Tác phẩm chọn lọc

29/2
7:10 PM 2016

Đến với bài thơ hay Quan họ của nhà thơ Yến Lan

Đến với bài thơ hay:

Nhà thơ Yến Lan

QUAN HỌ

    Yến Lan

 

Rạo rực bờ ao, lả trúc tre

Ôi “Người ơi, người ở đừng về”

Một câu quan họ mành như chỉ

Xuyên suốt tâm hồn mọi nẻo quê.

 

Tình cờ, trước đây trong khi đi công tác ở Hà Nội, tôi gặp thi sĩ Lâm Huy Nhuận (con trai nhà thơ Yến Lan) mà chép được bài thơ Quan Họ. Tôi là người vốn yêu thơ Yến Lan từ khi bắt đầu làm thơ.

Bạn đọc nhớ thơ Yến Lan từ bài Bến My Lăng: Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách - Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu. Ông sống và mất tại thị trấn An Nhơn (Bình Định). Cuối đời, ông sống càng đằm sâu, cũng vì thế Yến Lan viết thơ tứ tuyệt trong sự dồn nén xúc cảm. Thơ tứ tuyệt là loại thơ khó trong các thể loại thơ. Có lẽ, còn hơn cả về phương diện kỹ thuật, trong hàng trăm bài thơ tứ tuyệt (4 câu) in trong tập thơ “Cầm chân hoa” ông vẫn giành tình cảm của mình cho các làn điệu Quan họ.

Theo tôi, với Quan họ, nhà thơ đứng trước sự lựa chọn không dễ dàng chút nào: Quan họ xứ Bắc vốn là dân ca chiếm được lòng ngưỡng mộ của nhiều người trong và ngoài nước. Và thơ tứ tuyệt lại là thể thơ “trói voi bỏ rọ”, hàm xúc. Nhà thơ Yến Lan đã tạo được sự hài hòa trong nghịch lý ấy. Đây là một tâm trạng, một tấm lòng, một khung cảnh mà tác giả bộc lộ lòng yêu mến đối với một loại hình dân ca mà ông trân trọng, giữ gìn trong hòa nhập giữa cảnh quan và câu hát (vẽ cảnh mà thấy người níu giữ dùng dằng): Rạo rực bờ ao, lả trúc tre - Ôi “Người ơi, người ở đừng về”.

Thực ra hai câu mở bài vẫn chỉ là cái cớ cho phần tạo đà để đẩy tới: Một câu quan họ mành như chỉ - Xuyên suốt tâm hồn mọi nẻo quê đưa cái mỏng manh mà bền vững của câu hát đã được tác giả cảm nhận và chuyển hóa thành cái phổ biến rung động lòng người, từ: một câu quan họ (nghe ở một khung cảnh quen thuộc - thính giác) sang thực thể khác… mành như chỉ (như nhìn được bằng mắt - thị giác); sao tác giả bài thơ lại không viết “mảnh như chỉ” bởi mành rộng hơn, lan tỏa hơn (đúng với quan họ hơn)?

“Ngón tuyệt chiêu” trong xử lý của phép làm thơ tứ tuyệt mà thi sĩ tung ra vẫn là ở câu 4: Xuyên suốt tâm hồn mọi nẻo quê như khép lại như mở rộng toàn bộ cấu trúc bài thơ. Không gian - thời gian được mở rộng từ khoảnh khắc ấy. Phải cảm nhận đến tận cùng bản chất dân ca Quan họ, phải yêu say và thấm đến tận cùng con người và vùng đất sản sinh ra dân ca này mới hạ được “ngón tuyệt chiêu” như trong bài Quan họ của nhà thơ Yến Lan./.

Nguyễn Thanh Kim

(Chọn và giới thiệu)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *