Tác phẩm và dư luận

5/7
5:21 PM 2017

NƠI BẮT ĐẦU CUỘC SỐNG-TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRÍ

Long tên thật là Tí. Nó không phải dân An Giang và Trần Văn Long chỉ là tên trong chứng minh, Long báo với chủ trọ mà thôi. Thiệt mà nói. Long không biết mình là dân xứ nào trên đất nước hình cong chữ S nầy. Nó lê la với mẹ hết sân ga nầy đến sân ga khác kiếm cơm.

Cả quán cà phê cóc Ba Sinh - mà không - phải nói là cả ấp X đều sững sờ khi nghe tin Tư Sông chết. Ai cũng trời ạ, trời ơi, trời đất ơi… mấy thằng vỉa hè xóm chợ thì… ba mẹ ơi thiệt chơi vậy mấy ông cố nội? Mới thấy chả hôm qua đây mà… hôm qua hôm kia cái đầu mày… Tư Sông mới đi bộ thể dục với tao hồi sáng nay nè, mới than thở về chuyện bà Tư với con Trâm…

- Mà sao ông ấy chết?

- Thể dục về ông ta đi tắm, trượt chân đầu đập vô cái thành giếng… đơn giản vậy mà chết. Hiểu không?

Tất cả đều đăm chiêu. Sau đăm chiêu là bàn tán về gia cảnh người chết. Eo ôi. Nghe mà hãi, mà sợ ghê chưa kìa. Vợ chồng Tư Sông có những năm đứa con chứ không ít. Hai trai và ba gái. Bốn đứa lớn chồng vợ xong là tếch ra riêng. Vợ chồng Tư Sông cùng cô con út tên Trâm ở trong căn nhà bốn chục mét vuông. Căn nhà ngang bốn dài mười mét nầy mà chứa bảy người còn quá tải huống gì có thêm dâu rể. Bốn đứa lớn ra riêng là phải quá…

 

- Chật chội mà đông người là nhỏ thôi ông cố ơi. Chẳng qua hai thằng con trai ra riêng là do hai con vợ sợ phải hầu hạ bà Tư. Hiểu không?

- Hai đứa con gái cũng tệ thiệt. Mẹ bệnh vậy mà chả thăm nom, săn sóc. Một mình Tư Sông thấy mà thảm đạm quá. Đúng là ông bà dạy nước mắt chảy xuôi…

- Cũng chả trách được hai đứa nó. Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng. Giang sơn của hai ông con rể nầy là hai cái hũ hèm to đùng, có rượu hai ông văng tục với cả cha mẹ ruột thì vợ con và ông bà già vợ chúng coi ra gì.

- Ông Tư mà đi chắc bà Tư đi luôn quá.

- Ai săn sóc mà không đi… mà bà ấy cũng nên đi cho rồi. Sống mà bất toại thì chết quách cho xong. Chao ôi… cuộc đời sao mà buồn quá.

- Con Trâm ra sao rồi không biết nữa?

- Vẫn vậy… Lúc sáng tao ghé tạt qua nhà… con Trâm nhìn người ta khâm liệm mà mắt ráo hoảnh cứ như Tư Sông không phải là cha nó vậy.

Một thằng lạ hoắc, chừng như mới đến cà phê cóc Ba Sinh lần đầu hỏi:

- Ủa… sao lạ vậy chú?

- Mày ở đâu? Không biết gia đình Tư Sông hả?

- Dạ… con mới đến.

- Tên mày kêu chi?

- Dạ… Long. Con tên Long.

- Quê đâu?

- Dạ… An Giang. Đang ở phòng trọ Thuý Hạnh.

- Hèn gì thấy lạ… con Trâm hả? Con nhỏ nầy bị trầm cảm… kêu tao một xị tao kể mày nghe. Số là… ê… Ba Sinh cho trái cóc đưa cay luôn ông…

*

Khà… nè Long… mà mày có biết trầm cảm là cái con khỉ khô gì không? Tao là tao bó tay với cái tên gọi nầy. Đại khái là con nhỏ Trâm yêu đương sớm lắm. Nó biết yêu từ năm lớp chín. Một thằng sinh viên đại học xây dựng về thực tập trong khu công nghiệp nầy. Thấy con Trâm đẹp quá nên nó theo, con bé mới lớn thấy trai đẹp nên bồ luôn. Thời buổi nầy sao mà yêu nhau sớm quá mày ơi. Thằng quỷ dịch sinh-dziên sau mấy năm bươn trải Sài Gòn gì chứ khoản tình ái nó sành điệu, nên con Trâm có cái gì cho hết cái đó. Chừng hết thực tập thì thằng khốn kiếp vác ba lô lên vai một đi không trở lại… hiểu không?

- Dà… hiểu rồi. Nghĩa là con nhỏ thất tình?

- Hề hề hề… thất tình là chuyện nhỏ. Lúc ấy cả nhà Tư Sông vẫn còn bu vô cái nhà bốn chục mét vuông chứ chưa tan đàn xẻ nghé như bây giờ. Vậy là thấy con nhỏ buồn tình bỏ học thằng Dũng - con trai lớn ông Tư Sông - lôi em ra vừa bợp tai vừa cho ăn cú đá…

- Tội nghiệp con bé quá hả chú - gã tên Long xen chuyện - lý ra ai đó phải an ủi cô ta vài câu.

- Chưa hết đâu mày ơi… lớn chuyện là con nhỏ bị suông cú đá phải đưa đi bệnh viện…

- Trời đất ơi!

- Đến lúc đó mới thòi ra con nhỏ bị sẩy thai.

- Úy cha mẹ ơi...

Chủ quán Ba Sinh giật mình:

- Mày thiệt chơi vậy Hùng Hèm?

Gã lắm chuyện Hùng Hèm tiếp tục:

- Vụ này chỉ mình tui biết thôi ông Sinh ơi. Chả là hôm đó con vợ tôi đi sinh trên bệnh viện huyện. Tui thăm nuôi nên biết.

Hùng Hèm làm thêm tợp rượu:

- Khi con Trâm về nhà thì bà Tư Sông lại chuyển lên viện thế chỗ.

- Sao vậy chú?

- Thiên hạ nói bà ấy tức quá nên bị lên máu mà ra cái bất toại như hôm nay. Nhưng theo tao thì không phải vậy… mà thôi, tao đếch nói về cái gia đình nầy nữa. Nó hổ lốn từ trên xuống dưới mới ra cái thê lương và trầm cảm… mà trầm cảm là cái gì hả mày?

- Con không biết.

Chủ quán Ba Sinh:

- Để tao nói cho hai thằng mày nghe. Trầm cảm là một chứng bệnh thuộc về tâm lý. Khi con người ta bị chấn động tinh thần mang tính tiêu cực thì sinh ra trầm uất. Cuộc đời trong mắt những kẻ đó chỉ một màu xám. Họ thu mình trong bóng tối với thế giới riêng của mình. Vậy nên gọi là trầm cảm. Hiểu chưa? Nhưng theo tao được biết thì kẻ bị trầm cảm thường bê bối và bẩn thỉu vì không quan tâm đến bản thân. Con Trâm  thì ngược lại nó sạch sẽ hết biết luôn… mà nè… cái này tao nghe kể thôi chứ không chắc lắm…

- Sao?

- Con Trâm chuyên gia tắm đêm… và…

- Và và cái gì nói mẹ đi. Ông rắc rối quá.

- Nó tắm truồng.

- ….

- Thằng Hân kề bên nhà Tư Sông nên rành cái vụ nầy. Sau đó Tư Sông phải che mấy tấm tole kề bên cái giếng cho con Trâm tắm. Mà thôi… nói mấy chuyện tắm truồng nghe thô cái miệng quá.

- Thì nói tắm khoả thân cho thanh tao phải không Long?

Long không trả lời. Gã ở phòng trọ ngồi yên một lát rồi về bởi chủ quán và Hùng Hèm đi dự đám ma Tư Sông.

Long vừa đi vừa suy nghĩ về cô gái tên Trâm. Chả biết là cô gái bị cái gọi là trầm cảm trầm uất nầy làm sao chăm một bà già bất toại? Anh trai và chị gái của cô ấy sẽ làm gì nhỉ?

Một tuần sau Long nghe tin bà Tư Sông theo chồng về âm cảnh. Thằng ở trọ lại nghĩ đến cô gái trầm cảm chuyên tắm đêm và tắm truồng.

*

Long tên thật là Tí. Nó không phải dân An Giang và Trần Văn Long chỉ là tên trong chứng minh, Long báo với chủ trọ mà thôi. Thiệt mà nói. Long không biết mình là dân xứ nào trên đất nước hình cong chữ S nầy. Nó lê la với mẹ hết sân ga nầy đến sân ga khác kiếm cơm. Mười một tuổi đã một thân một mình bởi mẹ chết. Năm nay Long hai mươi hai. Vậy là nó có mười một năm tự nuôi thân. Một hôm có một tay chạy mô tô bị xe tải tông phải. Người chết được đưa đi còn rơi lại cái ví. Trong có ít tiền và giấy tờ tùy thân. Ba cái vụ thay hình trên chứng minh với nó là trò con nít. Phù một cái Tí Bụi đã hoá ra Long. Long tinh như một con chồn chín đuôi trong thế giới đời bụi. Biết mánh mung, biết chôm chỉa, biết canh ke nhập nha… có thể liệt Long là một loài tiểu quỷ. Nghiệp Long kiếm sống buộc phải liên tục đổi thay nơi ở. Ở riết một chỗ rất dễ bị bể ổ. Và đến đâu Long cũng đầu quân vào một cơ sở nào đó xin học nghề. Nó học sửa điện, hàn tiện, hàn gió đá, học nghề cắt kiếng vân vân và vân vân các loại nghề. Long có một tài vặt. Vặt nhưng tinh thông. Tài nầy làm lác mắt dân chơi, nhất là dân nhậu. Với hai cái muỗng trong tay, Long gõ là thiên hạ xoe mắt ra nhìn. Tay chơi nào hát sai-tông ọọc rơ Long điều trị tất tần tật. Về ấp X, Long phụ sơn nước với thầu Hùng. Hùng khoái Long bởi nó đi làm mà trả bao nhiêu nhận bấy nhiêu chả mè nheo chi ráo.

Chủ nhật Long cùng bạn hữu ghé quán cóc Ba Sinh trước làm ly đen đá sau kêu vài xị uống giải sầu. Nghiệp của Long là phải luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu. May quá. Thế gian nầy chả có cái chi giấu được ma men. Chuyện Tư Sông bị con cái coi thường và nguyên nhân được bày biện trên bàn nhậu:

- Mày biết không - chủ quán Ba Sinh nói với Long - miếng đất mà bây giờ là dãy trọ của con Thuý Hạnh là đất của Tư Sông. Trước đây đất của ông ta nhiều lắm. Cờ bạc quá nên bán lần bán hồi, cuối cùng còn duy nhất một sào ruộng bốn đứa lớn chia nhau và không ngó đến cha cũng là phải thôi. Thượng bất chánh hạ tắc loạn. Hiểu không?

- Dà…

Long “dà” nhưng nó hiểu là chết liền. Tiếng Việt không biết thì ở đó mà nho với nhe. Nó chỉ biết lắng nghe:

- Tui nói thiệt - Hùng Hèm lên tiếng - thằng Dũng trước sau cũng bị trời đánh chết. Có đang ăn ổng cũng đánh.

- Sao mày ác miệng vậy?

- Cũng còn thua thằng Dũng. Vì nó nên bà Tư Sông mới bất toại.

- Bà ấy lên máu nên té mà ra vậy mày ơi.

- Ông cứ hỏi thằng Hân là ra liền. Thằng Hân kể với tôi cái hôm con Trâm từ bệnh viện về, bà Tư níu thằng Dũng chửi nó ác với em. Thằng khốn kiếp xô một phát nên bà ấy quỵ luôn ông hiểu không?

- Thật vậy không?

- Chứ giả à? Có điều hai cái đám trong một tuần anh chị em nhà nó không chia chác được đồng nào.

- Tao dúi phong bì vào tay con Trâm. Không biết nó có biết giấu mà xài hay để mấy con Tào Thị cướp mất là thôi rồi.

- Nó trầm cảm chứ có thiểu năng đâu mà ông lo.

Long vểnh tai nghe. Nghiệp của nó hễ nghe đến tiền là tai vểnh lên.

*

Tàn cuộc nhậu ai về nhà nấy. Riêng Long vì say nên mượn tạm cái võng của Ba Sinh đánh một giấc. Thực ra gã không nhà không cửa không quê hương nầy chả say sưa chi. Nghề của nó để cho ma men dẫn lối thì có mà chết. Không uống thì không phải dân chơi, mà uống không cho say mới là dân chơi thứ thiệt. Khắc nghiệt của đời sống vô gia cư đã dạy cho Long vô vàn mánh khoé. Nó bỏ ra vài xị thêm đĩa mồi, uống vài ly rồi lăn lên võng nhắm mắt nằm nghe.

Bốn giờ Long rời quán. Nó không về nơi đang trọ mà đi dọc theo lộ rồi rẽ phải, thẳng tiến và rẽ trái, cuối ngã rẽ này là một cánh đồng trên năm hecta ruộng đang hoang hoá. Chẳng là đất đai đã được bồi thường và đang chuẩn bị làm cái chi đó nên ống cống thoát nước để ngổn ngang. Long đi trên con đường phân cách thửa đất và khu nhà ở. Nhà của cô gái trầm cảm nằm ở đây. Long chưa đến khu nầy bao giờ nhưng cu cậu rất sành. Trên cánh võng nghe dân nhậu kể là hình dung ra ngay. Nó nhận ra ngôi nhà của trầm cảm bởi cây hoa chuông vàng trước sân. Nắng chiều tàn rọi xuống làm cây hoa rực một mầu vàng chanh.

Con đường rất yên ắng bởi nhà cửa thưa thớt. Yên tĩnh, nắng chiều và màu vàng của hoa làm thằng vô gia cư đứng lại và ngắm nhìn. Nó đứng yên một lúc lâu. Rất lâu. Đương nhiên thôi, đã là người thấy đẹp ai chả ngất ngây. Vô gia cư cũng là người chớ bộ, thậm chí, đời nó đau thương lắm, nên chi, khi thằng người trong nó trở mình thức giấc thì Long người hơn ai hết trong thế giới ô trọc nầy. Nó lặng một lúc rồi tiếp tục bước. Việc của nó đến đây để thăm dò chứ không phải ngắm nghía.

Long bước ngang qua nhà trầm cảm và giật mình khi một con chó xồ ra sủa.

Máu làm ăn trong người nó trỗi dậy. Muốn nhập nha trước tiên phải bịt họng con cẩu này. Gì chứ với Long là không khó. Dùng thuốc độc mạnh đến độ vừa mới ngửi, cẩu đã lăn ra chết thì lò mổ ỏng eo chê bai sau đó mua như của bỏ. Dạng đó chỉ dành cho dân a-ma-tơ. Long thì khác. Chó đem đến lò còn sống mới là bậc sư trong thuật trộm chó. Long hơn cả sư.

Khi đi ngang qua nhà trầm cảm Long xéo mắt nhìn vào. Nó thấy một cô gái đang quay lưng ra đường và chải tóc. Tóc trầm cảm dài đến lưng và cái lưng rất thon thả. Long đứng phắt lại khi cô gái rẽ tóc sang hai bên thòi ra một cái gáy và bờ vai trắng ngần. Trầm cảm làm vô gia cư cứng người. Chắc chắn đây là lần đầu tiên nó biết, ngoại trừ những cái đẹp mà người phụ nữ sở hữu có một cái mà họ không biết. Đó là cái gáy và hai bờ vai nhìn từ phía sau.

Trầm cảm phắt lại như biết có ai đang nhìn mình. Cô dứ cái lược về vô gia cư làm nó giật mình và bước lùi. Long nhận ra một gương mặt đẹp. Nó đủ để Long nhớ ra cô gái này chuyên tắm đêm và tắm truồng. Đủ để nhớ ra cô gái đang có tiền. Đủ để Long quyết tâm đêm nay phải nhập cái nhà nầy.

Vô gia cư chuyên sống bằng trộm đạo, đi thẳng lên hiệu thuốc Bắc và mua một thang thuốc dùng làm mồi câu cá. Ghé tạp hoá mua một ít tai vị nấu bún bò Huế và một ký than hầm. Long tạt qua chợ. Buổi chiều dân đi đặt trúm bắt lươn bắt đầu bày hàng. Long chọn con lươn nửa ký lô rồi đi thẳng về nhà trọ. Nó trộn mồi câu cá và tai vị chung với hành tiêu bột ngọt, nhưng… khà khà khà… Long không cho muối hay nước mắm như quý vị nội trợ vẫn sử dụng. Nó bỏ cái gì để có độ mặn là bí mật gia truyền. Móc ruột con lươn rồi sau đó hát bài nổi lửa lên em.

Cả dãy trọ nức mũi khi mùi lươn nướng bay lên. Ai cũng nói:

- Bà mẹ nó… thơm quá là thơm. Mai tao phải làm món này mới được.

Mấy thằng nhậu nói Long chơi ác quá. Mồi vậy mà không làm với anh em vài ly cho đời nó đẹp lại xách đi:

- Chớ mày đi đâu vậy Long?

- Nhậu chớ đâu.

Con lươn nướng trong tay Long phát huy tác dụng thần diệu của nghề trộm chó.

Mười một giờ đêm Long mới rời cà phê Ba Sinh. Hai mươi giấc tốt hai mốt nửa đêm trăng hạ huyền mới lên. Làm ăn trong bóng tối đương nhiên phải chờ thật tối. Long đi qua nhà nàng và tất nhiên anh cẩu xồ ra gừ gừ gừ… nó chưa kịp ngoác miệng ra sủa thì Long bẻ cái đuôi con lươn nướng quăng ngay mũi. Mùi thơm của các loại nướng thì con người còn đắm huống chi cẩu. Nó đớp xong miếng đuôi thì Long quăng tiếp miếng nữa, miếng nữa và miếng nữa… vừa quăng mồi Long vừa bước về phía mấy cái ống cống trong đám ruộng. Anh cẩu bén mùi nên đi theo. Khi Long yên vị ở cái ống cống mà bên trong có bộ nghề bắt chó, Long ngồi yên thẩy mồi, cuối cùng nó đưa tay ra và tróc lưỡi. Mùi lươn nướng trên tay dụ anh chó đến gần. Mẹ cha ơi… anh cẩu cả chục ký ngoài dụi đầu vào tay thằng ăn trộm cứ như chủ của nó vậy. Và với một thao tác rất chuyên nghiệp, Long ghì chặt cái cổ con chó xuống mặt ruộng, đầu gối của thằng trai trẻ đè lên hông. Kiểu nầy thì cọp còn chết nói chi chó. Tay còn lại Long thọc vào ống cống và lôi ra một sợi dây thắt miệng chó. Hai chân trước của chú cẩu bị bẻ ngược ra sau và cột lại bằng dây dù. Hai chân sau cũng y khuôn. Long cho chú cẩu vào ống cống. Chục ký nhân với bốn chục ngàn cầm chắc bốn trăm nghìn bạc trong tay. Khởi đầu vậy là thuận.

Long đưa tay lên mũi ngửi. Tao còn chết nói chi mày, chó ơi là chó ơi. Cái gì mà làm con chó bị đắm vậy kìa? Bùa miên chăng? Xì… bùa nào mà qua được chó? Nói nhỏ cho nghe luôn. Cái chất để tạo độ mặn mà Long cho vào khi pha trộn với gia vị là nước tiểu của nó mà thôi. Và khi nướng, lâu lâu nó phun vào một bãi nước bọt. Hai thứ này là bí mật gia truyền, ai không tin thử là biết liền.

Đúng là mèo hoang hoá cáo. Long nhẹ nhàng nép vào gốc của cây hoa chuông vàng. Chỉ hai thao tác nó đã có mặt ở cửa. Cửa khép hờ nên Long dễ dàng lọt vào nhà. Ở cái phòng khách chả có chi ngoài cái bàn thờ, trên có hai bức chân dung. Ánh điện phát ra từ hai cái bóng đèn bằng ngón tay cái, tuy tù mù nhưng cũng đủ cho Long thấy cả chục thùng mì gói đang xếp chồng lên nhau. Long thoáng nghĩ chắc cô trầm cảm ăn mì gói thay cơm.

Bỗng nhiên Long nghe có tiếng động sau lưng nhà. Cứ như tiếng nước được xối ra từ một cái gầu hay cái ca lớn. À… ra cô chủ tắm đêm. Thằng vô gia cư chợt nhớ cô trầm cảm tắm truồng… mẹ cha ơi… giang hồ không bờ không bến, gì chứ khoản đàn bà Long sành điệu đến mức gớm ghê. Nhưng mà mục kích cái vụ tắm nầy thì chưa bao giờ. Có cho nó cũng không cần nói chi rình rập. Rình xem người đẹp tắm nghe nó bẩn làm sao. Dù nghề của Long là chuyên rình rập - thôi, dẹp ngay - Long nhủ thầm, bể ổ là chết cả tơi lẫn nón. Nghĩ vậy nên Long lẻn vô phòng cô trầm cảm. Nó mở cái tủ. Có mùi băng phiến bay ra thơm lựng, nhưng không có mùi tiền. Nhìn cái kiểu sắp xếp áo quần là Long biết cô chủ bỏ tiền trong túi áo. Và túi tiền đang bên cạnh cô khi tắm. Long rút chai soffel trị muỗi và bôi từ trên mi mắt đến tận gót chân. Xong việc thằng trộm chúa chui xuống gầm giường nằm đợi thời cơ.

Nhưng. Trời ạ. Cái vách buồng của cô gái bằng ván. Qua khe hở của những tấm ván đã hư hỏng, Long thấy… trời ạ… trăng hai mươi lên cao và ánh sáng của nó rọi xuống cái thềm giếng. Long ngạt thở. Nó không thể tưởng tượng là khi khoả thân người con gái đẹp đến thế. Thực ra thì mờ ảo của trăng khuya xuyên qua những tán cây thưa thớt trong khu vườn bé tẹo của nhà bên cạnh làm cái đẹp trở nên ma ảo một cách kỳ diệu. Long mục kích đôi vú tròn trịa của nàng, nước từ trên tóc cô chảy xuống ngực, xuống bụng xuống cái tam giác ảo mờ một cách rất bí ẩn, làm Long như đông cứng lại. Thốt nhiên cô gái hát. Hát rằng ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo, ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút, ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa, ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính…

Long lặng cả người. Nó như chết đi - thậm chí - cô gái tắm xong vào buồng mà Long cũng chưa hoàn lại hồn người. Nó nghe cô gái ngồi lên giường và gọi:

- Bê tô… Bê tô… mày đâu rồi?

Thì ra con chó mà Long đang nhốt ngoài ống cống tên Bê tô.

Rồi Long nghe cô gái khóc, cô thăn thỉ:

- Tao nói mà mày không nghe… đừng có đi… tụi ma tuý nó bắt mày cho lò mổ mất thôi… về đi Bê tô ơi. Mày đi rồi tao sống với ai?

Long lặng yên nghe? Nghe gì? Nó nghe một nỗi buồn sâu và miên man chạy trong hồn. Long nhớ mẹ nó. Mẹ nó từng khóc khi nó bệnh và bà cũng thăn thỉ như cô trầm cảm rằng đừng chết con ơi… con chết rồi má sống làm sao…

Một lúc lâu Long nghe cô thở đều.

Long giả tiếng mèo kêu… một lần rồi hai lần…

Trầm cảm ngủ rồi.

Nó chui ra và bàng hoàng thêm lần nữa.

Trầm cảm khoả thân khi ngủ. Cánh quạt đứng chạy hết tốc độ để xua cái nóng và muỗi cho cô.

*

Cô nằm nghiêng, mặt quay vào vách. Hai chân co lên và một tay kẹp vào giữa hai đùi. Tóc cô xõa ra che đi gương mặt. Long nhận ra người con gái nằm nghiêng khi ngủ có một nét đẹp không thể nào tưởng được. Và dưới ánh sáng tuy rất ảo mờ của ngọn đèn ngủ, Long vẫn nhận ra hơi thở chạy đều trên vú trên ngực và trên bụng cô gái. Long cứ yên lặng mà ngắm nhìn.

Ngắm nhìn.

Ô hay… cái thằng này. Mày bị điên à? Đến đây để ăn trộm hay ngắm gái ngủ? Chừng như một chút ý thức nhỏ nhoi trong tâm đang gọi Long. Nhưng cái đẹp huyền diệu khiến chân nó không dịch chuyển được. Ông con cứ đứng yên như trời trồng.

Hốt nhiên cô gái trở mình thức giấc.

Cô bật dậy. Và với cái nhanh nhẹn của một cô gái mười bảy tuổi. Ôm lấy ngực cô kêu lên:

- Trời ạ…

Cũng nhanh như tia chớp Long thò tay lên cái công tắc điện “tách”. Bóng tối phủ ngập căn phòng. Lúc nầy con người trộm đạo trong Long thức dậy. Nó ôm lấy cô gái đè xuống gường. Cô trầm cảm vùng vẫy rồi cắn một phát vào tay Long. Thằng khốn buông cô gái ra và trầm cảm tung một đạp, may quá cái đạp trúng ngay vô hạ bộ kẻ gian. Khốn Long ôm bụng chạy ra sân.  Nó phi một hơi lên cái ống cống đựng con chó.

Hú hồn. Thiệt hú hồn.

Ngồi một lát Long thò tay vào cống bắt con chó ra. Ông con tháo dây trói, tháo luôn rọ mõm. Nó vỗ đầu con chó:

- Về với cô chủ của mày đi.

Phải công nhận cái món lươn nướng của Long. Con chó còn muốn đi mới thật sự là lạ.

*

Đêm ấy hầu như Long không ngủ. Nó vắt tay lên trán thao láo hai con mắt nhìn vào bóng đêm. Hình ảnh cô gái tắm đêm bên bờ giếng và cái dáng nằm hai tay kẹp vào đùi choáng ngợp hết đầu óc gã bán côn đồ. Bỗng nhiên Long thèm một mái ấm gia đình, thèm có một cô gái nấu cơm cho ăn, an ủi khi buồn, thèm có một ai đó cầm đồng tiền nó đem về như thuở nào ở với mẹ. Mẹ xoa đầu Long và hỏi:

- Mệt không con?

Hình ảnh bà má chết thảm và mái tóc trầm cảm hiện lên trong mắt Long. Mãi cho đến gần sáng Long mới thiếp đi. Nó đánh một giấc không mơ màng mộng mị chi ráo, một mạch cho đến tận bốn giờ chiều rồi trở mình tỉnh giấc. Giấc ngủ tròn làm Long tỉnh táo. Cái đầu linh hoạt của kẻ chuyên làm ăn trong bóng tối cuộc đời dạy cho nó biết phải làm gì. Nó linh cảm rằng trầm cảm là người của nó. Chỉ những người sinh ra và lớn lên mà không biết đâu là nguồn cội mới cảm nhận được điều này. Long vận lịch sự như cậu rồi bỏ vào túi bộ đồ nghề tán gái đến cà phê cóc Ba Sinh làm ly đen nóng cho tỉnh táo rồi đi bộ xuống nhà ẻm.

Đồ nghề tán gái của Long là cặp muỗng bằng inox. Một trăm em từ nhà lành đến rách như gái đứng đường đều mê đắm tài gõ muỗng của Long. Long đã ra tay thì cả một dàn nhạc thời thượng nằm trong hai cái muỗng thần kỳ. Mấy em bán cà phê ôm, bia ôm, cả karaôkê ôm ở nhà trọ Thuý Hạnh còn mết nó kìa. Nó mà đã mở miệng thì mấy em có mà gật đầu cái rốp. Vậy thì đảm bảo trầm cảm phải nở nụ hồi sinh. Chả phải nàng yêu rất sớm đó sao? Chả phải nàng đang cô độc lắm đó sao? Vậy ta mang tin yêu và sự sống đến chả phải đúng lúc lắm ru?

Và trầm cảm đang ngồi ở tam cấp vỗ về con cẩu suýt chết bởi lươn nướng.

- Chào em.

Dân bụi nên tỉnh rụi và tự nhiên như ruồi.

Trầm cảm lạnh như tiền nhưng con chó lại quấn lấy Long. Thật là kỳ lạ cho cái mồi dụ chó cực độc của trộm đạo. Long vuốt ve chú cẩu và tiếp tục:

- Em tên Trâm phải không?

- Tôi biết ông là ai rồi. - trầm cảm nói.

Long giật mình. Cô ấy nhận ra mình à?

- Hồi hôm ông chứ không ai vô.

- Là sao? Em nói gì anh không hiểu.

- Tôi biết chắc chắn là ông.

- Biết gì vậy em?

- Cái mùi tai vị tôi ngửi được trên người ông khi ôm tôi và mùi trên miệng con Bê-tô. Ông bắt nó phải không?

Cô gái nói chắc nịch làm Long sởn gáy. Không trả lời. Ông con đánh trống lảng bằng cách rút cặp muỗng ra và hát và gõ bài Chiều. Giọng ca của Long nghe cũng hết sức mượt mà: “Trên đường về nhớ đầy, chiều chậm đưa chân ngày… tôi là người lữ thứ, đường chiều khó làm khuây, ngỡ hồn mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây, nhớ nhà châm điếu thuốc… khói huyền bay lên mây… khói huyền bay lên mây… ngay lập tức cô chủ xoe mắt ra nhìn. Đúng là âm nhạc đã cứu vãn mọi bế tắc của cuộc sống.

Ngay hôm sau, hôm sau và hôm sau nữa Long đến nhà trầm cảm. Long vốn kiệm lời và luôn giữ bí mật đời mình, vậy mà chả hiểu sao có bao nhiêu nó kể hết cho trầm cảm nghe:

- Anh không nhà không cửa không quê hương Trâm à…

Trầm cảm lắng nghe. Cô giấu mặt trong tóc một lúc lâu rồi sẽ sàng:

- Anh có một cái mà không ai có được. Anh biết không?

Long có vẻ cảm động:

- Em cũng có điều đó… Trâm ạ.

 

Nguồn Văn nghệ số 22/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *