suy nghĩ. Đan xen hình tượng thơ, hình tượng người lính ở một làng quê là sự hy sinh cao đẹp, nhưng sự hy sinh cũng vô cùng đau thương. Qua Những người lính của làng, Nguyễn Quang Thiều đặt ra câu hỏi trách nhiệm về nghĩa cử với những người ra đi không trở về.
“Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu?
Tất cả, tất cả giờ đây đang ngủ
Đang ngủ yên, đang ngủ ở chân trời”
Nhà thơ Kim Chuông với chùm thơ 5 bài, mỗi bài một thân phận, một nỗi niềm với những câu thơ hay, nhưng đầy xót xa. “Thần đồng” thơ Trần Đăng Khoa gửi tặng chùm thơ 6 bài về hậu chiến. Nỗi đau và sự bi hùng đan xen trong ngôn ngữ thơ Trần Đăng Khoa đã làm nên cái hồn thơ vừa thiêng liêng, vừa sâu lắng. Miêu tả tâm trạng người lính trở về làng sau những tháng năm chinh chiến, Trần Đăng Khoa viết:
“Người yêu anh đã lấy chồng rồi
Bế con người, đứng đón anh, dưới bóng trúc
Anh nghe tiếng nàng cười và khóc...”
Hưởng ứng cuộc vận động còn có ba vị tướng làm thơ về hậu chiến tranh gây xúc động lòng người. Trung tướng Vũ Thanh Hoa với chùm thơ Mẹ và quê hương và Nỗi đau sau chiến tranh. Trung tướng Phạm Quang Đẩu gửi tới: Những người lính sau chiến tranh. Thiếu tướng Bùi Quảng Bạ với bài Người đi tìm di hoạ chiến tranh. Tập 10 còn có sự góp mặt của PGS-TS Trần Thị Trâm với tác phẩm Nguyện cầu. Bằng tài năng sáng tác và trách nhiệm của người cầm bút trước những cuộc đời bất hạnh, các anh đã góp tiếng lòng bằng những tác phẩm văn chương sâu sắc nhằm tri ân, báo đáp những người có công vì nước, vì dân.
Kết thúc tập 10 là kịch bản Trở lại kiếp Người của Nhà văn Minh Chuyên. Kịch bản mô phỏng thân phận một người lính bị trọng thương sọ não, hơn 10 năm sống mộng du giữa đại ngàn Trường Sơn nhờ bày vượn cứu sống, nuôi dưỡng… Từ Ngàn năm mây trắng đến Trở lại kiếp Người kết thành một nỗi đau khôn cùng do chiến tranh gây nên, cùng với hàng trăm nhân vật của các tác giả khác đã làm nên những gương mặt bi hùng vừa huyền ảo, vừa thiêng liêng trong bộ sách.
Trong đợt sơ kết cuối năm 2019, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá: “Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Hậu chiến tranh là một việc làm rất ý nghĩa… Tôi rất mong các bạn đồng nghiệp đón nhận sự kính trọng thực sự của tôi. Không phải chỉ có hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, mà các anh, chị làm được một bài thơ, văn hay cũng là đồng nghiệp của chúng tôi…”.
Với ý tưởng muốn gửi mai sau một thông điệp: Thời gian dần dần sẽ lùi xa, người ta có thể quên quá khứ của cuộc chiến tranh, nhưng tác phẩm hậu chiến này sẽ ngân lên tiếng chuông thức tỉnh để mọi người nhớ rằng, để có cuộc sống hòa bình hạnh phúc hôm nay, có một thời, một thế hệ người Việt đã phải chiến đấu, đổ máu, hy sinh và gánh chịu hậu quả của chiến tranh tàn khốc như thế nào!.. Xúc động trước thân phận cuộc đời các anh hùng liệt sỹ xả thân vì nước và nỗi đau khôn cùng của người lĩnh trở về sau cuộc chiến tranh, bằng những dòng hồi ức văn chương tả thực và lối viết chân thành rung động từ trái tim các tác giả, đã tạo nên huyền thoại đẹp trong các nhân vật. Cái đẹp của văn chương, cái đẹp của cuộc đời nhân vật đã làm nên vẻ đẹp tâm hồn của những cuốn sách.
Nguồn Văn nghệ số 49/2020