DANH NHÂN THI SĨ-HÀN NHO NGUYỄN BỈNH KHIÊM
1/ Con người chính khách của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm 1491, mất 1585, tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông là người có tư chất thông minh khác thường, lên một tuổi đã nói sõi, 5 tuổi được mẹ dạy cho kinh sách, truyền miệng cho thơ văn chữ Nôm,..
Nhưng mãi đến đời vua Mạc Đăng Doanh, 1535, khi ông 45 tuổi mới ra thi, đỗ Trạng nguyên và được phong tước Trình Tuyền hầu nên dân gian gọi ông là Trạng Trình. Sau đó ông ra phò tá cho nhà Mạc được 8 năm, rồi xin về quê dạy học và vui với thú điền viên.
Trước khi qua đời ở tuổi 95, đây là tuổi thọ hiếm thấy đối với người đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn dâng sớ lên vua nhà Mạc: “... Thần tính độ số thấy vận nước nhà đã suy,.. xin nhà vua hết lòng tu nhân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng, trong sửa sang văn trị, ngoài chuyên cần võ công, may ra giữ được cơ nghiệp tổ tiên, thì thần chết cũng được thỏa lòng,...”.
Giáo sư Vũ Khiêu đánh giá về việc Nguyễn Bỉnh Khiêm đã quyết định đi theo phò tá triều Mạc mà không phải là nhà Lê như sau: “Vì sao nhà trí thức kiệt xuất này, suốt cuộc đời cho đến lúc gần 50 tuổi vẫn nhất định không chịu đi thi, không chịu cộng tác với nhà Lê, không nhận bất cứ công việc gì của nhà Lê để cuối cùng chọn Mạc Đăng Dung như minh chủ của mình?... Tấm lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm và thái độ của ông do chính ông tự tay viết ra và còn để lại đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc vô căn cứ về ông. Những lời tâm huyết trong thơ của ông khiến người đời sau phải suy nghĩ vì sao ông lại gắn bó với Mạc Đăng Dung và triều Mạc đến thế.”
Chúng ta cần nhớ rằng, sau khi Nguyễn Trãi mất (1442) 49 năm, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm mới chào đời (1491). Với một người am tường sử sách, tinh thông Dịch học như Nguyễn Bỉnh Khiêm, chắc chắn là ông quá hiểu triều hậu Lê như thế nào, khi họ quyết tru di tam tộc nhà Nguyễn Trãi, bằng một vụ án đầy tính sắp đặt như vậy. Với tư cách là nhà Nho lấy trung quân ái quốc làm đầu, nhưng Nguyễn Trãi cũng không tránh khỏi hình phạt ấy của nhà Lê như là một bi kịch lịch sử. Điều đó đã để lại cho ông quan Trạng Trình những bài học quí báu về qui tắc “xuất” và “xử” theo quan niệm Nho giáo đương thời.
Một người như Nguyễn Bỉnh Khiêm chắc chắn là hiểu rõ cái giá giữa sự “phù thịnh” và “phù suy” khác nhau như thế nào nên càng biết khi nào cần “xuất” và khi nào cần “xử”. Nguyễn Trãi phù Lê khi nhà Lê thịnh. Sau đấy ít lâu, mặc dù ông đã cáo quan về Chí Linh ở ẩn, nhưng cũng không thể nào thoát khỏi sự ganh ghét, lòng đố kỵ của bọn nịnh thần. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm không phù Lê khi mà nhà Lê đang độ suy vong. Lúc bấy giờ, nhà Mạc mới chỉ là một thế lực đang lên, còn danh chính ngôn thuận chưa phải là một triều đại “hợp pháp”. Chắc chắn là Nguyễn Bỉnh Khiêm nắm vững hơn ai hết hai chữ “Thời” và “Thế” của mình, của người và của dân tộc. Do đó con đường đến với nhà Mạc của ông như một tất yếu khách quan của lịch sử, có sự mách bảo của những tri thức mà ông đã tích lũy được.
2/ Con người nghệ sĩ của ông quan Trạng Trình
Trong khoảng 800 bài thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn để lại đến ngày nay, ngoài tư cách là một nhà Nho am tường Dịch học, là một ông quan phò Mạc,... trong cuộc đời cầm bút, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn dành chỗ cho thú tiêu giao, ngâm vịnh trong tư cách là một nghệ sĩ tài ba và một bậc “hàn nho” đáng kính. Bài “Mùa thu đi chơi thuyền” là một minh chứng sinh động thể hiện cả hai tư cách đó, mà ông còn để lại đến hôm nay. Nó thật sự quý báu cho chúng ta biết thêm một khía cạnh khác của một bậc nghệ sĩ “hàn nho” Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trong lời đề tựa cho tập thơ chữ Hán của mình, ông đã viết: “... Tuy nhiên cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chữa được khỏi vậy. Mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy, hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được tất cả nghìn bài, biên tập thành sách, tự đặt tên là Tập thơ am Bạch Vân” (Bạch Vân am thi tập tiền tự).
Bài thơ “Mùa thu đi chơi thuyền” được viết theo thể thất ngôn bát cú, (tám câu, bảy chữ), tả cảnh đêm thu có trăng vàng soi bóng, người quân tử giong thuyền buông câu. Lúc sóng yên, gió lặng thuyền cứ mặc lòng trôi: “Nước xuôi nước ngược, sóng dâng triều/ Thuyền khách chơi thu, nọ phải dìu” và khi cao hứng, có thể “chèo vượt bóng trăng” thu.
Ở bài thơ này chúng ta cần chú ý đến hai hình tượng “ông câu cá” và “dòng nước xanh” ở hai câu thơ trong phần “luận” theo qui tắc Đường luật (đề, thực, luận, kết): “Phơ phơ đầu bạc ông câu cá/ Leo lẻo dòng xanh con mắt mèo”. Người thả câu ở một dòng nước trong xanh leo lẻo, như mắt mèo, thì ắt chỉ là câu chơi. Người câu ở đây không quan tâm đến hiệu quả vật chất có thể mang lại, mà chỉ quan tâm đến sự thư thái về tinh thần. Đấy đích thực là hình bóng của các vị “hàn nho” như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau này, Nguyễn Khuyến có “Thu điếu”, một bài thơ nổi tiếng nói về thú câu của bậc “hàn nho” với tứ, cảnh và người tương tự như bài “Mùa thu đi chơi thuyền” của Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên sinh vậy: “Ao thu lãnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/ Sóng nước theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo/ Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co khách vắng teo/ Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo...”
Đến hai câu kết của bài “Mùa thu đi chơi thuyền”: “Le vịt cùng ta như có ý/ Ðến đâu thời cũng thấy đi theo” chúng ta mới thấy rõ quan niệm về chữ “Thời” của ông quan Trạng Trình họ Nguyễn. Theo tôi, chữ “Thời” ở đây không phải là một hư từ, mà là một danh trạng từ chỉ thời gian, thời cuộc, thời vận. Ngay cả con le, con vịt cũng như biết được ý nguyện của trời đất, huống chi là con người. Đúng như các cụ xưa từng nói, không biết được “Thời” là người u tối; biết được “Thời”, mà không biết dụng nó, là kẻ bất tài; dụng “Thời” không đúng cách là kẻ hậu đậu; lạm dụng “Thời” là kẻ tham lam, bậc tiểu nhân, muốn có nhiều, nhưng trời không cho, lấy đâu ra.
Mùa thu đi chơi thuyền: Nước xuôi nước ngược, sóng dâng triều/ Thuyền khách chơi thu, nọ phải dìu/ Chèo vượt bóng trăng, nhân lúc hứng/ Buồm giong ngọn gió mặc cơn siêu/ Phơ phơ đầu bạc ông câu cá/ Leo lẻo dòng xanh con mắt mèo/ Le vịt cùng ta như có ý/ Ðến đâu thời cũng thấy đi theo.
Ngụ hứng V: Chán đời ô trọc, lánh phù hoa/ Về quán Trung Tân ta với ta/ Hữu tình sơn thủy, người nhân trí/ Sách nhiều đủ hiểu hết gần xa/ Trăng thanh gió mát, vui ngâm vịnh/ Khắp lượt quen thân, trẻ đến già/ Bên sông nghe sáo dân chài thổi/ Trong đầu vang điệu “Lạc Mai Hoa”. (tên một điệu nhạc phủ rất phổ biến thời nhà/ Thanh sử dụng nhạc cụ bằng cây sáo trúc)
Quán Trung Tân: Trung là ở giữa. Tân là Bến nước. Tức quán nằm ở giữa bến nước, không lệch trái cũng không lệch phải, ngụ ý những người ngay thẳng, trung thực, không làm điều gì thị phi
Năm Nhâm Dần (1548), Nguyễn Bỉnh Khiêm thoái quan về sống giữa xóm làng quê hương. Mùa thu năm ấy, ông cùng các bô lão dựng quán Trung Tân làm chỗ ngồi chơi hóng gió và để khách qua đường nghỉ chân. Trong "Bài bia ở quán Trung Tân", Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rõ: “Có người hỏi rằng: ‘Quán ấy đặt tên “Trung Tân” có nghĩa là gì?”. Ta trả lời rằng: “Trung nghĩa là đứng giữa không chênh lệch, giữ vẹn được điều thiện là trung, không giữ vẹn được điều thiện thời không phải là trung vậy; tân có nghĩa là cái bến, không biết chỗ đáng đậu là bến mê vậy....”. Năm 1535 Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ Trạng Nguyên, và được phong tước Trình Tuyền hấu nhưng mãi đến năm 1548 ông mới cáo quan về quê. Sử sách ghi lại là ông Trạng Trình này chỉ làm quan có 8 năm, như vậy từ khi thi đỗ, phải ít nhất là 5 năm sau ông mới chịu ra làm quan. Như vậy càng chứng tỏ chốn quan trường với ông Trạng Trình này không mấy tham thú. Điều ấy được ông ghi lại trong một loạt các bài thơ như: Thói đời (2 bài); Mặc chê khen; Nhân tình thế thái (46 bài); Tự thán; Vô sự là hơn; Chớ cậy rằng hơn; Có phúc có phần; Cảnh nhàn; Của nặng hơn người; Dĩ hòa vi quý; Khuyên nhủ người đời; Lòng vô sự; Ngụ hứng (10 bài); Tức sự (2 bài); Qua sông Hữu (2 bài). Đặc biệt là ở bài “Ngụ hứng III”
Đeo đuổi công danh chỉ phí đời/ Quay lại ruộng đồng sống thảnh thơi/ Giặt áo, ngoài khe luôn sẵn nước/ Ngắm hoa, không sợ “khách” qua chơi/ Áo mũ nhà nho làm thân khổ/ Tận tụy việc công chẳng mấy người/ Lo trước nhưng vui sau thiên hạ/ Ta nguyện trong lòng chẳng phút ngơi.
Còn ở bài “Ngụ hứng VI” thì: Không hám giàu sang chuốc nợ đời/ Ở ẩn về già sống thảnh thơi/ Làm thơ có sẵn hoa, cây cỏ/ Bên song chim én lượn đầy trời.
Thư sinh mà dám bàn “tam lược” */ “Tứ tri” thử hỏi được bao người? **/ Đời này thực sự tìm chân lý/ Sông Hàn hãy ngắm ánh trăng bơi
........................
* Bàn chuyện mưu kế chống lại kẻ thù.
** Tứ tri được dẫn từ điển cố về Dương Chấn trong “Hậu Hán thư” không nhận tiền hối lộ vì sợ “ bốn hay biết”: ông Trời, thần thánh; chính lương tâm mình, và kẻ đối diện)
Cảnh mùa hè: Ngày dài, cửa thoáng, quán Trung Tân/ Hương sen theo gió tỏa xa gần/ Vô hạn tình thơ ai hiểu hết/ Trên lầu chiều xế, tiếng ve ngân.
Cảnh Nhàn: Một mai, một cuốc, một cần câu/ Thơ thẩn dầu ai vui thú nào/ Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ */ Người khôn, người đến chỗ lao xao / Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/ Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp/ Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao
....................
* ngụ chỉ cảnh đồng quê
** ngụ chỉ chốn quan trường
Qua sông Hữu I (2 bài): Thuyền đi yên ổn dọc sông này/ Nước in hình núi giống xưa nay/ Nước dâng buổi sáng, xoa rêu đá/ Chiều sóng dịu dàng gội tóc mây/ Hồng thúy mọc xen cùng tre nứa/ Đá nhọn lô nhô giữa cỏ cây/ Vua đang mong gặp người nhân đức/ Để trừ loạn giặc đất miền tây.
Qua sông Hữu II: Nhớ trước hai lần đã đến đây/ Ngồi ngắm mặt trời lặn phía tây/ Núi non, sông nước nguyên như cũ/ Cảnh vật và người đã đổi thay/ Ngọn tháp bên chùa vương khói nhạt/ Như ngọc, sương chiều trên lá cây/ Lòng trời nếu chẳng tha gian tặc/ Thì hãy giúp vua thắng trận này.
Tức sự I (2 bài): Bên khe, ao nhỏ với vườn cây/ Đường rợp bóng xanh, lá phủ dày/ Trời quang nắng dịu hoa đua nở/ Trúc xanh, khe lạnh nước in mây/ Cơm áo vợ nghèo lo chu đáo/ Khách tục không ai đến quấy rầy/ Ta già, mắc bệnh mê thơ phú/ Lại chỉ mây, trăng, gió suốt ngày.
Tức sự II: Thong thả thuyền xuôi dọc Nhị Hà/ Lúc ngồi uống rượu, lúc ngâm nga/ Dân ít, lơ thơ nhà mấy nóc/ Cây nhiều, một vệt biếc xa xa/ Loạn lạc, dân mong về xóm cũ/ Bao giờ lính hết việc can qua?/ Mong sao sắp sửa mùa đông hết/ Lại đến mùa xuân của thái hòa!
Ngụ hứng I (10 bài): Một bên là chợ, một bên làng/ Ao vườn có đủ, cũng khang trang/ Am quán thư nhàn, xuân mãi trẻ/ Cảnh đẹp như tranh, đến ngỡ ngàng/ Suối chảy, tiếng đàn nghe thêm vọng/ Cây che, cành đẹp giấc mơ màng/ Mừng thấy đạo Nho chưa héo lụi/ Mà vẫn đang phơi giữa nắng vàng.
Ngụ hứng II: Uống rượu ngắm sông buổi xế tà/ Dân chài đâu đó, hát xa xa/ Trời tạnh, dịu dàng cơn gió thổi/ Bên sông cây mọc tốt, xùm xòa/ Nhớ quê lúc tỉnh, thương hoa cúc/ Khi say dễ ướt mắt người già/ Bao giờ trở lại thời Nghiêu Thuấn/ Để thấy càn khôn lại thái hoà.
Ngụ hứng IV: Chọn đất dựng nhà cạnh suối trong/ An nhàn vui thú với non song/ Sáng dạo vườn rau, sương dính dép/ Đêm chơi xóm lưới ánh trăng lồng/ Lui, tiến, chơi cờ luôn tính trước/ Buông, giật, đi câu cũng bận long/ Lầu son xin khách đàn khe khẽ/ Kẻo nhỡ làm ta tỉnh giấc nồng.
Ngụ hứng VII: Bất tài, không giúp được người ngay/ Vườn xưa trót hẹn, lại về đây/ Nói mình trong sạch, e hơi quá/ Muốn trốn cái già nên uống say/ Núi nhuộm sắc thu, xanh lại nhạt/ Sông lồng bóng nguyệt, nước lung lay/ Chẳng vướng cơ mưu, lòng nhẹ nhõm/ Cổng tre Tân Quán mở đêm ngày.
Ngụ hứng X: Bạch Vân am nhỏ, mạch khe nông/ Được hưởng mà không mất một đồng/ Thanh khiết trên đời ai kẻ sĩ/ Riêng ta như ở chốn tiên bồng/ Cúc thơm ba luống như Bành Trạch/ Nhà tranh đôi chái giống Lư Đồng/ Cũng riêng một cõi, ta là chủ/ Uống rượu ngắm trăng và hát ngông.