Tác phẩm chọn lọc

16/2
6:45 PM 2016

Truyện ngắn chọn lọc: “Kỳ nhân làng Ngọc”

VanVN.Net – Như tin đã đưa, Giải thưởng hàng năm Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng cho 7 tác phẩm, trong đó có hai tác phẩm ở hạng mục văn xuôi: “Kỳ nhân làng Ngọc” – tập truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh và “Thông reo Ngàn Hống” của Nguyễn Thế Quang. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Kỳ nhân làng Ngọc” rút từ tập sách đạt giải thưởng năm 2015.

 

Hồi làng Ngọc vừa cải cách ruộng đất xong, Bình mười sáu tuổi.

Một hôm ông Ba Be, bố Bình có giấy của ủy ban xã gọi lên làm việc. Về, ông ngồi thở hắt ra: “Thằng Bình nó gây ra sự động trời rồi”.

Cái tin thằng Bình hiếp dâm con bé Liên Hương, con ông lý Lưu, lan truyền ầm ĩ khắp cả làng Ngọc. Thằng Bình hiện không có nhà, nó vốn ở với ông bác họ làm nghề chữa xe đạp ngoài Hà Nội, vừa đi sáng sớm nay. Mấy hôm trước, thằng Bình được bố gọi về để nhận suất ruộng cải cách theo diện bần cố nông. Ngày mai, theo lệnh của ủy ban, ông Ba Be phải ra Hà Nội để điệu thằng Bình về đối chất với đơn tố cáo của bố con nhà ông lý Lưu về tội hiếp dâm.

Nhà ông Ba Be và nhà ông lý Lưu đang là hàng xóm, chung sân. Nhà ông Ba Be cùng với bốn gia đình bần cố nông khác ở ngôi nhà ngói gỗ lim năm gian vốn là cơ ngơi của gia đình ông lý Lưu do đội cải cách chia quả thực cho nông dân. Gia đình ông lý Lưu thì lại ở mấy gian nhà ngang, vốn xưa vẫn làm chỗ ăn ở của người làm trong nhà. Gia đình lý Lưu, một nhà giàu cự phú từ bao đời nay đã nức tiếng vùng Kinh Bắc, còn gia đình Ba Be thì bao đời làm thuê, cấy rẽ cho nhà lý Lưu người làng chả ai nhớ nổi. Vợ chồng con cái nhà Ba Be vốn cư ngụ trong mấy gian nhà tranh, mãi ngoài xóm Trại. Thế mà, vật đổi sao dời sao đấy mà hai nhà lại thành hàng xóm, tớ thì lên ở nhà trên, còn chủ thì xuống nhà ngang ở.

Thật ra thì lúc ở ủy ban, ông Ba Be đã chửi ầm cả lên sau khi nghe cán bộ nói là thằng Bình nhà ông bị nhà lý Lưu tố cáo tội hiếp dâm: “Nữ thập tam nam thập lục, nó thích nhau thì nó đéo một cái, rồi cưới nhau chứ có gì mà hiếp. Cứ thế thì xưa nay trai làng Ngọc này mang tội hết à. Tao cũng hiếp vợ tao năm nó mới có mười ba tuổi ở bờ ruộng, thằng lý Lưu cũng đè ngửa vợ nó ra đêm hội làng lúc mới có mười bốn. Bây giờ cũng mấy chục năm, mấy mặt con, sắp lên ông lên bà cả rồi có việc gì đâu”. Nhưng mà ông Ba Be không chịu thì vẫn cứ phải chịu. Cán bộ ủy ban nói nay là chế độ mới rồi, mọi việc phải theo chỉ thị của trên, trên nói phải mười tám tuổi, không được đéo lung tung, không nghe, cho ra tòa ngay. Nói đến tòa, ông Ba Be tỉnh rượu luôn, vừa đợt cải cách mới đây, chánh tổng Lác oách thế mà ra tòa bị chánh án là mõ Khánh, vốn không biết chữ, chỉ cần điềm chỉ ngón tay cái vào giấy, ra lệnh tử hình, bắn ngay tức thì. Đến như lý Lưu, nhà giàu nức tiếng, ủng hộ bao thóc cho kháng chiến, lại có thằng con cả theo cộng sản từ hồi còn học trường Bưởi ngoài Hà Nội còn suýt bị tòa xử tử. May thằng con về kịp, gỡ cho bố, không thì xanh cỏ rồi. Nhưng mà gia sản tích cóp bao đời nay tan hết cả, giữ được cái mạng là may. Thôi, tòa là kinh lắm. Mai, đành đi xe khách ra Hà Nội, lôi cái thằng nghịch tử ấy về cho ủy ban dạy nó.

Sáng hôm sau, ông Ba Be đi Hà Nội, mang thằng Bình về thẳng ủy ban xã, ở đó, hai bố con nhà ông lý Lưu đã đợi sẵn. Con bé Liên Hương, mười ba tuổi, mong manh xanh mướt như tàu lá, ngồi bẹp một xó như con mèo ốm, trái ngược hẳn với ông bố, lý Lưu đang bùng bùng như cái lò gạch quá lửa, chỉ chực bục ra bất cứ lúc nào. Thật sự thì lý Lưu cay lắm, nhà cửa, ruộng vườn tích cóp bao đời, đùng một cái mất sạch. Cái nhà thằng Ba Be truyền đời làm thuê cho nhà mình, gọi dạ bảo vâng, một điều ông, hai điều cháu, thế mà vợ chồng nhà nó nghe Đội, đấu tố ông kịch liệt về tội “bóc lột”, giờ đây lại còn lên mặt “thành phần”. Còn mỗi đứa con gái út ít ở nhà, xinh xắn đẹp đẽ như bông sen cạn trong bể cảnh, mà bố con nhà nó lại đang tâm giày vò nốt. Lý Lưu quyết làm cho ra nhẽ. Cả đêm hôm trước, cô bé Liên Hương đã được bố và công an đi kèm, mang xuống bệnh xá huyện tít dưới phố phủ để khám, theo yêu cầu của ủy ban. Trưởng bệnh xá là y sỹ Tre, vốn vừa là cứu thương ở mặt trận Điện Biên Phủ, sau được trên cho đi học lớp y sỹ cấp tốc ba tháng để về mở bệnh xá huyện phục vụ nhân dân. Kể từ khi bước chân vào ngành y đến giờ, chưa bao giờ Tre y sỹ gặp phải một ca như thế này: “Xác định cô Liên Hương đã mất trinh chưa?” Tre y sỹ cấp tốc triệu tập toàn bộ hội đồng chuyên môn của bệnh xá, gồm hai ông y tá lưu dung, một bà nữ hộ sinh đến khám trên lâm sàng. Ba ông và một bà, hết vạch, nhòm, ngó cái phần dưới của cô bé mười ba tuổi rồi lại cãi nhau như mổ bò về nào là môi lớn, môi nhỏ, âm vật, màng trinh, âm đạo, lại đến hình hoa khế, hình  êlip, chun giãn… Gần cả đêm mà chưa đưa ra được kết luận. May, gần sáng Tre y sỹ chợt nhớ ra là có đoàn sinh viên y khoa Hà Nội do một tay bác sỹ trẻ dẫn đầu vừa về huyện chiều nay để chuẩn bị mổ quặm cho dân trong vùng. Lập tức, Tre y sỹ chạy đến phòng ở của đoàn gọi tay bác sỹ trẻ dậy để tham vấn chuyên môn. Mới đầu, tay bác sỹ trẻ từ chối, nói mình chuyên khoa mắt nên không thạo về vấn đề máy móc của chị em. Nhưng Tre y sỹ bảo: “Chú mày cứ lắm chuyện, chú là bác sỹ nên về đại thể được học cả rồi, vả lại, mắt ngang với mắt dọc thì khác quái gì nhau mấy. Chú cứ sang cho anh một ý kiến để anh kết luận. Mà này - Tre y sĩ hạ giọng - Sang mà xem. Tao gần hai mươi năm trong nghề rồi, chưa thấy cái bướm nào đang lớn mà xinh thế”. Chả biết có phải thế không mà tay bác sỹ Hà Nội sang luôn, lại kéo theo cả đám sinh viên y khoa cùng sang, để học tập. Gần năm giờ sáng, kết luận của bệnh xá huyện được thông qua do Tre y sỹ ký, “cô Liên Hương đã mất tân”.

Lúc phải cởi quần nằm lên trên cái bàn sản phụ, dưới ánh đèn điện sáng, rọi thẳng vào chỗ kín để cho mấy y bác sỹ ở bệnh xá huyện khám trước sự chứng kiến của cả mấy tay công an, cô bé mười ba tuổi cảm thấy mình như rơi tõm vào vạc dầu đang sôi dưới mười tám tầng địa ngục như lời kể kinh của mấy bà vãi già trong làng. Những bóng người lom khom nhòm ngó, bình phẩm, cãi nhau về cái phần thầm kín nhất của thiếu nữ chập chờn trong ánh điện cứ như bọn quỷ sứ của Diêm Vương hiện hình để xâu xé thân thể mình.

*

*  *

Làng Ngọc vốn là một cái làng cổ nổi tiếng ở miền Kinh Bắc. Làng rất to, cỡ đến trên hai nghìn nóc nhà, chia ra làm mười một xóm: xóm Đình, xóm Nón, xóm Ván, xóm Nam, xóm Bắc, xóm Trại… Làng nằm dựa lưng vào chân núi Thiên Thai và nhìn ra dòng sông Đuống. Mấy tay trong làng thạo về phong thủy bảo đấy là thế đất linh dựa núi nhìn sông, nên đời nào làng cũng sinh ra kỳ nhân. Truyền rằng, hồi Hai Bà Trưng kéo thủy binh về hạ thành Luy Lâu gần đấy, cho quân sĩ nghỉ ngơi lại làng một đêm, dân làng kéo theo Hai Bà rất đông. Trong làng có ba vị kỳ nhân, hình dong cổ quái, to lớn dị thường, dẫn đầu đám trai làng, cầm đao nhảy vào thành đầu tiên. Sau này cả ba tuẫn tiết trận tiền, Hai Bà rất thương tiếc, sai dân làng lập đền thờ, phong là Tam Công Đại Vương, quanh năm nhang khói, còn đến bây giờ. Xung quanh một dải đầm sen rộng và sâu bao bọc, nước quanh năm trong vắt, kéo dài mãi vào mạn Lang Tài mới hết. Cái đầm sen ấy là của chung, mọi người dân trong làng đều có quyền sử dụng, hương ước làng ghi rõ, chim trời cá nước ai kiếm được người ấy ăn. Trên bờ đầm, phía bên rìa làng, dân tình bắc rất nhiều cầu ao bằng mấy khúc tre già to chìa ra ngoài để tắm rửa, giặt giũ. Dân làng Ngọc từ xưa tới nay, già trẻ nam nữ thường hay ra tắm trần ngoài đầm. Trên cầu ao, các cô thôn nữ hồn nhiên cởi trần dội nước ào ào và kỳ cọ bộ ngực trinh nữ rắn chắc hồng hào. Ở bên cầu ao chỗ khác, mấy ông già làng thì lại điềm nhiên khỏa thân tắm gội, chim cò để thỗn thện cứ như cuộc đời này chả còn gì quan tâm. Dưới đầm, bọn thanh niên bơi lội náo nhiệt, dường như những công việc đồng áng nhà nông chả ăn thua gì với sức vóc của chúng, nên chúng phải hụp lặn, hò hét, thách đố nhau để xả bớt sức trẻ đang cuồn cuộn réo gào trong những thân thể cường tráng. Bơi chán, chúng lại lật ngửa người thả nổi trên mặt đầm nước, mắt he hé nhìn vào bờ ngắm gái làng đang cởi trần nô giỡn tắm giặt.

Bình được ông bác họ đưa ra Hà Nội ở trông hàng, phụ việc ở cửa hàng chữa xe đạp đầu ngõ Chợ Khâm Thiên từ lúc còn chưa đầy mươi tuổi. Cái phố Khâm Thiên hồi trước năm năm tư, rặt toàn nhà thổ, cô đầu, đĩ điếm “đĩ nhiều hơn dân”. Bình, ngày làm ngoài cửa hàng với ông bác, đêm về ngủ ở gian gác xép trong ngõ chợ, xung quanh toàn gái làng chơi thuê trọ. Mấy cô nàng chuyên nghề buôn phấn bán hương, nhìn thấy thằng em mới lớn ở quê ra cứ như cáo nhìn thấy gà con, rắp tâm đưa thằng em vào đời. Thế nên, Bình thạo đời lắm, được ông Ba Be ra gọi về để nhận suất ruộng cải cách mà nó bôi tóc vadơlin bóng loáng, hai bên mai còn vuốt cong nhọn hoắt. Chiều đến, Bình ra ao sen tắm thì nó mới thấy thực sự là choáng váng, nó xa quê từ bé, giờ mới về lần đầu nên không quen với nếp tắm trần của cả làng. Phải nói là gái làng Ngọc rất xinh, da trắng hồng, còn cặp vú thì khỏi nói, cứ như hai nửa quả bưởi hồng gắn trên ngực. Chả bù cho đám mấy cô ngõ Chợ Khâm Thiên, vú cứ nát mềm như hai quả mướp nướng. Nhưng ở nhà được mấy hôm, Bình đã thấy bức xúc lắm, các cô gái làng chơi sau một ngày diễn đủ trò để mua vui và moi tiền của khách, về nhà trọ, tắm rửa sạch sẽ rồi lại lần mò sang chỗ Bình ngủ, ôm ấp, hôn hít suốt đêm. Các cô cả ngày phải chiều chuộng khách làng chơi, chủ yếu là đàn ông lắm tiền nhưng già, hôi nên thèm muốn cái hương thơm từ thân thể cường tráng của thằng trai đang lớn.

Chiều nay đã nhận ruộng xong, có lẽ mai Bình đi Hà Nội, Bình ra đầm sen tắm từ chiều, ngắm gái làng no mắt nhưng chưa muốn lên, Bình cứ thả trôi trên mặt đầm cho mát. Con bé Liên Hương nhà lý Lưu đi đâu về mà ra tắm muộn. Bình thường, con Liên Hương mặc quần áo dài chả ai để ý là nó đã lớn, đến khi nó cởi trần ra tắm mới thấy vú đã thây lẩy như hai cái bát con ở ngực. Bình bơi về cầu ao chỗ Liên Hương ngồi tắm, định lên bờ về nhà. Liên Hương ngồi trên cầu ao, múc nước bằng cái thau đồng nhỏ, dòng nước trong thơm mát hương sen chảy tràn từ cổ xuống dưới ngực, qua chỗ hai núm vú nhọn xinh của cô, dòng nước dội lên, tóe ra những tia trắng mơ hồ. Trong đầu Bình tự nhiên nảy ra một ý nghĩ đen tối, con chim càng căng thẳng, nó không dám lên khỏi mặt nước. Liên Hương nhìn thấy Bình dưới ao, hỏi tự nhiên như không:

- Anh Bình bao giờ lại ra Hà Nội đấy?

- Có lẽ mai anh đi.

- Ở Hà Nội chắc là vui lắm nhỉ?

- Cũng thường, không bằng quê mình.

- Anh này điêu. Không bằng mà anh đi một mạch đến mấy năm không về.

- Đâu có, anh cũng muốn về nhưng bác anh bắt trông hàng suốt không cho về, mà anh cũng nhớ em đấy.

- Anh này lại điêu thế không biết. Lúc đi bằng cái tí xíu, biết gì mà nhớ?

- Thế mà anh nhớ em đấy. Mà này. Tối nay ăn cơm xong, em ra góc vườn, chỗ cây muỗm ấy, anh bảo cái này nhé?

- Thôi, em chả ra đâu, em sợ ma lắm.

- Có anh sợ gì, ra nhé, anh đợi.

- Em không biết đâu. Kệ anh, em về đây...

Vừa nói, Liên Hương vừa khoác vội cái áo ướt vào người, cầm cái thau đồng nhỏ chạy về nhà, nhưng mắt liếc lại rất nhanh Bình đang nhảy lên khỏi mặt nước lên cầu ao.

Thật ra thì gia đình ông lý Lưu với gia đình ông Ba Be vốn là chỗ thân tình. Hồi trước cải cách, dinh cơ nhà ông lý Lưu thuộc diện to nhất vùng Kinh Bắc. Hai vợ chồng ông lý Lưu có ba người con, tay con trai đầu đi học trường Bưởi ngoài Hà Nội rồi chả biết nghe ai xui khôn xui dại sao đó, đi theo mấy ông cộng sản, có đận đã bị Pháp bắt giam mấy năm, dân làng bảo tay ấy sướng quá hóa rồ. Còn tay con trai thứ hai thì du học bên Pháp quốc, lâu lắm cũng không thấy về làng, ở nhà còn mỗi cô gái út. Vợ chồng ông Ba Be thì đông con lắm, nhiều khi hỏi cả vợ lẫn chồng, cả hai phải lấy đốt ngón tay ra bấm tí sửu một lúc mới giả nhời được là có bao đứa con. Ông Ba Be có tài chế biến mấy cái món sản vật đồng quê như lươn, trạch, ốc, ếch… thành các món nhắm rượu ngon nên ông lý Lưu rất khoái ông Ba Be. Vả lại hai người cũng sàn sàn tuổi nhau, nên lý Lưu hay rủ Ba Be ở lại bữa chiều uống rượu với mình cho vui. Khi chiều đến, trải chiếu ra sân ngồi uống rượu, chả ai biết đâu là chủ, đâu là tớ, mà tửu lượng của Ba Be lại vượt xa lý Lưu, thả sức ra ông có thể làm gọn ba chai, thế mới có tên là Ba Be. Vậy mà không hiểu tại sao hồi cải cách ruộng đất mới rồi, gia đình ông Ba Be lại lên đấu tố địa chủ lý Lưu ác liệt nhất. Vợ Ba Be còn đay đả: “Cái thằng địa chủ gian ác lý Lưu kia, mày có biết là mày bóc lột vợ chồng bà dã man thế nào không? Mới có năm sáu giờ sáng, vợ chồng bà còn đang ôm nhau mà mày đã đánh trâu đến cổng giục vợ chồng bà đi làm…” Khốn khổ cái thân ông chủ, ông còn phải dậy từ lúc bốn giờ để cắt đặt công việc, rồi cho thêm trâu bò nắm rơm nắm cỏ, nó ăn, nó mới có sức cày đến trưa. Thế nên, khi phát hiện ra cô gái út bị thằng Bình con Ba Be chơi rồi bỏ đi Hà Nội mất, lý Lưu quyết phen này phải làm cho cái thằng mất dạy ấy phải vào tù. Lệ làng này xưa nay cho trai gái đến tuổi nữ thập tam nam thập lục thoải mái tình tự nhưng cấm chạy làng. Đã chơi là phải cưới. Đêm trước ôm nhau xong, mai phải cậy người lớn đến nói chuyện ngay, nếu không làng phạt vạ cho đến nước chỉ còn bán xới mà đi. Ngay như thằng bố nó, không cha không mẹ, ở với nhà ông từ bé, năm mười lăm tuổi cùng đi cày với ông ở tít mãi cánh đồng Ngo, có con bé mười ba tuổi đang lúi húi bắt cua ở bờ ruộng buổi trưa, thằng bố nó ra tốc váy, đè sấp xuống bờ ruộng. Hôm sau, mẹ ông phải mang cơi trầu sang nhà người ta nói chuyện giúp cho, thành vợ chồng bây giờ. Thế mà, cái thằng trời đánh nó đè ngửa con ông ra góc vườn, rồi sáng hôm sau, không thèm nói với ai lời nào, nó lẳng lặng bắt xe khách chuồn thẳng. Không phải là lý Lưu không nhìn thấy và không mang máng cảm được những nỗi khốn nạn mà con ông sẽ phải chịu đựng, nhưng lòng căm hận trong ông nung nấu quá, ông không chịu được. Cứ chiều chiều, Ba Be lại khật khưỡng sai vợ con trải chiếc chiếu cạp điều ra sân gạch, chỗ thầy tớ xưa vẫn ngồi đối ẩm, để nhắm rượu, một mình. Mồi nhắm chỉ là mấy củ lạc, cái bánh đa hay chỉ là quả ổi xanh hái ngoài vườn. Nhưng Ba Be cứ ngồi như trêu ngươi từ nửa buổi chiều đến lúc nhọ mặt người, thỉnh thoảng lại quát thét, răn dạy vợ con, chửi chó mắng mèo ầm một góc làng. Ra cái điều ta đây, nay đã đổi đời.

*

*  *

Cái tối hôm ấy, Liên Hương đã cố cưỡng lại mình, không ra vườn, chỗ gốc cây muỗm như Bình hẹn. Nhưng chả hiểu sao, ăn cơm xong cứ thấy bồn chồn không yên, chắc là Bình đợi ngoài vườn, đang mong. Liên Hương cũng tò mò, không biết Bình định bảo gì, cái anh này đi làm mấy năm ở Hà Nội về nom ra dáng, trắng trẻo, đẹp trai ra phết, khác hẳn mấy tay trai làng đang có ý ong ve lượn lờ tán tỉnh cô, mà ngay vườn nhà chứ đâu xa mà sợ. Thế là Liên Hương nhẹ nhàng mở cửa sau, tót ra vườn, chỗ gốc cây. Cô bé mười ba tuổi đâu có biết cái gì đang chờ mình. Bình, tuổi khai sinh mới mười sáu, nhưng thật sự trong thân thể hình hài của nó, đã là một người đàn ông trưởng thành, nó lớn trước tuổi, điều này thì có lẽ là công lao của mấy chị cùng ngõ trọ Khâm Thiên. Liên Hương vừa chạy ra đến góc vườn, chưa kịp thở, đã bị Bình ôm nghiến lấy đè xuống vườn, dở ngay thói hoa tình ra. Liên Hương ú ớ định kêu thì Bình đã trùm mồm nó vào miệng cô mà nút lại bằng nhưng cái hôn. Bình đâu biết rằng Liên Hương vốn cũng có cảm tình với hắn, cô cũng định cho hắn làm gì thì làm, khi hắn ôm, Liên Hương đã thấy bủn rủn hết cả người, mặc kệ hắn thám hiểm bằng tay những chỗ thầm kín. Nhưng khi hắn ghè cô xuống vườn thô bạo quá, đã thế lại nhằm ngay chỗ có một cái gai cây găng xuyên vào mông, đau tưởng thấu tim, cô đau đớn, không còn bất cứ một cảm giác gì. Cái giống gai cây găng chuyên trồng làm hàng rào đâm vào rất là đau, rất sâu, đến nỗi sáng hôm sau đau quá, cực chẳng đã, Liên Hương phải bảo mẹ cô soi tìm rút đầu gai ra. Con mắt của một người đàn bà từng trải, mẹ Liên Hương phát hiện ngay ra con gái mình có chuyện. Và lý Lưu, sau khi biết chuyện, sai vợ lên nhà trên hỏi xem thằng Bình đâu thì được biết nó đã đi Hà Nội từ sớm tinh mơ. Lý Lưu cay lắm, nghiến răng đập tan cái be rượu gia bảo của nhà trên ban thờ mà thề rằng, nay dù làng không còn lệ cũ, nhưng nhất định phải kiện ra ủy ban cho bố con thằng Ba Be đi tù.

Nhưng mà thằng Bình không phải đi tù. Về đến ủy ban, nó cứng lưỡi khi nhìn thấy Liên Hương ở đó, thế nhưng nó mới mười sáu tuổi. Chưa đủ tuổi đi tù. Ủy ban bảo thế. Nhưng nó phải đi cải tạo lao động ở công trường xây dựng đường sắt trên miền núi, cho hết cái thói ăn chơi đàng điếm đi. Cũng từ cái đận ấy, cả làng Ngọc không ai còn nhìn thấy một cô gái đang tuổi dậy thì, đẹp mơn mởn như một bông hoa của cái làng gái đẹp nữa. Liên Hương biến thành một đứa ngẩn ngơ, bảo ăn thì ăn, bảo làm thì làm, cả ngày chả nói một câu, lâu dần, làng quên cả tên Liên Hương, mà gọi “cô Ngơ”. Có dạo cô tự dưng lại đòi mẹ cấp vốn cho cô đi buôn. Mẹ cô cũng chiều, cô đi buôn đủ thứ, từ hoa quả, bánh kẹo cho đến gà con, chó tháu. Cô cứ mua mười bán năm nên rất đắt hàng và chả mấy hết vốn. Cô lại đòi mẹ cấp, mẹ cô cũng chiều, cô lại mua mua bán bán. Cứ thế, đến mãi sau này, dân làng Ngọc khi nói “đảm như Cô Ngơ” là để chỉ người đi buôn không biết tính toán, mất cả vốn lẫn lãi.

*

*  *

Sau cái vụ lùm xùm của cô con gái với thằng con nhà Ba Be, ông lý Lưu suy sụp hẳn, đã không trả được mối hận cướp nhà thì lại biến con gái cưng thành trò đàm tiếu của cả làng, rồi để nó thành đứa ngẩn ngơ. Ông buồn lắm, ốm liệt tưởng chết. Tay con trai cả làm cán bộ ngoài Hà Nội về đón ra ở. Từ đó, mấy chục năm sau cũng không thấy ông về làng, nghe nói, lúc chết ông di chúc chôn luôn ở Văn Điển. Còn bà vợ lý Lưu, thương cô con gái út ngẩn ngơ nên không đi đâu, ở lại làng với con, hai mẹ con vẫn ở cái khu nhà xưa. Mấy gian nhà gỗ lim đại khoa, bị đội cải cách chia quả thực cho mấy gia đình bần cố nông trong làng, ở được vài năm rồi hè nhau dỡ ra bán béng, mỗi nhà đi một nơi. Vợ chồng con cái nhà Ba Be lại về mấy gian nhà tranh nơi xóm Trại. Cả khu dinh cơ vườn tược nhà lý Lưu, ngày xưa tấp nập kẻ ăn người ở bây giờ hoang vắng, chỉ có mỗi hai mẹ con cô Ngơ sớm chiều ra vào như hai cái bóng.

Bình, sau vụ đó bị tống đi lao động cải tạo trên miền núi, thế cũng là may chán. Mõ Khánh lúc đó đã nắm chức chủ tịch ủy ban bảo: “Nó là con nhà thành phần cơ bản, lại chưa đến độ thành niên nên cho nó đi lao động rèn luyện thành người tốt, có ích cho xã hội”. Một thằng con trai đương sức, quen lao động chân tay sẵn như Bình thì mấy cái việc lao động ngoài công trường nó coi là thường. Cuộc sống công trường nay đây mai đó, công nhân thì chín người mười phương, cán bộ chỉ huy thay đổi xoành xoạch, nên lâu ngày, chả ai còn nhớ đến việc vì sao Bình bị tống lên công trường, ai cũng nghĩ nó chán cảnh chân lấm tay bùn, suốt ngày nhìn đít trâu ở quê nên mới đi. Hai năm sau, công trình xây dựng đường sắt hoàn thành, đúng lúc có đợt tuyển quân, Bình viết đơn xung phong và được chấp nhận ngay. To cao khỏe mạnh, đẹp trai, thành phần lại cơ bản, thế là Bình trở thành chiến sĩ, đóng quân ở vùng Ba Vì, Sơn Tây.

Cuộc đời chiến sĩ thời bình cũng không có gì vất vả, nhưng bó buộc lắm, cả ngày rèn luyện ngoài thao trường, tối đến lại học văn hóa hay là sinh hoạt văn nghệ, ca hát vang lừng những bài về công nông liên minh hay ca ngợi tình hữu nghị Việt - Trung - Xô đương thời sôi nổi. Thỉnh thoảng, đơn vị tổ chức cho chiến sĩ đi vào các xóm làng xung quanh đấy giúp dân công việc đồng áng, gọi là dân vận. Một lần về làng Tàm bên mạn Ba Vì dân vận như vậy, Bình quen một gia đình chỉ có hai mẹ con ở hẻo lánh góc chân đồi, mẹ già khoảng sáu mươi, cô con gái tên là Thinh, khoảng hai bảy hai tám gì đó, một chân bị tập tễnh, thế nên ở cái làng đó coi như đã ế.

 Lâu lắm Bình không về thăm quê, cứ nhớ lại cái cảnh bị đưa ra đọc bản kiểm điểm buổi tối hôm ấy trước toàn thể quân dân chính đảng trong làng vì cái tội hiếp dâm là Bình lại chán hẳn. Bình thề, có chết ở đâu thì thôi chứ không bao giờ thèm về cái làng Ngọc chết tiệt ấy nữa. Nhưng mà nhà ông bác ngoài phố Khâm Thiên, vốn vẫn coi Bình như con, nhà hiếm hoi nên về làng Ngọc xin Bình từ lúc bảy tuổi đem ra Hà Nội nuôi, chả hiểu sao lại bỏ xuống Hải Phòng rồi đi tít tận đâu đâu không ai biết. Còn các cô gái làm nghề buôn phấn bán hương ở ngõ Chợ Khâm Thiên cũng bị chính quyền mới quét sạch, tống cả đám lên ô tô, đưa về làm ruộng ở nông trường Tam Thiên Mẫu cách đấy mấy chục cây số, để cải tạo thành người lao động. Bình chả có chỗ nào mà về, mấy lần bắn đạn thật được thành tích cao, cấp trên thưởng phép, Bình toàn nhường anh em, chả biết về đâu.

 Từ hôm đi dân vận, đào giúp mẹ con cô Thinh cái giếng thì Bình trở thành như là người nhà. Lúc Bình chào để về đơn vị, bà cụ cứ cầm tay day diết: “Con về đơn vị, thỉnh thoảng ra chơi với mẹ, với chị nhé”. Chị Thinh thì chả nói gì, cứ lặng yên nhìn Bình lạ lắm. Bình nhìn vào đôi mắt và khuôn mặt của bà mẹ nông dân chợt thấy trong lòng như dâng lên một thứ tình cảm gì đấy, rất lạ, chưa thấy bao giờ… Ở làng Ngọc, mẹ Bình nổi tiếng mắn đẻ, lấy chồng từ thuở mười ba, bà đẻ liền một mạch chín người con cả trai lẫn gái, Bình thứ tư. Bình xa mẹ từ khi còn nhỏ quá, cho nên những cái gọi như là tình mẫu tử rất mờ nhạt trong tâm trí Bình. Khi gặp mẹ con Thinh, Bình thấy mơ hồ có một điều gì đó thiếu thốn, có một điều gì đó vẫy gọi.

 Kể từ đó, Bình hay qua lại thăm hỏi gia đình cô Thinh như người nhà. Một buổi sáng chủ nhật, Bình được ra ngoài doanh trại, đến nhà cô Thinh chơi, hai chị em lên đồi dỡ sắn, bà cụ ở nhà thịt con gà làm cơm, trưa về, sẵn làm mệt, thức ăn ngon lại có thêm chén rượu bà cụ mua từ bao giờ nên Bình chén thẳng cánh rồi lăn ra ngủ, định chiều dậy thì về đơn vị. Làm vài chén rượu rồi Bình ngủ say lắm, mê man, trong giấc mơ Bình lại được trở về khu ngõ Chợ Khâm Thiên xưa, về cái căn gác xép mà kể từ năm Bình mười ba tuổi, lúc nào cũng sực nức mùi đàn bà. Bỗng Bình choàng tỉnh, không phải cảm giác trong giấc mơ mà là sự thật. Trong bóng nhập nhoạng của buổi chiều, trong gian buồng của chị Thinh, Bình lại như nhìn thấy hình ảnh của một buổi chiều mưa rét năm Bình mới mười ba tuổi, khi lần đầu tiên Bình bị một cô buôn phấn bán hương trong Ngõ Chợ Khâm Thiên đưa vào đời. Một thân thể đàn bà trần truồng, trắng loá, ngồi trên bụng Bình mà ra sức nhún nhảy. Phần thân thể đàn ông cường tráng của Bình thì tự lúc nào đã bị bao bọc trọn vẹn bởi cái cảm giác ấm nóng đê mê… Bản năng đàn ông như một con thú đói khát trong Bình đã bị giam hãm quá lâu, kể từ lúc xảy ra vụ với Liên Hương, Bình bị choáng, tưởng như mình không còn cảm giác giới tính gì nữa. Lúc này, sự đụng chạm thân thể nam nữ đã hết mọi giới hạn. Bình vùng lên, lật người nữ ngồi trên bụng mình xuống, lúc này Bình đã kịp nhận ra đó là Thinh. Những tiêng rên rỉ mãn nguyện bật ra từ miệng người đàn bà hai mươi bảy tuổi chưa từng được cầm tay một người nam nào kích thích một cách khủng khiếp bản năng giới tính của Bình.

Đến lúc Bình mặc quần áo để chuẩn bị về đơn vị, Thinh mới nép người vào ngực Bình nói: “Thinh yêu Bình quá nên không giữ được, giờ có chết cũng mãn lòng”. Bình không biết nói năng gì, chỉ hôn nhẹ lên mái tóc người đàn bà rồi về đơn vị. Mà, không hiểu bà cụ đi đâu suốt cả buổi chiều, chả thấy mặt mũi đâu.

Từ hôm đó trở đi, cứ lúc nào rảnh rỗi, được ra ngoài doanh trại là Bình lại chạy về nhà Thinh. Cứ thấy bóng Bình đến là bà cụ mẹ Thinh, lại mất hút sau đồi. Bình tha hồ xả láng vào cái thân hình đàn bà không hoàn hảo nhưng nóng bỏng đam mê nhục dục. Hai tháng sau, một buổi sáng chủ nhật, Bình ra nhà, đã thấy bà cụ dọn sẵn cơm rượu, khi cả ba người ngồi xuống, bà cụ mới hắng giọng, có ý kiến:

- Bình này, việc chúng mày đi lại với nhau, mẹ không có ý kiến gì, nhưng bây giờ con Thinh nó đã chậm kinh hai tháng rồi thì con tính sao?

Bình ngồi há hốc mồm, như không hiểu bà cụ nói gì, một lúc sau mới lắp bắp:

- Thế… thế là sao hả mẹ?

- Thì là con Thinh nó có chửa chứ còn sao nữa.

Có lẽ ngoài trời đang trong xanh kia có nổ vang tiếng sét thì Bình cũng không còn biết gì nữa. Đầu và tai Bình ù ù, ong ong. Mắt Bình như mờ đi. Kể từ cái buổi được Thinh khơi lại bản năng đàn ông, Bình hầu như chả nghĩ ngợi được gì trước cái cơn lũ khát thèm nhục dục ở đâu tràn về, suốt ngày gào réo, đòi hỏi, sục sôi trong từng thớ thịt. Hàng đêm, Bình phải liều lĩnh trốn trại, chạy tắt mấy cây số đồi để được ra nhà Thinh, lách qua cái cửa buồng bằng phên nứa chả bao giờ buộc. Thế nhưng giờ đây, nghe bà cụ nói vậy, nhìn sang Thinh, cô đang cúi gằm mặt xuống mâm cơm, tay vân vê tà áo nâu, những mạch máu ở cổ cô nổi lên xanh mướt, phập phồng. Bình thốt nhiên vùng đứng dậy, nói “để con tính”. Rồi vơ cái áo lính, đội mũ đi thẳng về đơn vị, mặc cho hai mẹ con cô Thinh ngồi như hóa đá bên mâm cơm còn nguyên, chưa ai đụng đũa.

Hai ngày sau, không thấy Bình ra, bà mẹ cô Thinh dắt con gái vào báo cáo với chỉ huy đơn vị.

Chính trị viên đại đội gọi Bình lên dỗ khéo: “Thôi em ạ, việc đã ra thế này rồi thì đi đăng ký, về đơn vị tổ chức liên hoan đời sống mới, thành vợ chồng về mà ăn ở với nhau”.

Nhưng mấy thằng chiến hữu thì bảo: “Việc đéo gì mà phải lấy cái con vừa già vừa xấu ấy, nó chửa thì kệ thây nó, biết có phải của mày không”.

Chính trị viên điên tiết lên chửi: “Chúng mày định chơi trò ăn chằng đéo quỵt là không xong đâu nhé. Sứt mẻ đến cả tình quân dân đấy, ra tòa án binh đấy”.

Đại đội trưởng thì gọi Bình, bảo: “ĐM mày, sướng không biết đường sướng lại còn định chối. Làm con vợ gần đơn vị, lúc nào thèm vạch rào trốn về mười lăm phút đóng một cái lại đi. Thôi nhận đi, cưới luôn”.

Thế là Bình có vợ.

Năm sau, Bình hết nghĩa vụ, ra quân, ở lại luôn nhà mẹ vợ lập nghiệp. Hai vợ chồng Bình, một đứa con gái hai tuổi và bà mẹ già cứ âm thầm, cần mẫn cày cuốc đồi sắn luống khoai ở cái miền đất gọi là chó ăn đá gà ăn sỏi, cuộc sống cũng tàm tạm. Nhưng Bình vốn là một tay phong lưu từ nứt mắt, lại được ở cái chốn ăn chơi bậc nhất Hà Nội khi xưa. Thinh chưa có con thì còn khả dĩ, những nét hấp dẫn giới tính còn đủ để cuốn hút một tay đàn ông như Bình. Khi có một đứa con rồi, Thinh trở thành một người đàn bà nông dân cục mịch, đen đúa, lôi thôi và hôi mù. Ở bên Thinh, mụ vợ già đã cố tình giăng bẫy chụp mình, Bình chán lắm nhưng chả biết đi đâu, làng Ngọc và gia đình ở quê thì gắn liền với ký ức tủi hổ thủa xa xưa nên Bình gần như đã quên hẳn. Thỉnh thoảng, Bình đi bán mấy con gà, con lợn, khoai sắn dưới chợ huyện, tiện thể nhảy xe khách về Hà Nội, đến ngõ Chợ Phố Khâm Thiên. Người xưa, phố cũ chả còn gì, xa lạ, ngơ ngác, lầm lũi. Bình đi trên đường phố dài, nơi đã có gần chục năm gắn bó, ngõ ngách nào cũng thuộc. Lối đi Ô Chợ Dừa, lối sang Cửa Nam, mấy cái đầm rau muống chỗ Cống Trắng những hôm mưa to, Bình còn mang vó ra kéo, được ối cá. Thế mà nay, xa lạ, xa hết cả rồi.

Bình cũng chẳng phải buồn lâu. Lúc đó cuộc chiến tranh nổ ra ác liệt, Mỹ mang máy bay ra đánh phá miền Bắc, nhà nước có lệnh tổng động viên. Bình làm liền hai cái đơn, một đơn xin nhập ngũ, một đơn xin bỏ vợ. Đơn xin nhập ngũ được chấp nhận ngay, cựu chiến sĩ sư đoàn số một, quân dự bị động viên hạng nhất, chiến trường đang cần. Đơn xin bỏ vợ đưa cho Thinh, bảo: “Cô ký rồi mang nộp ủy ban mà lấy chồng mới. Tôi ở với cô thế là đủ rồi, không bao giờ về nữa đâu”. Con bé gái sáu tuổi chả hiểu bố mẹ nó nói gì với nhau, nhưng kể từ ngày ấy, nó không bao giờ còn biết đến bóng dáng của người cha nữa.

*

*  *

Huấn luyện ba tháng xong, Bình viết đơn xin đi “Bê dài” luôn. Một là xanh cỏ hai là đỏ ngực. Trải qua nhưng năm tháng ác liệt của cuộc chiến những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đánh hàng trăm trận suốt dọc dải chiến trường từ Tây Nguyên, nam Trung Bộ đến Trị Thiên, nhưng Bình vẫn sống sót và lành lặn, khỏe mạnh như trêu ngươi thần chết vậy. Có trận cả đơn vị chết hết, một mình Bình sống sót, lang thang trong rừng hàng tháng mới gặp được bộ đội mình, lại nhập vào đơn vị mới, lại chiến đấu. Đến mùa khô năm 1968, tại chiến trường Khe Sanh nóng bỏng. Một hôm Bình nhận nhiệm vụ dẫn một trung đội lính mới đi phục kích theo tin quân báo là có biệt kích Mỹ sắp đổ bộ xuống chân đồi 301 để chuẩn bị thiết lập thêm một căn cứ tiền tiêu. Ở nhà đã hợp đồng tác chiến, đã thống nhất ám hiệu chiến đấu, thế mà không hiểu sao lính rút sạch, chỉ còn trơ khấc Bình và một thằng lính mới đi cùng. Sau này bọn nó nói là nhận được ám hiệu rút lui. Có lẽ chúng nhìn thấy Mỹ đổ quân đông quá nên thần hồn nát thần tính, bấm nhau rút chả đợi lệnh chỉ huy. Bình và tay lính mới chiếm được một cái khe đá nằm trên sườn đồi để phục quân Mỹ tới. Trời cho hai tay lính chiến một cái công sự thiên nhiên chiến đấu vô cùng hiệu quả, trên được che chắn bởi một tảng đá to liền khối, trùm ra như cái mái hiên, dưới cũng có những tảng đá mọc lên cản hết tầm nhìn và tầm bắn của đối phương đi từ dưới lên, ở giữa có một cái khe nhỏ, đủ để cho hai thằng bắn và ném lựu đạn. Bình ưng ý lắm, kinh nghiệm của một thằng lính dày dạn chỉ cho Bình biết đây là hiểm địa. Khi tốp biệt kích đầu tiên tiến đến cách vị trí phục kích khoảng mười năm mét, Bình hạ lệnh nổ súng, cả chiến trường chỉ thấy giòn tan hai khẩu AK nhả đạn. Ngay loạt đạn đầu, biệt kích Mỹ bị bất ngờ nên thương vong khá lớn, cay cú vì quân đông mà chỉ thấy có hai đối thủ, lính Mỹ tổ chức xung phong, quyết bắt sống kẻ địch. Nhưng hiểm địa đã không làm cho ý định của đơn vị biệt kích Mỹ thành công. Cậu lính mới đi cùng đã dính thương vào tay ngay loạt đạn đầu, Bình băng bó cho xong, dặn: “Mày cứ ngồi dưới, tao bắn hết đạn một khẩu vứt xuống là mày đưa khẩu kia ngay, sau đó nạp đạn, chuẩn bị lại đưa tao. Tao với mày ở chỗ này hiểm lắm chúng nó đéo làm gì được đâu”.

Đơn vị biệt kích Mỹ thấy chỉ còn một khẩu AK nổ súng càng say đòn xông lên, đạn các loại trút xuống như mưa trên bờ đá tung bụi mù mịt. Bình không cả ngóc được đầu lên mà nhằm bắn, cứ ngồi dưới công sự ném liền mấy quả lựu đạn xuống rồi lập tức lao người lên quạt một băng AK xuống phía dưới, xong lại thụt xuống công sự, ném lựu đạn, rồi lại lao lên bắn. Cứ thế Bình ném lựu đạn, bắn như một cái máy hết hai cơ số đạn AK mang theo bốn trăm năm mươi viên và mười sáu quả lựu đạn. Đến lúc gần hết đạn, Bình chập hai qua thủ pháo làm một, đợi lính Mỹ đến gần công sự, giật nụ xòe, để vài giây trên tay rồi tung lên miệng công sự. Một tiếng nổ xé tai kinh hoàng, kèm theo một nháng lửa da cam. Lính biệt kích Mỹ nổi tiếng lì lợm, nhưng cũng không chịu đựng nổi đòn đánh cảm tử như vậy nên hè nhau bỏ chạy. Bình được cái công sự thiên tạo che chắn nên không việc gì, lao lên miệng công sự, nhổm người đứng thẳng lên sườn đồi rồi rê khẩu AK theo hình vòng cung: tằng tằng… tằng tằng… tằng tằng... tằng tằng… Những tiếng kêu la hỗn loạn, những xác người đổ vật, lăn lông lốc xuống chân đồi. Bình ném hai khẩu AK hết đạn vào trong công sự, cầm quả lựu đạn cuối cùng dìu đồng đội lăn xuống chân đồi bên kia rồi theo lòng suối cạn, nửa đêm mò về đến đơn vị. Thủ trưởng đơn vị nghe báo cáo tại chỗ, lập tức sai trinh sát đi xác minh chiến trường, về báo cáo, xác bảy mươi hai lính biệt kích rằn ri nằm la liệt, chồng chất lên nhau từ sườn đồi xuống đến chân đồi.

Bình được tuyên dương ngay tại chiến trường, thưởng huân chương chiến công hạng nhất, phong quân hàm vượt cấp từ trung sĩ lên trung úy. Thủ trưởng mặt trận ra lệnh cho bên chính trị lập tức xây dựng điển hình anh hùng, làm hồ sơ kết nạp Đảng.

Nhưng để làm những việc như thế thì phải thẩm tra lý lịch nơi bản quán kỹ lắm, gương sáng toàn quân học tập chứ không phải chuyện chơi. Tốp cán bộ chính trị về làng Ngọc quê Bình điều tra. Họ tá hỏa lên về lý lịch của Bình, án hiếp dâm vẫn còn nhân chứng, bỏ vợ, lang bạt kỳ hồ… Gia đình nhà Bình ở quê cũng đã phiêu tán hết cả. Hai ông bà Ba Be, cái đận năm ngoái nước lên, bơi thuyền ra sông vớt gỗ trôi từ núi về, gặp con sóng to, lật thuyền, chết đuối cả hai, không tìm thấy xác. Mấy đứa con, gái thì lấy chồng xa tít tắp đẩu đâu. Trai thì thằng đi công nhân rồi lập nghiệp đâu đó, lâu lắm cũng chả thấy về làng, có mấy thằng khỏe mạnh sáng sủa nhất nhà lần lượt nhập ngũ thời chiến tranh ác liệt nhất, rồi lần lượt có giấy báo tử về xã.

Thật ra, việc Bình lập được một chiến công lừng lẫy như thế cũng lan truyền đến làng Ngọc trước khi có cán bộ từ đơn vị về điều tra lý lịch. Bình lâu lắm không về làng, nên khi xem ảnh Bình chụp ôm khẩu AK bên công sự ngoài chiến trường, trên báo quân đội, ở nhà tay xã đội trưởng, mọi người cũng bán tín bán nghi. Đến lúc nghe cán bộ chiến trường ra nói chuyện, dân làng thấy ghê quá, thấy Bình như không phải người thường. Một mình dám đánh nhau với cả đại đội biệt kích Mỹ. Mấy tay thâm nho trong làng lại gật gù bên ấm trà mạn mỗi tối mà rằng, làng Ngọc này, đời nào cũng sinh ra kỳ nhân. Lần này là kỳ nhân Bình. Tiếc là vợ chồng ông Ba Be chả sống đến bây giờ mà hưởng vinh hoa.

Cán bộ chính trị mặt trận đi thẩm tra lý lịch về báo cáo cấp trên, trên thở dài cho hồ sơ kết nạp Đảng, phong anh hùng vào ngăn kéo đóng lại.

Bình đi báo cáo điển hình toàn quân suốt ba tháng, về đơn vị không thấy ho he gì về mấy việc chính ủy mặt trận đã công bố, hỏi chính trị viên đại đội nói không biết, hỏi tiểu đoàn cũng không trả lời, điên tiết, Bình lên thẳng chính ủy mặt trận hỏi cho ra lẽ. Chính ủy mặt trận nói: “Hành động của đồng chí là một hành động anh hùng, đáng ghi vào sử xanh. Nhưng lý lịch của đồng chí đen tối quá, không thể là một anh hùng được”.

Bình nóng mắt bảo chính ủy: “Việc tôi lập được chiến công có liên quan gì đến việc chơi gái. Công to thì phải được thưởng chứ, không thưởng xứng đáng thì tôi dí c... vào”.

Thế là Bình khoác ba lô về làng Ngọc. Trước đây, Bình đã từng tự thề với mình rằng, có chết cũng không thèm về làng Ngọc, nhưng bây giờ chả còn chỗ nào đi. Vả lại, người ta vẫn nói cáo chết ba năm quay đầu về núi.

Bình thường, hành động bỏ ngũ như vậy lập tức bị cho ra tòa án binh ngay, nhưng vì Bình vừa lập được một chiến công to nên đơn vị cũng nể, năm lần bảy lượt cho người về gọi nhưng Bình không lên. Sau, đơn vị cũng lờ đi, không ai nhắc nhở gì nữa.

Bình về làng, dựng lại mấy gian nhà tranh trên mảnh vườn xóm Trại khi xưa để ở. Không giấy tờ, không hộ khẩu, không ruộng đất, không là xã viên hợp tác xã… nhưng Bình cứ điềm nhiên sống ở làng Ngọc mà chả ai dám có ý kiến gì. Lúc đó vẫn đang chiến tranh, vả lại cái chiến tích vô tiền khoáng hậu của Bình đã loan khắp cả xã, cả huyện, cả tỉnh, cả nước rồi. Ai nhìn Bình khi đó cũng thấy như là Bình không phải người thường. Kỳ nhân Bình. Kỳ nhân làng Ngọc.

Chính trị viên huyện đội, đại úy Mai Nhàn bảo, thằng này đảo ngũ cũng nên, cho vệ binh vào bắt ra huyện đội xử lý. Chưa kịp bắt, việc đến tai Bình, Bình ra cổng huyện đội chửi: “ĐM thằng Mai Nhàn, lúc bố mày vào sống ra chết trong chiến trường thì mày ở nhà sờ l... vợ. Tao thách cả huyện thằng nào dám ra trói tao”.

Mai Nhàn chả dại gì mà ra, lính tráng thì càng không, ông ấy nổi tiếng thế dại gì mà dây vào, không phải đầu lại phải tai.

Năm ấy Bình mới ngoài ba mươi tuổi, rắn rỏi, phong trần. Bình đi đến đâu cũng được dân tình ngưỡng mộ. Một em “dũng sĩ bèo hoa dâu” - danh hiệu thời đó trao cho chị em ở hậu phương đảm đang việc đồng áng, nuôi được nhiều bèo hoa dâu, cũng là góp phần đánh Mỹ - vừa tròn mười tám mê mẩn Bình lắm. Em đi sinh hoạt chi đoàn hàng đêm, nghe đọc về các gương chiến sĩ chiến đấu anh dũng ngoài chiến trường, thấy chưa ai được như anh Bình làng mình. Mỗi sớm tối em đi nuôi bèo hoa dâu ngoài cánh đồng xế bên xóm Trại, em lại ghé vào nhà Bình nghe chuyện chiến trường, rồi thì em mê đến độ không cả về nhà nữa, mà ở luôn nhà Bình, mặc gia đình can ngăn, chi đoàn phản đối. Thế là Bình lại có vợ, mà lần này là gái tân, trẻ, xinh hẳn hoi.

Lấy nhau xong rồi, vợ chồng Bình đẻ sòn sòn năm đứa con gái, chạy vạy nuôi ăn nuôi học chúng nó bạc hết cả mặt. Không có lương, không ruộng đất, hai vợ chồng làm đủ các nghề kiếm ăn, may là ở cái làng Ngọc, vốn là một làng có nghề buôn bán, nên cũng còn dễ kiếm miếng ăn. Bình thì từ thời thanh niên đã có một sức khỏe hơn người nên làm cái gì cũng mạnh hơn hẳn người khác. Lặn xuống sông Đuống bắt cá nheo trong hang dưới đáy sông, Bình cũng giỏi gấp năm lần trai làng.

 Chiến tranh cũng qua đi. Những câu chuyện của thời chiến lùi dần về dĩ vãng. Nước Việt và cả cái làng Ngọc hết trải qua hợp tác xã chán rồi lại xẻ ruộng ra chia. Rồi kinh tế thị trường tràn về, trong câu chuyện bên bàn trà mỗi tối của các gia đình trong làng, là tiền, là hàng là đầu tư, là công ty, là lợi nhuận… chả ai còn có hứng thú nhắc lại chuyện chiến tranh. Năm đứa con gái nhà Bình được hưởng gien phong tình của cả bố lẫn mẹ nên toàn lấy chồng sớm, mới chỉ nhu nhú nứt mắt ra đã theo trai, dân làng Ngọc thì bảo là đĩ non. Nhà Bình lại chỉ còn độc hai vợ chồng ở với nhau, mà quái lạ, hai vợ chồng cách nhau mười mấy tuổi, Bình đã gần bảy mươi, vợ mới ngoài năm mươi nhưng cô dũng sĩ bèo hoa dâu năm xưa nay đã sạch mình. Cô đã thành bà vãi làng, hàng đêm, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, bà lên chùa làng đọc kinh cho thanh tịnh. Bình thì ngược lại, vẫn còn sung sức và dồi dào khí chất đàn ông, nhiều khi bức bối quá, đợi bà vợ già lên chùa về, ông lôi tuột bà lên giường. Bà vợ già nước mắt nước mũi chan hòa, vừa khóc vừa lạy ông chồng hổ báo của mình như tế sao: “Thôi tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy ông. Ông tha cho tôi, tôi đã phục vụ ông mấy chục năm nay. Giờ tôi chả còn gì. Ông để yên cho tôi hầu cửa Phật…” Thế mà bà ấy cũng chả thoát. Sau này, bà ấy sợ quá phải bỏ đi ở với cô con gái lớn lấy chồng mãi Lao Cai mới yên thân. Ông Bình, ở một mình nên chán, sinh ra tật rượu chè. Có lẽ ông thừa hưởng cái gien của ông Ba Be nên uống khỏe lắm. Ông có thể ngồi uống rượu cả ngày, từ sáng tới đêm rồi lại từ đêm tới sáng. Mà cũng lạ, ông chả có chế độ hay lương lậu gì mà lúc nào cũng sẵn rượu uống. Ông chỉ bòn mót quanh vườn nhà hay đi mò cá dưới sông, thỉnh thoảng năm đứa con gái giấu giếm chồng con gửi cho bố một ít tiền. Thế là ông cũng đủ say sưa, rượu ở quê nấu bằng sắn khô rẻ mà. Dịp gần đây, ủy ban thấy ông cô đơn nên xếp vào diện hộ nghèo, sai thanh niên tình nguyện đến làm lại cho cái nhà, hàng tháng lại trợ cấp ít tiền, nên ông càng thoải mái say sưa.

 Ngày xưa, các cụ đã bảo là rượu vào lời ra. Nay, ông Bình cũng vậy, rượu vào là ông hò hét tưng bừng, ông hô xung phong như hồi còn ngoài chiến trận, trong cơn say triền miên, mơ màng, ông như nhìn thấy những thân hình lính Mỹ nằm ngổn ngang trên sườn đồi, chất đống dưới chân đồi, mùi thuốc súng trộn lẫn với mùi máu tanh nồng, kinh quá. Có hôm ông lại thấy cảnh mình băng qua bãi chiến trường còn xác hàng trăm bộ đội, toàn lính trẻ măng vừa ngoài Bắc vào bị dính trận bom B52 nằm chết la liệt, không toàn thây ở phía bắc Kon Tum. Mùi máu trộn với mùi khói bom, rồi mùi da thịt bị bom napan đốt cháy khét lẹt, những mảnh xác người bị băm rời ra nằm vương vãi tứ tung, trộn lẫn với đất đá cây cối bị bom phạt đổ ngổn ngang, tất cả tạo ra một cảnh tượng kinh hoàng, như dưới địa ngục. Sao lúc ấy ông không thấy sợ gì nhỉ? Bây giờ nhớ lại, ghê quá, buồn nôn quá, ông thắt ruột lại, nôn khan. Không nôn được ra cái gì cả. Những hình ảnh kinh hoàng đã ngấm hết vào trong não ông từ lâu rồi, giờ đây, khi về tuổi xế chiều nó cứ lần lượt bật ra, sống động, như vừa mới hôm qua. Nhưng, cũng giờ đây ông mới thấy kinh hoàng. Nhiều người chết quá. Nhiều máu quá. Chỉ những chén rượu sắn pha cồn công nghiệp hắc xì giúp ông dìm những ký ức kinh hoàng ấy vào một lớp mây mù mờ ảo ảnh. Nhưng cái giống rượu ấy, uống vào nóng trong người lắm. Hôm nào nóng bức quá, ông lại khật khưỡng đi dọc làng Ngọc từ xóm Trại tít đầu đằng này đến xóm Đình ở đầu làng đằng kia để ra sông Đuống tắm. Ông bảo ông không thèm tắm đầm sen làm gì cho bẩn người, bây giờ chúng nó toàn đổ phân tươi xuống nuôi cá, kinh người. Ông phải ra sông bơi vài vòng mới đã. Một ông già rượu say bét nhè, tuổi hàng thất thập mà cứ bơi sông ùm ùm hàng ngày, hè cũng như đông, mãi không thấy chết đuối. Đúng là kỳ nhân. Mấy tay có vẻ thạo chữ trong làng lại gật gù như vậy.

*

*   *

Con sông Đuống chảy qua trước mặt làng Ngọc vốn có tên chữ là Thiên Đức. Con sông này nguyên là một nhánh của sông Hồng rẽ ra ở mạn Gia Lâm, Đông Anh rồi chảy về chỗ Lục Đầu hợp nước của bốn con sông khác thành sông Thái Bình. Bình thường, vào mùa nước cạn sông chỉ rộng vài trăm mét, nhưng đến mùa lũ, khi nước ngập cả hai bờ vỡ, tràn lên đến trên lưng chừng hai bên đê thì người ta mới thấy hết sức mạnh của Thủy Tinh, đúng như người xưa đã nói nhất thủy nhì hỏa. Những lúc đó, đứng trên mặt đê mà nhìn dòng nước mênh mang trải dài từ bờ đê bên này đến bờ đê bên kia rộng vài cây số, đỏ ngầu, gầm gừ, cuồn cuộn chảy mới thấy sức lực của con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Dân vùng này vẫn truyền nhau rằng, ở dưới Lục Đầu, có cái xoáy nước kinh lắm, mùa lũ thuyền bè mà sa vào đấy thì chỉ nháy mắt là chìm nghỉm mất tăm tích ngay. Những người nặng căn quả, bị Hà Bá Diêm Vương gọi về chầu cũng bị cuốn xuống Lục Đầu, người nhà có cầu cúng thế nào cũng không nổi xác lên. Thế mà kỳ nhân Bình, bơi trên dòng nước lũ cứ nhẹ tênh tênh, có lẽ, mấy chục năm qua kiếm ăn bên dòng sông đã cho kỳ nhân Bình hiểu từng xoáy nước, từng dòng chảy. Có lúc lũ to trên nguồn đổ về, kỳ nhân Bình còn bơi ra kéo vào được cơ man nào là gỗ, bán được ối tiền, tha hồ rượu. Rượu say sưa nóng trong người lắm nên kỳ nhân Bình lại đi dọc làng, ra sông bơi. Chả hiểu thế nào, một hôm lại rẽ nhầm vào khu vườn nhà ông lý Lưu xưa.

Bà lý Lưu đã chết từ lâu, chỉ còn mỗi cô Ngơ ở mấy gian nhà xưa trong cái khu vườn rộng um tùm cây trái, cái vườn ấy, cũng đủ cung cấp cho người đàn bà không chồng không con một cuộc sống tàm tạm. Câu chuyện buồn thời hoa niên của cô và Bình, cả làng Ngọc quên lâu rồi, chính cô và Bình cũng chả còn nhớ nữa, thời gian luôn là phương thuốc thần diệu xóa nhòa mọi thứ. Cái lúc nhìn thấy lão già cởi trần đỏ như tôm luộc mà râu tóc bạc phơ đi vào nhà mình, cô Ngơ cũng chả thấy có gì lạ lẫm, cô đi vào nhà rót cho lão ấy bát nước vối rồi bảo lão ấy ngồi xuống thềm mà uống cho khỏi sặc. Nhìn lão già uống bát nước vối ừng ực như chó khát uống nước gạo, cô Ngơ bỗng thấy buồn cười, mà cô cười vẫn xinh đáo để, già vẫn xinh. Năm nay cô dễ cũng đến gần bảy mươi. Cái lão già ấy hỏi: “Bà còn nhớ tôi không?” thì cô chỉ cười. Cái lão ấy lại bảo: “Bà tha lỗi cho tôi nhé?” Cô cũng chỉ cười, và khi cái lão già phải gió ôm lấy cô, bế cô vào trong gian buồng thì cô lại thấy buồn buồn nhồn nhột khắp cả người.

Mấy hôm sau, kỳ nhân Bình dọn về ở với cô Ngơ. Cả làng Ngọc lại được một phen râm ran bàn tán. Một lão già suốt ngày say rượu về ở với một bà ngẩn ngơ. Thật đúng là nhân duyên trời định, không lường được.

Đôi bồ cu già - đấy là dân làng gọi thế - cứ rúc rích ở với nhau trong mảnh vườn xưa. Kỳ nhân Bình vẫn uống rượu đều, nhưng không còn hò hét nữa. Cô Ngơ vẫn đi chợ, nhưng cô không “buôn bán đảm đang” nữa. Cô chỉ đi bán hoa quả trong vườn và cá mú ông Bình kiếm được dưới sông, để mua rượu. Lúc cao hứng, ông Bình lại đọc cho cô Ngơ nghe thơ. Ông bảo đấy là “Thiền thơ” do một tay lãng tử truyền cho, chỉ độc một bài:

 Kìa trông Hán Sở tranh hùng

 Quân kỳ ca khúc điệp trùng nơi nơi

 Trông gần chính nghĩa sáng ngời

 Trông xa chỉ một lũ người giết nhau(*).

Cái giọng khê nồng nhão ra vì rượu chiều nào cũng ngâm nga mỗi bài ấy cho người tình già nghe. Cô Ngơ ngồi, phe phẩy cái quạt ở bên cạnh, thỉnh thoảng lại thấy tủm tỉm cười, nghe chừng hạnh phúc…

 Bọn trẻ ranh trong làng rỗi hơi, lắm hôm tò mò chui vào cái vườn rậm rạp nhòm trộm, rồi ra quán bia cỏ cười sằng sặc với nhau: “Đôi ấy già mà yêu nhau phê lắm nhé, rên cứ ồ ồ như trâu rống”.

Một ngày giữa mùa nước lũ, nhưng trời nóng lắm, cô Ngơ bảo kỳ nhân Bình: “Ông ơi. Ông đưa tôi ra tắm sông với, mùa này nước phù sa mới mát lắm”.

Chiều tối, đôi nhân tình già đưa nhau ra bờ sông. Dòng sông đang lên nước lấp xấp bờ vở, đỏ ngầu phù sa cồn cào chảy về phía Lục Đầu. Bầu trời phía tây đằng xa đang nhay nháy những tia chớp, theo kinh nghiệm của các cụ truyền lại thì đấy là trên nguồn đang mưa lớn, nay mai, nước sẽ lên to. Kỳ nhân Bình dìu cô Ngơ ra giữa dòng sông bằng một cây chuối chặt ở vườn nhà, như ngày xưa lúc còn trẻ rủ nhau đi tập bơi.

Mấy ngày sau, mấy tháng sau cả làng cũng chả nhìn thấy đôi bồ cu già ấy đâu nữa. Dọc theo triền sông về mãi mạn Lục Đầu, dân làng đi tìm cũng chả thấy nói có xác người nào chết trôi dạt vào. Dân làng Ngọc bảo, có lẽ kỳ nhân Bình và cô Ngơ, nặng căn quả nên bị Hà Bá Diêm Vương dưới Lục Đầu bắt về làm quân hầu rồi.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *