Tác phẩm và dư luận

13/4
6:57 PM 2018

VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI-ĐAVID MITCHELL-TRUY VẤN NHÂN LOẠI: MỘT HÀNH TRÌNH VĂN HỌC TÀN NHẪN VÀ TỈNH TÁO

Zét Nguyễn-Là nhà văn duy nhất từng lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2007, và từng giành giải thưởng British Book Award và chung khảo giải thưởng Booker năm 2004, cùng vô số giải thường khác, David Mitchell là cây viết xuất sắc của văn học đương đại Anh có những tác phẩm đồ sộ nhưng lại luôn hiện diện trong danh sách bán chạy nhất.

Văn chương của ông là một thế giới đa âm cũng những chuyện kể lôi cuốn xuyên nhiều thế kỷ và lục địa, nơi tác giả tiến hành quá trình phân tích bản chất nhân loại bằng một thứ văn chương đem lại khoái cảm đọc hiếm có.

 

Nhân loại? Hay “người là chó sói với người”

 

Tiểu thuyết của Mitchell, trước hết, là một tham vọng cực lớn, tỉnh táo và tàn nhẫn trong việc định dạng bản tính người.  Đúng như một nhân vật của ông đã nói, thế giới con người là địa bàn của kẻ mạnh và nơi kẻ yếu dễ dàng trở thành là mồi ăn. Rất nhanh chóng, con người trở thành nạn nhân của lòng tham không kiểm soát của chính mình. Khía cạnh nổi bật nhất trong “Bản đồ mây” chính là điều Mitchell tiên đoán, rằng với sự kết hợp của công nghệ, chúng ta tiến tới, với tốc độ chóng mặt không thể kìm hãm, sự suy tàn của giống người.

Chủ đề này, được ông triển khai, bằng cách xây dựng một mô típ tưởng chừng vô nghĩa, một vết bớt hình sao chổi ở các vị trí khác nhau trên cơ thể các nhân vật chính, và cho các nhân vật này tái sinh ở một loạt các kiếp, nhằm khẳng định một sự nhất quán về nhân loại. Vượt lên khỏi sự riêng lẻ mà con người hiện đại ngày càng hướng tới, Mitchell lưu ý cho độc giả, như ông nhiều lần nói trong các bài phỏng vấn, rằng chúng ta gắn kết với nhau nhiều hơn mình tưởng, rằng cái ảo tưởng mỗi cá nhân là một hòn đảo riêng lẻ nhanh chóng bị tiêu tan và trên hết là sự liên hệ như các quần đảo với nhau. Và từ đó, trong một loạt chuyện kể về những kẻ thủ ác trong các hình hài khác nhau tấn công và sát hại không ghê tay các cá nhân khác để thỏa mãn tham vọng, “Bản đồ mây”, như chính tác giả hé lộ, là một câu chuyện chân thực đến rợn ngợp về “tính săn mồi”, nơi cá nhân săn cá nhân, nơi tộc người săn tộc người, nơi nhà nước săn cá nhân trong nhà nước.

“Đồng hồ xương”, mặt khác, lại là cuốn tiểu thuyết hòa quyện giữa hiện thực và fantasy mà tác giả luôn biết cách điều tiết hai đối lực để khai thác chính cái nhị nguyên rất cơ bản của loài người: Thiện-Ác. Về cơ bản, “Đồng hồ xương” là một cuộc giằng co qua nhiều thế kỷ, của hai thế lực, Ẩn Sỹ và Trắc thời Sỹ, của thế lực đen tối muốn cho cái đồng hồ xương của những bệnh tật chết chóc trong cơ thể con người dừng lại, với thế lực những người linh hồn có khả năng tái sinh vạn kiếp. Mitchell ở tiểu thuyết này đi sâu khai thác sự đối lập giữa lòng tham và vị tha, giữa khả năng hoàn lương và việc bán linh hồn cho quỷ dữ. Ông tiếp tục đào sâu vào bản chất quan hệ người với người, và trả lời cho câu hỏi đã đề ra ở “Bản đồ mây”, liệu người là chó sói đối với người, hay vẫn còn tồn tại ở đâu đó, một chút đức tính hy sinh?

 

Những câu chuyện soi gương vào nhau

 

David Mitchell là nhà văn của một thể loại đặc biệt. Trong tổng số 7 tiểu thuyết đã xuất bản của ông, thì có đến 4 được viết theo dạng tập hợp truyện dài. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi vì sao luôn chọn lối viết đó, Mitchell cho biết, khởi đầu giai đoạn tập viết nên ông chỉ viết được mỗi truyện dài như vậy. Nhưng phương pháp viết như vậy không chỉ ở giai đoạn non trẻ, mà chính là nơi Mitchell xây dựng phong cách riêng và rèn dũa để trở nên điêu luyện.

Điểm sáng lòa nhất ở “Bản đồ mây” là cấu trúc của truyện, như chính tác giả tâm sự, ông muốn viết một cuốn sách bao trùm tất thảy, một cuốn sách như những con búp bê Matryoshka của truyện lồng trong truyện lồng trong truyện. Mitchell cho hay ông đã học tập “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của Italo Calvino với kỹ thuật đứt đoạn dòng truyện kể, nhưng tiến xa hơn chủ nghĩa hậu hiện đại, khi ngắt chúng ngay ở cao trào, và cho chúng soi gương với nhau qua một phần ở chính giữa, để cho người đọc lại đọc theo cái trình tự được đảo ngược, biến tiểu thuyết thành một xê ri những chuyện kể nối tiếp nhau nhau, nơi khởi đầu lại chập làm một với kết thúc.

Vẫn lấy cấu trúc 6 truyện dài như “Bản đồ mây”, nhưng như chính lời tác giả rằng mỗi cuốn sách như một đứa con với cá tính riêng biệt, “Đồng hồ xương” lại kể 6 câu chuyện từ ngôi thứ nhất xưng “tôi” của các nhân vật khác nhau, dàn trải từ một đợt nóng mùa hè nước Anh năm 1984, đến thế giới tận thế ở Ireland năm 2043. Thay vì đặt một chiếc gương soi như ở “Bản đồ mây”, tiểu thuyết này dùng một nhân vật làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt là Holly Sykes.

Các tiểu thuyết của David Mitchell, như ông mong muốn, thuộc về một thứ gọi là “siêu sách,” một vũ trụ bao trùm tất cả nơi các cuốn sách cùng nhau cư ngụ, như Trung Địa của J.R.R Tolkien, ở đó các chủ đề được lặp lại, ở đó các nhân vật của tiểu thuyết này lại xuất hiện trong tiểu thuyết kia. Hugo Lamb của “Đồng hồ xương” đã từng xuất hiện trong “Làng thiên nga đen”, Ed Brubeck làm việc cho tạp chí Spyglass nơi Luisa Rey của “Bản đồ mây” từng làm phóng viên, còn Crispin Hershey nhà văn thì chính là tác giả của “The Voorman Problem” từ tiểu thuyết “number9dream”.

 

Khi hài hước nhẹ nhàng, khi đen tối tận thế

 

Khi bàn về nghệ thuật tiểu thuyết, David Mitchell cho rằng trong một câu chuyện có năm thành tố chủ chốt, đó là: ý tưởng, cốt truyện, nhân vật, cấu trúc, và phong cách. Và chính bằng kỹ xảo của người tung hứng khéo léo, Mitchell nhào trộn, gia giảm, biến hóa các yếu tố này để tạo thành một kính vạn hoa của những phong cách khác nhau. Trí tưởng tượng phong phú, kết hợp với khả năng bắt chước và sáng tạo lại các thể loại văn chương, đi cùng với một bộ sưu tập các nhân vật đa dạng, và những lớp lang: Mitchell đưa người đọc qua những chuyến du hành về phong cách.

Quẳng độc giả vào những bất ngờ khôn tả, không hề rào đón, David Mitchell lẳng lặng giăng ra một mê cung những zic zắc giao nhau ở những điểm nút bất ngờ nhất. Ở “Bản đồ mây”, đó là một sự nhảy cóc chuyển đổi linh hoạt từ hình thức tới nội dung: Khi du ký thời kỳ Victoria, khi tiểu thuyết viết dưới hình thức thư từ, khi tiểu thuyết trinh thám giật gân, khi lại là tiểu thuyết hài, khi thì khoa học viễn tưởng phản địa đàng, khi thì lại tiểu thuyết tận thế. Còn ở “Đồng hồ xương”, chính cách tưởng tượng các nhân vật đang viết một bức thư cho chính mình, bằng chính cái giọng chỉ của riêng từng người, tác giả đã viết được những câu chuyện bằng đủ các loại giọng điệu biến hóa khôn lường đến vậy, nhưng tất cả lại gói gọn trong một cuộc phiêu lưu đầy yếu tố kỳ ảo. Đó là nhật ký tâm tình của một Holly 15 tuổi bỏ nhà theo trai rồi dấn thân vào phiêu lưu vô định; đó là tự thuật của Hugo Lamb, sinh viên đại học Cambridge, chuyên lừa đảo với ăn chơi trác táng; đó là chuyện đời của một nhà văn nổi loạn của văn đoàn Anh quốc Crispin Hershey; và đó là văn học fantasy của thế giới tương lai vào năm 2025; hay đó là thế giới tận diệt khi cạn kiệt mọi tài nguyên.

Văn bản của Mitchell chuyển đổi từ thể loại này sang thể loại kia, lấy hàng loạt bối cảnh từ Âu sang Á, và đi cùng chúng là sự thay đổi sắc tộc cũng như nghề nghiệp, cá tính, gia đình. Ở bất cứ thể loại nào, độc giả cũng bắt gặp một sự nhuần nhuyễn tuyệt đối: Khi hài hước nhẹ nhàng, khi nhanh gọn hình sự, khi đen tối tận thế. Tất cả được gói ghém bằng kế hoạch dàn dựng, và triển khai vô cùng tinh xảo.

 

Không thể ngừng lật trang

 

David Mitchell là một trong những nhà văn đương đại sở hữu khả năng kể chuyện bậc thầy, đem lại khoái cảm đọc thuần túy. Các câu chuyện mà Mitchell kể, trước khi hướng đến bài học nào đó, tồn tại như chuyện kể đơn thuần hớp hồn độc giả. Hơn cả thế, nhà văn còn tạo ra những liên văn bản quấn quýt khi chúng liên tục gợi nhắc đến nhau và gợi nhắc đến những văn bản bên ngoài tiểu thuyết và tạo kích thích liên tưởng ở người đọc. Chẳng hạn như, ở “Bản đồ mây”, như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, phần của Adam Ewing gợi tới “Súng, Vi trùng, và Thép” của Jared Diamond, hay Sự khổ nạn của Cavendish với bà y tá như bước ra từ “Bay trên tổ chim cúc cu” hay nhà báo điều tra Luisa Rey thì là lấy cảm hứng phim truyền hình điều tra hình sự của Mỹ những năm 1970. Còn ở “Đồng hồ xương” thì phần về nhà văn Crispin Hershey như là bức tranh sống động dựa trên nguyên mẫu là văn hào Martin Amis, và tạo nên trải nghiệm đọc thú vị khi độc giả tiếp xúc với “Tiền”, tác phẩm nổi tiếng nhất của Amis.

Nhưng chính ở khả năng biến hóa như tắc kè hoa này, Mitchell cũng ít nhiều bộc lộ điểm yếu: Không phải phần nào ông kể cũng đều tay và xuất sắc như nhau. Chẳng hạn ở “Đồng hồ xương”, phần kể về cựu nhà báo chiến trường Iraq Ed Brubeck, cho dù đã cố lồng ghép những trải nghiệm chiến tranh tàn bạo và sự kiện đứa con gái bị mất tích, vẫn hơi nhạt nhẽo.  Hoặc ở “Bản đồ mây”, phần truyện trinh thám của Luisa Rey non tay hẳn so với các phần khác, bởi đầy các lỗ hổng trong xây dựng vụ án.

Tuy vậy, xuyên suốt tiểu thuyết của David Mitchell là một đặc trưng quan trọng: Mặc cho những trang viết ken dày chữ, chúng vẫn khiến độc giả liên tục lật trang. Trong quá trình sáng tác, Mitchell lúc nào cũng tuân thủ một nguyên tắc: Phải trả lời bằng được câu hỏi, tại sao độc giả lại muốn đọc sách của ông. Để đáp trả lại khoảng thời gian mà độc giả đã đầu tư vào tác phẩm của mình, Mitchell quyết tâm đem lại cho mỗi người một trải nghiệm đọc đặc biệt, khi được quay trở về nơi bắt đầu của chuyện kể: được nghe một và nhiều hơn một, câu chuyện hấp dẫn.

Nguồn Văn nghệ số 15/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *