NHỮNG KHUYNH HƯỚNG CỦA VĂN HỌC TRUNG QUỐC ĐƯƠNG ĐẠI
Khuynh hướng văn học của "Thời kỳ mới" nổi lên đầu tiên là “văn học vết thương” và “văn học phản tư” (suy nghĩ lại). Ngay từ khi ra đời, dòng văn học này nhận được ủng hộ, chào đón của người dân cho đến các nhà lãnh đạo cao nhất bởi tất cả đều trải qua giai đoạn biến động mang tên Cách mạng Văn hóa. Các tác phẩm văn học đã miêu tả chi tiết những câu chuyện oái ăm thời kỳ đã qua. Vấn đề của “văn học vết thương” là kể lại những câu chuyện hiện thực trần trụi trong khi “văn học phản tư” cố gắng lý giải chiều sâu tâm lý con người, bối cảnh xã hội trong cơn biến để đúc rút lại bài học lịch sử. Nổi lên với các tác phẩm “Chủ nhiệm lớp” (Lưu Tâm Vũ), “Lý Thuận Đại làm nhà” (Cao Hiểu Thanh), “Một nửa đàn ông là đàn bà” (Trương Hiền Lượng), “Lối rẽ trải đầy hoa” (Phùng Ký Tài), “Tùy tưởng lục” (Ba Kim)… Giới lý luận văn hóa và văn học Trung Quốc gọi đây là “văn học khai sáng” bởi dòng văn học mở màn “Thời kỳ mới” đã đưa các chủ đề về giải phóng tư tưởng, lý tính, tính nhân đạo trở lại vị trí trung tâm văn học.
Văn học không hướng đến giải trí thuần túy mà tự vận động để biến đổi nhanh hơn bởi sau khi cải cách kinh tế và mở cửa thị trường diễn biến quá nhanh chóng, người ta cũng dần quên đi chuyện cũ để hướng đến các vấn đề đương đại và dự đoán về tương lai. Muốn vậy không thể không nhìn lại quá khứ, thế nên “văn học tầm căn” (tìm về nguồn cội) ra đời. Quá khứ ở đây còn lùi xa hơn, trước khi ra đời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949). Mục đích của các nhà văn là thâm nhập vào lịch sử để suy ngẫm triết lý, văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc Trung Hoa. Nhà văn nổi lên với khuynh hướng này là Mạc Ngôn (Nobel Văn học 2012) với những tác phẩm kinh điển “Báu vật của đời” (Phong nhũ nhì đồn), “Đàn hương hình”, “Cao lương đỏ”, “Tổ tiên có màng chân”… Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển dành cho Mạc Ngôn là “nhà văn pha trộn được chủ nghĩa hiện thực ảo giác với truyện dân gian, lịch sử và đương đại” phần nào cũng lý giải được bản chất của khuynh hướng “văn học tầm căn”. Các nhà văn Trung Quốc ảnh hưởng nhiều kỹ thuật các nhà văn Âu - Mỹ như James Joyce (Ai Len), Marcel Proust, Jean-Paul Sartre, Anbe Camus (Pháp), Franz Kafka (Séc), William Faulkner (Mỹ)… nhưng về vấn đề nội dung thì không. Xuyên suốt các tác phẩm của Mạc Ngôn và nhiều nhà văn khác là văn hóa dân gian và câu chuyện lịch sử Trung Quốc được chuyển tải nhờ những kỹ thuật viết văn và chiều sâu tư tưởng mang tầm nhân loại. Thế nên đọc "văn học tầm căn", ta sẽ có hai cảm giác song song, đó là vừa tìm hiểu được văn hóa - lịch sử Trung Quốc, vừa có cơ hội suy ngẫm những vấn đề muôn thuở về kiếp người nói chung. Với một tâm thế đồng cảm cá nhân với thân phận dân tộc, văn hóa dân tộc, nảy sinh trong bối cảnh lịch sử chuyển đổi mang tính hiện đại của xã hội Trung Quốc và sự giao lưu văn hóa của Trung Quốc với thế giới là những yếu tố thành công của “văn học tầm căn”. Và tất nhiên, nói chuyện cũ chẳng bao giờ hết; thế nên khuynh hướng văn học quan trọng này vẫn đang tiếp tục tiếp diễn, hứa hẹn cho ra đời những tác phẩm có giá trị trong tương lai.
Nếu đã có dòng văn học gắn với truyền thống, lịch sử thì có dòng văn học lại đi theo quỹ đạo văn học thế giới với tên gọi “văn học thực nghiệm” gắn với trào lưu hậu hiện đại. Những nhà văn thực nghiệm như: Dư Hoa, Mã Nguyên, Diệp Thư Minh, Bắc Thôn, Tôn Cam Lộ, Lã Tân… và đặc biệt là những nhà văn Trung Quốc ở nước ngoài (Cao Hành Kiện, Sơn Táp, Cáp Kim, Đới Tư Kiệt…) không chú ý đến đề tài, cốt truyện tuyến tính bị phá bỏ; điều mà họ chú trọng đến là ngôn ngữ, kết cấu và văn bản nghệ thuật. Vì tính chất tiền phong và thực nghiệm nên các tác phẩm của dòng văn học này khá xa lạ với đông đảo công chúng. Thành tựu của “văn học thực nghiệm” là khai phá, mở ra những lối viết mới để văn học Trung Quốc tiến thêm một bước về hình thức. Đây là điều khá quan trọng bởi nếu ta nhìn từ tác phẩm của Lỗ Tấn - người được xem là có công lớn nhất cách tân văn học Trung Quốc trở nên hiện đại đầu thế kỷ 20, văn học Trung Quốc không tiến thêm được bao nhiêu trên con đường đổi mới kỹ thuật viết.
Nói về dòng văn học mới nhất của Trung Quốc đương nhiên phải nhắc đến thế hệ nhà văn sinh ra và lớn lên cùng với quá trình mở cửa thị trường kinh tế và cải cách chính trị. Những nhà văn này cảm thấy cô đơn và lạc lõng bởi họ không có mối quan hệ với quá khứ nên có xung đột về tư tưởng, thói quen sống với lớp người đi trước, chịu áp lực về tài lực, trí thức và nỗ lực phải khẳng định mình. Chính những thúc ép nội tâm đó khiến họ cầm bút mà đa phần là viết cho mình chứ không phải công bố. Cùng với sự bùng nổ của internet, những cây bút trẻ đưa tác phẩm của mình tới công chúng nhanh hơn, rộng rãi hơn. Những nhà văn như: Quách Kính Minh, Từ Triệu Thọ, Tào Đình… trở thành thần tượng của giới trẻ bởi họ đã nói hộ những băn khoăn, lo âu của những người trẻ cô đơn. Vấn đề chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm vẫn còn phải bàn cãi nhiều vì không phủ nhận thực tế những nhà văn trẻ giỏi kể chuyện chứ không phải là nhà văn hóa, người thích suy tưởng hay bậc thầy về ngôn ngữ.
Nhìn lại, có thể khẳng định, chưa bao giờ như bây giờ, văn học Trung Quốc đa dạng về phong cách và đề tài như hiện nay. Đất nước với dân số hơn một tỷ người đã chứng minh là cường quốc về kinh tế và đang dần khẳng định lại vị thế là trung tâm văn hóa như trong quá khứ. Văn học phát triển chậm chạp không như điện ảnh, thời trang, ca nhạc… nhưng sức ảnh hưởng cũng không hề thua kém. Với tiềm lực, truyền thống văn học ngàn năm, không ai ngạc nhiên chẳng mấy chốc văn học Trung Quốc đương đại sẽ sớm chinh phục được độc giả năm châu.
Nguồn: QĐND (Vũ Nghĩa)