Tác phẩm và dư luận

4/4
9:25 PM 2018

HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP THƠ CA

BÙI VIỆT THẮNG 1.Bóng người trong bóng núi (Tiểu luận – Phê bình) của nhà thơ Lê Thành Nghị đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017. Đây không phải lần đầu ông nhận giải thưởng danh giá này. Nếu như năm nay thơ thất bát, mất mùa cả ở Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội thì lý luận phê bình, trái lại, đã không còn mang tiếng thiếu và yếu.

Nó không phải là “cái roi”, cũng không có sứ mạng hướng dẫn, mà chỉ đóng vai trò đồng hành cùng sáng tác. Nghĩa là nó trở về với nhiệm vụ muôn thưở đi tìm cái đẹp trong văn chương (còn văn chương đi tìm cái đẹp trong đời sống). Tôi dám chắc người đọc sơ sài sẽ không thấu hiểu cái tên sách thoạt tiên nghe như nhan đề một tập thơ vì trong tâm trí độc giả bấy lâu nay Lê Thành Nghị là nhà thơ. Tất nhiên! Trong bài Lửa và trăng một chặng đường thơ Lê Thành Nghị viết như lên đồng (giống với tâm cảm của người sáng tác) “Chỉ thấy, trong làn sương lãng đãng đang giăng trên mặt hồ kia, chẳng khác nào làn sương giữa đại ngàn xa ngái, có một chàng trai mũi khoằm cao gầy đội mũ sắt, giày “côxưghin” và dáng đi khá yểu điệu năm nào đang đến gần. Bóng người trong bóng núi. Anh như mang vào câu chuyện của chúng tôi cả Trường Sơn trong những câu thơ một thưở ai cũng thuộc”. Chẳng cần rao to lên thì ai cũng biết Lê Thành Nghị đang viết về Phạm Tiến Duật. Nghĩa là những nhà thơ mặc áo lính đang nói về nhau. Nói một cách chân tình, chân phương, chân thành bằng ngôn từ văn chương. Điều ấy lý giải ngọn ngành vì sao trong tập tiểu luận- phê bình thứ tư của mình Lê Thành Nghị lại chỉ chọn viết về 14 gương mặt- chân dung thơ độc đáo: Phùng Khắc Bắc, Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Hoàng Nhuận Cầm, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng  Tạo, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Lưu Quang Vũ, Y phương. Mười bốn nhà thơ này không phải là tất cả nhưng điển hình của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và thêm một lý do khác giản dị nhưng rất thực tiễn – họ là những “tác giả đã từng tham gia trực tiếp vào các mặt trận, các đơn vị quân đội thời kỳ chiến tranh”. Một thế hệ khi cần tạc tượng thì sẽ là cây bút và cây súng giao nhau trong tư thế băng lên phía trước. Một thế hệ ý thức được sâu sắc “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh). ĐọcBóng người trong bóng núicủa Lê Thành Nghị, tôi nhớ ý của một bậc tiền bối, cho rằng nhìn vào những câu thơ được chọn bình là sẽ biết chỗ đứng, trình độ và “gu” người bình thơ. Ở độ tuổi của mình Lê Thành Nghị không còn tùy hứng khi viết. Sự lựa chọn nào cũng đầy ý thức nghề nghiệp nên “ Mười bốn chân dung được nói đến trong tập sách không phải là ngẫu nhiên, nhưng cũng như là một con số ước lệ, chỉ là một phần của thơ Việt Nam thời kỳ chiến tranh, vì vậy có thể xem đây là tập sách mở” (Lời thưa). Tôi cũng đã nghe có người nói đến ý nghĩa của con số 14 theo tinh thần Phong Thủy “thể hiện cho sự mở đầu mới mẻ, tốt lành”. Nhưng đấy là nói cho vui! Tuy sách ghi thể tài là tiểu luận – phê bình nhưng trong bản chất là “Tập hợp chân dung của một số nhà thơ thời kỳ chiến tranh chống xâm lược Mỹ được vẽ bằng thơ của chính họ”. Như vậy có thể coi Bóng người trong bóng núi là sách chân dung nhà thơ. Mười bốn chân dung được viết kỳ khu, kỹ lưỡng, tinh tế từ năm 2015 đến 2017. Ai từng đọc những chân dung văn học (về L. Tolstoy chẳng hạn) do M. Gorky viết sẽ thấy thú vị vì nhà văn đã mở lối vào thế giới nghệ thuật của người nghệ sỹ bằng nhiều nẻo đường khác nhau. Tôi thấy Lê Thành Nghị có ý thức học hỏi bậc tiền bối khi viết chân dung 14 nhà thơ thế hệ trải qua lửa đỏ và nước lạnh, giống như “thép đã tôi thế đấy”.

2.Đọc Bóng người trong bóng núi, thấy Lê Thành Nghị hiểu đồng nghiệp văn chương đến tận chân tơ kẽ tóc. Là bởi ông đã sống gần họ, hiểu họ trong mọi tình huống, cảnh ngộ, và cả những trớ trêu của số phận (nhưng tuyệt nhiên không câu khách bằng những “pha” lâm ly mùi mẫn). Nhưng có một thực tế là, đôi khi ta ở quá gần một văn nhân nào đó, tưởng như đi guốc trong bụng nhau, nhưng khi cần viết về họ lại có vẻ như không dễ dàng. Có thể gần chùa gọi bụt bằng anh. Có thể dưới chân cột đèn là khoảng tối nhất. Và rất nhiều có thể khác. Đọc Lê Thành Nghị, thấy ông đã vừa rất gần, lại vừa rất xa đối tượng khi viết. Ý này là bản quyền riêng tôi, còn đa số đồng nghiệp đều cho rằng Lê Thành Nghị ở lâu trong ngôi nhà số 4 (nơi dân gian gọi đùa là Văn đội quân Nghệ) nên không có gì là không biết. Nói theo ngôn ngữ điện ảnh thì tác giả luôn phối kết hợp “cận cảnh” và “toàn cảnh” khi thực hành viết phê bình. Cận cảnh là cảm hội một bài thơ hay, thậm chí một câu thơ hay, một chữ thơ hay. Toàn cảnh là nắm bắt quá trình sáng tạo của người nghệ sỹ ngôn từ, khám phá vẻ đẹp của thơ ca. Một người mới cầm bút viết phê bình vẫn có thể  “chộp” được những cận cảnh. Nhưng để dõi theo, để nắm bắt được cả một quá trình sáng tạo của một nhà thơ và cao hơn, khó khăn hơn và cũng thú vị hơn là một thế hệ thơ, thì phải có bản lĩnh sống, bản lĩnh nghệ thuật. Những bản lĩnh này phải có chân đế, căn cốt văn hóa. Vì thế tôi muốn nói đến chỗ đứng,trình độ và cả cái “gu”phê bình thơ của Lê Thành Nghị khi tin tưởng chắc chắn rằng ông đã viết bằng trải nghiệm văn hóa. Tác giả đã chia tay từ lâu với lối viết bình tán cũng như luận lý, tư biện. Tôi thấy dường như giữa ông và nhà thơ Khuất Bình Nguyên có nét tương đồng trong thực hành viết phê bình (người nhận Giải thưởng Lý luận phê bình văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 với tác phẩm Giọt nước trong lá sen). Viết bằng trải nghiệm văn hóa nên tác giả luôn giữ được sự bình tĩnh trong đánh giá các hiện tượng văn chương, ở đây là thơ - một lĩnh vực tinh tế bậc nhất của nghệ thuật ngôn từ. Nhờ đứng vững trên căn cốt văn hóa mà Lê Thành Nghị đã nhìn thấu bản chất, đóng góp của thế hệ nhà thơ chống Mỹ trước tiên ở tinh thần công dân cao cả của họ - một sự hiệp đồng tuyệt đẹp giữa tâm thế sáng tạo và trách nhiệm công dân của nhà thơ. Vì sao? Vì họ trưởng thành trong một thời kỳ đặc biệt của lịch sử, vì họ là một thế hệ tạo nên một hiện tượng độc đáo của thơ hiện đại Việt Nam. Nếu nói dân tộc Việt Nam đã chiến thắng nhiều đế quốc xâm lăng lớn trong suốt chiều dài lịch sử chính bằng văn hóa thì thơ ca đã góp phần quan trọng vào chiến thắng văn hóa đó. Viết chân dung 14 nhà thơ hiện đại Việt Nam thời kỳ chiến tranh chống Mỹ là viết về sức mạnh văn hóa mà thơ ca của họ cống hiến vào kho vũ khí tinh thần của dân tộc. Thơ ca của thế hệ này đã thực sự góp vào văn sản dân tộc những giá trị văn hóa tinh thần vĩnh hằng. Nhưng nhìn thế hệ vẫn phải qua từng cá thể, bởi vì nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo cá nhân. Cái hay, cái hấp lực của Bóng người trong bóng núi là ở chỗ, mỗi chân dung được vẽ, được tạc dựng đều thấm nhuần tinh thần là những điển hình của cá tính sáng tạo mang dấu ấn văn hóa thời đại. Trường hợp Hữu Thỉnh là một bằng chứng sống động. Về tư tưởng sáng tạo và đặc sắc phong cách Hữu Thỉnh được tri nhận không thể nào chính xác hơn cách định vị của Lê Thành Nghị “Đọc Hữu Thỉnh tôi quan tâm trước hết đến những gì anh muốn nói. Có hai mảng thật sâu đậm trong thơ Hữu Thỉnh: Đất nước, Nhân dân, cuộc chiến...trải nghiệm trang trước và thế sự, nhân tình thế thái...chiêm nghiệm trang sau, như hai mặt thống nhất của một tờ giấy trong sáng tạo của anh, như thể nếu không có sự trải nghiệm kia, thì cũng chắc gì đã có sự chiêm nghiệm này. Hai mặt, mặt thì lắng sâu, mặt thì ám ảnh”. Một nghệ sỹ ngôn từ đích thực không thể không trải nghiệm nhưng tầm vóc của anh ta lại thuộc vào chiêm nghiệm. Một nghệ sỹ ngôn từ đích thực được đánh giá không chỉ bởi những điều đã nói mà còn ở những điều anh ta muốn nói với đồng bào của mình. Đó là căn cốt văn hóa của nhà văn. Viết chân dung đồng nghiệp, Lê Thành Nghị có ưu trội thường nhìn toàn cục, toàn cảnh một người thơ, một đời thơ. Văn hóa của nhà văn còn được bồi đắp bởi sự cần mẫn tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc trước hết. Lê Thành Nghị đã tinh tường khi nhận ra “Thơ Hữu Thỉnh nhuần nhuyễn lối diễn đạt của ca dao dân ca. Một đôi lần Hữu Thỉnh đã nói về điều này: Tôi đến ngôi đền của thơ ca bằng hơi thở của dân gian [...]. Hữu Thỉnh lục lọi trong kho tàng ca dao dân ca, gạn lấy cái bóng bẩy của lối nói giàu hình tượng, giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh....rồi tạo ra một lối đi riêng của mình phảng phất phong vị dân gian trong ngôn từ hiện đại”. Cũng từ cái nhìn sâu vào văn hóa nhà văn nên Lê Thành Nghị đã quan tâm đến cái gọi là “hồn cốt lặn trong núi đá”, cũng là nhan đề bài viết về Y Phương, nhà thơ dân tộc Tày, nhà thơ mặc áo lính, nhà thơ góp nhiều công lao vào đổi mới văn chương và thơ ca hậu chiến. Tôi và nhiều người thích cách Lê Thành Nghị đã cất công tìm ra những vỉa quặng trong thơ Y Phương “Ai đó đã ví von viết như cày ruộng, vậy thửa ruộng của Y Phương đã được chuẩn bị như thế nào? Nói khác đi, ngọn nến đang cháy sáng kia đang được đốt lên bằng năng lượng nào? Có thể nói ngay: nó được đốt lên bằng trầm tích văn hóa núi đá. Trong trang viết của Y Phương có thể gặp rất nhiều những tầng vỉa của văn hóa, từ đó mọc lên những ý tưởng, những triết lý bình dị như chính cuộc sống”. Cũng không có gì là quá lời khi Lê Thành Nghị đinh ninh sau khi trích một  đoạn tản văn của Y Phương trong Fừn nèn - củi tết  rồi đóng đinh “Đây là những câu văn của tản văn Y Phương, nhưng dường như những câu thơ cũng đã mấp mé đầu ngọn bút [...], bởi vì phía dưới chúng (những câu thơ) là cả một thềm lục địa của năng lượng văn hóa”. Trên đây chỉ là hai ví dụ hoàn toàn ngẫu nhiên mà tôi “nhặt” ra từ Bóng người trong bóng núi của Lê Thành Nghị. Tiếp cận văn chương/ thơ ca từ phương diện văn hóa là con đường đi nhọc nhằn, khó khắn gấp bội nhưng cũng sang trọng và hiệu quả nghệ thuật gấp bội. Biết thế nhưng không phải ai cũng thực hành được. Riêng tôi càng đọc càng thấy có vẻ như Lê Thành Nghị hoàn toàn xa lạ với các ism (nào là hậu hiện đại, hậu thực dân, phân tâm học, sinh thái, ký hiệu học,...) trong phê bình văn chương. Dường như cái cách “lối cũ ta về” không hoàn toàn trở nên lạc hậu nếu như sự tiếp nhận các lý thuyết nước ngoài trở nên sống sượng và khập khiễng khi đi vào thực tiễn văn chương nước nhà. Đây cũng chính là bản lĩnh văn hóa của người phê bình.

 Viết chân dung mỗi cá thể nhà thơ đã khó, nhưng khó hơn là làm sao xâu chuỗi được, kết nối được 14 gương mặt thơ tiêu biểu của thế hệ chống Mỹ vào trong một từ trường thơ rộng lớn - thơ Việt Nam thời kỳ bão táp cách mạng và chiến tranh. Cái câu người châu Âu hay nói trong Thế chiến II, có vẻ không đúng ở Việt Nam “Khi đại bác nổ thì họa mi ngừng hót”. Riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ, người Việt Nam đã gánh chịu hàng triệu tấn đạn bom, hàng triệu người đã chết. Nhưng họa mi (nghệ thuật, nhất là thơ ca) thì vẫn sống, vẫn hót. Cái chung của nhiều cá nhân nghệ sỹ, tôi nghĩ, chính là nhân cách nhà văn. Tuy chỉ viết về ứng xử của một nhân cách đẹp (về thi sỹ Lưu Quang Vũ chẳng hạn), nhưng tôi nghĩ, Lê Thành Nghị đã viết vềnhân cáchcả một thế hệ nhà thơ, trong đó có mình. Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã biết “vượt qua những vặt vãnh tầm thường để nghĩ tới những điều tốt đẹp”. Tương tự, trong cuốn sách độc giả có thể tri nhận khá đầy đủ nhân cách nhà thơ qua những trường hợp đặc biệt khác như Phùng Khắc Bắc, nhà thơ tài hoa nhưng đoản mệnh, đến những ngày cuối đời vẫn đau đáu “Ta hãy mau chỉ là hạt bụi/Nhưng đừng thành hư vô”; hơn thế “Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh, xanh ngắt/Ký hiệu thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến khôn cùng”. Bởi chú ý đến vấn đềnhân cách nhà văn nên Lê Thành Nghị đã nhìn ra những “lời thì thầm trung thực từ bên trong mình” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm sau khi thi sỹ rửa tay gác kiếm, rời xa chốn quan trường và giới chính trị, chỉ còn khao khát muốn làm một “kẻ sỹ cưỡi trâu vào núi” để “đi mãi vào rặng núi xa mờ, đến những miền trong xanh”. Tài năng và nhân cách là những phẩm tính hàng đầu của người nghệ sỹ. Vì thế đọc Bóng người trong bóng núi của Lê Thành Nghị thấy yên tâm hơn khi nhìn nhận những di sản tinh thần quá khứ không phải không có nguy cơ bị bắn phá hạ bệ cần được bảo vệ khẩn cấp, bớt lo lắng hơn khi nghe ai đó non nớt véo von, coi văn chương là “một trò chơi vô tăm tích”, hay là “trò chơi ngôn từ” thuần túy (!?).

3. Bóng người trong bóng núi của Lê Thành Nghị nổi bật ở ưu điểm tiếp cận văn chương/ thơ ca từ phương diện văn hóa. Đó là cái cốt lõi của tác phẩm được giải thưởng. Nhưng không riêng tôi, mà nhiều độc giả tinh hoa khác còn thích thú khi được đọc một cuốn sách phê bình văn chương có văn. Điều này khó lắm thay. Hiếm lắm thay. Tất nhiên văn phê bình chân dung của Lê Thành Nghị đã kết hợp được cái tinh tế, bay bổng của người sáng tác thơ và cái anh minh của một người làm lý luận. Những bài viết về Hữu Thỉnh, Y Phương, Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Tạo, Lưu Quang Vũ, Phùng Khắc Bắc chẳng hạn, có cái men say đắm hòa trộn trong một bố cục sáng sủa, thông thoáng, gợi mở vì tác giả quan niệm đây là cuốn sách “mở” như trong Lời thưa đã trần tình cùng bạn đọc. Cảm giác Lê Thành Nghị đã “ba cùng” với đối tượng được viết. Một tác phẩm được giải thưởng, dẫu là giải thưởng lớn mức nào, cũng không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định. Tôi không có ý định khen – chê cho đồng đều Bóng người trong bóng núi của Lê Thành Nghị. Nhược điểm dễ nhận thấy là tác giả đã duy tình và đôi khi lụy tình khi viết, đã trích dẫn thơ của bạn văn quá nhiều nên đôi khi làm khó cho độc giả. Có lẽ tiên lượng trước điều này nên trong Lời thưa tác giả đã “gài” sẵn rào đón rằng tập sách nhỏ này là “chân dung của một số nhà thơ... được vẽ bằng thơ của chính họ”. Biết trước thế nhưng cái cảm giác “quá tải” vì phải đọc nhiều thơ trích dẫn vẫn cứ ám thị độc giả, rồi tự thốt lên “giá như...”. Vẫn biết vì hai chữ “giá như” lịch sử đôi khi còn có thể thay đổi, huống hồ văn chương. Thôi thì, đành lòng vậy cầm lòng vậy. Thôi thì, có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ. Nhưng mà tĩnh tâm thì lại thấy, Bóng người trong bóng núi có cả hoa, có cả nụ đấy chứ./.

                                                            Hà Nội, đầu xuân Mậu Tuất, 2018

                                                                               BVT

(Bài đăng trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 28, ra ngày 3-3-2018)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *