NỖI NHỚ MÃNH LIỆT “TỪ THẲM THẲM LÃNG QUÊN”
Patrick Modiano sinh năm 1945, ở Boulogne Billancourt, Cộng hòa Pháp. Văn chương trong tiểu thuyết của Patrick Modiano tiết kiệm ngôn từ, thường chỉ có độ dài khiêm tốn. Nếu những ai quen và thích đọc những tác phẩm có cốt truyện rành mạch, cấu tứ lớp lang rõ ràng, văn chương thăng giáng bay bổng, nhân vật có tính cách xum xuê, yêu đương trữ tình có đầu có cuối thì sẽ không mặn mà lắm khi đọc tiểu thuyết Từ thăm thẳm lãng quên của ông. Bởi đây là tác phẩm dường như sinh ra để thử thách lòng kiên nhẫn của độc giả…
Trước đó, các tác phẩm Quảng trường Ngôi sao (1967), Tuần tra đêm (1969) Những biệt thự ngoại ô (1975) Phố của những cửa hiệu u tối (1978) và một loạt tiểu thuyết khác như Biệt thự buồn, Sổ hộ tịch, Một thời thanh xuân, Những chàng trai tốt biết mấy, Khu phố hẻo lánh, Phòng để quần áo thuở ấu thơ, Chuyến du hành tân hôn, Một gánh xiếc đi qua, Cô bé nữ trang, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, Chân trời, Cỏ đêm, Để em khỏi lạc lối trong khu phố… chỉ có độ dầy trên dưới 200 trang. Nhưng những tác phẩm ấy đã từng một lần mang lại giải thưởng lớn về tiểu thuyết hiện đại Pháp năm 1977, và ngay năm sau, năm 1978 tiểu thuyết Phố của những cửa hiệu u tối đã nhận giải Goncourt. Tiểu thuyết Từ thăm thẳm lãng quên chỉ có độ dầy 164 trang. Nhưng Từ thăm thẳm lãng quên cùng với Phố của những cửa hiệu u tối là hai tác phẩm quan trọng nhất đưa đến giải Nô-ben văn chương năm 2014 cho Patrick Modiano. Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải cho Patrick Modiano vì “với nghệ thuật của ký ức, ông đã tái hiện những số phận khó nắm bắt nhất và khám phá thế giới - cuộc sống trong sự chiếm đóng”.
Patrick Modiano là nhà văn thứ 11 của Pháp giành được giải thưởng danh giá này. Tuy nhiên, sự tôn vinh của Viện Hàn lâm Thụy Điển dành cho ông cũng có những ý kiến phản biện; được đánh giá là “một điều bất ngờ” đối với giới văn chương và độc giả. Không ít người cho rằng, họ chưa từng nghe nói đến Patrick Modiano. Chính ông Peter Englund, Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, trong thông báo giải thưởng, cũng nhận định: “Patrick Modiano là tác giả nổi tiếng ở Pháp, nhưng ở các nước khác thì không. Ông viết sách thiếu nhi, kịch bản phim nhưng chủ yếu là tiểu thuyết. Chủ đề của ông là ký ức, danh tính và thời gian…”. Trong khi đó, vừa được tin Patrick Modiano được giải Nô-ben, công chúng từ các quốc gia Pháp, Italy, Tây Ban Nha, những nơi tác phẩm của Modiano được dịch rộng rãi, đã lên tiếng chúc mừng ông. “Một quyết định tuyệt vời. Hoàn toàn xứng đáng. Tôi từng đọc tất cả tác phẩm của ông ấy, trừ những cuốn tôi không có. Tất cả đều rất ý nghĩa”, một người có nickname Steven Toribio viết trên Twitter như thế.
Việc khen – chê với mỗi tác phẩm văn chương là quyền của mỗi người. Tôi không phải là kẻ muốn áp đặt ý kiến của mình cho người khác. Tôi chỉ nói những gì tôi cảm nhận. Vậy tiểu thuyết Từ thăm thẳm lãng quên, Patrick Modiano viết về cái gì?
Không gian diễn ra câu chuyện bắt đầu là thành phố Paris sau chiến tranh thế giới thứ hai khoảng trên dưới hai mươi năm. Trong cuộc chiến, Paris là một thành phố bị tàn phá nặng nề. Sau hai mươi năm, về mặt vật chất, hạ tầng cơ sở đã có thể khôi phục, hàn gắn, cho dù hãy còn nhiều “Phố của những cửa hiệu u tối”, những “Khu phố hẻo lánh” như tên một số cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano. Nhưng chiến tranh hầu như chưa ra khỏi tâm lý của người dân Pháp. Tất cả những gì khủng khiếp, hãi hùng của chiến tranh hãy còn ám ảnh họ. Sự hoài nghi về lẽ tồn tại của tính thiện, về ý nghĩa của cuộc sống con người, tâm trạng trống rỗng, tâm lý hoang mang, sống gấp lan tràn trong đời sống. Mở đầu của tiểu thuyết là cảnh tại một quán cà phê tên là Dante trong một khu phố buồn tẻ có ba người gặp nhau. Một chàng trai xưng “tôi” - người dẫn chuyện - mà không có tên (hình bóng của chính tác giả chăng? ). Trước mặt nhân vật “tôi” là Jacqueline và Gérard Van Bever. Nếu Van Bever là người đàn ông hơi trầm lắng thì Jacqueline là một cô gái có vẻ mong manh nhưng mạnh mẽ, dễ nổi loạn. Cả ba người cùng sống trong một khu nhà trọ. Sau nhiều lần trò chuyện ở quán cà phê Dante, họ dần dần trở nên thân mật. Dường như Jacqueline và Gérard Van Bever đang yêu nhau? Dùng tính từ hoài nghi “dường như” bởi hai người vai kề vai như là yêu nhau những họ nói năng với nhau rời rạc, chểnh mảng. Họ có vẻ lãng mạn, nhưng bế tắc, mỏi mệt. Thế Chiến thứ Hai họ còn nhỏ. Những chuyện bắn giết, máu me, phận người rẻ rúng như cỏ rác hẳn còn liên quan và hằn sâu trong ký ức họ. Trong lúc uống cafe, họ nói về kịch bản sắp làm phim, về quyển sách sắp viết… toàn những dự định lớn lao cả, nhưng sao chuyện của họ rời rạc như chẳng ăn nhập gì với nhau. Rõ ràng họ đang tiêu phí tuổi trẻ bằng những mơ mộng hão huyền. Dường như họ chưa tìm ra cái đích cần đến trong cuộc đời. Cái đói chưa qua hẳn khiến họ bị ám ảnh đến khắc khoải về tiền bạc, miếng ăn. Họ nói về tiền rất nhiều. Nhưng nghe giọng nói của họ thì biết họ không phải là những người hiểu biết lắm về ma lực biến hóa của đồng tiền. Nhân vật “tôi” nói về khoản tiền phải trả khách sạn, nhà ở tháng này. Nàng Jacqueline và chàng Van Bever thì tiết lộ rằng họ sẽ có nhiều tiền bằng cách đặt cược một con bạc trong suốt thời gian dài: cửa số 5 bình vôi! Rõ ràng họ đang muốn thay đổi cuộc sống, như tuổi trẻ thường vẫn khát khao, nhưng cuộc sống ở đây đang trì đọng, như đang chết lâm sàng, như một dòng sông mùa khô kiệt quệ dòng nước khiến họ như những con cá bị mắc cạn.
Những ngày đầu mới quen thân, mỗi lần ra quán Dante, nhân vật “tôi” ngồi quan sát Jacqueline và Van Bever yêu nhau, nhưng rồi “tôi” nhận ra đôi này không thật sự muốn có nhau trong đời, trong khi trong trái tim “tôi” lại nhen nhóm một tình cảm như là tình yêu với Jacqueline. Dường như cảm nhận rất rõ tình cảm này, đến một hôm, nàng Jackqueline kéo “tôi” vào vòng tay. Từ hôm ấy, nhân vật “tôi” và Jacqueline như những con thú hoang trên những ngõ phố Paris tối tăm cát bụi. Mỗi khi ý thức về sự bầm giập, tổn thương, họ lại ôm lấy nhau làm chuyện giường chiếu trong căn phòng trọ chật hẹp và hôi hám. Không ít lần họ ngủ trưa ngoài công viên vì không chịu nổi mùi hôi ở phòng trọ. Không ít đêm họ đi xem phim về thật muộn để khỏi phải ngủ lâu trong căn phòng ghê tởm. Họ yêu nhau như hai con thiêu thân. Một hôm trong lúc ái ân, Jacqueline ra một điều kiện: “tôi” phải giúp nàng lấy được khoản tiền của nha sĩ Cartaud. Có được khoản tiền đó, họ sẽ cùng nhau đi khỏi thành phố này đến vùng đất Mallorca, thuộc vương quốc Anh mà nàng đã nguyện ước từ lâu. “Tôi” đã làm được việc đó không mấy khó khăn. Jacqueline đã dành cho “tôi” rất nhiều đêm “tôi” và nàng đam mê như bất tận trên giường. Van Bever thì say mê với canh bạc ở xa, không hề biết gì. Thế rồi “tôi” và Jackqueline bắt đầu cuộc chạy trốn. Jacqueline “nương theo bất cứ cơn gió nào để đến Mallorca”, khi còn ở Paris hay sang đến London nàng đã đôi lần nói với “tôi” như thế. Jacqueline đã hành động y như nàng nói. Trên hành trình đến miền đất hứa, tại một chặng dừng chân, trong lúc vắng mặt “tôi” nàng đã lên giường với một bác sĩ nha khoa già có tiền. Đến London, họ gặp Peter Rachman, một người đàn ông trung niên giàu có, yêu văn chương. Peter Rachman cũng thích Jackqueline. Ông ta ve vãn Jacqueline, muốn dành cho nàng một căn phòng hạng sang trong khách sạn. Khi biết “tôi” có khả năng sáng tác văn chương, Peter Rachman ngỏ lời sẵn sàng bỏ tiền để bao nuôi cho “tôi” sáng tác, đổi lại Jacqueline phải tham gia những buổi tiệc tùng của ông ta.
Cuối cùng việc gì đến cũng đã đến. Khi biết Jackqueline đã ngả hẳn vào vòng tay Peter Rachman thì mâu thuẫn giữa “tôi” và Jacqueline bùng nổ. Cuộc chia tay giữa “tôi” và Jacqueline đã diễn ra.
Hơn 30 năm sau, tại thành phố Paris hoa lệ, trong một đại tiệc, ngẫu nhiên “tôi” gặp lại Jacqueline. Nàng đã đổi tên mới là Thérèse Caisley. Hình ảnh Jacqueline tồn tại trong tâm trí “tôi” ngày xưa bỗng chốc vụt biến mất. Trước mặt “tôi” là một phụ nữ quý phái. Nhưng trong suốt bữa tiệc, dù chạm mặt mấy lần, “tôi” và nàng vờ như không quen nhau. Chỉ đến khi tàn tiệc, hai người mới lén gặp nhau trong ô tô, ôn lại quãng thời gian cũ bằng những lời ngập ngừng, khô khan. “Tôi” cảm nhận được rằng Jacqueline, tức bà mệnh phụ phu nhân Thérèse Caisley bây giờ, không toại nguyện với cuộc sống ở Mallorca, cứ nhìn gương mặt đẹp mà buồn thăm thẳm của nàng là rõ. Ngày hôm sau, “tôi” trở lại khách sạn tìm Thérèse Caisley, nhưng nàng đã cùng chồng rời Paris để bay sang Mallorca.
“Tôi” bặt tin Thérèse Caisley từ đó. Tất cả quá khứ, hiện tại, tương lai đều chìm vào quên lãng. Những người đàn ông đi qua cuộc đời Jacqueline cuối cùng đều hiểu rằng, mình chỉ là một trạm dừng chân trên hành trình đi đến Mallorca của nàng. Nhưng Mallorca vẫn không phải là vùng đất mang đến cho nàng sự thỏa mãn. Nó chỉ là một điểm đến trên hành trình quên lãng quá khứ của nàng. Cả cuộc đời nàng trốn chạy để chối bỏ quá khứ, trong khi nhân vật “tôi” lại bị ám ảnh bởi cuộc sống hiện tại. Hai nhân vật này là điển hình cho cách sống của con người châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Họ có chung bộ mặt hoang mang, luôn tự vấn về sự tồn tại của mình, phủ nhận ngày hôm qua để hướng tới những điều tươi sáng ở tương lai, nhưng rồi, họ vẫn rơi vào bế tắc.
Trong tiểu thuyết, các nhân vật rất ít hành động, không có nhiều tình tiết, chi tiết “rậm rạp, xum xuê”, văn phong ngắn gọn, khách quan đến lạnh lùng, từ câu nọ sang câu kia như rất ít sự kết dính. Patrick Modiano là thế, ông viết Từ thăm thẳm lãng quên bằng một lối văn trần thuật đơn giản nhưng tinh tế. Đúng như lời nhận định của những người dịch và biên tập: “Một câu chuyện bỗng nhiên hiện ra từ quá khứ mịn màng. Lúc nào người ta cũng tự hỏi, làm cách nào, bằng thứ giả thuật kim nào, mà tác giả có thể tạo ra những ký ức tinh xảo đến thế. Nhưng Jaquenline, Van Bever rồi Peter Rachman, Paris và London của giai đoạn hậu chiến trong Từ thăm thẳm lãng quên dần dà làm cho chúng ta hiểu rằng vỏ bọc quá khứ mịn màng hoàn toàn có thể chứa đựng những kỷ niệm đau đớn đến thế nào, những kỷ niệm ngủ yên nhưng sẽ quay trở lại quấy nhiễu chúng ta sau từng quãng thời gian... Cuốn sách không chỉ dệt nên mối quan hệ kỳ lạ giữa quá khứ và thực tại, mà còn tạo ra những mối liên hệ với các tiểu thuyết khác của Patrick Modiano”.
Sự hư ảo của quá khứ vốn là điều vẫn luôn hiện diện trong văn chương của Modiano, nhưng đến Từ thăm thẳm lãng quên thì trở nên mãnh liệt vô cùng. Các nhân vật đều đi lại trong một vùng không gian đầy siêu thực của Paris, London những năm sáu mươi. Một cuốn sách không nhiều tình tiết, lời văn giản dị, nhưng vẫn gợi chất thơ, một lời tự sự nhẹ nhàng qua rất nhiều tầng, nhiều lớp của kí ức. Người đọc sẽ tìm thấy ở đây một sự chia sẻ dịu dàng, nhất là với những ai đã ít nhiều chịu những tổn thương, mất mát trong cuộc đời.
_________
* Về tiểu thuyết Từ thăm thẳm lãng quên của Patrick Modiano, giải Nô-ben văn chương năm 2014, người dịch: Trần Bạch Lan, Nhà xuất bản Hà Nội, 2016.
Nguồn Văn nghệ số 34/2020