Tin tức

4/5
9:45 PM 2018

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ “DI SẢN TƯ TƯỞNG CÁC MÁC VÀ Ý NGHĨA THỜI ĐẠI”

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Các Mác (5-5-1818/2018), ngày 4-5-2018 tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại”.

Lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 100 bài tham luận của các nhà khoa học, trong đó có 26 tham luận của các nhà khoa học quốc tế. Tất cả đều khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng trong di sản tư tưởng của Các Mác; khẳng định ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác đối với cách mạng thế giới và Việt Nam; góp phần làm rõ thêm những điểm cần bổ sung, phát triển tư tưởng Các Mác trong thời đại ngày nay...

Cách đây 200 năm, ngày 5-5-1918, Các Mác (Karl Marx) - một nhân cách vĩ đại, nhà lý luận thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã chào đời tại Tơ-ri-vơ (Trier) thuộc nước Phổ. Các Mác nổi bật về trí thông minh và lòng vị tha, yêu thương con người; đức tính giản dị và tấm lòng nhiệt huyết; ý chí vươn lên và năng lực lao động phi thường; lòng can đảm và sự khoan dung, độ lượng. Cuộc đời và những di sản tư tưởng của Mác đã đi vào lịch sử nhân loại với vị trí kiệt xuất trong hàng ngũ những vĩ nhân. Các Mác đã để lại cho nhân loại một kho tàng tri thức đồ sộ và phong phú ở nhiều mặt, trên nhiều lĩnh vực như: Triết học, xã hội học, kinh tế học, lịch sử, pháp lý, chính trị... Đó là kết quả của sự lao động quên mình, niềm say mê nghiên cứu khoa học, tiếp thu có phê phán, vượt qua cả những thiên tài xuất sắc trước ông. Đó còn là kết quả của sự tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận về phong trào công nhân châu Âu cực kỳ sôi động lúc bấy giờ. Nhưng trên hết và trước hết, đó còn là sự sáng tạo tuyệt vời của một bộ óc thiên tài, một bậc vĩ nhân, có ảnh hưởng to lớn nhất trong mọi thời đại của nhân loại. Đặc biệt, với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Các Mác đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa.

 Các tham luận đã chỉ ra rằng, chính sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng đã làm cho tư tưởng của Các Mác có ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tư tưởng của Các Mác đã đem lại cho nhân loại tiến bộ một thế giới quan và phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới, soi sáng vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân với tư cách là lực lượng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, thay thế xã hội tư bản.

Các nhà khoa học cũng đặc biệt nhấn mạnh sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nhờ vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa  Mác, các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đã đạt được những thành tựu quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, qua đó khẳng định tính đúng đắn và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác. Đặc biệt, vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào điều kiện lịch sử cụ thể ở nước Nga, Lênin đã bổ sung, phát triển, tạo nên giai đoạn Lênin trong sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác và hình thành nên chủ nghĩa Mác-Lênin, làm nên thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917.

Đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân và toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành cách mạng thành công, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nỗ lực xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Bun Thưa Khưa Mi Say, Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Lào nhấn mạnh: Lý luận Mác là hệ thống hoàn chỉnh, vững chắc nhất, chứng minh sự nghiệp giải phóng loài người là thống nhất với sự nghiệp giai cấp công nhân; coi giải phóng giai cấp công nhân là trọng tâm của sự nghiệp giải phóng nhân loại.

Với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, kể từ khi Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập, Đảng đã coi Chủ nghĩa Mác- Lênin là nền tảng tư tưởng lý luận của mình, coi con đường xã hội chủ nghĩa độc lập quốc gia gắn với chủ nghĩa xã hội; nhất quán lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng và nhân dân, là kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Lào, đưa đất nước Lào tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống nhân dân Lào. Từ đó có thể khẳng định, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn mang tính khách quan, có ý nghĩa sống còn với sứ mệnh của đất nước.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã phân tích, trong bối cảnh hiện nay, cách mạng khoa học – công nghệ và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhân loại đang bước vào cách mạng công nghiệp 4.0; chủ nghĩa tư bản đã và đang tự điều chỉnh; nhiều vấn đề mới nảy sinh… chính vì vậy, các nhà khoa học đã chỉ ra sự cần thiết phải tiếp tục bổ sung, phát triển tư tưởng của Các Mác trong thời đại ngày nay. Mặc dù các lực lượng thù địch dùng nhiều thủ đoạn chống phá, bôi nhọ, xuyên tạc, thậm chí tìm mọi cách phủ nhận, nhưng tư tưởng của Các Mác cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn phát triển, vẫn tràn đầy sức sống, vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học của hàng triệu người trên trái đất.

Trong thời đại công nghệ, hệ tư tưởng của những người cộng sản đã bị các thế lực thù địch thường xuyên tấn công, xuyên tạc, bóp méo chủ nghĩa Mác - Lênin với nhiều cách thức tinh vi hơn.

Vì vậy, việc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch ấy cần phải được triển khai trên mọi phương diện, mọi mặt trận, với những hình thức phong phú, đa dạng. Trước hết phải nghiên cứu một cách cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, để phân biệt đâu là những nguyên lý, quy luật, nội dung mang giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin; đồng thời nghiên cứu, vận dụng, bổ sung, phát triển tư tưởng của Các Mác phải dựa trên tinh thần biện chứng chứ không được giáo điều, sơ cứng; phải linh hoạt theo từng điều kiện thực tiễn của mỗi quốc gia, dân tộc.

Cùng với đó, việc nghiên cứu đầy đủ những luận điều chống phá của các thế lực thù địch, để bóc trần thực chất tính phi khoa học, bóc trần động cơ chính trị không lành mạnh của những thế lực thù địch là rất quan trọng. Muốn vậy, đòi hỏi cần có thêm nhiều bài viết nêu cụ thể những luận điểm chống lại các luận điểm sai trái một cách bài bản, thuyết phục hơn; đồng thời tuyên truyền, rộng rãi những bài viết chống phá lại các thế lực thù địch trong toàn Đảng, toàn xã hội. Đảng ta đã khẳng định, chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho mọi hành động cho nên chúng ta phải bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phải kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm hết sức cần thiết. Việc vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể, làm cơ sở để bổ sung, hoàn thiện chủ nghĩa Mác;mặt khác những luận điểm nào không còn phù hợp, bị thực tiễn bỏ qua thì cần bổ sung, phát triển làm cho chủ nghĩa Mác luôn có sức sống, luôn luôn được vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới là một trong những việc quan trọng để bảo chủ nghĩa Mác.

(Theo:dangcongsan.vn)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *