Tác phẩm chọn lọc

29/11
10:00 AM 2017

TRANG THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM, BẰNG VIỆT, TRẦN NHUẬN MINH

“Còn tôi/Trong cơn mưa lạnh cuối năm như vãi cát vào mặt/Cúi xuống tờ giấy trắng trơ như cánh đồng sau vụ gặt/Nhớ đến những thợ cày lực lưỡng đã đi xa/Lòng quặn đau rằng đất không thể ở không/Giấy phải làm ra chữ”

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

MÙA BÌNH THƯỜNG 

                                Mượn một chữ dùng của Văn Cao

Tôi chỉ yêu những mùa bình thường

Cây mọc lên trong gió, mưa và nắng.

 

Tôi chỉ vui những ngày bình thường

Bát cơm bưng lên có vị mặn.

 

Nhà doanh nghiệp làm hàng hóa

Nhà văn ngồi viết văn.

 

Nhà sử học bận rộn với quá khứ

Viên quan tòa mặc áo thụng nói lời ngay thẳng

 

Tôi chỉ mong mùa bình thường

Đủ cả hoa và rác như thói thường vẫn thế.

 

Có điều lương tâm ta trong sạch

Sống bình thường và khao khát xa xôi...

 

ĐÊM THU HỘI AN

 

Ngoài kia những chiếc thuyền câu đốt đèn trôi theo sông

Đuổi theo một nghề nghiệp cũ

Ở đây trên bậc thềm giả cổ

Người thi sĩ không ngủ

Ngồi đập muỗi

Đợi một làn gió mặn.

 

Tất cả chúng ta rồi sẽ già nua

Bên giòng sông tăm tối này

Sẽ chết

Mà không được đóng dấu kiểm dịch

Đặng bình tâm trong miệng kẻ khác.

 

Ôi bác ngư dân già nua

Anh ngư dân trẻ

Đêm nay vợ anh nằm trên nửa chiếc giường hẹp

Đợi anh về

Quạnh quẽ quê hương nhiều thế kỷ

Tìm một chỗ sống.

 

Người thi sĩ im lặng

Quanh anh không vệt lân tinh dự báo

Cả dòng sông không biết nói

Cả cửa biển không lời thở than

Mùa thu về trên bến vắng...

Ngày 10-8-2008

NÓI VỚI NHÀ VĂN QUÁ CỐ

 

Tôi có điều may mắn

Là sau ngày các anh ra đi

Còn đọc đôi ba quyển mới các anh chưa đọc

Vui với trận bóng đưa Việt Nam vào vô địch

Chăm chú theo dõi cuộc bầu cử tận nước Mỹ xa xôi

Nhận ra nhiều người già đi quá nhanh sau ngày vắng mặt

 

Tôi có thể đi bộ một mình trên phố dài

Từ hiệu sách đến quầy bán thức ăn cá cảnh

Để hỏi thêm về chữ nghĩa, cách cá đẻ trứng, đôi khi chỉ số thị trường

Chứng khoán (cái mà tôi mù tịt)

Và yên lòng mình chưa thua thiệt

 

Ngày cuối năm buồn tẻ

Tôi may mắn hơn các anh

Còn gặm được khúc xương chớm mùi hoá thạch

Trên những bản tin kinh tế ngọt ngào

Của đủ loại báo đài, internet

 

Tôi nói thầm

Giá như các anh sống lại

Ngồi vào bàn viết, bên tôi

Chắc các anh sẽ nheo mắt cười

Tha thứ cho chúng tôi đã sống dai đến vậy

Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy

Mà được gì cho cuộc sống hôm nay?

 

Còn tôi

Trong cơn mưa lạnh cuối năm như vãi cát vào mặt

Cúi xuống tờ giấy trắng trơ như cánh đồng sau vụ gặt

Nhớ đến những thợ cày lực lưỡng đã đi xa

Lòng quặn đau rằng đất không thể ở không

Giấy phải làm ra chữ

Kẻ đến sau lại phải vun trồng

Cho đến chết với từng hạt, từng hạt...

2008

NHỚ MỘT NHÀ THƠ ĐÃ MẤT

1.

Không sao dịu nổi vết bỏng lửa trên da thịt, trong tâm hồn

Một nhà thơ miền Nam

Lần bước những sườn đồi khổ nạn

Những năm hoà bình đầu tiên

Loang lổ một thời cuộc chiến

 

2.

Không ai viết biên niên sử

Nỗi đau một con người

Cũng chẳng là huyền sử

Những giọt nước mắt, mồ hôi

Chỉ có thơ

Làm lẽ phải thầm lặng.

 

3.

Khói lửa đã tàn trên mặt đất

Nhưng cuộc cãi dằn vặt, đau đớn, u hoài

Trong mỗi góc nẻo, tâm khảm con người

Trong thi ca

Vẫn ngày ngày lên tiếng

Ngày 24-4-2007

 

Đi mãi vào rặng núi xa mờ

Đi mãi vào rặng núi xa mờ

Chỉ bắt gặp dông dài thương nhớ cũ

Tiếng pháo tiếng bom xa rồi

Chỉ cái chết là gần gụi

Một đời sống đang qua

Những buổi chiều bối rối

 

Ai dắt tay ta đi với tình bạn bè

Những ngả đường ồn ã, trang Thực lục xa vắng

Nơi khoảng cách lớn dần trong hồn

Như vầng trăng lúc về sáng

 

Cũng chỉ mong được yên tĩnh, mỉm cười

Thân thiện bước chân ngày trở lại

Em sẽ nói với ta rằng em yêu anh

Chưa mảy may thay đổi

2010

NHỚ NGUYỄN Đ.

 

Rồi có một ngày

Một người can đảm sẽ nói lên

Số phận một người tốt

Vinh quang một thời vàng son

Lẽ phải một cái chết

Rồi có một ngày

Có một người tốt

Bước ra từ lịch sử

Nói về cái tốt bị bỏ quên...

 

Chúng ta, kẻ không may mắn

Rồi cũng nhập vào dòng chảy của điều tốt đẹp

Dòng nước sẽ rửa sạch sự đớn hèn

Dẫu có khi đã nhường lời cho bọn khoác lác

 

Cuộc đời độ lượng

Có chỗ cho mọi vóc hình sự sống

Để sự sống phải mở đường đi

Qua bóng tối cái chết

Ngày 31-7-2005

BẰNG VIỆT

NHỚ TRỊNH[1]

 

Chợt rầu lòng vì câu thơ của Trịnh:

"Đêm thấy ta là thác đổ..."

Vậy ngày ơi, ta là gì?

 

Có khi

Một ngày ruổi rong, một ngày tất bật

Cũng không làm xong một việc ra hồn!

Có khi

Cả tuần lao lung, cả tuần suy ngẫm

Cũng không nhìn thấu bản thể mình!

Ngày sống vội, tuần sống vội, năm sống vội

Tuổi hoa niên, trung niên, kế tiếp tuổi già...

Chong chóng quay, rút cuộc được gì?

Được chuyển động - làm bù nhìn của gió,

Và gió, quẩn quanh đầu sông, cuối bãi,

Cũng một kiểu bù nhìn của nóng lạnh, Âm - Dương,

Còn Âm - Dương có từ đâu, tồn tại tới đâu,

Thì mở hết giác quan, ta vẫn là mù tịt!

 

Rầu rĩ trở về câu thơ của Trịnh:

"Đêm thấy ta là thác đổ..."

Có lẽ nào, chỉ thế thôi sao?

 

VƯỜN NHẬT BẢN

 

Đá và rêu

Cách ta đã bảy trăm năm

Huyền hoặc và ám dụ.

 

Đá ngồi thiền, thẩm thấu lẽ tử sinh,

Rêu lặng lẽ xuất thế và nhập thế,

Ngỡ nước chảy, mà thực không có nước

Sóng cuội, sóng khô, vô tận, vô cùng...

 

Thanh tĩnh đến mức nghe được chính mình

Vườn ẩn hiện bất ngờ theo nhịp bước.

Những tham, sân si... đã bỏ quên ngoài cổng

Chút ghen tỵ hóa công cũng rơi nốt dọc đường.

 

Cỏ hữu hạn xanh veo thành bất tử

Lòng hoàn nguyên rửa sạch với thinh không!.

 

Ừ THÌ...

 

Ừ thì... vẫn đầy mỹ phẩm, hương thơm,

Chỉ ít ai thèm hương cau, hương bưởi!

 

Ừ thì... vẫn đầy sông sâu, bến đợi,

Chỉ ít ai còn nhớ tiếng gọi đò...

 

Ừ thì... vẫn còn Tấm Cám như xưa,

Chỉ ít ai nuôi Tấm trong quả thị.

 

Ừ thì... vẫn còn núi nàng Tô Thị,

Chỉ ít ai ngờ núi gắn xi măng[2]!

 

Ừ thì... vẫn còn vằng vặc vầng trăng,

Chỉ ít ai tìm cây đa, chú Cuội.

 

Ừ thì... đời này vẫn còn vị muối,

Chỉ ít ai còn gắn với gừng cay...

 

Ừ thì... vẫn còn chén rượu, cơn say,

Chỉ ít ai ngông - thích làm Lý Bạch!

 

Ừ thì... vẫn còn đất thiêng, long mạch,

Chỉ ít ai tin: Cá chép hóa Rồng!.

 

THỜI LÁ ĐỎ

Nhớ những kỷ niệm cùng Phạm Tiến Duật

Có một thời lá đỏ của chúng mình,

Thời rất lắm ước ao, thời quá thừa xúc cảm,

Thời của tình yêu bao la, thoáng đãng...

Chúng mình yêu rừng tự đấy yêu đi!

 

Sống với rừng nguyên thủy

Nếp nghĩ trở về quy luật thiên nhiên

Mưa với nắng đo bằng mùa đằng đẵng

Những cây số đường rừng đo bằng lớp chai chân

Tiếng hoẵng tiếng chim đo lối mòn liên lạc

Ánh lửa đo nghị lực trong ngàn ngàn hốc đá

Và mọi dự định của tương lai trĩu nặng

Chắt chiu chín dần tự đáy ba lô.

 

Mùa đông rét căm căm

Ý nghĩ ngợp trong một trời lá đỏ

Lá ngon mắt, như rắc giấy phong bao ngày Tết

Lá nồng nàn như thắp nến kết hoa cho lứa tuổi yêu đời,

Giữa sắc lá tưng bừng

Rừng lắm dốc lắm đèo mà vui như phố xá,

Có bao giờ và ở đâu, chúng mình còn gặp lại

Cơn say đỏ au ngày ấy của rừng?

 

Rừng vụng dại, cộc cằn, nhưng tuôn trào sức sống

Những bãi B.52 trụi trần, chớp mắt lại lên xanh!

Một trời bướm, một trời hoa, một trời phấn bay,

thoắt một trời lá rụng,

Đều thầm lặng như không, mà mănh liệt khôn cùng!

Chúng mình học cách sống của rừng, vượt trăm đỉnh

mù sương không biết mệt,

Người trước ngã, người sau lại tiếp,

Không ai so đo vì giới hạn của đời mình!

 

Chúng mình yêu rừng tự đấy yêu đi

Mang nếp sống thiên nhiên cả khi về thành phố,

Không chịu nổi những tiện nghi chật chội

Không trơn tuột, phẳng phiu trong ý nghĩ ươn lười,

Ghét cay đắng mỗi lời chai đá, vô tình,

Tiếc đứt ruột nếu từng ngày không đổi mới!

 

Đấy là hàng cọc tiêu chỉ đường, không bao giờ xóa nổi,

Suốt tự thời lá đỏ của chúng mình!

 

RỒI SẼ TỚI...

 

Rồi sẽ tới một thời em mỏi mệt

Khi nhắp xong vị mặn chát của đời!

Nhưng tôi chỉ nhớ về em trước hết

Ở nét cười tinh nghịch - mắt cùng môi...

 

Rồi sẽ tới thời em khinh bạc nữa,

Khi đủ vinh quang, ấm lạnh, chán chường...

Nhưng tôi mãi giật mình vì ngọn lửa

Của hồn em, ngày mới biết yêu thương!

 

Rồi sẽ tới thời ta cô độc lắm,

Bè bạn thì xa, tri kỷ khó tìm!

Tôi xin được giữ trong lòng lẳng lặng

Khuôn mặt hài hòa duy nhất - là em!

 

THƠ CÒN GÌ HÔM NAY?

 

Còn có gì to tát để tuyên ngôn?

Thơ lặng lẽ lui dần vào giải trí.

Éptushenkô thì đi sang Mỹ,

Rôjđextvenxky thì cũng chết rồi!

 

Maiakôpxky thành dĩ vãng xa vời

Cũng chả khác Êxênin là mấy...

Chỉ còn nhớ, một người thì treo cổ,

Một người thì bắn súng vào đầu![3]

 

Thơ thời đại hậu sinh vừa sặc sỡ vừa buồn,

Nhiều sexy, ít nghĩ về hạnh phúc,

Nhiều đòi hỏi, mà chả cần trách nhiệm

Dễ buông tuồng, nhưng rất ghét tuyên ngôn!

Maxcơva, 2008

TRẦN NHUẬN MINH

MAI CHÂU

 

Bản Lác cây cao, nhà sàn chênh chếch nắng

Mường Hịch khe sâu khói biếc bay lên trời

Váy áo xập xoè chợ thổ cẩm

Em gái nghiêng ô che một nửa nụ cười

Che vòm ngực mởn mởn xanh

Mùa Xuân đã đến rồi

 

Bạn từ đâu đến, ta không biết

Đến đây buồn vui đều tan hết

Vít cong cần rượu là cái bụng sướng ngay...

Ới giời ơi

Con cái nhà ai mà xinh thế

Em ăn sôi nếp thơm mười ngón tay...

 

EM CÓ HIỂU VÌ SAO

 

Có lẽ vì vành trăng non mong manh dịu êm

Tỏa ánh mơ hồ trên cành cây cao...

Em có hiểu vì sao

Mà ta nhớ thương nhau đến tận bây giờ...

 

Có lẽ vì hơi thu lạnh lùng luồn qua áo em

Cái hơi thu nâng vòm đêm lên cao...

Em có hiểu vì sao

Mà ta nhớ thương nhau đến tận bây giờ...

 

Có lẽ vì tiếng sếu kêu khuya, một tiếng thôi, vu vơ trên thẳm xanh

Không khí chia li nhuốm đầy trời cao

Em có hiểu vì sao

Mà ta nhớ thương nhau đến tận bây giờ...

2015

ANH BIẾT

 

Em đẹp quá khiến lòng anh khiếp sợ

Giông bão ẩn đâu trong nụ cười hiền

Nếu yêu em, anh biết mình sẽ mất

Cái quí nhất của đời anh là sự bình yên...

2014

LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC

 

Em ơi,

Làm sao biết được kiếp sau, em sẽ là gì?

Là giọt mưa mong manh bay ngang trời kia chăng?

Là con chim nhỏ hót ríu ran trên cành cây kia chăng?

Là bông hoa dại nở vu vơ cuối góc vườn kia chăng?...

 

Em ơi,

Làm sao biết được kiếp sau, anh sẽ là gì?

Là tảng đá tím đứng lẻ loi bên đường kia chăng?

Là dòng sông đục, chảy khôn nguôi sau cơn mưa kia chăng?

Là dáng núi xa, giấu vẻ mặt buồn trong khăn mây kia chăng?...

 

Em ơi,

Làm sao biết được ta còn kiếp sau?

Làm sao biết được ta còn thấy nhau?

Làm sao biết được nỗi buồn qua mau?

Làm sao biết được tim mình không đau?...

 

NGẪU NHIÊN MÀ THÀNH

 

Ta là vị khách không mời của tiếng sếu kêu khuya

Tiếng sếu đã mất hút trong thinh không

Còn ta thì ngồi đây một mình với vầng trăng tà

Nhìn xuống Vịnh Hạ Long mà hỏi

Ngươi đang bị lấp dần, 100 năm sau liệu có còn không?

Sương bỗng phủ mờ những ngọn núi xa

Ánh trăng đã chết trên ngọn cây xà cừ

Thành quách 100 năm cũ, bây giờ có còn gì đâu

Một nhành lau trắng hoang vu cũng bị nhổ đi rồi

Tiếng sếu kêu khuya ơi

Em đã ở phương nào

Ta không sao ngủ được

Vẫn một mình ngồi đây

Lòng ta đầy gió

Xao xác những ngôi sao rụng...

 

 

Nguồn: Tạp chí Thơ Hội Nhà văn

 

[1] Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001)

[2] Nàng Tô Thị trong di tích tự nhiên ở Lạng Sơn đã bị sập trong khi phá đá nung vôi. Người ta đã phải phục hồi lại Nàng Tô Thị bằng cách gắn xi măng, ghép lại các mảnh vỡ!

[3] Hai nhà thơ lớn rất khác biệt nhau, hai đỉnh cao của thơ ca Nga thế kỷ XX, Maiakôpxky - nhà thơ gắn liền với sự nghiệp Cách mạng Tháng Mười thì rốt cuộc tự tử bằng súng lục vào đầu, còn Êxênin - nhà thơ gắn bó với nông thôn và vẻ đẹp truyền thống Nga ngàn đời, thì treo cổ chết dưới ống nước bắc ngang trần nhà!

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *