NHỮNG MẢNH VỠ… SỐ PHẬN
BÙI VIỆT THẮNG - Nhà văn Cầm Sơn vừa ra mắt tập truyện ngắn Bùa ngải do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 3-2018. Trước Bùa ngải, Cầm Sơn đã trình làng tập truyện ký (thực ra có thể gọi là tập truyện ngắn vì có đến 10 truyện ngắn, chỉ có 2 ký) Đỗ quyên đỏ (NXB văn học, 2013) và tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng (NXB Hội Nhà văn 2013). Theo như chỗ tôi biết thì, nhờ hai tác phẩm văn xuôi nặng ký đó mà Cầm Sơn đủ tiêu chuẩn để được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, từ năm 2014. Riêng tập truyện ngắn và ký Đỗ quyên đỏ đem lại cho Cầm Sơn liền 3 giải thưởng: Giải thưởng hàng năm của Hội LHVHNT Phú Thọ, Giải thưởng Hùng Vương về VHNT (của tỉnh Phú Thọ, 5 năm một lần, 2000-2015) và của Hội LHVHNT Việt Nam, năm 2014. Một “cú đúp văn chương” ngoạn mục. Cầm Sơn trong một lúc vui đã “bật mí”, riêng số tiền thưởng cho Đỗ quyên đỏ tổng cộng tất cả là…57 triệu đồng. Niềm vui thắng lợi được nhân lên (dĩ nhiên không chủ yếu là tiền bạc mà là tinh thần). Tôi cũng đã viết bài phê bình về Xuyên qua cánh rừng in trên báo Văn nghệ. Mới đây Cầm Sơn trong một cuộc tao ngộ văn chương đã chia sẻ về một cuốn tiểu thuyết sẽ ra mắt độc giả nay mai, viết về truyền thống cách mạng và kháng chiến của quê hương...
Nhưng đọc Cầm Sơn, riêng tôi thấy ông có vẻ như “hạp” hơn cả với truyện ngắn. Vì sao? Vì truyện ngắn nghiêng về chú ý tới các “khúc đoạn” đời sống, tới những “tình huống” tiêu biểu, ở đó phát lộ các mối quan hệ xã hội ở những khía cạnh nổi bật nhất. Cầm Sơn là người nhanh nhạy phát hiện vấn đề. Là người vồ vập đời sống từ những hiện tượng tiêu biểu. Ông có cái khả năng “cưa lấy một khúc” đời sống, giống như người thợ rừng có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn cái vân gỗ mà biết được cả đời thảo mộc. Cũng phải thôi. Ông vốn là người của rừng. Đã từng xuyên qua cánh rừng mấy chục năm trời. Đã từng trên ghế Giám đốc một Công ty lâm nghiệp suốt 15 năm trời. Nghĩa là đã từng hát vang Bài ca người thợ rừng của nhạc sỹ Phạm Tuyên nổi tiếng một thời, khi mới vào nghề, khi tóc còn xanh, khi tuổi còn trẻ, khi chí còn bền. Nay thì khác rồi, rời rừng về phố thị, tự nguyện giam cầm mình trong một căn hộ ở chung cư, tuy không nhỏ nhưng vẫn cứ có cái cảm giác bị vây hãm, bó buộc. Nên muốn giải thoát, giải phóng, bay nhảy, phóng chiếu, chỉ còn cách cầm bút viết văn. Nghỉ hưu trước hai năm so với tuổi Nhà nước quy định, về Thủ đô lập nghiệp…văn chương. Có vẻ như đoạn cuối đời Cầm Sơn đi đúng đường. Có một câu lạc bộ văn chương tôi mới biết, và đã kịp gia nhập trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện – mang tên Câu lạc bộ Văn chương LÁNG HẠ: gồm Lương Ky, Cao Ngọc Thắng, Đăng Bẩy, Lã Thanh Tùng, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Việt Thắng, Cầm Sơn. Sắp tới sẽ “kết nạp” thêm một số hội viên mới như Nguyễn Quang Thuyên, Nguyễn Đình San,…Thật là vui như …văn chương. Trong câu lạc bộ này Cầm Sơn là “hoạt náo viên” bởi âm lượng của giọng nói (đã có người ví như “loa phường”!?). Bởi sự nhanh nhạy nhiệt tình với đồng nghiệp. Cái giọng ăn sóng nói gió ấy đi vào văn chương rất tự nhiên (cổ nhân nói “văn là người”, trong trường hợp này thật là đắc địa).
Trở lại truyện ngắn của Cầm Sơn trong tập Bùa ngải. Mười bảy truyện không phải hoàn toàn in lần đầu. Một số truyện đã đăng báo và được thử thách của dư luận (ví dụ như Sín Lủ, Bùa ngải, Chuyện tình người thợ mỏ, Mùa hoa tam giác mạch, đều đăng ở báo Văn nghệ, ký tên Nguyễn Đức Sơn). Nói truyện ngắn nhưng truyện của Cầm Sơn không ngắn (260 trang chia cho 17 truyện). Nhưng may mắn chưa rơi vào “lê thê” như một số cây bút viết truyện ngắn khác không có khả năng tiết chế. Vì thế mà truyện ngắn Cầm Sơn ít chú ý vào những “moment” (khoảnh khắc), mà chú ý tới chu trình nhân - quả của đời người. Nên cũng khó mà nén chặt vào trong vòng dăm bảy trang, trên dưới 5000 chữ như yêu cầu của báo chí khi đăng. Nổi lên trên từng trang viết là số phận con người. Nhưng không như những nguyên khối theo cách hình dung của những người dễ tính và đơn giản. Mà là những mảnh vỡ của số phận. Những số phận đủ cả tham sân si, ái ố hỉ nộ. Những số phận đủ cả cay đắng ngọt bùi, lên bổng xuống trầm, vinh quang và cay đắng…Còn nhớ, cách nay đã hơn bốn mươi năm, nhà thơ Việt Phương có viết một bài thơ lạ - NƠI GỪ (chữ NGƯỜI đập ra, xé ra, lắp lại). Những số phận thường không may mắn, không hề là của những “cậu ấm cô chiêu” hay những ai thành đạt như diều gặp gió vì là con ông cháu cha, hay là vì “lộc giời” do siêng năng cầu cúng ở các đền chùa quanh năm. Thường khi các nhà văn hoặc hay nhìn vào mặt được/ hoặc mặt mất của đời người rồi tô đậm ngòi bút vào “phía ấy”. Nhưng với Cầm Sơn thì ông tô đậm “phía không rìu” ( là nhan đề một truyện hay trong tập, với cấu tứ “cây thường đổ về phía không có vết rìu chém” ). Viết truyện ngắn, tôi thấy Cầm Sơn cố gắng đi tìm “cấu tứ” cho tác phẩm. Nhà văn Dạ Ngân có một ví von rất hay, xin nhắc lại, đại ý: viết truyện thiếu “tứ” khác nào một người đàn ông diện bộ complett rất model nhưng chân lại đi xăng – đan!? Tôi “nhặt” ra được những truyện có “tứ” hay trong tập: Phía không rìu, Thác Ấu Hùng, Mùa hoa tam giác mạch, Bùa ngải. Sẽ có người kêu lên “sao ít thế?”. Xin thưa, tỷ lệ 4/17 có “tứ” hay đã là thành công rồi đấy. Tất nhiên những truyện khác lại có được ưu điểm khác.
Cầm Sơn khi viết quan tâm đến quá trình hoàn lương của mỗi số phận. Đây không là đặc quyền của nhà văn. Nhưng khi viết mà nương tựa vào cảm hứng lớn đó thì tác phẩm sẽ không chệch hướng. Chuyên án CH-14 là một ví dụ. Sỹ quan điều tra dám thả cho tội phạm ra ngoài tự do để thuyết phục và kêu gọi đồng phạm ra đầu thú. Cả hai nhân vật (sỹ quan điều tra và tội phạm) đều như các nghệ sỹ xiếc biểu diễn trên dây. Đọc truyện này có những trang nghẹt thở, gây cấn và hồi hộp như xem phim hành động Mỹ. Rất may là tác giả không dấn sâu vào chuyện trinh thám. Căn cốt vẫn là tâm lý. Vẫn là nhân văn. Và ẩn tàng triết lý về số phận con người. Mà không riêng gì truyện này viết trực tiếp về quá trình hoàn lương của con người. Kể cả người bình thường, thì tiếng gọi của thiêm lương là rất cấp thiết và thường trực (các truyện Lá phiếu cuối cùng, Đêm trước phiên tòa). Nhưng dẫu họ là ai (sang hay hèn, trí thức hay lao động chân tay, người dân tộc nào trên dải đất hình chữ S), thì cũng đều trải qua “con đường đau khổ” để đấu tranh tự hoàn thiện bản thân mình. Vì thế truyện của Cầm Sơn gắn với vấn đề nhân cách trong đời sống (ánh sáng và bóng tối, hèn đớn và dũng cảm, nhân ái cao thượng và ác độc đê hèn, xả thân vì nghĩa lớn hay vị kỷ,…). Trong phạm trù nhân cách thì đức tin như là cốt lõi. Dường như trong tâm thức những nhân vật luôn canh cánh một nỗi niềm về đức tin ngày nay đang có nguy cơ bị xói mòn, tan rã. Nhưng đọc truyện Cầm Sơn, tuy kể rất nhiều chuyện chông gai, trái khoáy, đáng buồn nhưng kết cục bao giờ cũng “mở” về phía ánh sáng (Đêm trước phiên tòa, Lá phiếu cuối cùng là một ví dụ).
Văn Cầm Sơn ào ạt như thác lũ. Cũng vì thế đôi khi “nói” và “viết” cứ “nhoằng” vào nhau. Một lần tôi nêu nhận xét này và bất ngờ có nhiều bạn văn đồng tình. Văn của một người rất hoạt từ trong tư duy đến hành động. Nhưng có thể vì lúc nào cũng tốc độ nên đôi lúc thiếu đi những khoảng lặng cần thiết cho sự viết và sự đọc văn. Vì thế mà nhịp điệu (rythme) văn xuôi Cầm Sơn, tôi tạm gọi là “nhịp động” như ngựa phi “nước đại”. Câu chuyện được kể ra ngay từ đầu đã báo hiệu một lộ trình gấp gáp, sôi động, không ngưng nghỉ, quyết liệt, chói gắt (Giàng Sín Lủ là một ví dụ). Mỗi câu chuyện được kể ra khác nào một mũi tên đã lắp lên cung nỏ, nhất thiết phải được bắn đi tức thì để cắm vào hồng tâm trong chớp mắt. Ai thích cảm nhận thấu đáo sự sôi động của văn Cầm Sơn thì đọc những trang văn nhuốm màu sắc, mùi vị, âm thanh, đường nét của phong tục Lễ hội cầu trâu (truyện Ông Cầu, như một ví dụ). Đọc những trang văn này tôi có cái cảm giác mê man của người trong cuộc chứ không phải là những con chữ thuần túy theo lối đọc - hiểu như trong các đề Văn hằng năm mà học sinh lớp 12 phải đối diện khi làm bài thi vậy! Gần như là một kiểu “ văn hóa nghe – nhìn”! Là người của núi rừng nên đôi khi Cầm Sơn gieo hi vọng cho độc giả thưởng thức những trang văn nuột nà, óng ả về thiên nhiên miền rừng núi Tây Bắc. Nhưng về phương diện này ông có vẻ tiết kiệm đến quá mức. Đôi khi làm độc giả thất vọng. Dường như nhà văn chỉ chú ý kể chuyện về “người” mà nhẹ về tả “cảnh”. Nghĩa là vẫn thiên về mặt “xã hội” mà nhẹ về mặt “tự nhiên”. Ngay như truyện Mùa hoa tam giác mạch, cũng chỉ vẻn vẹn một câu kết là có vẻ “chạm” đến thiên nhiên mà thôi (“Phía sau nhà, nương hoa Tam giác mạch đang nở rộ đỏ hừng lên dưới nắng trời rực rỡ”). Thế mà có bao nhiêu người miền xuôi đã bỏ biết bao thời gian, công sức và tiền bạc để lên vùng cao thưởng ngoạn vẻ đẹp của loài hoa quý này. Nhưng đã là cái “tạng” văn rồi thì khó thay đổi. Đúng là “non sông dễ đổi bản tính khó dời”!
Thêm một nhận xét nữa về truyện ngắn Cầm Sơn trong cả hai tập như đã nêu ở trên: Nếu mỗi truyện được in ra riêng rẽ trên báo chí thì “đứng” được. Nhưng khi đưa vào đội hình của một tập thì lại có vấn đề. Vấn đề gì vậy? Giống như trong bóng đá – nhiều cầu thủ giỏi riêng lẻ nhưng khi tuyển vào một đội chưa chắc đã là một tập thể mạnh, tạo nên lối đá tổng lực, đầy hiệu quả. Và vì sao nữa? Vì cần phải có một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, móc nối, liên lạc giữa các truyện. Sợi chỉ đỏ này trong cả hai tập còn chưa thật “đỏ” mà mới “đo đỏ”. Nghĩa là giữa các truyện còn thiếu một thứ keo dính – keo đời nhuần nhuyễn với keo văn. Tuy nhiên viết giới thiệu một tập truyện ngắn mới của Cầm Sơn mà tỉ mỉ như thế e rằng đi quá sâu vào chuyện “bếp núc văn chương”. Nhưng mà đành lòng vậy cầm lòng vậy! Tôi tin Cầm Sơn là người hào hiệp khi cho và nhận.
Không gì thay thế được việc đọc trực tiếp tác phẩm văn chương. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị độc giả gần xa sáng tác mới của nhà văn Cầm Sơn với một nhan đề rất gợi – Bùa ngải./.
Hà Nội, tháng Ba, năm 2018