LIÊN KHÚC THƠ BIỂN ĐẢO, BIÊN CƯƠNG TRONG NGÀY THƠ VIỆT NAM 2016 CỦA 4 NHÀ THƠ: TRẦN ĐĂNG KHOA, NGUYỄN VIỆT CHIẾN, ANH NGỌC, NGUYỄN HỮU QUÝ
Các nhà thơ:Nguyễn Thị Mai, Đỗ Bạch Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Ngọc Hà trình bày Liên khúc thơ Đất nước, Tình yêu, Mùa xuân. Dưới đây là toàn bộ các bài thơ được cac nhà thơ nói trên trình bày tại sân thơ chính trong Ngày thơ VN.
Trần Đăng Khoa
ĐỈNH NÚI
Ta ngự giữa đỉnh trời
Canh một vùng biên ải
Cho làn sương mong manh
Hoá trường thành vững chãi
Lán buộc vào hoàng hôn
Ráng vàng cùng đến ở
Bao nhiêu là núi non
Ríu rít ngoài cửa sổ
Những mùa đi thăm thẳm
Trong mung lung chiều tà
Biết bao chàng trai trẻ
Cứ lặng thinh mà già
Áo lên màu mốc trắng
Tóc đầm đìa sương bay
Lời yêu không dám ngỏ
Sợ tan vào gió mây
Bỗng ngời ngời chóp núi
Em xoè ô thăm ta ?
Bàng hoàng, xô tung cửa
Hoá ra vầng trăng xa…
Trần Đăng Khoa
TÂY BẮC
Bỏ lại phố phường bon chen
Ta về thung thăng với núi
Có màu lính giữa đại ngàn
Núi bỗng quên mình ngàn tuổi
Và thế là mùa xuân tới
Trong từng vó ngựa tuần tra
Nòng súng chán làm sắt thép
Muốn thành cây để trổ hoa
Con suối riu riu trầm mặc
Đá hoá chàng trai mộng mơ
Cỏ cây rực màu thiếu nữ
Rừng buông sương tím ỡm ờ…
Đất trời bồng bềnh men rượu
Em từ mây trắng bước ra
Ối chao nàng tiên xuống chợ
Váy áo thông thênh nõn nà…
Ta cũng trẻ như trời biếc
Núi ngắm nhìn ta mơ màng
Thế là mùa xuân hào phóng
Tặng ta cả rừng hoa ban…
Trần Đăng Khoa
KHÚC CA CỦA LÍNH THỜI BÌNH
Đất nước không bóng giặc
Tưởng về gần lại xa
Vẫn gian nan làm bạn
Vẫn gió sương làm nhà
Bãi hoang thành đô thị
Ai đi áo dài bay
Còn ta thì trần trụi
Lấm lem hơn thợ cày
Trước giặc là lính cựu
Sau trâu là tân binh
Cái nghèo và cái dốt
Bày trận giữa thời bình
Trong lầm lì sỏi đá
Lòng ta mềm có hoa
Nhớ nhà lên dốc vắng
Dõi một làn khói xa…
Em vẫn thầm lộng lẫy
Chờ ta như thuở nào
Lặn lội tìm biết có
Gặp ta trong chiêm bao
Giờ những kẻ thù xưa
Trông mặt đều quen cả
Có gì đâu máu người
Chẳng phải là nước lã
Các cậu đến làm bạn
Rượu ta xả láng chơi
Còn nếu sang làm giặc
Chúng tớ cho chầu giời!
Pháo nằm như mơ ngủ
Núi bay dải mây tình
Ước gì ta mãi mãi
Cứ là lính thời bình...
Nguyễn Việt Chiến
TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
Nguyễn Việt Chiến
TỔ QUỐC NƠI BIÊN THÙY
Mùa này biên giới hoa sim
Tím quanh mộ chí im lìm các anh
Những người lính trận vô danh
Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình
Cồn cào vào cõi lặng thinh
Trước bao mất mát hy sinh giống nòi
Còn đây máu thấm trên đồi
Đường lên biên giới một trời hoa sim
Mầu hoa chẳng chịu lặng im
Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương
Mùa này biên giới đầy sương
Có ai trở lại chiến trường về thăm
Vị Xuyên, Phong Thổ, Đồng Đăng
Các anh ngã xuống trẻ măng thủa nào
Các anh bằm dọc chiến hào
Từng cây số máu trên cao nguyên này
Trong tầm lựu đạn ném tay
Trong khe ngắm của những cây súng thù
Hòa An mây núi âm u
Đường lên Bản Giốc mịt mù còn nghe
Các con dưới cỏ xanh rì
Chỉ thương tóc mẹ bạc về trắng đêm
Các con như cỏ hồn nhiên
Xanh thăm thẳm mọc dọc miền bao la
Ta là con của phù sa
Cha là đất nước. Mẹ là quê hương
Còn nghe máu thấm biên cương
Mây buồn Lũng Cú, đêm trường Nam Quan
Ta là con của Việt Nam
Theo cha xuống biển tự ngàn năm xưa
Lên rừng thờ mẹ Âu Cơ
Đem xương máu dựng cõi bờ hôm nay
Anh Ngọc
BUỒM NÂU BIỂN BIẾC
Một nửa nhân dân tôi theo mẹ đã lên rừng
Một nửa khác theo cha xuống biển
Tôi là cánh buồm nâu cứ mỗi ngày tách bến
Lòng bâng khuâng đâu dưới biển trên ngàn
Cái gạch nối mong manh nối biển với đất liền
Lòng thương nhớ để tôi pha màu đất
Tôi tha thiết nối trời với nước
Nên tạo hình những cánh én, cánh dơi
Những cánh buồm đi trong nắng mai
Sóng thân mật vỗ mạn thuyền róc rách
Những cánh buồm đi dưới trăng thanh
Đi lặng lẽ trong sương mờ cổ tích
Buồm như thể chiếc lưỡi cày lật ngược
Vạch ngang trời những luống trăng sao
Và gió. Gió lồng.
Không biết gió từ đâu
Thổi phồng căng lồng ngực tôi rất trẻ
Những cánh buồm tìm gì nơi góc bể
Mà trọn đời thấp thoáng phía chân mây
Hạnh phúc xa vời ở cuối những tầm tay
Tôi là nỗi khát khao không mệt mỏi
Tôi biết cách ngược chiều con gió thổi
Gió nồm nam tôi chỉ một con đường
Buồm ơi buồm, ngươi có thực hay chăng
Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự
Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ
Tự chân trời Tổ Quốc lại hiện lên
Biển sẽ ra sao nếu thiếu một cánh buồm
Mặt trời nào soi thấu lòng biển tối
Những cánh buồm như cánh cò lặn lội
Cứ lặng thầm đo hết mọi chiều sâu
Tôi thắp lên một ngọn lửa màu nâu
Ở giữa khoảng xanh trời xanh nước
Những trận bão cũng không làm tắt được
Ngọn lửa bình yên ấm áp tình người
Tôi đi qua sóng gió của đời tôi
Để đến gặp tấm lòng biển rộng
Biển giản dị và chuyên cần nuôi sống
Không thiếu ai, không sót một người nào
Bảy sắc cầu vồng đã lùi lại đàng sau
Chỉ còn tôi giữa bộn bề biển cả
Và trên đầu lũ mây bông trắng xóa
Như đàn cừu mê mải giữa đồng xanh
Hạnh phúc lớn lao ở cuối mỗi hành trình
Từng ngọn gió cũng ùa lên cập bến
Dân tộc tôi khi tìm về với biển
Gặp cánh buồm căng bát ngát tự do.
Anh Ngọc
HAI TIẾNG TRƯỜNG SA
Nói bao điều trong hai tiếng Trường Sa
Mênh mông biển và ầm ào gió cát
Tên Tổ Quốc bập bồng cùng sóng nước
Mặt trời treo trên cột mốc chủ quyền
Nơi đây có nỗi nhớ đất liền
Vầng trăng mọc trong mắt người lính trẻ
Lại lặn xuống cuối chân trời lặng lẽ
Thủy triều lên phía ấy quê nhà
Tôi chưa một lần đặt chân tới Trường Sa
Điều ấy có gì đâu giấu giếm
Nhưng đâu đó có một vùng trời biển
Vẫn âm thầm xao động giữa lòng tôi
Vẫn âm thầm thao thức không nguôi
Như tuổi trẻ như tình yêu réo gọi
Cái mảnh đảo lung linh trong huyền thoại
Những cành san hô đỏ, trái bàng vuông…
Vẫn đập đâu đây trong mỗi cuộc đời thường
Trái tim nhỏ giữa đại dương gió bão
Những câu thơ tạc dáng người lính đảo
Để ai đó thốt lên: Gần lắm Trường Sa.
Hai tiếng bồi hồi, hai tiếng thiết tha
Cứ bền bỉ lặng im như nỗi nhớ
Cái im lặng thách ngàn cơn sóng dữ
Hạt cát bay đi, hạt cát lại bay về
Vồng ngực phồng căng như một lời thề
Đồng đội tôi dầm chân trong nước mặn
Cờ Tổ Quốc bay trên đầu mũi sóng
Ấm một vùng trời biển ở sau lưng.
Nguyễn Hữu Quý
HẠ THỦY NHỮNG GIẤC MƠ 1
Tôi cùng những ngư dân bé nhỏ
mang câu ca xứ Quảng ra khơi
Tổ quốc đấy, từng ngọn đèn vầng lưới
những sải bơi giữa sóng gió nghìn trùng.
Trước mặt Hoàng Sa lồng lộng
đường chân trời thương nhớ nhấp nhô
Tổ quốc đấy, mỗi con tàu sóng vỗ
lặng im đi trong rình rập tham tàn.
Nếu kiêu hãnh ta thừa kiêu hãnh
nhưng không bán anh em xa, vẫn mua láng giềng gần
Tổ quốc đấy, bàn tay lửa ấm
thắp niềm tin trong thăm thẳm biển trời.
Của ta, dù chỉ mỏm đá thôi
ta cũng giữ bởi đó là Tổ quốc
ta không lấy của ai dù tấc vàng tấc bạc
đói sạch rách thơm mẹ đã dặn dò.
Trái tim như vì sao sáng tỏ
soi đêm dài từng hải lý ta qua
Tổ quốc đấy, ơi Hoàng Sa của mẹ
câu ru nào đắng đót long đong !
Ăn trái yêu rừng, ăn cá yêu sông
ăn muối yêu em lấy biển trời là chứng
Tổ quốc đấy, khi băng qua dài rộng
ta gặp quê hương trên đảo nổi, đảo chìm...
Xa em, có thể mãi xa em
có thể chết khi kẻ thù nổ súng
anh vẫn mặn trong từng ngọn sóng
Tổ quốc ru anh như mẹ ru mình.
Có thể ngày mai anh không đón bình minh
không kéo lưới không lặn vo bơi sãi
không nâng chén ngang mày thì em hỡi
Tổ quốc mình biển đảo vẫn vẹn nguyên !
Giữa bao la, ta gọi thầm Tổ quốc
như gọi ông cha khuất bóng mây mù
hướng Hoàng Sa ngư trường rộng mở
như bao đời tiên tổ buồm giong !
Nguyễn Hữu Quý
HẠ THỦY NHỮNG GIẤC MƠ 2
Theo cha ra biển, mở buồm
mây bay như nhớ cội nguồn về non
hải trình không dấu chân mòn
ngàn năm ngực vạm vỡ còn mặn theo.
Lời ru mẹ mắc cheo leo
gừng cay đầu sóng, muối neo lòng rừng
đói lòng ăn đọt lá mưng
gánh non sông giữ điệp trùng vẹn nguyên.
Biển Đông sóng cả, con thuyền
mái chèo cắt gió giữa miền mênh mông
đảo hoang ghé hạt lửa hồng
mọc lên ấm áp muôn vòng sinh sôi.
Làng trên sóng ngóng mưa rơi
ăn nằm kẽo kẹt mù khơi nổi chìm
mắm tôm, cà xổi, cá rim
thương nhau lục bát đi tìm ca dao.
Nhỏ nhoi đảo bão giông gào
ngọn rau mỏng mảnh nép vào trẻ trai
lặng im giọng hót đầu thai
bơợc san hô nhú một vài líu lo.
Bát nhang trăm dặm xa bờ
trái cây chén nước đặt thờ tổ tiên
trùng khơi nối với đất liền
cầu mong biển lặng, trời yên xa gần…
Dậu phên làng lính, làng dân
khắc lên đảo bài thơ Thần linh thiêng
mái chùa một nét Việt riêng
hoa văn ngọn lửa thắp miền viễn khơi…
LIÊN KHÚC THƠ ĐẤT NƯỚC-MÙA XUÂN-TÌNH YÊU CỦA 4 NHÀ THƠ NỮ: ĐỖ BẠCH MAI, NGUYỄN THỊ MAI, PHẠM HỒ THU, NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ
Nguyễn Thị Mai
HỎI NGƯỜI ĐI CHỢ KHÂU VAI
Phải em chẳng trọn với mình
Mà mình phải đến chợ tình Khâu vai?
Lặng nghe dốc núi thở dài
Gió rừng hổn hển bên tai đá ngàn
Bước mình mây gió chan chan
Bỏ em bếp núc lửa khan nguội ngàng
Giêng hai hụt chiếu hội làng
Tầm xuân mắt biếc ngó sang tìm người
Chợ tình, đêm nguội sương rơi
Gói mèn mén lạnh trao lời lọt tay
Rượu thầm một ngụm chung say
Rồi xuôi, suốt tháng, suốt ngày lâng lâng.
Chợ tình mình thích em vâng!
Thì đi cho thỏa trào dâng khát chờ
Đêm nay ngồi gõ gu gờ (Google)
Thấy cao nguyên đá mịt mờ… lại thương.
Đỗ Bạch Mai
TRƯỚC DÒNG SÔNG
Lần trước gặp sông Lô cuối thu
Giữa mùa xuân bây giờ có lại gặp
Dường như sông không có gì đổi khác?
Biết bao thời gian đã trôi theo dòng nước
Bao thăng trầm lịch sử đã trôi đi
Sông cứ bình yên – giữa đôi bờ đổi khác
Cứ bình yên? Tôi chẳng biết nói gì…
Cành mùa thu đã mùa xuân nảy lộc
Hoa gạo nở rồi, nở đỏ bến sông
Tôi cũng khác tôi sau lần gặp trước
Mà sông bình yên nước chảy theo dòng?
Cứ bình yên? Có bình yên thật không?
Hay lấy vẻ bình yên mà giấu bao xáo động?
Hay đã biết vượt qua bao buồn vui cuộc sống
Để cuối cùng tìm được sự bình yên?
Thời gian trôi không đứt đoạn, nối liền
Sông Lô ơi, sông thật là từng trải
Giữ yêu thương và niềm tin, giữ mãi
Trong lòng mình, và chẳng sợ thời gian…
Phạm Hồ Thu
CHIỀU TRƯƠNG CHI
Có một mùa xuân Kinh Bắc
Tôi lạc về chiều sông Tương
Nào biết Trương Chi có đợi
Sao tôi lại thành Mỵ Nương?
Dòng sông – vẫn một dòng sông
Người bảo: Đấy – dòng – nước – mắt
Vấp vào mùi hương thanh khiết
Người bảo: bạch đàn tỏa hương…
Mải theo hương ấy đi tìm
Vấp tiếng sáo ai réo rắt
Khi bóng chàng Trương đã khuất
Còn ai khóc ai – còn ai?
Ra sông tôi gọi: ơi đò!
Đò không. Và người chẳng thấy
(Giá được một lần gặp lại)
Tôi gào trong gió: Trương ơi!
Sao tôi lại thành Mỵ Nương.
Khi bóng chàng Trương đã khuất?
Tự tình yêu là nước mắt
Tự tình yêu là khúc ca…
Nguyễn Thị Ngọc Hà.
VỀ QUÊ THI HÀO NGUYỄN DU
Sông Lam bàng bạc hơi sương
Sóng xô ngỡ khúc Tiền Đường đâu đây
Một đời mỏng tựa khói bay
Đoạn trường gieo xuống vẫn đầy chưa tan
Vẫn Kiều tức tưởi cung đàn
Dây tơ buộc nợ trần gian rối bời
Âm rung tận chín phương trời
Bổng trầm trong đục từng lời còn đau
Người theo cánh hạc về đâu
Để vành mây trắng cuốn bầu trời không
Nắng mưa tắm đục gội trong
Dẫu cho muôn kiếp vẫn vòng nhân sinh
Từ thăm thẳm bến Giang Đình
Mắt ai đang ướt sang mình đấy thôi
Ngày xuân nghiêng xuống mộ Người
Sương buông nặng hạt lưng trời như mưa
Văn bia trầm lạnh bao mùa
Đặt tay con thấy hồn xưa ấm về