NGƯỜI MẸ VÀ TUỔI THƠ ĐẦY GIÔNG BÃO
Nhà văn Phillip Larkin và mẹ - Ảnh: The Guardian |
Trong số đó, phải kể đến một số cây bút như: John Ruskin, Philip Larkin, Ian McEwan, Samuel Beckett,… Họ đã kể về tuổi thơ và hình ảnh người mẹ không được ngọt ngào như mong muốn trong cuốn tự truyện của mình và qua đó họ cũng chia sẻ các câu chuyện dạy con từ những điều mình từng trải nghiệm.
Bà mẹ thích áp đặt
John Ruskin là nhà phê bình nghệ thuật người Anh hàng đầu của thế kỉ 19. Ông cũng là một nhà bảo trợ nghệ thuật, nhà soạn thảo, họa sĩ, nhà tư tưởng nổi tiếng và cũng là một nhà hảo tâm. Tuy vậy, Ruskin từng phải trải qua một tuổi thơ không mấy êm đềm.
Ruskin kể rằng khi mới được sinh ra, mẹ ông đã “hiến dâng con mình cho Chúa”. Cả tuổi thơ của Ruskin bị đánh đập và chỉ được học kinh thánh. Đồ chơi gần như không có và Ruskin chỉ biết chơi với những chiếc chìa khóa mà thôi. Khi lớn lên, Ruskin theo học đại học Oxford nhưng cũng không thoát khỏi người mẹ của mình. Mẹ ông theo ông tới Oxford, thuê một căn nhà đối diện trường và không cho Ruskin giao du với các bạn đại học. Ông phải về nhà ăn tối và ngủ ở nhà mỗi đêm.
Người mẹ của Ruskin luôn muốn được sống cùng con trai. Bà có sở thích ra lệnh cho con mình, và không ngừng làm điều ấy cho đến khi qua đời năm 1871 ở tuổi 90. Bà tin rằng, sự thanh thản chỉ có thể được tạo ra thông qua nỗi sợ hãi và áp dụng điều ấy với con mình.
Ảnh hưởng về tâm lí
Một tác giả khác cũng có tuổi thơ “giông bão” không kém là Samuel Beckett. Ông là nhà văn, nhà viết kịch người Ireland từng đoạt giải Nobel văn học năm 1969. Mẹ của ông, bà Maria Jones Roe, có xu hướng lạm dụng quyền lực của mình lên các con. Điều đó khiến Beckett khi nhỏ gặp phải nhiều vấn đề về cả tâm, sinh lí như “toát mồ hôi trộm, hoảng loạn, viêm màng phổi, mất ngủ và gặp vấn đề về tiểu tiện”. Việc lạm dụng quyền lực của người mẹ ảnh hưởng sâu đến Beckett. Ông luôn sống trong trạng thái lo lắng, tức giận, rượu chè cho đến mãi về sau này, tình hình mới cải thiện phần nào.
Tuổi thơ vắng mẹ
Nhà văn nổi tiếng người Anh Ian McEwan là tác giả của rất nhiều cuốn sách với những giải thưởng lớn như: Amsterdam (Giải Man Booker 1998), Atonement (Chuộc tội, Giải WH Smith 2002) và On Chesil Beach (Trên bãi biển Chesil, Giải sách Anh Quốc 2008). Ông và anh trai có cuốn tự truyện kể về câu chuyện cảm động về gia đình mình với tên gọi: Complete surrender (Cho không).
Năm 1942, Rose Wort, mẹ nhà văn trót mang thai với David McEwan trong khi chồng bà, là một người lính Anh đang ở ngoài mặt trận. Không còn cách nào khác, sau khi sinh con ra, bà phải dứt lòng đem cho đứa bé nhằm giấu kĩ mối tình bí mật của mình. Năm đó, trên tờ báo địa phương The Reading Mercury, bà rao mẩu tin ngắn: “Wanted home for baby boy, age 1 month; complete surrender” (Cần bố mẹ nuôi cho một bé trai sơ sinh một tháng tuổi. Cho không hoàn toàn). Đứa bé được hai vợ chồng Rose và Percy Sharp nhận nuôi và đặt tên là David Sharp.
Năm 1944, chồng chết trận, bà Wort tái hôn với David McEwan. Đứa con trai thứ hai của họ - Ian McEwan ra đời năm 1948. 14 tuổi, David Sharp phát hiện ra mình là con nuôi và ông đã lần theo lời kể của bố mẹ nuôi để tìm ra gia đình mình. 46 năm sau, David Sharp tìm được mẹ, nhưng lúc này bà Wort bị mắc bệnh Alzheimer và không thể kể lại những gì đã xảy ra hơn 60 năm trước.
Một người dì đã kể lại câu chuyện đau lòng này. Hai anh em họ gặp nhau, và David Sharp triển khai viết một cuốn sách về tuổi thơ mình. Anh đề nghị em trai chắp bút, “nhưng cậu ấy nói, đó là câu chuyện của tôi, vì thế tôi nên tự tay viết ra” sau đó em trai cùng chỉnh sửa, hoàn thiện tạo nên cuốn tự truyện về gia đình.
Quá khứ, người mẹ và tuổi thơ cho dù không trọn vẹn, thậm chí nhiều hà khắc nhưng những điều này lại phần nào là yếu tố quan trọng trong việc sáng tác của các nhà văn sau này. Và các cuốn tự truyện chính là lát cắt nhỏ giúp người đọc hiểu hơn về họ.
BÌNH NGUYÊN theo The Guardian
Nguồn: Văn nghệ Quân đội