Tác phẩm chọn lọc

27/10
2:54 PM 2017

HÒA HỢP, ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA VĂN NGHỆ SAU 1975

Đã hơn 40 năm kể từ ngày 30.4.1975, đất nước hết chiến tranh, Bắc Nam thống nhất, cả nước đi lên con đường dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta hãy cùng nhìn lại công cuộc thống nhất, hòa hợp dân tộc nhìn từ bình diện văn hóa, văn nghệ.

                                                                               PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ

Phóng viên báo Văn nghệ (PV) đã có cuộc trao đổi cởi mở với PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ (NTK) - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề này.

PV: Ông có suy nghĩ gì khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Cuộc gặp mặt lần thứ nhất các nhà văn trong nước và nhà văn người Việt đang sinh sống, sáng tạo nghệ ở nước ngoài với chủ đề “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”?

NTK: Tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết, với tinh thần cởi mở, cầu thị, tôn trọng lẫn nhau; lấy đạo lý dân tộc “bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; để cùng hướng tới mục tiêu đưa đất mẹ Việt Nam đi tới giàu mạnh, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc.

Nói mấy câu đó tưởng dễ, nhưng vượt lên khỏi những định kiến, mặc cảm, khác biệt, thậm chí mâu thuẫn... là không dễ. Nhưng nếu Hội Nhà văn Việt Nam không làm; các nhà văn người Việt trong và ngoài nước không làm, không rút ngắn lại những xa cách, thì đến bao giờ mục tiêu đại đoàn kết dân tộc trong giới văn học, nghệ thuật mới thực hiện được? Có đi thì mới có đến; đi bây giờ đã chậm; nhưng không đi thì đến bao giờ? Hơn 40 năm rồi!

PV: Nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, ông nhận thấy vấn đề hòa hợp dân tộc về mặt văn hóa đã được ông cha ta nhận thức và hành động như thế nào trong và sau các cuộc chiến tranh hoặc chia cắt?

NTK: Trong nghiên cứu về giao lưu văn hóa, người ta thường nhắc đến các khai niệm “dung hợp”, “tích hợp”, “tiếp biến” hoặc “đồng hóa” văn hóa, coi đó là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người (cộng đồng, dân tộc) có văn hóa khác nhau giao lưu tiếp xúc với nhau, tạo nên sự biến đổi về văn hóa của một hoặc cả hai nhóm. Lợi ích căn bản và lâu dài mà giao lưu, tiếp biến văn hóa đem lại là thúc đẩy sự phát triển của mỗi nền văn hóa. Lịch sử cho thấy, không một nền văn hóa nào có thể phát triển nhanh hoặc vượt bậc mà không có sự giao lưu, tiếp biến, tích hợp với các nền văn hóa khác. Giao lưu văn hóa là một nhu cầu bắt buộc cho sự tồn tại và phát triển của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc.

Việt Nam nằm ở “ngã tư của các nền văn minh”. Văn hóa Việt Nam chịu tác động bởi hoàn cảnh đó, và phát triển theo con đường dung hợp từ những nền văn hóa khác nhau. Bởi vậy “giao lưu” và từ đó là “dung hợp- tiếp biến” là một mảng đậm, một nhịp mạnh trong dòng chảy lâu bền của văn hóa Việt. Từ giao lưu, các lớp phù sa văn hóa hình thành, các lớp trầm tích văn hóa ra đời. Lật lại các trang sử của dân tộc, chúng ta nhận thấy rất rõ điều này khi mà nhờ năng lực tiếp biến đặc biệt, sức sống đặc biệt, trong suốt cả ngàn năm Bắc thuộc, dù ngoại tộc phương Bắc dùng muôn vàn mưu sâu, kế độc “Mã lưu nhân”, “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, văn hóa Việt vẫn không thể bị đồng hóa. Sau này, trong hành trình mở cõi về phương Nam, người Việt đã chung nhịp bước với cư dân bản địa, văn hoá Việt cũng có sự tiếp nhận, dung hợp và tiếp biến nhiều yếu tố văn hóa Chăm, Khmer và sau đó là những người Hoa di cư, để từ đó hình thành một vùng văn hoá đặc trưng Nam bộ kiểu Việt.

Nói như thế để thấy rằng, trong nghiên cứu văn hóa, nếu cho rằng “hòa hợp dân tộc về mặt văn hóa” là một cách tiếp cận có phần khiên cưỡng và xa lạ, thì có một điều hoàn toàn gần gũi, là truyền thống hoà hợp dân tộc với nghĩa “đùm bọc, cưu mang, vị tha, nhân ái, khoan dung với nhau” trong nếp nghĩ, nếp cảm, cách ứng xử của người Việt chúng ta. Suốt chiều dài lịch sử, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dù ở trong hoàn cảnh lịch sử nào, ông cha ta luôn giương cao ngọn cờ đại nghĩa, nhân văn, nhân đạo, biến nó thành đạo lý trong cư xử và ứng vận, để trở thành nguyên tắc trong đường lối chính trị. Đặc biệt hơn, truyền thống này không chỉ thể hiện đối với người trong cùng quốc gia, dân tộc mà còn được thể hiện cả với kẻ thù. Trong bản hùng ca Bình Ngô đại cáo bất hủ của Nguyễn Trãi gần 600 năm trước, tinh thần khoan dung, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam được thể hiện rất rõ: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo”. Và cũng chính lòng nhân ái, khoan dung cao cả đó kết hợp với tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên lũy thành vững chắc, trường tồn nhất để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ nền văn hiến nước nhà.

Ngày nay, truyền thống đó của dân tộc tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát huy với tư cách là một quan điểm chiến lược để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong Thư gửi đồng bào Nam bộ đăng trên Báo Cứu quốc số 255 ra ngày 1-6-1946,  Bác Hồ đã viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc...”

Bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách về đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung đề cao tinh thần dân tộc, để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bổ sung, sửa đổi năm 2013), tại Điều 5, ghi rõ: “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam... Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc... Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình…”. Đó là những nội dung hết sức quan trọng phản ánh ý chí, nguyện vọng cao cả của các dân tộc, của mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, trở thành ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, tất cả vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

PV: Thưa ông, công cuộc thống nhất đất nước về chính trị, kinh tế, xã hội... đã được thực hiện rất sớm sau ngày 30/4/1975. Còn trên bình diện văn hóa, văn nghệ, chúng ta thực hiện như thế nào, từ khi nào, trên cả góc độ nghiên cứu lý luận (về các thành tựu văn hóa, văn nghệ miền Nam giai đoạn 1945-1975 và văn hóa, văn nghệ của người Việt ở hải ngoại sau năm 1975) và thực tiễn (phổ biến các giá trị tích cực đích thực tới công chúng)? Đâu là nỗ lực và thành tựu cho đến nay, thưa ông?

NTK: Công cuộc đánh đuổi các thế lực ngoại bang, thống nhất đất nước đã kết thúc cách đây hơn 40 năm. Với bằng ấy thời gian, bên cạnh niềm tự hào lớn lao, chúng ta cũng đã và đang thẳng thắn nhìn lại một số vấn đề, một số góc cạnh của lịch sử đã qua,  trong đó có câu chuyện về thống nhất và phát triển văn hoá, văn nghệ ở hai miền Nam Bắc sau 1975 và văn hóa, văn nghệ của người Việt ở hải ngoại sau năm 1975.

Thực tế cho thấy, hơn 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đất nước ta không chỉ bị chia cắt về địa lý mà đây đó còn bị chia rẽ về lòng người. Đặc biệt là trong 20 năm miền Nam dưới chính quyền Sài Gòn. Bằng hệ thống tâm lý chiến khổng lồ với nhiều thủ đoạn trá hình, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cố tạo ra một thứ văn hoá uốn éo, ẻo lả, vị kỷ, bế tắc... Nguy hiểm hơn, họ muốn hướng dân chúng đến niềm tin lệch lạc rằng Việt Nam Cộng hoà là quốc gia riêng biệt, tách rời khỏi nước Việt Nam thống nhất; rằng “giải phóng miền Nam” thực chất là cuộc xâm lược của những người cộng sản miền Bắc. Sự hận thù được chính quyền Sài Gòn cài đặt, kích động vào trong tâm thức của một bộ phận người dân ở miền Nam, đến mức có người cực đoan vô lối: “Có một ngày ta trở lại cố đô/ Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ/ Trên tầng Chí Sĩ bàn tay vẫy/ Đại định Thăng Long, một bóng cờ”.

Một điều nữa cần nhận rõ, bên cạnh thứ văn hoá, văn học, nghệ thuật nô dịch, phản động được nuôi dưỡng bởi thế lực ngoại bang và chính quyền tay sai, trên mảnh đất miền Nam, còn có một dòng văn hóa, văn học, nghệ thuật kháng chiến phát triển vô cùng mạnh mẽ ở vùng giải phóng, và cả sự xuất hiện và phát triển của dòng văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước, tiến bộ ngay tại vùng bị tạm chiếm.  Chẳng hạn, trong văn học, có Vũ Hạnh, Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Dương Tử Giang, Lê Vĩnh Hoà, Trần Ngọc Sơn, Trọng Tuyên… Họ là những nhà văn yêu nước và tiến bộ, có ảnh hưởng tích cực trong đời sống tinh thần của đồng bào ở các đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, còn là sự xuất hiện của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhà văn, dịch giả tên tuổi như Nguyễn Hiến Lê, Toan Ánh, Bửu Cầm, Sơn Nam, Vũ Bằng, Vương Hồng Sển, Huỳnh Văn Tòng... với các công trình nghiên cứu, khảo cứu văn hóa, các tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị về đất nước, con người Việt Nam, khẳng định những cống hiến đáng kể của trí thức miền Nam trước giải phóng trong nhiệm vụ gìn giữ và phát triển của văn hoá nước nhà.

Vì thế, ngay sau ngày giải phóng, nước non liền một dải, cùng với yêu cầu thống nhất về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đấu tranh chống lại những tàn dư “văn hoá” phản động; thì việc chọn lọc, gìn giữ, phát huy những yếu tố dân tộc, dân chủ, tiến bộ trong văn học, nghệ thuật ở những vùng bị địch chiếm và của những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài là một đòi hỏi tất yếu, cần thiết. Chẳng hạn trong lĩnh vực xuất bản, cùng với sách của 128 tác giả và 920 đầu sách bị cấm lưu hành, bằng sự “gạn đục, khơi trong”, chính quyền cách mạng đã cho phép lưu hành 1067 cuốn sách tiếng Việt, 562 cuốn sách tiếng Anh, 359 cuốn từ điển bằng tiếng nước ngoài...

Cũng sau chiến tranh, xuất hiện tác phẩm của các nhà văn người Việt ở nước ngoài như Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thụy Vũ, Nguyên Sa, Hoàng Chính, Đỗ Quyên, Nguyễn Thị Dị, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Bá Chung... Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã chọn và trao giải thưởng văn học của Hội cho các tác giả: Nguyễn Văn Thọ, Đoàn Minh Phượng, Thuận...; Hội cũng kết nạp các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, Giáp Văn Chung, Nguyễn Lam Thủy, Châu Hồng Thủy, Nguyễn Đình Lâm, Hiệu Constant. Nhiều nhà văn ở ngoài nước cũng gắn bó với Hội như Nguyễn Kế Tường, Đoàn Thạch Biền, Võ Hồng, Mường Mán, Trần Ngọc Hưởng, Nguyễn Hoàng Thu...

Tuy vậy, cho đến nay, theo cách nhìn của riêng tôi, cả nghiên cứu và phổ biến các giá trị của văn học, nghệ thuật miền Nam trước giải phóng và văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ngoài nước, nhất là trên phương diện nghiên cứu lý luận, còn có những hạn chế nhất định, trong đó có nguyên nhân chủ quan khó tránh khỏi của nhãn quan lịch sử.  Hơn 10 năm trở đây, đã có những chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm. Một số tác phẩm, tác giả văn học, nghệ thuật phía Nam thời kỳ trước giải phóng và của đồng bào ta ở hải ngoại đã được nghiên cứu, giới thiệu với công chúng. Và chúng ta - những người có trách nhiệm, cần tiếp tục chọn lọc, gìn giữ, phát huy những giá trị tích cực, nhân văn trên tinh thần hòa hợp dân tộc để hàn gắn vết thương, để mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước, cũng cùng nhìn về phía trước mà suy nghĩ và hành động vì tương lai dân tộc, vì một đất nước giàu mạnh, văn minh...

PV: Như những điều ông nói ở trên, có thể thấy ngay rằng, văn hóa, văn nghệ miền Nam trước năm 1975 gồm rất nhiều dòng chảy, trong đó có dòng chảy văn nghệ kháng chiến, phản chiến... và cùng với đó là dòng chảy mà chế độ cũ coi là “chính thống”. Ông nghĩ gì về điều này khi mà chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm?

NTK: Trước hết, cá nhân tôi ủng hộ việc phổ biến các giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật ở miền Nam trước năm 1975 và của bà con ta sau năm 1975 ở hải ngoại. Việc rất cần làm là đẩy mạnh nghiên cứu, chọn lọc, phổ biến những tác giả, tác phẩm tiến bộ, không cố tình gây tội ác do/cho ngoại bang sai khiến. Các nhà nghiên cứu cũng có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình, nhưng phải đứng trên các nguyên tắc cơ bản. Lẽ dĩ nhiên, đối với một hay một số vấn đề văn hóa - lịch sử phức tạp như vậy, không thể là công việc dễ dàng, phải có một cách tiếp cận vừa khoa học, tỉnh táo, vừa nhân văn, khoan dung, cầu thị. Với một số tác phẩm văn học, tuy về nội dung có chuyện này, chuyện kia (nhưng không chống lại dân tộc, nô dịch, lai căng), có thể xem xét sâu hơn bình diện hình thức, nghệ thuật ngôn từ, phương pháp sáng tác..., ví dụ một số tác giả, tác phẩm xuất hiện trên các tạp chí do chính quyền Sài Gòn dựng lên hay kiểm soát như Sáng Tạo, Quan Điểm, Văn Hóa Ngày Nay, Nhân Loại...

Tất nhiên, trong thực tế, câu hỏi về cách ứng xử như thế nào đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tác giả miền Nam trước 1975 là vấn đề khó có được câu trả lời cụ thể và thấu đáo. Vì lẽ đó, chúng ta cần có nhiều nỗ lực hơn nữa, với tầm nhìn và trách nhiệm cao hơn. Sẽ là không thừa khi nhắc lại điều này, việc tìm kiếm, chọn lọc, bảo lưu các giá trị văn học, nghệ thuật miền Nam trước giải phóng và của đồng bào ta ở hải ngoại, trước và sau năm 1975, phải đặt trên một nguyên tắc, một nguyên tắc không được phủ nhận, xem nhẹ hay đảo lộn: đó là tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Bởi một số người nào đó, gần đây đã nhân danh “hòa hợp dân tộc”, “thống nhất văn hóa” mà đưa ra quan niệm sai trái về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; coi những văn nghệ sĩ từng cầm bút chống lại sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn là hành động vì “lý tưởng khác”, “lựa chọn chính trị khác”; đòi “hợp lưu” dòng văn học, nghệ thuật cách mạng với dòng văn học, nghệ thuật phản động, nô dịch, vong bản; đòi lật lại lịch sử, “hạ bệ”, “giải thiêng” các giá trị to lớn, thiêng liêng của dân tộc. Nếu không bảo vệ chân lý này, vô hình chung, chúng ta đã đồng lõa với cái xấu, hủy hoại giá trị nhân bản và nhân văn, xóa nhòa ranh giới giữa thiện và ác, chính và tà, giữa yêu nước với bán nước. Cho nên, hòa hợp dân tộc, tìm tiếng nói thống nhất, trân quý những giá trị Chân-Thiện-Mỹ của văn học, nghệ thuật ở một giai đoạn lịch sử đã qua phải trên tinh thần “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” chứ không phải là “xét lại” để làm méo mó sự thật, gạt bỏ đạo lý. Ở đây, có một điều chúng ta  không thể quên, trong sự thống nhất để đi đến hòa hợp, phải có sự chân thành, khoan dung và cầu thị. Chân thành với nhau không mang theo thiên kiến thù hận. Chân thành với đất nước, với dân tộc, làm tất cả vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Chân thành với lịch sử, tôn trọng sự thật, tôn trọng giá trị lịch sử.

PV:  Quan sát trong đời sống văn hóa văn nghệ thời gian gần đây, ta có thể thấy khá nhiều các tác giả, tác phẩm một thời từng bị coi là “bên kia chiến tuyến” được chọn lọc in ấn, xuất bản hay cấp phép phát hành, biểu diễn trở lại hay của các nhà văn người Việt ở hải ngoại. Ông đánh giá điều này như thế nào? Ông có kỳ vọng gì trong thời gian tới về việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc “hòa hợp dân tộc” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ?

NTK: Chúng ta đang nỗ lực để xây dựng một đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng nhà nước pháp quyền. Vì thế, trong Hiến pháp, quyền con người luôn được khẳng định, được tôn trọng, mọi người có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật. Trong Luật Xuất bản, Nhà nước cũng bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, các quyền liên quan; không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản. Đó là căn nguyên lý giải tại sao những năm qua ở Việt Nam, các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được xuất bản, trong đó có những tác phẩm trước năm 1975 ở miền Nam trước đây.

Từ câu chuyện về sự xuất hiện của các tác phẩm từng bị coi là “bên kia chiến tuyến” được chọn lọc in ấn, xuất bản hay cấp phép phát hành, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ hải ngoại trở về quê hương sáng tác, biểu diễn, giao lưu, tôi muốn quay trở lại câu chuyện hòa hợp dân tộc bằng con đường văn hóa, nhưng ở một khía cạnh khác, đó là đối với người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài.

Hơn 70 năm qua, chúng ta thực hiện hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân tộc, vì đó là một yếu tố bảo đảm cho sự vững mạnh của đất nước cả hiện tại và tương lai, huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song như đã nói, có những yếu tố lịch sử dẫn đến hạn chế trong nhận thức chủ quan của những người làm văn hóa,  khiến cho có những giá trị văn học, nghệ thuật của một thời có thể chưa được định vị đúng. Trong khi đó, về mặt chính sách, chúng ta vẫn thiếu những biện pháp tích cực giúp đồng bào hải ngoại tìm hiểu sâu văn hoá dân tộc, liên hệ mật thiết với quê nhà, góp phần đấu tranh với những hoạt động chống phá đối với Tổ quốc.

  Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, giới văn nghệ sĩ nói riêng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực, chủ động tiến hành các bước đi thiết thực, chân thành để mọi người Việt Nam ở nước ngoài có thể hòa hợp cùng dân tộc. Riêng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thực tế cho thấy, lực lượng hoạt động văn hoá, văn nghệ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay không nhỏ, đã có những công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học, nghệ thuật tốt hướng về Tổ quốc. Cho nên, dù những ai đó ra đi vì các lý do khác nhau, thì Đảng, Nhà nước vẫn tạo điều kiện để anh chị em văn nghệ sĩ trở về quê cha đất tổ, thăm nom, giúp đỡ người thân, sáng tác, quảng bá, biểu diễn phục vụ bà con quê nhà, đóng góp với đồng bào trong nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những minh chứng cụ thể cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết mà chúng ta hướng tới. Tôi tin rằng, cùng với thời gian, từ thực tế  sự phát triển của đất nước, từ tinh thần hòa hợp với thiện chí chân thành và những chính sách phù hợp của Nhà nước, nhận thức của rất nhiều người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài sẽ thay đổi, để đến lúc gần năm triệu đồng bào đang làm việc, sinh sống ở hải ngoại, trong đó có giới văn nghệ sĩ, bằng con tim yêu thương, tinh thần yêu nước, thái độ bình tĩnh, sẽ đồng lòng bắt tay nhau xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng, văn minh.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ về cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn và thú vị này!

 

Nguồn Báo Văn nghệ số 43/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *