Thời sự văn học nghệ thuật

16/12
3:10 PM 2020

“HAI CUỐN NHẬT KÝ”: SỰ ĐI SÂU VÀO “VÙNG CẤM KỊ” CỦA TANIZAKI JUNICHIRO

Là một trong những tác gia lớn nhất của nền văn học hiện đại Nhật Bản thế kỉ XX, các sáng tác của Tanizaki Junichiro đi theo một lối rất riêng so với các tác gia cùng thời khác. “Tác phẩm của ông đi sâu vào vùng cấm kị” – yếu tố tính dục cùng sự băng hoại đạo đức đến “bệnh hoạn” của con người. Và đặc trưng đó, đã được Tanizaki Junichiro thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết Hai cuốn nhật ký.

Hai cuốn nhật ký, hai câu chuyện, hai giọng kể

Ngay từ tựa sách, tác giả Tanizaki Junichiro đã hé lộ không chỉ cấu trúc tác phẩm mà còn là cách ông triển khai cốt truyện cùng giọng kể nhân vật trong câu chuyện. Truyện được xây dựng dưới dạng nhật ký, được ghi chép lại hàng ngày. Nhưng không phải “ký”, ghi chép trong ngày của riêng cá nhân duy nhất mà là nhật ký của hai người khác nhau gần như liên tục đan xen, xen kẽ: người chồng và người vợ tên Ikuko cho tới ngày người chồng ngã bệnh, nằm liệt giường, không thể ghi nhật ký được nữa. Rồi câu chuyện khép lại bằng những dòng nhật ký cuối cùng của người vợ, khi người chồng qua đời.

Chính bởi cấu trúc như vậy mà tác giả Tanizaki Junichiro đã tạo lên hai tuyến truyện, hai điểm nhìn, hai ngôi kể cùng song song tồn tại. Từ đó làm nên Hai cuốn nhật ký mang hình thức thể loại lồng trong thể loại: trong thể tiểu thuyết là thể ký; truyện lồng trong truyện: câu chuyện của người chồng đặt cạnh câu chuyện của người vợ trong tổng thể những sự kiện diễn ra tại một gia đình Nhật Bản với bề ngoài hết sức truyền thống.

Trong một hình thức cấu trúc truyện chứa nhiều phức tạp đó, những mâu thuẫn dần dần được hé lộ, vừa châm biếm, trào phúng cũng vừa đắng cay, nghiệt ngã. Nhật ký vốn mang nghĩa là tâm sự của con người và là lãnh địa riêng của sự riêng tư. Vậy nhưng tới gia đình của ông giáo - người chồng ở Hai cuốn nhật ký, hình thức vốn hàm nghĩa lãnh địa cấm kị nơi tâm hồn lại trở thành hình thức trao đổi, truyền tin, gửi trao tâm sự giữa hai vợ chồng.

Sự thật ê chề của một cuộc hôn nhân bởi thế dần hiển lộ trên từng trang nhật ký. Hai người là vợ là chồng, sống bên nhau bao năm nhưng không thể đối mặt trực tiếp với nhau, gần như không thể hiểu thấu nỗi lòng của nhau. Nhật ký ngỡ rằng là nơi biểu lộ chân thực nhất tâm tư, tình cảm con người lại trở thành những dòng chữ đầy toan tính, giả dối. Con chữ dần trở thành thứ thuốc độc gian dối, gặm nhấm tâm hồn những con người.

Hai cuốn nhật ký, hai thế giới tâm hồn mà người này chẳng thể bước vào thế giới của người kia. Để rồi, câu chuyện kết thúc nhưng bao dằn vặt vẫn còn bỏ ngỏ trước những dòng nhật ký cuối người vợ viết lên. Ba người ở lại sẽ tiếp tục sống như thế nào? Người ra đi, có thật sự không hiểu một chút gì hay bởi qua thời gian, đã quá hiểu nên dẫn dắt mọi chuyện? Thật thật giả giả, cứ vậy giằng xé để thứ phơi bày trên con chữ, chỉ còn dục vọng đến tận cùng và sự suy đồi đạo đức đến vô tận thẳm sâu tâm thức mỗi cá nhân.

Yếu tố tính dục trong trang văn Tanizaki Junichiro

Như đã nói, văn chương của Tanizaki Junichiro là sự khắc họa một thế giới đầy cấm kị và yếu tố tính dục, như một cảm thức quằn quại trong các sáng tác của ông. Hai cuốn nhật ký là một trong những minh chứng rõ nhất cho đặc trưng này.

Tuy nhiên trước hết, cần phải nói rằng, mặc dù yếu tố tính dục ăn sâu vào tâm thức của từng nhân vật, trên từng trang văn Tanizaki Junichiro viết nhưng, ông viết về tính dục của con người không nhằm biến cả tác phẩm thành một dạng “dâm thư” mà đó là một thứ cảm thức thể hiện những mặt mâu thuẫn rất khác nhau trong nội tâm con người. Tính dục ở tác phẩm của ông nói chung, Hai cuốn nhật ký nói riêng, vừa thể hiện tính bản năng, vừa thể hiện những tầng sâu, góc khuất tâm lý mỗi cá nhân. Và bóc trần yếu tố đó, ông cũng như bóc trần những góc tối, sự xấu xí đằng sau vẻ ngoài đạo mạo, hào nhoáng hay lớp mặt nạ truyền thống của từng nhân vật trong một gia đình “kiểu mẫu”.

Thật sự, đằng sau cái danh giáo sư đại học đầy danh vọng là một người chồng đam mê sắc dục nhưng vật lộn khi đam mê không thể thỏa mãn và bản năng không thể đáp ứng chính khao khát của ông ta lẫn người vợ. Vì thế, ông ta sẵn sàng đánh đổi, gần như đánh cược tất cả: “Quá khứ chỉ còn là ảo ảnh, và hiện thực chỉ còn mình tôi cùng nàng quấn quít bên nhau… Tôi đang chết chăng, nhưng sát na này xin hãy dài lâu mãi mãi…” Đằng sau dáng vẻ nhu mì, truyền thống cùng xuất thân quyền quý là một người vợ thủ đoạn, hiếu dâm gần như vô độ. Sự hiếu dâm xuất phát từ chính bản thân cô bao năm không được thỏa mãn, cũng xuất phát từ chính cuộc hôn nhân ngay từ đầu vốn đã không có tình yêu: “Chẳng phải là mình không lo lắng cho sinh mệnh của anh, nhưng cái bản tính hiếu dâm, ham muốn vô độ của mình đã chiến thắng tất cả.” Đằng sau thân phận một người con là nội tâm khó lường của một cô gái trẻ trước sự hoang dâm của cha cùng sự hiếu dâm của mẹ và mối quan hệ trụy lạc giữa những người xung quanh cô…

Và tất cả sự quằn quại trong dục tính đó trong tiểu thuyết Hai cuốn nhật ký, được Tanizaki Junichiro thể hiện ở những dạng thức không gian hẹp khác nhau. Đó là không gian hữu hình của ngôi nhà nơi vợ chồng ông giáo sinh hoạt và khu nhà trọ của cô con gái Toshiko, nơi diễn ra những toan tính sau lưng người chồng. Đồng thời đó còn là không gian vô hình, không gian của tâm lý cá nhân được giãi bày trên trang nhật ký. Chính không gian hẹp đó, càng tô đậm thêm yếu tố tính dục ở tác phẩm. Tính dục ăn sâu trong tâm hồn con người, len lỏi vào mỗi góc nhà, mỗi căn phòng đều phảng phất yếu tố sắc dục. Và tính dục ở Hai cuốn nhật ký, đã vượt qua ranh giới chữ “sex”, chữ “tình dục” mà trở thành thứ cảm thức dục năng chiếm hữu, ích kỷ, ti tiện, nhỏ nhen… đầy nhức nhối, quằn quại ăn sâu trong tâm thức con người.

Sự băng hoại đạo đức trong nền tảng gia đình truyền thống

Có thể nói, gia đình người chồng ở Hai cuốn nhật ký là một gia đình Nhật Bản truyền thống, hết sức kiểu mẫu: người vợ xuất thân trâm anh khuê các; người chồng nắm giữ địa vị, học thức trong xã hội; cô con gái, dẫu không được nhắc tới nhiều nhưng qua những trang văn cũng phần nào nhận ra một người con gái được dạy dỗ bài bản với tài năng cầm kì thi họa. Gia đình họ có người giúp việc, có những cuộc thăm viếng bạn bè và có một người bác sĩ thân thiết chăm lo sức khỏe.

Nhưng ẩn sau vẻ truyền thống, như đã nói là cảm thức tính dục quằn quại đè nặng lên tâm thức của từng con người không chỉ trong gia đình ấy mà còn đè nặng lên cả những cá nhân khác có liên quan tới mỗi thành viên gia đình đó. Hơn cả, bóc tách lớp vỏ truyền thống đẹp đẽ, chính là sự băng hoại đạo đức tới tận cùng làm rạn vỡ toàn bộ những tình cảm tưởng chừng là thiêng liêng, đẹp đẽ nhất của cuộc đời con người: tình cảm gia đình, vợ chồng, cha mẹ con cái, tình thầy trò... Người ta không còn sống với nhau bằng cái tình mà đối với nhau bằng sự lừa lọc, toan tính đến đê hèn.

Một điều đặc biệt, cả tiểu thuyết Hai cuốn nhật ký, ai cũng được đặt tên, riêng người chồng lại không được định danh. Ông ta chỉ được gọi bằng những đại từ phiếm chỉ: anh, thầy, ông, bố, giáo sư... Phải chăng, đây chính là thủ pháp mờ hóa danh tính nhân vật được Tanizaki Junichiro sử dụng. Bởi có lẽ, gia đình trong Hai cuốn nhật ký không phải là một trưởng hợp cá biệt mà ở Nhật Bản hiện đại, sự băng hoại đạo đức đã đến từ cấp độ gia đình – cấp độ tế bào cấu thành lên một xã hội.

Vì thế, ẩn sau những trang văn khắc họa tất cả những dối trá, xấu xa, đồi bại... bằng một giọng văn trung dung rất mực, chính là cái tâm của tác giả Tanizaki Junichiro trước thời cuộc. Cái tâm của một con người cũng từng đối diện với bi kịch hôn nhân, cái tâm của một tài năng lớn khi đứng trước thời cuộc, và cái tài của một tác gia lỗi lạc khi đối diện với những trái ngang, bi kịch nước Nhật thời hiện đại sau Thế chiến thứ Hai: lớp vỏ truyền thống ngày càng mỏng manh trước sự thức tỉnh cái tôi méo mó đến bệnh hoạn bên cạnh sự xâm lăng mạnh mẽ của nền văn hóa ngoại bang.

Mọt Mọt- Nguồn: VNQĐ

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *