“HỒN TỬ SĨ”-KHÚC NHẠC TRI ÂN VÀ TƯỞNG NIỆM
Nhà thơ, nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA
Đến nay, giới nghiên cứu âm nhạc nước ta vẫn chưa thống nhất ý kiến về thời điểm ra đời của bản nhạc Hồn Tử sĩ. Nhiều ý kiến cho rằng từ ngày chính phủ kháng chiến chọn ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương Binh-Liệt sĩ, bản nhạc trên đây đã được chọn cho phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Cũng có ý kiến cho rằng “Hồn tử sĩ” được chọn tấu trong tang lễ truy điệu liệt sĩ từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến (12-1946). Mặc dù thời điểm còn nhiều bãn cãi, nhưng có một kết quả sưu tầm, nghiên cứu được thống nhất cao: “Hồn từ sĩ” thực chất là một đoạn nhạc trong bài hát “Hát Giang trường hận” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Đây là nhạc phẩm được Lưu Hữu Phước viết để tưởng nhớ Hai Bà Trưng và những chiến sĩ trong đội quân của Hai Bà đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược từ những năm 40 của thế kỷ thứ nhất. Bài hát được viết tại Hà Nội năm 1942. Đoạn nhạc được chọn làm nhạc tang lễ là đoạn đầu của bài hát được viết theo thể ba đoạn đơn A_B_A.
Câu chuyện sáng tác bài hát này cũng thật đặc biệt: Vào một tối đi xem phim tại rạp Casino ở Ô Cầu Dền vừa tan, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và người bạn thân thiết là Mai Văn Bộ đi trong đêm mưa trên con đường gập ghềnh từ Bạch Mai về nhà ở số 66 phố Wiélé (tức phố Thể Giao bây giờ, ở góc Bùi Thị Xuân và Tô Hiến Thành, có thời kỳ gọi là phố 325). Con đường thật lạnh lẽo. Hai bên đường hoang vắng. Trời tối đen như mực. Tiếng ễnh ương và tiếng ếch nhái kêu nghe lạnh xương sống, tưởng chừng như tiếng oan hồn của những người chết trận vẫn oán hờn chưa tan. Lưu Hữu Phước chợt nghĩ tới những trận đánh xưa thời Hai Bà Trưng với quân Mã Viện trên hồ Lãng Bạc (Hồ Tây- còn gọi là hồ Dâm Đàm). Thế là chàng nhạc sĩ quyết định chọn một ngày bão, đội mưa đi trên đường Cổ Ngư để nhìn tận mắt sóng gió Hồ Lãng Bạc. Dường như trong mưa gió và sóng nước, Lưu Hữu Phước thấy đoàn tử sĩ hiện lên diễu hành và kêu gọi người hôm nay đứng lên chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Một giai điệu với những đẳng âm mở đầu theo nhịp 4/4 chầm chậm, rờn rợn… như nhịp bước âm khí của đoàn tử sĩ. Lời ca cũng được viết ra cùng giai điệu:
Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió đàn
Xác quân Trưng Nữ Vương rơi ngổn ngang bên nước tràn
Hồn ai đang thổn thức trên sông
Hồn quân Nam đang khóc trên sông…
Sau đoạn mở đầu, đoạn phát triển được viết ở cung bậc cao hơn và ở nhịp 3/4 :
Làn sóng đang thét gào, gió vang tiếng nguyền cùng gươm đao
Nguyện cùng sông đẫm máu
Tấm than nát không nao…
Tiếng kèn gọi các oan hồn tử sĩ. Tiếng bước chân của đạo quân oanh liệt xa xưa hiện lên trên mặt hồ bước theo nhịp hành khúc. Cuộc diễu hành của đoàn quân trong bão tố bắt đầu:
Nào ai yêu nước nhà
Vì nòi giống vì hận thù
Làm sao lương dân thoát khỏi cơn đau khổ
Người Nam anh dũng quyết dâng mạng sống cho non sông…
Âm nhạc lại trở về đoạn “A” như từ ảo mộng quay về hiện thực tưởng nhớ:
Bao năm công phu xây đắp nên non nước nhà
Ơn sâu ghi khắc trong tâm quốc dân không xóa nhòa
Vì dân ta Trưng Nữ ra quân
Vì non sông tử tiết vong thân
Rồi giai điệu chợt chậm lại, chùng xuống một “quãng 8” thống thiết:
Nước cuốn reo rắt như thiết tha gọi quốc hồn
Thiên thu trên hát vang vang tiếng lòng dân đau đớn
Khóc giang sơn phải hồi ngửa nghiêng
Cùng nhau khấn non nước thề thiêng liêng
Bỗng nhớ đến câu thơ trong “Chinh phụ ngâm”: “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/ Mặt chinh phu trăng rọi rọi soi”. Hình như giai điệu mà Lưu Hữu Phước viết ra có cái lạnh lẽo của ánh trăng đêm sau chiến trận thuở ấy. Người xưa biết chết để người nay biết sống. Chính đoạn nhạc chùng xuống này đã được chọn làm nhạc tang lễ và có tên là “Hồn Tử sĩ”..
Tôi còn nhớ y nguyên ngày Bác Hồ kính yêu qua đời. Khi ấy tôi còn là sinh viên Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc. Nhà trường tổ chức Lễ tưởng niệm Bác và quyết định thành lập Ban nhạc tang lễ gồm có thầy Liên (violon), thày Nông Chính (Accordeon), thày Tôn Huyến (Mandoline) và tôi chơi Guitare. Lúc mấy thày trò tập với nhau, cũng viết phân phổ cẩn thận. Phần Guitare của tôi luôn phải đảm nhận những câu “lèo” sau giai điệu. Những câu “lèo” như ta thường nghe thấy trong nhạc tang lễ. Bữa đó, cả dàn nhạc vừa chơi vừa khóc, nước mắt đầm đìa...
Đến khi nhập ngũ vào Trường Sơn. Mỗi khi đơn vị có đồng đội hy sinh, tôi đã dùng kèn Armonica thổi đoạn nhạc này trong lễ truy điệu vĩnh biệt, hoặc trong các nghi thức tưởng niệm liệt sĩ. Vậy là, giai điệu đoạn nhạc cứ theo tôi mãi cho đến ngày thống nhất đất nước. Khi ấy, nhờ có máy thu casette, đơn vị yêu cầu tôi thổi Armonica và thu lại. Khi nào cần dùng thì bật băng. Rồi đến lúc tôi phụ trách văn nghệ đơn vị thì tôi tổ chức tập luyện cho dàn nhạc của đội văn nghệ chơi đoạn nhạc này để thu âm…
Kỷ niệm với đoạn nhạc này đâu chỉ với riêng tôi mà với tất cả các thế hệ nhũng người chiến sĩ và toàn thể mọi người dân Việt Nam, thậm chí với cả những người nước ngoài trong lễ tang các lãnh đạo cao cấp Việt Nam. Bây giờ đoạn nhạc này vẫn thường xuyên được sử dụng song hành cùng dàn bát âm dân tộc. Và chắc chắn nó còn được sử dụng mãi mãi trong những giây phút linh thiêng xúc động tiễn đưa, tưởng niệm những người đã khuất, những chiến sĩ đã bỏ mình vì sự trường tồn của Tổ quốc... Và công chúng đã từng trân trọng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước với những bản hành khúc yêu nước và Cách mạng nổi tiếng, như: “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng”, “Khúc Khải Hoàn”, “Đoàn quân ma”, “Đông Nam Á Châu”, “Cả cuộc đời về ta”, “Giải phóng miền Nam”, “Sẵn sàng chiến đấu”… sẽ càng trân trọng khi biết ông chính là tác giả đoạn nhạc tri ân, tưởng niệm này.
(Nguồn: qdnd.vn)