Tác phẩm và dư luận

15/2
9:46 AM 2018

XUÂN MẬU TUẤT 2018, ĐỌC LẠI MỘT BÀI THƠ XUÂN MẬU THÂN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

HỒNG DIỆU-Nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ Xuân Mậu Thân 1968. Xuân Mậu Thân ấy, là một mùa xuân đặc biệt trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Xuân Mậu Thân ấy, cũng là một mùa xuân đặc biệt, khi nhìn từ những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

                                                                 Bác Hồ tại Phủ Chủ tich
Chúng ta biết, đã từ lâu, như một tập quán, như một niềm vui, mỗi độ tết đến, xuân về, nhân dân ta lại đón chờ thơ chúc tết mừng xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 
Nhìn lại sẽ thấy, bài thơ chúc tết mừng xuân đầu tiên của Người là bài “Chúc năm mới” đăng trên báo Việt Nam độc lập số 141 (1/1/1942). Sau đó, trong suốt 24 năm, từ 1946 đến 1969, chỉ có ba năm (1955, 1957, 1958) vì những lý do nào đó, chắc là những lý do ngoài ý muốn, Người không có thơ mừng xuân chúc tết. Và, hơn bất cứ một năm nào khác, Xuân Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đến sáu bài thơ - cả thơ tiếng Việt và thơ chữ Hán.
 
Về thơ tiếng Việt, có các bài: Mừng xuân - 1968Không đề (3/1968), Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế (3/1968). Về thơ chữ Hán, có các bài: Vô đề (3/1968), Nhị vật (không ghi ngày tháng) và Mậu Thân xuân tiết (14/4/1968).
 
Hãy đọc lại bài Mậu thân xuân tiết và xem xét tương quan giữa bài thơ này với những bài thơ khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Mậu Thân xuân tiết
Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên
Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên
Bạch điểu tróc ngư hồ lý khứ
Hoàng oanh phi thượng thiên
Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ
Mang bả Nam phương tiệp báo truyền
14/4/1968

 
Dịch xuôi:

Tiết xuân Mậu Thân
Tháng tư, muôn hoa nở đầy vườn
Màu đỏ, màu tím tranh nhau phô vẻ đẹp tươi.
Chim trắng bắt cá từ hồ bay đi,
Chim hoàng oanh bay thẳng lên trời.
Trên trời, những đám mây [vốn nhàn tản, bây giờ]
                    nhộn nhịp] bay đi bay lại
[Vì bận rộn] báo tin thắng trận [cho mọi người biết].
14/4/1968

 
Dịch thơ:

Tiết xuân Mậu Thân
Hoa nở đầy vườn giữa tháng tư
Hồng hồng, tím tím cùng tranh đua.
Chim trắng xuống hồ bắt cá,
Hoàng oanh vút lên trời.
Mây trước nhởn nhơ, nay nhộn nhịp:
Miền Nam thắng trận, báo tin vui.

 

 

 

Chúng ta biết, hầu như những bài thơ chúc tết mừng xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những ý tưởng sau đây quán xuyến suốt từ bài này đến bài khác:
- Chúc mừng năm mới đồng bào, chiến sĩ trong nước (và có khi cả thế giới, cả các nước anh em bạn bè)
- Nhìn lại tình hình năm qua
- Khen ngợi, thúc giục các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thi đua, tiến lên hoàn thành nhiệm vụ (có những khi là những nhiệm vụ rất cụ thể)
- Tin tưởng ở thắng lợi của cách mạng.
 
Tất cả những bài thơ ấy đều hết sức giản dị, súc tích, cứ như viết thẳng ra từ ý nghĩ, không dụng công gì nhiều. Nếu cần nói gọn về “chủ đề chính” trong những bài thơ ấy, thì không gì hơn là mượn ngay lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài Thơ chúc tết Nhâm Thìn – 1952:
Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân
 
hay trong bài Chúc mừng năm mới - 1964:
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân
 
Mậu Thân xuân tiết thì khác. Bài thơ không có “kêu gọi”, không có “mừng xuân”, và không “nôm na” chút nào (đọc nguyên bản chữ Hán, không qua dịch xuôi, không qua dịch thơ càng thấy rõ điều này).
 
Ta lại biết, Mậu Thân xuân tiết làm theo thể thơ Đường luật, nhưng không câu nệ mà thoải mái, phóng túng. Sau hai dòng đầu với những câu thơ bẩy chữ theo đúng niêm luật, câu thứ ba và câu thứ tư bỗng giảm xuống sáu chữ rồi năm chữ, làm cho “tốc độ” bài thơ tăng nhanh; hai câu cuối lại trở lại bảy chữ và theo đúng niêm luật, như niềm vui của bài thơ được kéo dài.... Bài thơ không có bóng dáng con người, kể cả tác giả. Chỉ có hoa cỏ, chỉ có chim chóc, chỉ có mây gió (gió ẩn sau dòng chữ). Và nhiều màu sắc trong có sáu dòng thơ: hồng, tím, trắng, vàng (hồng và tím còn được lặp lại hai lần). Vậy mà ở đây, con người (tác giả và không chỉ tác giả) như hiện diện trong từng chữ. Người đọc thấy có một đôi mắt hân hoan đang quan sát mọi thứ trước mặt, với một niềm vui vô bờ ẩn ở trong lòng - vui vì được tin thắng trận lớn ở miền Nam.
 
Ta cũng biết, Xuân Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công chiến lược đánh Mỹ nổ ra khắp miền Nam. Có đến 37 trong 44 tỉnh, 5 trong 6 đô thị lớn và 64 trong 242 quận lỵ đồng loạt nổ súng. Ở Sài Gòn, nhiều cơ quan đầu não của giặc bị đánh chiếm: Dinh Độc lập, Tòa đại sứ Mỹ, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Bộ tư lệnh Quân khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát... Nhiều vùng nông thôn miền Nam và ấp chiến lược, nhân dân đứng lên làm chủ. Ở Huế, 39 mục tiêu quan trọng của địch bị chiếm giữ... Thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược Mậu Thân 1968 cho thấy thế và lực của cách mạng ở miền Nam đã mạnh hơn bao giờ. Nó cũng làm cho phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở trong lòng nước Mỹ càng lên cao, ý chí xâm lược của Mỹ bị đánh sập, Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra miền Bắc và phải ngồi vào bàn đàm phán...
 
Thấy được bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở mùa xuân Mậu Thân như thế, sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa của Mậu Thân xuân tiết, và lý giải được vì sao bài thơ lại có một sắc thái khác những bài thơ chúc tết mừng xuân khác, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Tôi đã được đọc mấy bản dịch bài thơ Mậu Thân xuân tiết, thấy có những chỗ dịch chưa thỏa đáng, nếu không muốn nói là đã dịch sai.
 
Trước hết, ở tên bài thơ có chữ “tiết”. Tiết, trong chữ Hán có nghĩa thông thường là tết, ngày lễ. Còn một nghĩa khác, ít được dùng là... tiết (một khoảng thời gian nào đó). Bài “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du có câu:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
(Tháng bảy ở đây không có lễ tết gì, chỉ là tiết... mưa dầm).
 
Ở cuối Mậu Thân xuân tiết, tác giả lại ghi ngày viết bài thơ: 14/4/1968. Lúc này, tết qua đã lâu. Vì vậy, mấy bản dịch tên bài thơ ra “Tết Mậu Thân”, chắc chắn là sai. Đó là điều tương đối dễ thấy. Còn một điều khác, khó thấy hơn, thuộc về chuyện thẩm thơ. Hai câu cuối của Mậu Thân xuân tiết, tôi thấy hai bản dịch (in trong quyển Hồ Chí Minh - thơ, toàn tập của Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu quốc học, năm 2000) có chỗ cần lưu ý. Bản của Giáo sư Phan Văn Các dịch:
Trên trời mây đến rồi đi
Miền Nam thắng trận báo về tin vui.
 
Bản của cụ Trần Đắc Thọ dịch:
Thong dong bao đám mây trời.
Miền Nam tin thắng không ngơi chuyển về.
(cụ Trần Đắc Thọ còn dịch xuôi hai câu này như sau:
Trên trời những đám mây nhàn hạ bay đến rồi lại bay đi.
Thắng trận ở miền Nam báo về rộn rịp).
 
Hai bản dịch của Giáo sư Phan Văn Các và cụ Trần Đắc Thọ, không hẹn mà nên, đã tách rời hai câu này thành hai nghĩa riêng: mây thì cứ bay đi rồi bay lại, tin thắng trận ở miền Nam thì đang báo về. Tuy nhiên, theo tôi, hai câu này phải gắn liền với nhau một cách hữu cơ: mây bay đi bay lại là để báo tin thắng trận ở miền Nam (xin xem lại phần dịch xuôi và dịch thơ dưới bản chữ Hán của người đang viết những dòng này, ở đầu bài; đừng quên dấu hai chấm (:) ở câu thứ năm bản dịch thơ).
 
Thật là lý thú, khi được ngồi thưởng trà giữa những ngày xuân, đọc vang những âm thanh sang trọng ở những từ ngữ Hán Việt của bài thơ “Mậu Thân xuân tiết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nhớ về một thời chiến tranh với bao nhiêu kỷ niệm...
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *