Mùi hương còn lại
(ảnh Internet)
Chúng tôi đang học dở năm cuối cấp phổ thông trung học thì biên giới phía Nam, phía Bắc rục rịch, bất an, bóng giặc lởn vởn chập chờn. Một vài đứa bạn hồi nhỏ đăng ký đi học muộn, nay chưa tốt nghiệp phổ thông nhưng đã đủ tuổi nên đăng ký đi lính. Tôi về hỏi ý kiến cha, cha nói:
- Tao đánh nhau suốt đời rồi, mày không nên đánh nhau nữa, tốt nhất là trốn lên mạn ngược một thời gian, làm thợ mộc, vừa có cái ăn, vừa giữ được cái gáo.
- Sống thì cũng tốt, nhưng bạn bè đi cả, riêng mình ở nhà, sống cũng như chết. Nhục lắm.
- Mày không lo không còn giặc mà đánh đâu. Hơn bốn ngàn năm nay đất nước mình đã thế, mấy khi nguôi cảnh binh đao. Dân mình khổ thế đấy, đời người nếu sống được trăm năm, đằng nào cũng trải qua chinh chiến. Kiếm cái ăn trước đã con ạ. Chịu được cái nhục trước mắt thì mới mong tạo được nghiệp lớn.
- Cố gắng để khỏi phải sống hèn thôi, chứ nghiệp lớn thì con không mong.
- Nhất tướng công thành vạn cốt khô! Biết đâu đấy, mày cứ yên tâm đi, không sợ không có giặc mà đánh đâu.
Nghiệm lại mấy bài học lịch sử cũng thấy đúng. Nghe cha nói cũng xuôi xuôi. Vậy là tôi sắm đục chàng theo mấy người trong làng lên vùng phía Tây xứ Nghệ làm thợ mộc. Trên ấy rừng còn nhiều, dân cư thưa thớt, đèo heo hút gió ít người qua lại nên còn có măng, củ mài, củ chụp mà ăn.
Tưởng là thế nhưng không hẳn thế, tốp thợ đi lang thang như hành khất hai ngày trời mà cũng không có ai thuê, gạo mang đi nấu cháo loãng cầm hơi cũng gần hết. Buồn ngủ gặp chiếu manh, may có người mách, ở sau ngọn núi Giăng Màn có một hộ gia đình sinh sống, kinh tế khá, mấy đứa con đã lớn, chắc có nhu cầu làm nhà. Đói đầu gối phải bò, lần mò qua ba con dốc, lội dăm con suối nhỏ có những tảng đá như thớt voi đằm, lội qua con suối Lồ Ô, nước chảy tồ tồ như bò đái, chúng tôi đã đến được nhà gia chủ.
Ngày đầu tiên, khi chúng tôi mới làm lễ đặt đục chàng xong, ông chủ nhà nói:
- Báo cáo với Cố Phó - Người đứng đầu hiệp thợ - và các chú thợ, đã lâu gia đình chúng tôi sống biệt lập, khi các bạn đã vượt qua con suối Lồ Ô đầu núi này, coi như đã vào đến vương quốc của chúng tôi, vậy nên rất mong trong thời gian làm việc ở đây, các bạn chịu khó chấp hành nội quy của chúng tôi cho nó ...dễ sống. Còn tiền công cán thì chúng tôi sẽ thanh toán sòng phẳng, khẩu phần ăn chắc chắn là hơn ở nhà các bạn vì tôi biết dưới xuôi các bạn đang đói vàng mắt cua.
- Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý chỉ của ông - Cố Phó đáp từ - Nhưng ngoài đi kiếm cái ăn, chúng tôi còn muốn được học hỏi nhiều ở cách quản lý gia đình của ông, vậy nên chúng tôi thành thật biết ơn khi đã được ông thuê đến đây làm việc ạ.
- Không có chi, cũng chẳng qua bất đắc chí mới phải sống biệt lập. Dòng họ nhà tôi là dòng họ đi mở đất, đất gắn liền với xương và máu của những người trong họ.
- Chúng tôi biết điều đó và sẽ chấp hành. Ngoài phố thì tấc đất tấc vàng, còn ở đây thì tấc đất, tấc máu, mồ hôi và nước mắt…
- Ông biết cho thế thì chúng tôi vô cùng cảm ơn. Định kỳ, hàng tuần chúng tôi đều có các cuộc họp gia đình vào chiều thứ sáu. Thỉnh thoảng sẽ có những cuộc họp đột xuất, khi cần chúng tôi sẽ báo. Tôi rất mong Cố Phó cùng các chú thợ tham gia đầy đủ các cuộc họp để nắm được tình hình chung.
- Chúng tôi hoàn toàn nhất trí ạ - Cố Phó đáp lời - Nhưng tôi muốn hỏi rằng, liệu chúng tôi bỏ làm để họp thì có được tính công và bữa ăn hôm đó có phải trừ tiền…
- Việc này thì các ông không phải lo. Họp cũng coi như làm việc, đều được tính công. Thỉnh thoảng họp còn được ăn tươi, yên tâm đi, quan điểm của chúng tôi là không để cho người khác quá thiệt thòi, đương nhiên là mình cũng không bị thiệt. Tóm lại là phải đôi bên cùng có lợi.
- Thế thì tôi muốn họp suốt. - Tôi buột mồm nói liền bị Cố Phó vặc.
- Phỉ phui cái mồm, người lớn đang nói chuyện… đại sự.
Trên đường về lại lán, Cố Phó ghé tai tôi nói nhỏ: “Ngu lắm con ạ, mày chưa phải họp bao giờ nên chưa biết”.
*
Gia chủ theo đạo Phật nhưng không hề đi lễ chùa, buổi sáng và tối đều tụng kinh trước tượng Phật đặt ngay giữa nhà, ngày thứ sáu họp gia đình, trước và sau khi họp đều có tụng kinh. Trong nhà treo rất nhiều ảnh đức Phật. Ngay dưới tượng đức Phật ngồi tọa thiền trên đài sen, gia chủ treo một cây mác dài thước hai, nghe bảo đây là cây mác tổ truyền, nước thép xanh đến rợn người, mỗi lần đi qua cây mác, tôi cứ có cảm giác lành lạnh sống lưng và mũi tanh tanh mùi máu. Chủ nhà treo cây mác nơi trang trọng nhất, không biết để ngầm bảo: “Hạ đao xuống là thành Phật”. Hay để nhắc con cháu một điều gì đó sâu xa hơn mà tôi không thể biết.
Dù sống trong một nhà, nhưng mỗi đứa con là một nét mặt, màu da, vóc dáng, tính cách rất khác nhau. Duy chỉ có đôi mắt của họ là giống nhau - Giống đôi mắt của Đức mẹ đồng trinh, đẹp và thánh thiện vô cùng. Đó cũng là một điều lạ vì trong nhà không hề treo ảnh Đức mẹ Maria. Hay từ nhỏ họ đã sống giữa rừng núi tinh khiết, nên tâm hồn họ cũng thánh thiện vô biên. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhìn vào đó để ta biết yêu, ghét, buồn, vui.
Ngay cái nhìn đầu tiên, tôi đã bị đôi mắt của Yến - Cô con gái út - mê dụ. Năm ấy hình như Yến mười sáu tuổi. Yến người cao, da trắng, tóc màu râu ngô như Tây. Yến có đôi chân dài thon, săn chắc như đùi hươu đùi nai, đó cũng là đặc điểm chung của người vùng núi. Tôi hơn Yến hai tuổi nhưng coi như cùng trang lứa, thỉnh thoảng vào rừng hái măng, lấy củi, Yến thường rủ tôi theo, nhờ Yến mà tôi biết được nhiều thứ cây củ quả trong rừng có thể ăn được. Yến sống hồn nhiên, vô tư, suy nghĩ và việc làm đều có cái nhìn thoáng đạt. Tôi và Yến mới gặp nhau chưa bao lâu mà như đã thân quen nhau từ kiếp nào. Về phía tôi, hễ thấy vắng bóng Yến là nhớ. Lạ thật, lần đầu tiên tôi thấy nhớ, thấy thương một người con gái. Một lần tôi cùng Yến đi vào rừng lấy măng, vô ý tôi tự làm đứt tay mình. Tôi vội ngắt mấy đọt cây hoàng xà, bỏ vào miệng nhai nhỏ, đắp lên chỗ đứt, thế mà máu vẫn phun vọt ra thành vòi. Thấy thế, Yến tái mặt, lấy một đoạn dây rừng cột chặt tay tôi ga-rô cầm máu. Sau đó Yến vội vàng chạy ra phía sau một lùm cây rồi nói trong tiếng thở dồn hổn hển: “Anh nhắm mắt và không được quay đầu lại à nha”. Tôi chẳng biết Yến chuẩn bị làm gì mà sợ tôi nhìn thấy xấu hổ. Tôi trả lời: “Yên tâm, anh nhắm mắt rồi”. Trả lời Yến thế, nhưng tò mò, tôi vẫn liếc về phía ấy, dù bị lùm cây che khuất, nhưng tôi vẫn thấy, Yến đang khom người xuống, hai ta đưa về phía trước quần mình. Một lúc sau, Yên trở lại lấy vạt áo lau sạch vết thương cho tôi, rồi như sợ tôi thấy, Yến ấp lên vết thương một nhúm xoăn, mềm, mịn, “râu ngô” rồi vội vã buộc chặt lại. Băng bó xong, Yến từ từ mở dây ga - rô, máu không còn chảy nữa. Đúng là thuốc tiên! Mà trong mắt tôi thì Yến đúng là mọt bà tiên. Tôi ngây thơ hỏi Yến: “Thuốc gì mà hiệu nghiệm thế”. Em đỏ mặt quay đi nói: “Biết rồi còn hỏi, ngốc lắm”. Tôi nói: “Anh chưa biết thật mà, chỉ đi, lần sau đi một mình còn biết mà xử lý”. Yến nói: “Ngốc lắm, biết rồi còn hỏi, ai lớn lên mà chả có “thuốc” đó”. Tôi đã lờ mờ hiểu ra và đỏ mặt tưởng tượng, cái đau nhức giần giật ở tay đã chuyển sang chỗ khác, phía dưới bụng, hơi thở gấp gáp hơn.
Nhà Yến nuôi nhiều hươu sao và đây cũng chính là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Đến mùa hươu sao chuẩn bị đổ đế để lên lứa nhung mới, người nuôi hươu phải chuẩn bị đỗ, lạc, ngô... để cho hươu ăn thúc. Ngày đó đa phần chúng tôi đều đói, nhưng người đói đến đâu thì đói riêng hươu thì không được đói, vì nếu để hươu đói hay không có thức ăn tinh là hươu không chịu đổ đế, không lên nhung, coi như mất trắng cả mùa nhung, nuôi hươu báo cô. Bố của Yến đa nghi như Tào Tháo. Ông thường có câu cửa miệng: “Phàm muốn làm những việc đại sự thì phải về hỏi vợ và làm ngược lại ý kiến của vợ, sẽ thành công”. Hay câu: “Tay phải ta đếm tiền và trao cho tay trái, vậy mà ta còn không tin thì nói gì đến người khác”. Với tính đa nghi như thế, nên ông luôn sợ lũ người nhà ăn bớt khẩu phần của hươu. Mọi chìa khóa trong nhà, ông đều giữ, cẩn thận nhất là chìa khóa cửa buồng vợ và chìa khóa kho lương thực. Nhưng một mình thì cũng không thể chăm sóc được cả đàn hươu nên ông tàm tạm tin tưởng Yến. Một lần họp gia đình ông nói: “Cứ đụng đến cơm áo gạo tiền là không thể đùa được, trong nhà này, nhìn mặt đứa nào cũng gian, càng man di càng gian, dáng thấp bé, mặt dơi tai chuột càng gian… thôi tạm giao việc phân phát thức ăn tinh của hươu cho con Yến, nó là người Tây, tạm tin được”. Nghe bố Yến nói tôi thấy lạ. Tôi liếc nhìn sang mẹ Yến thấy mặt bà bỗng dưng co rúm lại. Tôi nhìn Yến, thấy em vẫn dửng dưng như không. Tôi muốn biết lắm, nhưng không dám hỏi Yến. Tại sao ông bố lại bảo Yến là người Tây? Hay Yến chỉ là con nuôi trong nhà? Thắc mắc rồi lại tự an ủi: Thôi thì mỗi nhà mỗi người đều có những sự lạ, tôn trọng người và giữ thể diện cho mình thì không nên tìm hiểu nhiều, nếu việc đó không làm ảnh hưởng gì đến mình. Dù không muốn tìm hiểu sâu vào đời tư của người khác khi người ấy không muốn kể, nhưng nhìn dáng vóc bề ngoài và cung cách hành xử của Yến, tôi vẫn rất muốn biết sự thật. Tôi tự bào chữa cho mình rằng khi đã muốn “tìm hiểu” một người con gái thì phải tìm hiểu cho hết ngọn ngành chứ. Vậy nên, trong một lần vào rừng lấy măng, tôi đã xa gần hỏi Yến. Tưởng em giận cho là tôi quá tò mò, không ngờ em lại thổ lộ hết. Đúng là thẳng như Tây. Em nói: “Em không phải là con đẻ của bố em. Em cũng mới được nghe mẹ kể khi em đã lớn rằng, ngày đó, đất nước mình còn chiến tranh, nhà em ở biệt lập, nên cũng không biết gì nhiều về cuộc chiến. Cho đến một ngày, có một người Tây từ trên trời đáp dù xuống cánh rừng sau nhà em, người ấy bị gãy một chân và được bố mẹ em chăm sóc chu đáo. Bố cũng dự định là khi người ấy khỏe mạnh, sẽ đưa ra ngoài làng để giao nộp cho chính quyền. Nhưng bố em chưa kịp giao nộp thì gần ba tháng sau, có người từ ngoài làng vào bắt người Tây ấy đi, tám tháng sau thì mẹ sinh em… mắt xanh mũi lõ thế này, anh thấy xấu không?”. Kể xong Yến cười tít mắt vô tư lự như vừa kể chuyện của một ai đó chứ không phải chuyện của mình.
Được bố giao nhiệm vụ. Từ đó, Yến sáng sáng cắp rổ đến đứng trước cửa nhà kho lương thực, đợi bố ra mở cửa kho, đong cho từng mủng lạc để đi phân phát cho những con hươu đực. Tùy vào cân nặng, tuổi đời và thời gian đổ đế mà có những định lượng khẩu phần ăn khác nhau của từng con hươu.
Có một lần như mọi lần, tôi và Yến đi vào rừng lấy măng, Yến dúi vào tay tôi mấy củ lạc, khi bóc lạc ăn, tôi ngửi thấy ngoài vỏ lạc có mùi hương gì thơm thoang thoảng như là sữa ngô non, ấn tượng và quyến rũ vô cùng. Tôi hỏi Yến: “Bố quản chặt thế làm sao em biển thủ được?”. Yến cười, nheo nheo đôi mắt hai mí đẹp như mắt Đức mẹ đồng trinh nói: “Bí mật, con gái thiếu gì chỗ giấu đồ”. Vài lần tiếp theo, tôi để ý, hóa ra Yến giấu lạc trong...áo ngực. Thế là lần trước em đã cho “thuốc” để tôi cầm máu, giờ lại cho tôi một mùi hương! Hương trinh! Mãi đến sau này, khi đã trải qua ê hề các cuộc tình, dài có ngắn có, có ta có Tây, tôi mới nghiệm ra rằng: Trong muôn loài đều lấy mùi hương để quyến rũ nhau và điều đọng lại lâu nhất trong tiềm thức của những đôi lứa yêu nhau chính là mùi hương. Có phải vậy không mà ngày xưa các cung tần mỹ, nếu tự thân mình không có được mùi hương trời phú thì họ luôn tìm các thảo dược, các loài hoa thơm để ủ, để tắm, để chiết xuất ra các mùi hương. Ai cũng mong mình có được một mùi hương đặc trưng làm xiêu lòng các đấng quân vương. Để các đấng quân vương, khi gần họ thì cuồng nhiệt yêu đương, khi xa họ thì da diết nhớ.
Nhưng cũng chính hành động giấu lạc trong áo ngực của Yến, cũng mãi sau này khi đã nếm đủ mọi thăng trầm của cuộc sống, tự phá đời và đời phá mình, tôi mới nghiệm ra, phàm là Tây hay ta, khi phải sống cùng người quá chi ly và khắc kỷ thì cũng phải thay đổi cách sống cho hợp thời. Chắc chắn trong máu của Yến không có tính tắt mắt, nhưng cuộc sống gia đình dạy cho Yến cách để em tồn tại.
Thấy tôi và Yến thân nhau, Cố Phó nói:
- Hay chú ở lại đây làm rể luôn.
- Cho đưa Yến về dưới xuôi thì em lấy, ở rể nhất quyết không. “Thà làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc”. - Tôi nói.
- Chú mày to còi ghê. Nam - Bắc gì ở đây, người trong một nước phải thương nhau cùng. Về dưới đó để mà chết đói à, với lại bố Yến không cho đưa con ra khỏi vương quốc của ông ấy đâu, đừng có mơ. Chú mày lại đang trốn lính, tao biết.
- Chuyện đó tính sau, em và Yến cũng chưa có gì. Nói trốn lính thấy to tát quá, em chỉ tạm lánh cuộc chiến một thời gian thôi, đằng nào em cũng đi đánh một trận cho nó thỏa chí làm trai. Bố em nói, chúng nó chắc không dám đánh lâu, chỉ đánh thử, nhưng đi lính thì bất kể khi nào cũng có cơ hội. Hơn bốn ngàn năm nay đều thế.
- Bố mày nói đúng đấy. Tin thế đếch nào được cái bọn ấy - Cố Phó nói- Không cách này thì cách khác, hàng ngàn năm nay chúng nó cứ đánh luôn chứ có bao giờ ngơi nghỉ. Vừa hòa đó lại vừa đánh, vừa anh em xong lại thọc dao vào mạng sườn. Thâm và tởm lắm.
Cố Phó nói chuyện với tôi hôm trước thì hôm sau, bố của Yến tổ chức cuộc họp gia đình, đương nhiên chúng tôi được nghỉ làm để dự họp. Đúng như Cố Phó nói, có dự họp thì mới biết, chán vô cùng. Mở đầu cuộc họp là một bản tụng kinh Địa tạng. Tôi không biết tụng kinh nhưng lòng thành vô cùng. Tôi tâm nguyện trong lòng kính mong đức Phật giúp tôi và Yến giữ mãi được tấm lòng trong với nhau, để một ngày nào đó qua tao đoạn khó khăn giặc giã, tôi và Yến sẽ chung nghĩa tào khang. Yến miệng tụng kinh nhưng mắt luôn nhìn về phía tôi chơm chớp, thỉnh thoảng hình như em nhoẻn miệng cười khi thấy tôi mặt cứ đần ra, miệng mim mím vì không thuộc nổi một câu kinh. Tôi liếc lại Yến, má em dần ửng lên, câu kinh lỗi nhịp, tay em vân vê tà áo. Tôi đưa ngón tay có vết thẹo bị đứt hôm trước lên, em càng thèn thẹn quay mặt đi. Tôi thấy trong lòng mình dào lên những đợt sóng, mặt nóng bừng, tim đập lỗi nhịp. Không biết có phải bố Yến biết chúng tôi đang ngồi “tụng” nhau hay không mà ông bỗng “e hèm” to một tiếng. Sau tiếng e hèm của bố, Yến ngồi ngay ngắn lại, mắt hướng lên tượng đức Phật, thành kính vô cùng. Chúng tôi cùng hòa chung câu cuối cùng: “Nam mô A di đà Phật…”.
Xong phần tụng kinh, bố Yến bắt đầu phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước và khu vực, tình hình biên giới, tình hình ngoài thị trấn. Phân tích cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những tác động không nhỏ của nó đến đời sống, kinh tế của nhà ông. Tôi ngồi nghe cứ mông lung vô cùng. Tôi chả hiểu những “tình hình” đó thì có tác động gì đến cái nền kinh tế tự cung tự cấp của nhà ông mà ông phân tích lắm thế, nghe mà nẫu cả ruột. May mà trong cuộc họp luôn có Yến, còn không thì thà một mình ra đẽo cột nhà còn thấy sướng hơn là ngồi họp thế này.
Khi chúng tôi đang ngồi họp thì có tin báo về, có một nhóm khoảng năm người, toàn thanh niên trai tráng vào dựng lán trại bên kia suối Lồ Ô. Nhận được tin đó, mặt bố Yến chợt biến sắc, với kinh nghiệm của một dòng họ đi mở đất, chắc ông linh cảm được điều xấu sắp xảy ra. Và không biết vì gió hay mắt tôi nhìn nhầm, cây mác vót xanh ánh thép treo ngay dưới tượng Phật bỗng dưng động đậy. Thoang thoảng trong gió nghe tanh tanh mùi máu.
Linh cảm của bố Yến quả không sai. Tin đến hôm trước thì hôm sau có người đến. Ba thằng xăm trổ vằn vện tìm vào nhà Yến. Bố Yến mời họ vào nhà pha trà nước tử tế. Sau khi phân ngôi chủ khách, bố Yến nói:
- Chúng tôi được tin các anh đến nhưng chưa sắp xếp được để ra chào, hôm nay các anh lại hạ cố đến chơi, thật là phúc đức cho gia đình tôi, từ nay có hàng xóm láng giềng, đỡ cô quạnh.
- Không có chi, chẳng giấu gì ông, chúng tôi là những thằng tù mới được đặc xá rủ nhau vào đây kiếm cái ăn, mong ông tạo điều kiện. Mong được làm hàng xóm, láng giềng tốt của ông.
- Tù thì cũng là con người với nhau cả, giúp được gì chúng tôi sẽ giúp, chỉ mong rằng chúng ta là những hàng xóm tốt. Bình thường việc ai nấy làm, nhà ai nấy ở, nước sông không phạm nước giếng. Còn khi hoạn nạn chạy đến với nhau.
- Điều đó thì ông khỏi lo, thời gian rồi ông sẽ rõ. Nên nhớ chúng tôi là những thằng tù mới ra khỏi trại mà.
Sau câu nói cụt lủn và đa nghĩa nhấn mạnh ba chữ “những thằng tù” đó. Như để chứng minh cho lời nói của mình, và dằn mặt gia đình Yến, cả bọn đứng dậy đi lại nghênh ngang mắt láo liếng xoi mói mọi ngóc nghách trong nhà. Thấy thế, bố Yến vẫn ngồi yên trên ghế, mặt không hề thay đổi, chỉ đến khi thấy anh con trai cả đang tính mon men đi đến bên cây mác thước hai treo giữa nhà, ông mới “e hèm” đánh tiếng và lừ mắt cho ông anh cả. Nghe tiếng “e hèm” của cha, ông anh cả lui ra sau nhà. Cả bọn vẫn tiếp tục đi lại nghênh ngang như chốn không người rồi tự tiện lấy đi một số vật dụng cá nhân như dao, cuốc, xẻng... Bố Yến thấy thế, không nói gì, cứ để chúng lấy đi. Khi đi qua chỗ Yến đứng, một thằng đưa tay chộp ngay vào ngực Yến rồi cười đểu giả. Tôi cầm ngay cái dùi đục tính đứng lên thì bị Cố Phó giữ chắc lại. Khi chúng nó đi khuất, bố Yến đến bên tôi nói:
- Chuyện nhà tôi, mong chú đừng can thiệp vào, hỏng đại sự. Thằng cả nữa, phải biết kiềm chế con ạ, nó là hàng xóm. Đất đai vườn tược tổ tiên chứ không phải là cái thuyền cái bè gì mà chống đi nơi khác. Phải hết sức kiềm chế. Hòa bình mới khó, chứ gây chiến tranh thì dễ lắm.
- Nhưng cháu thấy nhục và hèn lắm,- tôi nói- nó dám…
- Chú nhục và hèn một thì tôi nhục và hèn mười. Yến nó là con tôi, nhà đây là nhà tôi, đất đai xương máu tổ tiên tôi, vậy mà chúng nó đến như chốn không người.
Nghe chủ nhà nói thế, tôi đành im, nhưng cũng từ ngày đó, Yến lánh mặt tôi. Đến bữa cơm, Yến tìm cách ăn sau cả nhà. Vài lần tôi tìm gặp thì Yến đều lấy cớ đang bận việc để tránh mặt. Thấy Yến tránh, tôi cũng không muốn tìm gặp nữa. Khoảng thời gian đó, chiếc rađiô nhỏ của Cố Phó cứ phát đi phát lại những bài hát Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Rồi lại hát bài:“Dậy mà đi ơi đồng bào ơi…”. Cứ nghe đài hát những bài ấy, là tôi làm ngơ cúi mặt, vờ như không liên quan, vờ như đang chăm chú vào công việc của mình. Một đôi lần tôi biết ánh mắt Yến có liếc về phía tôi. Và thoảng đâu trong gió, hình như mùi hương trinh vẫn cứ như gọi mời. Không biết Yến có biết tôi lên đây chẳng qua cũng là vì trốn lính? Tôi là kẻ nhát gan, tham sống sợ chết? Mỗi lần ngồi bào kéo, thấy Yến thấp thoáng xa xa, tôi lại thấy trong người thổn thức, viết thẹo nơi tay giần giật và nhớ đến gương mặt thẹn thùng của em ngày lấy “thuốc” rịt vết thương cho tôi. Nhớ những củ lạc ướp thoảng mùi hương da thịt em. Lòng thổn thức, kiếm tìm… xấu hổ, nhục nhã…
*
Yên ổn được mấy ngày rồi lũ người kia lại đến. Lần này đến, chúng nó bảo mượn bố Yến chìa khóa kho lương thực, vay mấy bì ngô, hẹn khi làm ra sản phẩm sẽ trả không thiếu một hạt. Bố Yến lẳng lặng đưa chìa khóa cho chúng nó. Khi chúng nó đã khiêng mấy bao ngô đi rồi, ông giục các con dong trâu ra cày vỡ đất để trồng thêm ngô bù cho số vừa bị lấy mất. Chúng đến rồi lại đi, như chỗ không người. Tôi ngao ngán, thực không thể hiểu nổi sự bạc nhược của chủ nhà, nhưng như ông đã dặn, đó là việc của riêng nhà ông, chúng tôi chỉ bàng quan ngồi nhìn. Và lần thứ ba chúng nó lại đến, lần này chúng nó bảo đang dựng cái nhà ngoài suối Lồ Ô, thiếu cột cái, vào đây mượn tạm cái cột chúng tôi vừa chuốt xong, sau này sẽ vào rừng chặt gỗ đem trả. Sự việc đã bị đẩy lên quá mức chịu đựng, mẹ Yến tru tréo, nằm ôm lấy cột không cho chúng nó khiêng đi. Một thằng chẳng nói chẳng rằng, đến sau lưng bà, cúi xuống cầm lấy hai ống quần kéo mạnh. Bị lột truồng bất ngờ giữa một bầy người lạ, mẹ Yến phải đưa tay kéo lại quần lên che phần dưới. Tất cả chúng tôi đều sững sờ. Bố Yến thì quay mặt đi nhanh vào nhà. Chắc chắn ông sẽ đến và cầm lấy cây mác vót xanh ánh thép, dài thướng hai tổ truyền. Nhưng không, không có cây mác nào ở đây cả. Ông vào trốn trong đó để khỏi phải thấy cảnh nhục nhã vừa xảy ra, chứ không phải vào lấy vũ khí để phản kháng(!?). Sau một lúc biết rằng một mình mình cũng không thể giữ nổi cột nhà cái, mẹ Yến luấn quấn bỏ đi vào nhà để cho chúng khiêng cột cái nhà đi.
Trưa hôm sau chúng tôi được triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Dù là cuộc họp khẩn cấp nhưng bố Yến vẫn tiến hành làm những thủ tục như những lần họp trước. Khi chúng tôi chuẩn bị tụng kinh, thì chiếc rađiô để ngoài lán của Cố Phó lại ra rả hát: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới”... Mặc cho tiếng hát như thúc giục lòng người, mọi người vẫn tụng kinh. Nhưng lần này, Yến chăm chú vào tụng kinh, mắt thánh thiện đăm đăm nhìn lên tượng Phật, suốt cả buổi tụng kinh, không một lần em nhìn về phía tôi. Tôi để ý miệng em tụng kinh, đến câu cuối “A Di đà Phật…”, thì tôi đớp theo. Tôi là một kẻ ngoại đạo nhưng tôi yêu sự thánh thiện của những giờ hành lễ. Cả gia đình Yến chắc cũng tin thế, họ chỉ muốn được sống cuộc sống bình yên. Ông bố Yến sống khắc kỷ nhưng ôn hòa với thiên nhiên cây cỏ. Ông sống khắc kỷ có lẽ vì điều kiện của gia đình nhà ông bắt ông phải sống như thế. Nhưng cái sự nhu nhược của ông thì tôi không thể chấp nhận được. Ông nhu nhược một cách khó hiểu. Và rồi việc gì đến phải đến. Cuộc họp của chúng tôi chưa kết thúc thì có người đến báo là nhóm tù đã lội qua bên này suối Lồ Ô và đang san đất dựng nhà. Nghe chuyện, không nói không rằng, ông chủ nhà đứng vụt dậy, cầm lấy cây mác tổ truyền lao đi. Lưỡi mác bắt nắng bắn lại lên trời những tia sáng như ánh chớp. Sau một lúc ngơ ngác, chúng tôi người gậy gộc, người cuốc thuổng, đục chàng… cũng vội vàng chạy theo ông. Khi mọi người chạy ra được đến bờ suối Lồ Ô, từ xa đã thấy bố Yến đang chống cây mác tổ truyền đứng đó. Lại gần, chúng tôi thất kinh vì thấy ngay dưới chân ông là một cánh tay xăm vằn vện vừa bị chém đứt lìa, đầy máu đang giãy đành đạch trên đất. Bên kia suối Lồ Ô, bốn thằng tù còn lại đang dìu một thằng tù bị chặt mất một cánh tay. Chúng vừa dìu, vừa lấm lét nhìn lại như sợ chúng tôi đuổi theo tấn công. Tôi nhìn bố Yến, anh trai cả của Yến cũng nhìn bố như để chờ một cái lệnh, nhưng bố Yến không nói gì. Ông cứ đứng như thế nhìn sang phía bên kia con suối. Một lúc sau, ông thản nhiên cúi xuống, nhặt lấy cánh tay xăm vằn vện đang nằm trên đất. Ông nghiêng người, đưa cánh tay đứt lên cao rồi vung mạnh qua bên kia suối. Ông hét lớn: “Cái gì của chúng mày thì hãy giữ lấy, cũng như tao phải giữ lấy đất đai của tổ tiên tao. Nhớ lấy”. Xong, ông lại lẳng lặng ra về, lấy rượu ra rửa thật kỹ cây mác. Mặc dù cây mác không còn dính máu, nhưng tôi vẫn nghe thoang thoảng tanh mùi máu tươi. Rửa mác xong, ông đốt một nắm hương trầm xông qua lưỡi mác rồi lại kính cẩn treo mác lên chỗ cũ. Xong việc, ông ra bàn ngồi uống trà, mặt hiền như Bụt.
Sau những việc đó, tôi biết mình không thể ở lại làm cho xong cái nhà được nữa. Tôi xin phép Cố Phó và gia chủ được về xuôi. Buổi tôi đi, không thấy Yến đâu. Thôi thế cũng đành, có mặt Yến đâm ra khó xử cho cả hai. Khi tôi khoác ba lô lội qua suối Lồ Ô thì bắt gặp Yến đang ngồi một mình trên tảng đá như con voi quỳ ở giữa suối, mặt em buồn như mặt đá già. Tôi tính quay đi thì Yến hớt hải chạy theo, níu ba lô tôi em hỏi:
- Hết giặc anh có lên đây?
- Sao em biết anh về xuôi đi lính?
- Em biết, em biết là trước sau gì anh cũng đi lính. Em tin thế...
- Thôi em về đi, đừng chờ…
Nghe tôi nói vậy, lạ là Yến vội quay đi và không hỏi thêm tôi một câu gì nữa. Nhưng tôi biết là em sẽ chờ tôi vì em biết, nếu còn sống sau cuộc chiến chinh, đằng nào tôi cũng sẽ trở lại tìm em. Bỗng dưng tôi thấy chỗ vết thẹo nơi tay nhức như đóng mủ, không còn cách nào khác, tôi đưa ngón tay ngậm vào trong miệng mình cho đỡ nhức. Mặt trời đang rớt về phía sau núi. Tiếng con chim tìm bạn lại bắt đầu khảm khắc vào ánh chiều tà: “Chờ thì chờ….chờ thì chờ….chờ thì chờ…chờ lại chờ…chờ lại chờ…”. Tay tôi đã hết nhức, bỗng đâu trong gió, mùi hương trinh ướp mềm cả núi đồi. Và cứ thế, tôi đi trong tiếng hát: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biện giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…”.
(Nguồn: Báo Văn Nghệ- Hội Nhà văn VN)