Thời sự văn học nghệ thuật

20/10
6:30 PM 2020

HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ TỐ HỮU

Sáng 20-10-2020, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhà thơ Tố Hữu (1920 - 2020). Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-và toàn thể các ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận, VHNT Trung ương; đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng và đại diện gia đình nhà thơ Tố Hữu đã tham dự lễ kỷ niệm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm. Ảnh: HỮU ĐỐ

Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4-10-1920, quê ở làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lớn lên giữa lúc phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đang bùng lên mạnh mẽ, ông đã mau chóng tiếp thu lý tưởng cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4-1939, ông bị thực dân Pháp bắt, giam ở nhiều nhà lao các tỉnh miền Trung -Tây Nguyên. Năm 1942, Tố Hữu vượt ngục, tìm về gây dựng cơ sở, kết nối liên lạc với tổ chức Đảng ở tỉnh Thanh Hóa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tố Hữu đảm nhận vai trò Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Năm 1947, ông được điều động ra Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ. Tố Hữu tham gia Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam từ khi thành lập (1948). Sau đó, ông đã lần lượt giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền, văn hóa như: Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban Khoa giáo, Trưởng ban Thống nhất, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), ông được bầu vào Bộ Chính trị, giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (1981-1986). Sự nghiệp thi ca của Nhà thơ Tố Hữu bắt đầu gần như cùng lúc với con đường hoạt động cách mạng của ông. Mỗi tập thơ của ông gắn với một giai đoạn lịch sử của dân tộc, từ những năm 1937, cho đến khi đất nước giành độc lập, rồi trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cho đến ngày thống nhất đất nước…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà thơ Tố Hữu là một sự kiện văn hóa lớn, vì Tố Hữu đã tham gia khá nhiều vào cuộc đời mỗi chúng ta, vì chúng ta quá quen có Tố Hữu trong mỗi chặng đường cách mạng. Và vì Tố Hữu không chỉ cần thiết cho quá khứ mà còn rất cần thiết cho hiện tại và tương lai. Thơ của ông là tiếng hát thiết tha, nóng bỏng và ngọt ngào vì độc lập tự do hạnh phúc của con người… 100 năm Tố Hữu như một ngọn núi lớn, thời gian càng lùi xa, càng thấy cao. Ông là một sự kết tinh đẹp đẽ của nền thơ ca cách mạng với những tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân văn. Tố Hữu đã đi vào lịch sử cách mạng VN, đi vào lịch sử văn học VN như một tinh hoa văn hóa kết tinh những phẩm chất cao đẹp của dân tộc và thời đại.

Cũng theo Nhà thơ Hữu Thỉnh, năm 1938, Tố Hữu công bố bài thơ “Từ ấy”. Lúc đó, phong trào Thơ mới đang lên, cuốn hút những tài năng lớn nhất của thơ ca tiền chiến, tạo nên một thi đàn tráng lệ trước sự chiêm ngưỡng, trầm trồ, sung sướng của hàng vạn trí thức và lớp thanh niên đang miệt mài Âu hóa. Riêng Tố Hữu đã lặng lẽ và can đảm rẽ sang một lối khác, làm nên một thế giới khác, một vẻ đẹp khác, một sức mạnh khác, một quỹ đạo thơ khác hẳn, đó là thơ cách mạng. Có thể coi đó là sự bổ sung vinh quang cho thơ ca Việt, giữa cuộc tiếp xúc hai chân trời Âu - Á…

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: HỮU ĐỐ

Tại lễ kỷ niệm, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu uy tín: GS Hà Minh Đức, GS Phong Lê, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Mai Nam Thắng… đã chia sẻ những ý kiến, những kỷ niệm sâu sắc của mình về nhà thơ Tố Hữu. Giáo sư Phong Lê, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại khẳng định: “Tố Hữu có một sự nghiệp thơ gắn bó và song hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cũng có thể nói, Tố Hữu là ca sỹ sớm nhất và lớn nhất, có thanh âm vang ngân nhất trong bản hợp ca cách mạng của nhân dân”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu: “Thơ Tố Hữu đã lặng lẽ dẫn đường cho tôi học tập và làm thơ, dạy tôi biết yêu nước, thương dân, biết gắn bó cuộc đời mình với thơ ca và với cách mạng, đặc biệt. Thơ Tố Hữu đã góp phần rất quan trọng để dạy tôi làm người, trước hết là một người lính, biết bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những giá trị chân chính và nhân văn trước sự xâm lăng của cái ác, cái xấu, của thói lưu manh và sự vô trách nhiệm... Thơ Tố Hữu bao giờ cũng mạnh mẽ, đầy sức vóc, trước những thử thách và sự đào thải rất nghiệt ngã của thời gian. Ngoài làm thơ, ông còn là một nhà lãnh đạo lớn của đất nước. Đó là hai mặt của một vấn đề, bổ sung cho nhau, làm cho những tư tưởng và chí lực của ông có thêm điều kiện lan tỏa sâu hơn vào chiều sâu của đời sống nhân dân, của nền văn hóa dân tộc, thông qua những câu thơ đầy tâm huyết, cũng đầy trách nhiệm công dân của ông. Cũng khác với một số nhà thơ khác, ông công khai khẳng định mình là người làm công tác tư tưởng cho Đảng, là người hô khẩu hiệu, là người tuyên truyền, vì ông là một nhà cách mạng và thơ ông là một biện pháp hoạt động cách mạng của ông. Nhưng cái kì tài của ông là biến những chủ trương chính sách của Đảng thành  xúc cảm, thành nghệ thuật, và thành thơ như thơ của mọi nhà thơ trên thế gian... Tôi đọc lại Tố Hữu để tìm lại cái căn nguyên ấy, cái ngọn nguồn ấy để bình tâm và hứng khởi mà đi tiếp. Và tôi nhận ra rằng: Tố Hữu vẫn ở bên cạnh tôi, bên cạnh mỗi chúng ta, vẫn không bao giờ mất đi, không bao giờ già đi, vì cái gì ông mang đến cho nhân dân, đồng hành cùng nhân dân, như nó đã có từ 50 năm nay, và hơn thế nữa, từ 80 năm nay… thì những cái đó sẽ vĩnh viễn bất tử…”.

TUYÊN HÓA

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *