TỰ SỰ HỌC-NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI NHẤT
Ý thức một cách sâu sắc tầm quan trọng của tự sự trong đời sống và nghệ thuật, các học giả trên thế giới và ở Việt Nam đã có những nghiên cứu chuyên sâu từ khái quát tổng thể đến chi tiết từng trường hợp.
Từ những năm 60 của thế kỉ XX, tự sự đã trở thành một ngành khoa học – Tự sự học với những tên tuổi lừng danh như G. Genette, R. Barthes, T. Todorov, A. Greimas, J. Culler… cùng với sự hồi sinh một cách rực rỡ của các nhà tự sự học Nga như: V. Shklovski, B. Tomashevski, V. Propp, M. Bakhtin, J.U. Lotman,… Từ Âu Mĩ sang Đông Âu, đến Châu Á với các học giả Trung Quốc như Dương Nghĩa, Trần Bình Nguyên, Triệu Nghị Hành, La Cương,… tự sự học cho thấy khả năng bao quát và diễn giải các hoạt động giao tiếp nghệ thuật của con người.
Trước sự lớn mạnh của ngành khoa học này, ở Việt Nam, Giáo sư Trần Đình Sử cùng các cộng sự đã có những nghiên cứu chuyên sâu, trong thời gian dài để cho ra mắt công trình Tự sự học – Lí thuyết và ứng dụng (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, 2017). Có thể nói, đây là bộ sách tập trung các nghiên cứu căn bản và mới nhất về tự sự học trên thế giới.
Công trình Tự sự học – Lí thuyết và ứng dụng dày 640 trang, chia làm ba phần. Phần một: Tự sự học kinh điển. Phần hai: Tự sự học hậu kinh điển. Phần ba: Tự sự học ứng dụng và phụ lục: thuật ngữ tự sự học.
Phần một: Tự sự học kinh điển được xây dựng trên nền tảng của thuyết cấu trúc mà khởi thủy là những nghiên cứu ngôn ngữ của F. Saussure. Những quan tâm của tự sự học kinh điển tập trung vào mô hình ngữ pháp tự sự, diễn ngôn tự sự cùng các vấn đề sự kiện, nhân vật, điểm nhìn, thời gian trần thuật, không gian trần thuật, văn bản trần thuật và đọc tự sự,… Có thể nói, bằng sự khái quát trên bình diện rộng từ Âu Mĩ sang Đông Âu – Nga và Trung Quốc, xoáy vào các trọng điểm trong quá trình nghiên cứu tự sự học kinh điển, các tác giả cuốn sách Tự sự học – lí thuyết và ứng dụng đã mang đến cái nhìn vừa có tính hệ thống vừa có tính chuyên sâu.
Theo đó, tự sự học kinh điển đặt nền móng cho những diễn giải về cấu trúc tự sự, về chủ thể lời nói, tác giả lời nói, sự kiện như là quá trình dịch chuyển của nhân vật qua các trường nghĩa, lời người kể đáng tin cậy và không đáng tin cậy, sự khác biệt của điểm nhìn và thế giới quan, điểm nhìn toàn tri hay điểm nhìn hạn tri, bản chất của các ngôi kể trong giao tiếp, sự lai ghép của các văn bản trong cấu trúc tự sự,… Người đọc, nhất là những người nghiên cứu chuyên sâu sẽ tìm thấy ở đây bộ công cụ cho những diễn giải về văn chương tự sự nói riêng và các hình thức tự sự nói chung trong đời sống và nghệ thuật.
Phần hai: Khắc phục những giới hạn của tự sự học kinh điển, tự sự học hậu kinh điển ra đời đã bổ khuyết vào bức tranh nghiên cứu tự sự học thế giới. Theo đó, nếu tự sự học kinh điển tập trung vào văn bản thì tự sự học hậu kinh điển tập trung vào ngữ cảnh. Tự sự học kinh điển chú ý ngôn ngữ, tự sự học hậu kinh điển chú ý đến lời nói. Tự sự học kinh điển hướng đến cái tĩnh, đóng kín thì tự sự học hậu kinh điển xem xét quá trình mở và động. Tự sự học kinh điển có tính thống nhất tương đối thì tự sự học hậu kinh điển hướng đến liên ngành và tiếp cận không đồng nhất,…
Trong những khái quát và phân tích của các tác giả cuốn sách, những phạm trù làm nổi rõ đặc tính và diện mạo của tự sự học hậu kinh điển là tự sự học nữ quyền, tự sự học tri nhận, tự sự học lịch sử, tự sự học đa phương tiện, tự sự học theo hướng tân tu từ và kí hiệu học văn hóa,… Những bình diện nghiên cứu này rõ ràng đã mở ra những khả năng cho diễn giải văn học, văn hóa và các hình thức giao tiếp khác của đời sống, nghệ thuật. Bộ công cụ mới hẳn nhiên xuất hiện, giúp người đọc và các nhà nghiên cứu có được chìa khóa cần thiết cho quá trình tiếp cận các trường hợp cụ thể cũng như các hệ thống có tính loại hình.
Phần ba: Tự sự học ứng dụng. Phần này đem đến cho công chúng cái nhìn sâu hơn vào thực trạng nghiên cứu tự sự học ở Nga, Trung Quốc và Việt Nam. Theo đó, bức tranh nghiên cứu tự sự có những dịch chuyển vừa mang tính toàn cầu vừa mang màu sắc bản địa qua các trường hợp tiểu thuyết cổ điển Nga thế kỉ XIX, T. Chekhov, N. Gogol, F. Dostoievski, M. Lermontov,… Ở Trung Quốc, các học giả cũng chú ý đến các trường hợp như Tả truyện, Tự sự Tiên Tần, Tiểu thuyết cổ điển, Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa, Lỗ Tấn,… với các vấn đề về tự sự học không gian, nghệ thuật tự sự, mô hình trần thuật, độc lập văn bản,…
Ở Việt Nam, ngoài các công trình dịch thuật lí thuyết và thực hành nghiên cứu tự sự học Âu Mĩ, Nga, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã chú ý đến các trường hợp văn học thế giới như Người tình (M. Duras), Đi tìm thời gian đã mất (M. Proust), Bọn làm bạc giả (A. Gide),… Đối với các tác phẩm của Việt Nam, Truyện Kiều là một trường hợp nghiên cứu điển hình về tự sự học với công trình của Trần Đình Sử (Về mô hình tự sự Truyện Kiều). Ngoài ra, các nghiên cứu chuyên sâu theo hướng tự sự học về Nỗi buồn chiến tranh hay truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm của Đặng Thân,… cũng được chú ý. Với những ứng dụng này, tự sự học đã bám rễ vào đời sống văn chương học thuật Việt Nam theo một cách khả quan: thâm nhập thực tiễn sáng tạo văn chương nghệ thuật. Chính từ đó, tương lai của lí thuyết dường như được hứa hẹn.
Phần Phụ lục với các thuật ngữ tự sự học được chú giải kĩ lưỡng sẽ đem đến cho công chúng và các nhà nghiên cứu những tham chiếu có tính thống nhất về các khái niệm, thuật ngữ thông dụng.
Có thể nói, Tự sự học – lí thuyết và ứng dụng do Giáo sư Trần Đình Sử cùng cộng sự thực hiện cho đến nay là công trình bao quát nhất về lịch sử, quá trình, các trường phái, đại diện của tự sự học thế giới. Từ kinh điển đến hậu kinh điển không hàm chứa trong đó sự phủ định mà hiện lên tính chất bổ khuyết, làm đầy đủ và sâu sắc hơn nhận thức về tự sự. Ở đó, nơi các lí thuyết ngưng đọng hoặc đang vận động, câu chuyện về quá trình giao tiếp cùng khả năng diễn giải các mô hình giao tiếp trong đời sống và trong nghệ thuật dường như có thể tìm thấy một quy luật, một đề xuất về sự diễn dịch hay những đòi hỏi đa dạng hơn bởi tính phong phú của thực tiễn. Những khả năng của lí thuyết, như vậy, vẫn luôn mở ra ở phía trước.
N.T.T
Nguồn: Văn nghệ Quân đội