NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG-MỘT LÒNG SON VỚI TỔ QUỐC
TUYÊN HÓA - Sáng 26-7-2017, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trọng thể buổi giới thiệu và ra mắt tập sách “Nhà văn Nguyễn Chí Trung-Một lòng son với Tổ quốc” do NXB Văn Học xuất bản tháng 6-2017, nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày mất của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung (11-6-2016/2017). Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa-Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Trí Huân-Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; cùng một số tướng lĩnh, đông đảo đồng nghiệp, đồng chí và đại diện gia đình Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã đến dự.
Quang cảnh buổi giới thiệu và ra mắt tập sách
“Nhà văn Nguyễn Chí Trung-Một lòng son với Tổ quốc” là cuốn sách tập hợp những sáng tác tiêu biểu trong toàn bộ sự nghiệp cầm bút của nhà văn Nguyễn Chí Trung, cùng hơn 60 bài viết của các nhà phê bình văn học, đồng đội, đồng nghiệp, người thân về con người và tác phẩm của nhà văn trước và sau ngày ông qua đời. Sách dày 768 trang, mở đầu là bài viết của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đánh giá sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp văn chương và những phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Chí Trung; Tóm tắt tiểu sử và Lời điếu do Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm TCCT, đọc tại lễ tang đồng chí Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung. Tiếp đó, sách bố cục gồm 5 phần. Phần 1: Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung trong lòng bầu bạn. Phần 2: Truyện và ký Nguyễn Chí Trung. Phần 3: Nguyễn Chí Trung qua những cánh thư. Phần 4: Nguyễn Chí Trung-Người mãi còn đây. Phần 5: Nhưng tấm ảnh tư liệu về Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đọc bài viết khai mạc
Trong bài phát biểu mở đầu buổi giới thiệu và ra mắt tập sách, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: Năm 1964, truyện ngắn Bức thư làng Mực, từ Miền Nam gửi ra, xuất hiện trên mặt báo Văn Nghệ tạo một dư luận phấn khích trong giới viết và bạn đọc Miền Bắc. Hồi ấy cả hậu phương Miền Bắc lắng từng ngày tin chiến sự Miền Nam với rất nhiều lo âu và hồi hộp. Đánh Mỹ, dám đánh Mỹ, với đồng bào ta khi ấy đã là một khẳng định. Nhưng đánh thế nào để thắng một đội quân nhà nghề của một cường quốc công nghệ khoa học bậc nhất thế giới? Câu hỏi ấy đồng bào ta ở Miền Nam đang phải trả lời. Trả lời bằng thực tiễn của xương máu. Bức thư làng Mực của Nguyễn Chí Trung đã đồng hành đánh giặc cùng với bà con buôn làng miền thượng Quảng Nam, đồng hành với anh du kích tên Nhật, dùng súng trường bắn hạ máy bay Mỹ, tìm ra câu trả lời cho cuộc chiến. Từ thực tiễn ấy, Nguyễn Chí Trung đã phát hiện ra câu trả lời đúng và cần cho lịch sử. Phần sau của câu chuyện có khuynh hướng chiến lược của các nhà quân sự, có ý đồ thể hiện sức mạnh đoàn kết các dân tộc, có ý chí chiến đấu như một bản năng sống của dân ta. Có nhà phê bình gọi đó là tính triết thuyết của văn phẩm Nguyễn Chí Trung. Sau này, khi đã vào tuổi bẩy mươi, Nguyễn Chí Trung, trong tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út, lại góp phần trả lời một câu hỏi chiến lược của sự nghiệp đấu tranh thông nhất đất nước: Đấu tranh hòa bình hay đấu tranh vũ trang? Nguyễn Chí Trung tìm cách trả lời bằng thực tiễn của đời sống, của ý chí nhân dân. Ngày đất nước cắt chia theo hiệp định Genève 1954, từ phía Nam vĩ tuyến 17 trở xuống, chính quyền Ngô Đình Diệm, do ngoại bang vừa dựng lên, tức tốc tiến hành các chiến dịch tố Cộng, chống Cộng, lê máy chém sát hại dã man những người kháng chiến cũ. Bối cảnh những năm trước đồng khởi ở Miền Nam là một khoảng trống trong văn học cách mạng. Những trang miêu tả tỉ mỉ cụ thể, sinh động và nóng hổi cảm xúc-đau thương, uất ức- của Nguyễn chí Trung trong phần đầu tập tiểu thuyết đã là một bổ sung có ý nghĩa cho sử liệu giai đoạn này. Sáng tác văn học, với anh lính trẻ hoặc ông Thiếu tướng, trước sau vẫn góp phần tìm lời đáp cho hành động hiện thực. Cuốn tiểu thuyết này là một mốc son thành tựu của đời văn Nguyễn Chí Trung.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm TCCT-phát biểu
Tiếp theo ý kiến có tính tổng quát trên đây của nhà thơ Vũ Quần Phương, đông đảo các đồng nghiệp, đồng chí, người thân… từng nhiều năm sống, chiến đấu, công tác và sinh hoạt cùng Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, như: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Nhà văn Lương Sỹ Cầm, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Vương Trọng, nhà báo Đặng Minh Phương, bà Trần Thị Thanh Thanh (em gái nhà thơ Trần Mai Ninh-thủ trưởng đầu tiên của Nguyễn Chí Trung), TS Nguyễn Ái Việt (cháu gọi Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung là cậu ruột)… đã phát biểu kể lại những kỷ niệm sâu sắc với Thiếu tướng, nhà văn. Tất cả các ý kiến đều tập trung làm nổi bật một người cộng sản chân chính, một nhà văn cách mạng, một cán bộ chính trị kiên định, một người bạn và người đồng chí chân tình, bình dị, ân nghĩa…
Nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt lãnh đạo Hội Nhà văn VN phát biểu kết thúc buổi lễ
Phát biểu kết thúc buổi giới thiệu và ra mắt cuốn sách “Nhà văn Nguyễn Chí Trung-Một lòng son với Tổ quốc”, Nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã cảm ơn nhóm biên soạn và NXB Văn Học đã có những nghĩa cử thiết thực, đầy trách nhiệm để cuốn sách về Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung được ra đời. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao con người và tác phẩm của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung. Điều đó đã được khẳng định bằng việc Hội đã trao giải thưởng cho tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út” của nhà văn, đồng thời đề cử tác phẩm được Giải thưởng văn học ASEAN và nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Trên tất cả, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung là một người cộng sản mẫu mực; MỘT LÒNG SON VỚI TỔ QUỐC, đúng như tên gọi hết sức chính xác của cuốn sách viết về ông.
Bài và ảnh: TUYÊN HÓA